Tết – dịp chị em công sở “cá kiếm” từ đồ handmade
Kinh tế khó khăn, thưởng Tết bị thu hẹp, nhiều chị em công sở lanh lẹ chuyển sang hướng khác để “cá kiếm” mùa Tết này.
Người khéo tay bán đồ handmade
Ban đầu, chị Hà (32 tuổi, nhân viên kế toán ở Hà Nội) không hề có ý định bán bánh chưng, giò handmade. Tết năm ngoái, chị không yên tâm với đồ ăn được làm ở bên ngoài nên rủ chồng và gia đình em gái làm thử, vừa để gia đình ăn, vừa để đem biếu. Ai dè mọi người khen tới tấp, nói vợ chồng chị làm ngon hơn cả ngoài hàng.
Năm nay, chị quyết kinh doanh từ tài lẻ của hai vợ chồng. Cách đây mấy hôm, chị Hà đã đăng lên facebook thông báo bán bánh chưng, giò tự làm, chuyển hàng tận nơi với giá 60.000 ngàn đồng một cái bánh chưng, 180 ngàn đồng một cân giò xào.
Mới đăng thông tin lên được vài ngày, chị Hà đã được mọi người nhiệt liệt ủng hộ, phần lớn là đồng nghiệp của chị và ông xã đặt để mang về ăn và đi biếu. Chị chia sẻ: “Đông người đặt hàng, đắt khắt nên tôi cũng mừng. Mong là sẽ kiếm được một khoản để sắm sửa Tết cho tươm tất”.
Mứt - món đồ handmade được bán khá chạy mùa Tết này
Năm nay, mặt hàng được các chị em công sở kinh doanh nhiều nhất chính là mứt. Mức giá chung cho mặt hàng này là thường là 120 ngàn đồng một cân mứt trắng, 130 ngàn đồng một cân mứt có hương vị. Món đồ này không khó làm, chỉ cần kiên nhẫn và khéo léo một chút. Bởi vậy, khá nhiều chị em lựa chọn làm mứt để bán.
Dù chưa đến Tết nhưng ở nhiều văn phòng, các chị em mua mứt khá rộn ràng. Mứt đang trở thành món ăn vặt khoái khẩu của chị em tại cơ quan. Chị Dung (28 tuổi, nhân viên hành chính) chia sẻ: “Mình cũng rao trên mạng nhưng chủ yếu bán được nhiều nhất là cho các chị em đồng nghiệp. Mọi người đặt mua nhiều để ăn trong giờ nên hết cũng nhanh, cuối tuần nào tớ cũng ngồi làm mứt, một phần vì thích, một phần để kiếm thêm thu nhập dịp Tết”.
Chị Lê Nhi (33 tuổi, làm tại một công ty truyền thông) lại có mẹ chồng rất khéo tay. Mặt hàng chả cá do mẹ chị làm được chị em đồng nghiệp, người quen của chị Nhi vô cùng yêu thích. Chả cá của mẹ chồng chị làm từ cá mòi và cá mối, có nhiều loại cay, không cay, cay vừa tùy thuộc vào yêu cầu của khách. Chị Nhi cũng bán thêm muối ớt tự làm với giá 30 ngàn đồng/ lọ. Sản phẩm “cây nhà lá vườn” của nhà chị Nhi được đông đảo mọi người ủng hộ, đặc biệt là chị em đồng nghiệp.
Chị Nhi rao bán chả cá và muối ớt handmade trên trang cá nhân.
Đặc sản quê hương cũng được “lên sàn”
Không khéo tay để làm đồ handmade nhưng Hương (24 tuổi, nhân viên ngân hàng) lại nhanh nhẹn về quê đem đặc sản lên để bán cho bạn bè, đồng nghiệp tại Hà Nội. Lợi thế có quê ở vùng biển Quảng Ninh, mặt hàng hải sản, chả cá, chả mực của cô nàng đắt như tôm tươi.
Ngày thường, Hương vẫn nhờ bố mẹ đóng thùng hải sản gửi theo xe ô tô lên đều đặn để bán cho đồng nghiệp đặt hàng. Dịp Tết, cô nàng cũng tranh thủ “cá kiếm”, nhiều người đã đặt hàng Hương sớm để có hải sản tươi ngon ăn Tết. Cô nàng quyết định ở lại Thủ đô tới hết 29 Tết mới về để phục vụ chị em.
Một bạn trẻ rao bán miến dong trên facebook.
Hà Linh (31 tuổi, nhân viên Marketing) có em họ đang công tác trên Lào Cai. Tết này, chị em cô cùng nhau buôn đồ đặc sản vùng cao. Mấy hôm nay, Linh rất nhiệt tình quảng cáo tới đồng nghiệp các món thịt lợn đen sạch, gạo nếp nương, gà bản,… Cô hồ hởi chia sẻ:
“Mọi người ở công ty có vẻ khá hứng thú. Chị cũng nhờ các bạn chia sẻ trên facebook và cũng khá nhiều người hỏi han đặt hàng. Xoay qua đường buôn bán kiếm chút đỉnh chứ trông chờ mấy đồng thưởng Tết thì chỉ có đói dài”.
Bán đồ handmade, đặc sản là một cách hay để chị em kiếm thêm chút thu nhập ngày Tết. Công sở những ngày cận Tết cũng rộn ràng không khí xuân, chị em cùng nhau sắm sửa, lo toan cho một năm mới sắp tới.