6 năm chung nhà, bố mẹ chồng tôi luôn chờ cơm con dâu
Trong 6 năm sống chung một mái nhà, dù mẹ chồng con dâu hay khắc khẩu, hay đấu miệng nhưng bất kể con dâu về muộn đến đâu, ông bà đều chờ cơm, đều chăm lo cho con cháu hết lòng.
Hồi yêu nhau, tôi nói với anh sau này nhất quyết không ở với mẹ chồng. Tôi sợ làm dâu. Anh cười bảo, mẹ anh hiền lắm, đừng lo. Nhưng tôi lắc đầu ngúng nguẩy. Dù tính tình hiền đến đâu thì tôi vẫn e dè với mối quan hệ mới đó. Lúc đó anh quá yêu tôi nên gật đầu đồng ý dù anh là con một trong nhà.
Ngay sau đêm tân hôn, tôi đã bấm nhéo eo anh nhắc nhở anh xin phép về nhà trọ. Bố mẹ chồng tôi bảo căn nhà này vốn làm để anh lấy vợ. Hay vợ chồng anh ở đây, bố mẹ dọn ra chỗ khác cũng được. Hai ông bà già sống ở đâu chẳng được. Nhưng chồng tôi vội xua tay từ chối, lấy lý do chỗ ở mới gần cơ quan, tiện đường đi làm. Nghe thế, bố mẹ chồng tôi cũng không cố gắng níu kéo nữa. Thực chất hai vợ chồng tôi thuê một căn tập thể 50m2 chỉ cách nhà chồng hơn một cây số.
Cuối tuần đó về thăm bố mẹ chồng, thấy ông bà lủi thủi người tưới cây, người ngồi nhặt rau, tôi cũng rất thương nhưng vẫn cố gắng giữ vững lập trường. Tôi biếu ông bà ít thuốc bổ, cái khăn cho bà và chiếc mũ len cho ông, sau đó ngồi trò chuyện khách sáo một chút rồi về.
Vài hôm sau, vợ chồng tôi đi ăn cưới bạn bè ở xa, chiều tối mới về đến Hà Nội. Vì đã muộn lại ngại ăn uống ngoài đường nên chồng bảo tôi về thẳng nhà bố mẹ ăn cơm. Về đến nơi lúc đó đã hơn 7 giờ tối, bố mẹ chồng tôi đang ngồi ăn cơm.
Nhìn những món ăn trên bàn mà tôi giật mình. Ngoài cơm trắng ra chỉ có vài miếng thịt rang mặn, một đĩa rau muống luộc và bát tương bần chưng. Thấy chúng tôi về, mẹ chồng vội vã lục tìm trong tủ lạnh vài quả trứng định đem đi làm thêm món nữa. Nhưng tôi xua tay bảo mẹ cứ vào, tôi tự làm.
Đây là lần đầu tiên tôi vào bếp nhà chồng. Chưa kể thiếu thốn đủ loại gia vị, mà lọ muối, lọ mắm đều bé tí bằng ống đựng tăm. Bữa ấy tôi chỉ ăn vài miếng cơm bởi cổ họng nghẹn cứng vì loại gạo khô khốc mà bố mẹ chồng tôi ăn và bởi trong lòng có những trăn trở.
Tối đó, nằm trằn trọc mãi, tôi bảo anh trả nhà thuê rồi dọn về sống với bố mẹ chồng. Có gì tiện đường chăm sóc, nếu không hợp, lại chuyển đi cũng chưa muộn. Anh mừng và cảm ơn vợ rối rít.
Ngày dọn về, tôi nhìn thấy niềm vui rõ ràng trên khuôn mặt bố mẹ chồng. Tôi để ý thấy trong nhà nội thất bình thường nhưng riêng phòng của vợ chồng tôi đều là thứ tốt. Từ bộ chăn ga gối đệm là hàng xịn, màu sắc cũng là màu tôi thích. Đến rèm cửa màu xanh nhạt, sờ vào mát lạnh, hay bộ cốc chén cũng là đồ cao cấp.
Mấy ngày đầu sống yên ổn, mẹ con tuy ít nói chuyện nhưng không hề va chạm xích mích hay khó chịu điều gì. Nhưng đến một chiều sau đó 1 tuần, khi xuống bếp làm bữa tối, nhìn quanh quất, tôi phát hiện ngay bát nước chấm được đậy hờ bằng tờ giấy trên bàn. Mở ra thì đúng là bát mắm chấm lúc trưa còn thừa.
Tôi phản ứng bằng cách gọi to: “Mẹ ơi là mẹ!”. Mẹ chồng tôi cầm rổ rau từ ngoài chạy vào cũng to tiếng không kém “Tôi có cướp ô xy, không khí hay bỏ đói chị đâu mà chị gọi tôi như thế”. Tôi vùng vằng “Có tí nước mắm đắt đỏ gì đâu mà mẹ còn tiếc. Mẹ cứ đổ hết đi, 200 nghìn một lít thì con cũng mua cho mẹ dùng”.
Đến khi nhìn thấy rổ rau mẹ tôi vừa nhặt, cẳng còn dài ngoằng, tôi "phê bình" bà: “Mẹ đừng tiết kiệm thế”. Vậy là mẹ chồng tôi vừa ngồi xuống nhặt lại, vừa lẩm bẩm “Không tiết kiệm thế này thì với số luơng nhỏ nhoi của bố chồng chị làm sao xây được căn nhà 3 tầng này. Tôi mà cứ sống cho sướng miệng thì giờ đã béo múp chứ đâu đến nỗi gầy gò vì chắt chiu. Mà chị đáo để vừa vừa thôi chứ. Rốt cuộc chị là mẹ chồng hay tôi là mẹ chồng?”. Nghe được những lời đó, tôi chỉ biết im lặng.
Ăn cơm xong, tôi đưa cho bà hai triệu. “Mẹ thêm chút tiền để mua thêm thức ăn ăn trưa. Mẹ đừng tiết kiệm quá mà ốm đau bệnh tật. Lúc đấy lại tốn tiền đi viện”. Mẹ tôi bảo “Tôi ăn mắm ăn muối mấy chục năm rồi, có ốm đau gì đâu. Lúc đẻ xong thằng Trường, tôi còn ăn cơm với muối rang suốt cả tháng giời, vẫn đủ sữa cho nó bú, mà nó cũng lớn vù vù”. Tôi thở dài “Giờ mẹ già rồi, khỏe đến mấy thì xương cốt cũng giòn. Mẹ không muốn bọn con sau phải bỏ hàng trăm triệu chạy chữa cho mẹ thì mẹ ráng ăn uống giữ sức khỏe. Sau còn trông cháu nội chứ”.
Nghe đến đây, mẹ chồng tôi cười khà khà thì thầm hỏi tôi thấy gì chưa? Tôi nhăn mặt, mới cưới được hơn 2 tuần, làm sao nhanh vậy chứ.
Mỗi lần lên bàn thờ thắp hương và nhìn di ảnh của bố mẹ chồng, lần nào người con dâu là tôi cũng nhớ về những kỷ niệm ngày cũ (Ảnh minh họa)
Một tháng sau, chồng tôi phải đi công tác trong Sài Gòn 4 ngày. Hai hôm đầu, do công việc bận rộn nên tôi không cảm thấy vắng vẻ. Đến ngày thứ ba, tôi phải tăng ca tới gần 8 giờ tối mới về. Về nhà, thấy bố mẹ chồng đang ngồi xem ti vi, mâm cơm trên bàn còn nguyên.
Trông thấy bóng tôi, mẹ chồng đứng dậy vừa đi vào bếp vừa bảo: “Có nước nóng đấy, chị đi
rửa mặt tay chân rồi ra ăn cơm”. Rồi bà bưng rau củ đi xào lại. Dù rất cảm động
nhưng tôi vẫn mạnh miệng: “Sao bố mẹ không ăn cơm trước đi”. Mẹ chồng tôi hừ một
tiếng: “Không đói, giờ mới muốn ăn”. Sau đó bố tôi cũng xúm vào giúp soạn bát
đĩa. Đó là bữa cơm gia đình ngon nhất trong hơn một tháng tôi làm dâu…
Thời gian thấm thoắt trôi, tôi cũng sinh con và làm mẹ như bao người phụ nữ khác. Trong 6 năm sống chung một mái nhà, dù mẹ chồng con dâu hay khắc khẩu, hay đấu miệng nhưng bất kể con dâu về muộn đến đâu, ông bà đều chờ cơm, đều chăm lo cho con cháu hết lòng. Trời rét, nhưng ngủ dậy là tôi có nước nóng rửa mặt. Cậu con trai của tôi cũng được ông bà trông nom cẩn thận, chăm chút từng ly từng tí. Dù con đang ốm đau, tôi đi làm cũng rất yên tâm.
Cho tới 1 ngày, 6 năm sau ngày tôi về làm dâu, mẹ chồng tôi ngã bệnh và ra đi rất đột ngột. Bà mất, tôi thấy mình mất đi một người mẹ, một người bạn thân thiết. Căn nhà tôi ở cũng trở nên trống vắng hơn vì không có bà chuyện trò. Nhưng biến cố gia đình tôi chưa dừng tại đó, 3 tháng sau ngày mẹ chồng mất, bố chồng cũng vội ra đi sau một cơn tai biến. Nhà tôi chỉ còn lại vợ chồng và con cái chúng tôi.
Hiện, mỗi lần lên bàn thờ thắp hương và nhìn di ảnh của bố mẹ chồng, lần nào người con dâu là tôi cũng nhớ về những kỷ niệm ngày cũ. Bố mẹ chồng tôi dù đã không còn ở trên thế gian này nhưng ông bà vẫn như đang sống vui vầy cùng con cháu trong nhà. Tôi cũng luôn nhớ về họ - những bố mẹ chồng chân chất mà hiền hậu. Tôi cũng thầm cảm ơn đời đã cho tôi được làm dâu những người bố, người mẹ như vậy.