Tai nạn công trình thủy điện ở Kon Tum: Tang thương bao trùm làng quê nghèo

HIỀN MAI - THANH HẢI,
Chia sẻ

Rơi vào cảnh 'người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh', gia đình của các nạn nhân trong tai nạn tại thủy điện Plei Kần vẫn chưa thể tin con mình đã ra đi mãi mãi.

‘Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh’

Ngồi thẫn thờ bên quan tài của con trai, gương mặt của ông A Hyul (SN 1965, làng Klâu Klah, xã Ia Chim, TP. Kon Tum) - bố của anh A Triêu (SN 1993), là 1 trong 3 nạn nhân xấu số trong vụ tai nạn tại thủy điện ở huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) vẫn chưa hết bàng hoàng.

Hoàn cảnh gia đình đã nghèo khó, nay hai vợ chồng già lại phải chịu cảnh ‘người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh’. Ông Hyul kể, gia đình có 7 người con và anh Triêu là con thứ 3. Từ nhỏ, anh Triêu đã sống chung với ông bà ngoại vì một phần ông bà đã già yếu lại sống một mình, phần nữa là do gia đình đông con.

Anh Triêu từ lúc sinh ra có bệnh chân bị khập khiễng, mà gia đình không có tiền chạy chữa nên đến khi lớn lên, một bên bàn chân phải của anh đi lại cũng có phần khó khăn. Mấy hôm gần đây, anh Triêu về nhà chơi thì được rủ đi làm công nhân tại công trình thủy điện.

Tai nạn công trình thủy điện ở Kon Tum: Tang thương bao trùm làng quê nghèo - Ảnh 1.

Ông A Hyul, bố của nạn nhân A Triêu thất thần nhìn những kỉ niệm liên quan đến con.

“Cách đây mấy hôm, nó kêu đi làm công trình thủy điện cho người ta. Đây là lần đầu tiên nó đi làm xa nhà như vậy, vì trước giờ chỉ quanh quanh làm rẫy, làm thuê cho người trong làng thôi. Với lại sau dịch, nên không có tiền để lo cho gia đình nên nó mới nhận đi làm, không ngờ bây giờ lại xảy ra cớ sự như vậy”, ông Hyul cho biết.

Cầm trên tay tấm hình con, ông Hyul nhớ lại thời khắc nghe tin con trai thiệt mạng, ông thất thần: “Lúc đó tôi đang làm ở rẫy cách nhà xa lắm, thì thấy mấy anh em lên báo là con nó bị đuối nước. Vì không biết dùng điện thoại nên không biết gọi cho ai để hỏi xem có chuyện đó không nên tôi liền lật đật chạy về nhà. Mà về tới nơi là chưa đi liền, tôi đi vay tiền xung quanh vì nghĩ là lỡ lên có gì còn lo cho con.

Nhà lại cách xa chỗ công trình lắm, chúng tôi phải góp tiền thuê xe lên đó, xong lúc gần lên tới thì họ báo là chuyển con về bệnh viện rồi. Vừa lên tới bệnh viện, thấy con nằm trên băng ca mà mặt đầy máu me, không còn nhìn rõ mặt, người ta kêu con chết rồi, tôi vẫn không tin vào mắt mình”.

Còn bà Y Djak (SN 1966), mẹ của anh A Triêu, nước mắt vẫn chảy dài trên gương mặt gầy gò của bà. Sau một đêm ngất đi vì đau buồn, bây giờ bà đã có thể tới ngồi bên quan tài của con. Thế nhưng, trong thâm tâm, bà vẫn chưa dám nghĩ rằng con mình đã ra đi.

Tang thương bao trùm làng quê nghèo

Cách nhà của anh A Triêu chừng 10 mét, là nhà của A Khái (SN 1999), cũng là nạn nhân trong vụ tai nạn được nói trên. Trong căn nhà đầy khói hương, ông A Ther (SN 1966), bố của A Khái quanh quẩn chống gậy đi khắp nhà với gương mặt bần thần, không nói lấy một lời.

Còn mẹ của A Khái, bà Y Phái (SN 1959) ngồi lủi thủi bên di ảnh con mà nước mắt lã chã rơi. Có lẽ, ở tuổi này, nỗi mất mát như vậy là điều chưa bao giờ họ nghĩ tới.

Tai nạn công trình thủy điện ở Kon Tum: Tang thương bao trùm làng quê nghèo - Ảnh 2.

Bà Y Phái - mẹ của anh A Khái thất thần bên quan tài con.

Gạt nước mắt, bà Y Phái kể: “Thằng Khái nó có hiếu lắm, biết vợ chồng tôi già không làm gì nên tiền, nên nó hay xin đi làm xa rồi gửi tiền về cho cha mẹ. Mấy hôm trước, nó kêu đi làm công trình, tôi cũng nghĩ nó đi làm bình thường như mấy lần trước. Đến chiều qua, khi tôi đang đi chăn bò thuê ở gần nhà thì thấy mấy đứa cháu nó chạy tới kêu con bị chết đuối, tôi nhờ người ta coi bò rồi tức tốc chạy liền về nhà và theo xe lên với con. Không ngờ chuyện đau thương như vậy lại ập tới với gia đình tôi”.

Có lẽ người chứng kiến cả quá trình đưa A Khái về nhà để lo mai táng và bình tĩnh nhất lúc này là chị Y Ngai (SN 1996, chị họ của A Khái). Chị Y Ngai kể: “Gia đình A Khái có 8 người con, em nó là con thứ 6 và là trụ cột chính trong gia đình. Hồi trước A Khái có làm công trình thủy điện ở tận Đắk Plo (huyện Đắk Glei) gần 2 năm, nhưng dạo gần đây tới mùa màng nên nghỉ để về làng làm thuê cho mấy họ hàng. Mấy hôm trước, A Khái có nói ai gọi đi làm công trình thủy điện nào đó rồi đi, nhà tôi cũng không rõ. Mới làm được 3, 4 ngày thì xảy ra cớ sự như vậy”.

“Việc này là điều gia đình không mong muốn nhưng dù gì cũng đã xảy ra rồi, nên hiện chúng tôi chỉ mong có kết quả về nguyên nhân vì sao lại xảy ra sự việc này. Còn cô chú thì giờ cũng lo hết sức để lo mai táng cho em nó chứ cũng không biết làm gì", chị Y Ngai cho biết.

Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Quân, Tổng Giám đốc Công ty CP Tấn Phát – chủ đầu tư Thủy điện Pleikần, nằm trên địa phận thị trấn Plei Kần, xã Đắk Nông (huyện Ngọc Hồi) và xã Đăk Rơ Nga (huyện Đăk Tô) cho biết, ngay sau khi vụ việc xảy ra, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan ban ngành làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Theo ông Quân, đối với các lao động tử vong, trước mắt công ty hỗ trợ toàn bộ chi phí mai táng theo phong tục địa phương. Đồng thời hỗ trợ ban đầu gia đình mỗi nạn nhân tử vong 20 triệu đồng; hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị đối với 3 nạn nhân bị thương đang được chữa trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum.

Ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum thông tin, ngay khi việc xảy ra, Sở Công Thương đã liên hệ trực tiếp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan quản lý an toàn lao động để kiểm tra hiện trường.

Đồng thời tham mưu UBND tỉnh có chỉ đạo kịp thời cơ quan chức năng điều tra, làm rõ nguyên nhân sự việc để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Sở cũng tiến hành hỗ trợ cho mỗi gia đình có công nhân bị tử vong 1 triệu đồng; hỗ trợ công nhân bị thương 500.000 đồng

Video: Lời kể của nạn nhân trong vụ tai nạn tại công trình thủy điện

Chia sẻ