Tắm "lá mùng Năm", ăn cơm rượu nếp... và những việc không thể không làm trong ngày Tết Đoan ngọ

Minh Dương,
Chia sẻ

Một trong những truyền thống đẹp đẽ giàu tính dân tộc của người Việt ta vào tháng 5 Âm lịch là đón ngày Tết Đoan ngọ: "Tháng Tư đong đậu nấu chè/Ăn tết Đoan ngọ trở về tháng Năm”.

Ngày Tết Đoan ngọ, còn gọi là Tết Đoan dương, Tết nửa năm và dân gian thường gọi là Tết "diệt sâu bọ". Tết Đoan ngọ diễn ra trong những ngày đầu tháng 5 Âm lịch mang một ý nghĩa sâu sắc trong tâm hồn người dân Việt Nam. Mỗi độ tháng Năm về, không khí ấy lại trở nên nhộn nhịp và tràn ngập sắc màu văn hóa dân gian. 

Nổi bật trong đó là việc thưởng thức cơm rượu nếp, một hương vị không thể lẫn vào đâu được, vừa dân dã lại vừa tinh tế. Không chỉ vậy, việc tắm lá mùng Năm cũng trở thành phần không thể thiếu, một phong tục độc đáo nhằm xua đuổi tà khí, mang lại sức khỏe và may mắn - theo Tìm hiểu nghi lễ cưới hỏi, thờ cúng trong dân gian của tác giả Hà Hoài Dung.

Những tục lệ không thể thiếu được trong ngày Tết Đoan ngọ: Ăn cơm rượu nếp, tắm lá mùng Năm và những điều đặc biệt khác chỉ để cầu mong một thứ - Ảnh 1.

Nhưng ngày Tết Đoan ngọ còn ẩn chứa nhiều điều đặc biệt khác, những nghi thức và niềm tin được lưu truyền qua bao thế hệ, tất cả cùng hướng về một mong ước chung nằm sâu trong trái tim mỗi người: Sự an lành và hạnh phúc. Hãy cùng chúng tôi ngoảnh về quá khứ một chút để nhìn lại những tục lệ cũ cũng như tìm hiểu những nét đẹp văn hóa mà người dân Việt Nam vẫn còn lưu giữ ở hiện tại để hiểu thêm về tầm quan trọng của ngày Tết Đoan ngọ trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân Việt.

Nhiều người cho rằng, người Việt mình ăn Tết Đoan ngọ do ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, tuy nhiên bản sắc văn hóa dân gian chưa bao giờ bị hòa tan mà vẫn giữ được hồn cốt riêng gắn liền với dải đất hình chữ S.

Theo Sina, trong ngày Tết Đoan ngọ, người dân Trung Quốc cũng ăn bánh tro nhưng ở phiên bản khác, có nhiều nhân (gọi là bánh Bá Trạng), treo ngải hoặc xương bồ trước cửa, đan dây ngũ sắc để đeo vào tay, bắn tên vào ""Ngũ độc". Theo dân gian Trung Quốc, ngày 5/5 Âm lịch là ngày "Ngũ độc" - ngày rắn, tắc kè, bọ cạp, rết và cóc tràn vào. Ngày xưa, những người dũng sĩ trong làng sẽ cầm cung tên đến các ngôi chùa địa phương để cầu nguyện phước lành, mong rằng họ có thể dùng cung tên của mình để xua đuổi mọi loại độc tố đầu độc dân làng. Và hoạt động “bắn năm độc” là thi đấu bắn cung bằng cách bắn vào năm mục tiêu có độc.

Nếu như ngày lễ này ở Nhật, người dân sẽ thả những chiếc diều hoặc đèn hình cá màu xanh dương để cầu chúc sức khỏe cho các bé trai thì người Trung Quốc cũng có những hoạt động hướng đến cầu mong sức khỏe cho con cháu. Người Trung Quốc xưa thường uống rượu hùng hoàng để sát trùng, xua đuổi côn trùng nhưng hùng hoàng dù sao cũng độc nên hiện tại người ta sẽ dùng hùng hoàng viết chữ “Vương” lên trán trẻ nhỏ thể hiện tín ngưỡng xua đuổi tà ác và chúc phúc cho con cái. Bên cạnh đó, họ cũng làm túi thảo mộc từ vải vụn nhiều màu sắc và các sợi tơ năm màu chứa đầy các loại gia vị khác nhau. Chúng không chỉ đẹp, thơm mà còn có tác dụng đuổi muỗi và có ý nghĩa tốt đẹp là cầu sức khỏe. Ngoài ra, tục tắm hoa lan trong Lễ hội Thuyền Rồng cũng xuất hiện từ thời Chiến Quốc. Hoa lan thời đó không phải là loài lan ngày nay mà là cây mần tưới thuộc họ Cúc, có mùi thơm và có thể đun nước tắm. Cho đến ngày nay, Quảng Đông, Hồ Nam, Quảng Tây và các nơi khác ở Trung Quốc, người ta đun sôi ngải cứu, đuôi mèo, hoa cúc, lá đào,… thành nước thuốc để tắm. Người ta cho rằng nó có thể chữa các bệnh ngoài da và trừ tà - theo tờ Tân Hoa Xã.

Một số nước phương Đông nằm trong cùng dòng chảy văn hóa như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản cũng đón ngày Tết Đoan ngọ, tuy nhiên mỗi đất nước lại mang màu sắc riêng. Nếu như ở Nhật Bản, ngày 5/5 Âm lịch là ngày Lễ hội Tango no Sekku hay còn gọi là Lễ hội dành cho các bé trai thì ở Trung Quốc là Lễ hội Thuyền Rồng - một trong những ý nghĩa của ngày này là tưởng nhớ nhà thơ, nhà yêu nước Khuất Nguyên. Trong ngày Tết Đoan ngọ, người Trung Quốc cũng rất tất bật chuẩn bị nhiều hoạt động để đón ngày "độc nhất trong năm".

Vậy còn ở Việt Nam, trong ngày Tết Đoan ngọ những tục lệ nào không thể thiếu?

Tắm "lá mùng Năm"

Một trong những tục lệ không thể thiếu trong ngày Tết Đoan ngọ mà nhiều người vẫn giữ hiện nay đó là đun nước tắm từ lá mùng Năm. Ngày Tết Đoan ngọ được coi là ngày có dương khí mạnh mẽ bậc nhất trong năm, bởi vậy, ngày này người ta kéo nhau đi hái lá thuốc, thảo dược về chữa bệnh hoặc đun nước tắm. 

Nhiều người cho rằng, trong ngày Tết Đoan ngọ, dù đủ thức quà mà thiếu nồi nước tắm lá mùng Năm là vẫn chưa đủ phong vị để diệt sâu bọ. Lá mùng Năm thực chất đều là thảo cỏ xung quanh cuộc sống đời thường, đặc biệt là những loại cây cỏ, thảo mộc được hái vào giờ Ngọ ngày 5/5 Âm lịch. Dẫu vậy, thời gian cũng làm phong tục cũng có nhiều thay đổi. Ngay từ đầu tháng 5 Âm lịch, người ta đã rục rịch đi hái lá mùng Năm để bán vào sớm ngày Đoan ngọ. 

Thảo mộc, cây cỏ được hái trong những ngày dương khí mạnh giữa tiết khí Mang Chủng - Hạ Chí này đều có dược tính mạnh. Lá mùng Năm là tên gọi chung cho những loại cây cỏ dân dã có tác dụng chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho con người, từ những cây gia vị quen thuộc như tía tô, ngải cứu, cúc tần đến ngũ gia bì, lá mơ, bạc thau, bạc hà, lá ổi, dây chiều, dủ dẻ, lá bướm,...

Những tục lệ không thể thiếu được trong ngày Tết Đoan ngọ: Ăn cơm rượu nếp, tắm lá mùng Năm và những điều đặc biệt khác chỉ để cầu mong một thứ - Ảnh 4.

Ở Quảng Nam, vào ngày Tết Đoan ngọ, người dân vẫn giữ được tục lệ bán lá mùng Năm. Chẳng hạn như ở chợ Mai (Tam Kỳ), chợ An Lương (Duy Xuyên) có bán từ bó lá tươi đến túi lá khô mua về để dành uống thay trà quanh năm giúp giải nhiệt, tiêu thực. Trà lá mùng Năm còn là sản vật đặc trưng của đảo Cù Lao Chàm. Những chợ bán trà mùng Năm này có cả thảy đến gần 90 loài lá uống được. Người dân ở đây còn có những ruộng lá mùng Năm, cứ đến mùa là thu hoạch để bán vào ngày Tết Đoan ngọ tại Bình Đào (Thăng Bình, Quảng Nam). Ảnh: Lê Quân/Báo Quảng Nam.

Trong ngày này, nếu người miền núi thường lên rừng hái thuốc - lá thuốc hấp thụ dương khí mạnh sẽ có dược tính mạnh nhất về chữa bệnh thì người vùng biển thường tắm biển từ sáng sớm để "xả xui". Ở nhiều nơi, người dân cũng thực hiện treo bó ngải hoặc xương rồng trước cửa để xua đuổi tà khí, bảo vệ bình an cho gia đình. Người dân ở thành phố, đô thị cũng cố ghé vào chợ quen để tìm bó lá về đun nước tắm. 

Những tục lệ không thể thiếu được trong ngày Tết Đoan ngọ: Ăn cơm rượu nếp, tắm lá mùng Năm và những điều đặc biệt khác chỉ để cầu mong một thứ - Ảnh 5.

Những bó lá xông rất đắt hàng trong ngày Tết Đoan ngọ. Ảnh: Thiện Hợp.

Tại TP. HCM, vào ngày Tết Đoan ngọ, chợ Sơn Kỳ, chợ Võ Thành Trang, chợ Bàn Cờ, chợ Hòa Hưng tấp nập hơn hẳn, vì người dân cũng muốn đi chợ sớm để mua cho kỳ được bó lá xông tươi về nấu nước tắm. Còn ở Hà Nội, ghé bất cứ chợ dân sinh nào cũng sẽ mua được cơm rượu nếp và hoa quả để diệt sâu bọ.

Treo ngải cứu, xương rồng trước cửa để trừ tà, xua đuổi bệnh tật

Phan Kế Bính từng nhắc đến tục hái lá trong Việt Nam phong tục rằng sau khi cúng gia tiên thì "Đi hái lá mồng Năm, bất cứ lá gì bạ gặp lá gì cũng hái, mà nhất là hay hái lá ích mẫu, lá cối xay, lá muỗm, lá vối,... Đem về ủ rồi phơi khô, về sau đem nấu uống, cho rằng uống thế thì lành. 

Lại nhiều người đi lấy lá ngải cứu, tuỳ năm nào thì kết hình con thú năm ấy (theo mười hai tiểu hình), như năm Tý thì kết con chuột, năm Sửu thì kết con trâu, năm Dần thì kết con hùm, năm Mão thì kết con mèo,... 

Kết đoạn treo giữa cửa để trừ sự bất tường, và để về sau ai có bệnh đau bụng, thì dùng làm thuốc tốt lắm". 

Tục treo lá trước cửa nhà trong ngày Tết Đoan ngọ vẫn được nhiều nơi thực hiện.

Ăn cơm rượu nếp và quả có vị chua

Tết Đoan ngọ diễn ra trong giai đoạn chuyển mùa và tiết khí, dịch bệnh dễ phát sinh, sâu bọ cũng phá kén sinh sôi phá hoại mùa màng, chính vì vậy, dân gian có nhiều tục lệ để trừ bệnh, xua đuổi những điều không lành. Một trong số đó là ăn cơm rượu nếp và hoa quả. 

Dường như chẳng có ngày nào trong năm, người ta thấy rằng ăn cơm rượu nếp lên men vào Tết Đoan ngọ lại hợp đến thế. Nào có ai ăn cơm rượu vào Tết Trung thu hay Tết Nguyên đán. Mỗi Tết mỗi thú, mỗi mùa mỗi đặc trưng là vậy.

Những tục lệ không thể thiếu được trong ngày Tết Đoan ngọ: Ăn cơm rượu nếp, tắm lá mùng Năm và những điều đặc biệt khác chỉ để cầu mong một thứ - Ảnh 6.

Cơm rượu nếp là món ăn diệt sâu bọ đặc trưng trong ngày Tết Đoan ngọ. Ảnh: Vũ Thu Hương.

Mỗi vùng miền lại có thêm những món ăn đặc trưng trong ngày Tết Đoan ngọ để diệt sâu bọ. Dẫu vậy, cơm rượu nếp là thứ đặc trưng rõ rệt để mọi người nhận biết ngày diệt sâu bọ đã đến. Vị chua dịu dậy mùi men rượu, ngọt thanh dịu dàng của cơm rượu đã "ngấu" khi ăn vào "làm say" những con vi trùng trong người, từ đó bệnh tật được giải trừ. Người ta tin như vậy, thế nên vào ngày này, dù ít dù nhiều, ai nấy cũng đều cố ăn một miếng cơm rượu cho "phải phép".

Bên cạnh đó, các loại hoa quả trong ngày Tết Đoan ngọ được nhiều người mua về ăn như mận, vải, măng cụt,... nhưng nổi bật nhất vẫn là vải và mận. Hai loại quả này không thể thiếu được trong mâm cúng Tết Đoan ngọ ngày 5/5 Âm lịch. Cũng chính vì ăn cơm rượu, vi trùng trong người đã "say", thêm tính axit từ quả chua sẽ "tận diệt" chúng khỏi cơ thể.

Chưa kể, một loại bánh dân dã trong ngày Tết Đoan ngọ cũng được nhiều người mua dâng lên mâm cúng tổ tiên là bánh tro. Bánh tro là loại bánh dân gian đậm chất thuần Việt, giản dị, mộc mạc và cách ăn cũng hết sức chân phương.

Những tục lệ không thể thiếu được trong ngày Tết Đoan ngọ: Ăn cơm rượu nếp, tắm lá mùng Năm và những điều đặc biệt khác chỉ để cầu mong một thứ - Ảnh 7.

Nếu như ở phiên bản bánh Bá Trạng của người Trung Quốc, cũng được gói từ gạo nếp nhưng phần nhân lại phức tạp và cầu kỳ hơn nhiều, từ nhân ngọt đến nhân mặn, từ thịt đến bào ngư, ngũ cốc đều có cả; người Nhật còn ăn kèm với bột đậu nành rang thì bánh tro của người Việt lại rất mực giản đơn khi chỉ có gạo nếp ngâm nước tro, luộc kỹ và có ăn kèm thêm với mật ong hoặc mật mía. Đây cũng là loại bánh có tính giải nhiệt tốt trong những ngày hè nắng nóng, chúng còn hỗ trợ hệ tiêu hóa hiệu quả. Ảnh: Vũ Thu Hương.

"Đánh cây" vào giờ Ngọ

Một nghi thức độc đáo trong ngày Tết Đoan ngọ khi xưa được biết đến với cái tên khảo cây, hay còn gọi là trò đánh cây. Khi mặt trời lên đỉnh, vào giờ Ngọ huy hoàng của ngày Tết Đoan ngọ, người dân sẽ tập trung để thực hiện nghi lễ này. 

Đây là lúc họ "đối thoại" với những cây quả đã "ngủ quên" không chịu đơm hoa kết trái, hay những cây đã trở nên cằn cỗi, đầy sâu bệnh. Hai người làm lễ, một người nhẹ nhàng leo lên cây còn người kia sẽ cầm lấy sống dao, gõ vào tận gốc cây, thực hiện cuộc "phỏng vấn" đầy nghiêm túc. Qua những câu hỏi như "Sao năm nay ngươi lại làm lơ bổn phận?" hay những lời đe dọa "Nếu sang năm mà không chịu ra quả, ta sẽ phải đưa ngươi về với cõi đất!", người ta muốn "đánh thức" khả năng sinh sản của những cây quả này. 

Những tục lệ không thể thiếu được trong ngày Tết Đoan ngọ: Ăn cơm rượu nếp, tắm lá mùng Năm và những điều đặc biệt khác chỉ để cầu mong một thứ - Ảnh 8.

Nghi lễ đầy ý nghĩa này không chỉ là sự cầu nguyện cho một vụ mùa bội thu, mà còn là cách để con người hòa mình cùng thiên nhiên, tìm hiểu và quan tâm sâu sắc đến thế giới xanh quanh mình.

Trên cây, người đại diện cho cây sẽ giả vờ run rẩy, đổ lỗi cho bệnh tật, thiếu dinh dưỡng và hứa hẹn một mùa màng bội thu trong năm tới. Dẫu cho năm tháng trôi qua, tục lệ khảo cây đã nhạt nhòa trong ký ức của đời sống hiện đại, nhưng vẫn còn đâu đó nơi nông thôn, vang vọng tiếng gõ vào cây, giữa tiết Đoan ngọ như một nét văn hóa đẹp, một bản sắc dân tộc không thể phai mờ.

***

Trải qua bao thế hệ, ngày Tết Đoan ngọ không chỉ là dấu ấn của mùa hè rực rỡ, mà còn khắc sâu trong tâm trí mỗi người Việt bởi những phong tục truyền thống độc đáo. Không thể không kể đến việc thưởng thức mâm cơm rượu nếp thơm lừng, hay nghi thức tắm lá mùng Năm tẩy sạch mọi uế khí, cùng nhiều nét đẹp văn hóa khác. 

Mỗi hành động, mỗi phong tục được lưu truyền không chỉ đơn thuần là những nghi lễ, mà còn là những lời nguyện ước cầu mong sức khỏe cho một mùa hè an bình, một năm thịnh vượng. Đoan ngọ - không chỉ là một ngày tràn ngập ánh nắng mà còn là khoảnh khắc người Việt hoài niệm và tôn vinh những giá trị tinh thần quý báu của dân tộc, qua đó, tiếp thêm sức mạnh để ta đương đầu với những thử thách của cuộc sống.

Chia sẻ