Tai biến dễ gặp khi đốt điện cổ tử cung

Lê Hường,
Chia sẻ

Đốt điện cổ tử cung (chữa viêm lộ tuyến tử cung) có thể để lại hậu quả như chảy máu, sẹo xơ cứng làm lỗ cổ tử cung bị chít hẹp, ứ đọng máu kinh, cản trở thụ thai...

Nửa đêm nhập viện cầm máu

Lê Thị Thùy Dương, 25 tuổi (Cầu Giấy, Hà Nội), nhập viện Phụ sản Hà Nội để được bác sĩ tiến hành cầm máu. Mất máu nhiều khiến chị kiệt sức, da xanh như tàu lá.

Dương cho biết, cách đây 3 tháng, chị đi khám phụ khoa kiểm tra sức khỏe sinh sản để chuẩn bị mang thai. Bác sĩ phát hiện chị bị viêm lộ tuyến cổ tử cung và kê đơn thuốc uống kết hợp thuốc đặt tại chỗ trong vòng 1 tuần.

Tái khám sau khi sạch kinh tháng tiếp theo như lịch hẹn, bác sĩ chỉ định chị nên đốt điện diệt tuyến. Bác sĩ cũng nói trước về những khả năng sẽ gặp sau đốt điện như tuần đầu âm đạo ra dịch vàng, sau đó ra một ít máu, các vết đốt sẽ lạnh dần...

Quả nhiên hết những ngày âm đạo ra dịch vàng thì chị Dương thấy âm đạo bắt đầu ra máu. Mặc dù chị thực hiện đúng như lời dặn dò của bác sĩ: tuyệt đối không quan hệ, không chọc tay, xịt nước… vào trong âm đạo nhưng hiện tượng ra máu cũng không thuyên giảm.

Đêm hôm đó, máu ra nhiều mà không biết làm thế nào, chị đã phải đến viện để cầm máu. Bác sĩ kết luận, hiện tượng máu ra như vậy là do vết trợt (vết loét) trong quá trình đốt.

Không chỉ chị Dương, rất nhiều chị em khác trong độ tuổi sinh đẻ nằm trong diện bệnh nhân viêm lộ tuyến cổ tử cung phải nhờ đến phương pháp đốt điện để trị bệnh. Trong số đó, không ít trường hợp gặp tai biến do đốt điện gây ra.
 
Tai biến dễ gặp khi đốt điện cổ tử cung 1
Thường xuyên thăm khám sẽ giúp chị em tránh được bệnh phụ khoa, bao gồm cả viêm lộ tuyến tử cung.

Sẹo xơ cứng do viêm lộ tuyến gây khó thụ thai

Bác sĩ sản khoa Nguyễn Thị Tình (Bệnh viện đa khoa 16A, Hà Đông, Hà Nội) cho biết: Viêm cổ tử cung lộ tuyến là giai đoạn tiến triển của viêm cổ tử cung nếu không được điều trị tích cực.

Lộ tuyến là các tổn thương ở cổ tử cung do các tế bào tuyến nằm trong ống cổ tử cung phát triển ra ngoài, xâm lấn mặt ngoài của cổ tử cung. Do các tế bào tuyến lộ ra ngoài vẫn tiết dịch như khi ở trong cổ tử cung nên bệnh nhân thường có hiện tượng tăng tiết dịch trong âm đạo, dễ dẫn đến viêm nhiễm.

Thông thường, khi bị viêm lộ tuyến cổ tử cung, các bác sĩ chỉ định thuốc chống viêm tại chỗ để lộ tuyến hết viêm, đôi khi kết hợp cả thuốc uống. Sau khi điều trị hết viêm, bác sĩ sẽ áp dụng các biện pháp như đốt điện, đông lạnh, lazer để diệt tuyến.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng đốt điện cổ tử cung có thể gặp biến chứng nếu đốt quá sâu, đầu tiên là ra máu, thậm chí là mất nhiều máu. Trường hợp chị Thùy Dương là một điển hình, bị trợt khiến âm đạo ra máu dài ngày không khỏi, thậm chí mất máu.

Hơn nữa, dù liệu trình thực hiện tốt thì đốt điện cổ tử cung vẫn để lại sẹo xơ cứng, lỗ cổ tử cung bị chít hẹp, chị em có thể gặp phải một số vấn đề như ứ đọng máu kinh, đau và có thể cản trở sự thụ thai. Đến khi chuyển dạ đẻ, sẹo xơ cứng ở cổ tử cung sau đốt có thể làm tử cung khó mở để đẩy thai ra ngoài.

Trên thực tế có rất nhiều trường hợp mắc viêm lộ tuyến cổ tử cung có hoặc không kèm viêm nhiễm phụ khoa khác, đã được điều trị bằng thuốc đặt và thuốc uống, nhưng vẫn bị tái phát hoặc tái nhiễm nhiều lần. Kể cả các phương pháp diệt tuyến hiện đại như các biện pháp đốt điện, đốt lazer, đông lạnh cũng không giúp bệnh nhân khỏi hẳn bệnh.

Bác sĩ Tình khuyên chị em nên lưu ý giữ vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt vào nhưng ngày có kinh. Ngoài ra cần tái khám sau mỗi đợt điều trị để có được tư vấn tốt nhất từ các bác sĩ chuyên khoa. Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đã từng sinh đẻ nguy cơ mắc viêm lộ tuyến cổ tử cung thường cao hơn nên tốt nhất là khám sức khỏe sinh sản định kỳ theo tiêu chuẩn 6 tháng/lần.
 

 
Viêm lộ tuyến cổ tử cung: không chữa, dễ vô sinh
Tai biến dễ gặp khi đốt điện cổ tử cung 2
Chia sẻ