Phân biệt bệnh do vi-rút Zika và sốt xuất huyết, sốt siêu vi
Bệnh do vi-rút Zika cũng như bệnh sốt xuất huyết, sốt siêu vi, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hay vắc-xin phòng bệnh.
Một số trường hợp mắc bệnh do vi-rút Zika gây ra đã được ghi nhận tại nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này đang làm dấy lên lo ngại về khả năng bùng phát thành dịch trên phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khẳng định chưa phát hiện bất kì ca nhiễm vi-rút Zika nào. Tuy nhiên, nguy cơ vi-rút này xâm nhập vào nước ta lại rất lớn. Nguyên do là vì tại Việt Nam, muỗi Aedes, loại muỗi truyền vi-rút Zika, khá phổ biến. Bên cạnh đó, sự giao lưu du lịch, lao động, thương mại thường xuyên với lượng người xuất nhập cảnh cao làm tăng khả năng lây nhiễm vi-rút nguy hiểm này.
Bệnh do vi-rút Zika là gì?
Vi-rút Zika được phát hiện đầu tiên vào năm 1947 tại vùng rừng Zika, Uganda. Loại vi-rút này tồn tại chủ yếu ở châu Phi và đã xuất hiện một số vùng dịch nhỏ và rải rác ở các nước châu Á. Năm 2007, thế giới ghi nhận trận đại dịch do vi-rút Zika gây ra tại đảo Yap thuộc Micronesia, một quốc gia nằm ở Thái Bình Dương với 70% dân số nhiễm vi-rút.
Từ 2013 đến 2014, New Caledonia, đảo Cook, đảo Easter, Thái Lan, Chile, Brazil có mặt trong danh sách các nước phải đối mặt với vi-rút Zika. Từ tháng 10/2015 đến nay, vi-rút Zika đã có mặt tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Mỹ như: Guatemala, Elsalvador, Venezuela, Senegal, Honduras, Panama.
Muỗi Aedes là vật trung gian truyền nhiều loại vi-rút nguy hiểm
- Cách thức lây truyền: Vi-rút Zika lây truyền cho người chủ yếu qua vết cắn của muỗi Aedes mang vi-rút. Đây cũng chính là loại muỗi trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết và sốt siêu vi. Tuy nhiên, sốt xuất huyết không lây qua tiếp xúc trực tiếp, trong khi sốt siêu vi có thể lây qua dịch tiết nước bọt, dịch nhầy ở mũi… Đặc biệt, vi-rút Zika còn có khả năng lây truyền qua đường tình dục và đường máu. Tuy nhiên, đây là những phương thức lây truyền không phổ biến.
- Đối tượng dễ mắc bệnh: Trẻ em từ 3 đến 10 tuổi là đối tượng dễ mắc sốt xuất huyết và sốt siêu vi nhất. Đối với vi-rút Zika, bất kì ai sống trong vùng có muỗi Aedes và từng ghi nhận trường hợp mắc bệnh đều có thể bị lây nhiễm.
- Triệu chứng: Các bệnh nhân mắc bệnh do vi-rút Zika, sốt xuất huyết, sốt siêu vi thường có triệu chứng tương tự nhau nên dễ gây nhầm lẫn. Bệnh nhân mắc vi-rút Zika thường có biểu hiện sốt, nổi mẩn, đau cơ, nhức đầu, đau mắt. Bệnh nhân sốt xuất huyết thường sốt cao hơn cũng như đau nhức cơ nhiều hơn, đặc biệt là có biểu hiện xuất huyết (xuất huyết dưới da, chảy máu mũi).
Biểu hiện bệnh do vi-rút Zika gần giống với sốt xuất huyết
Trong khi đó, nếu bị sốt siêu vi, bệnh nhân thường sốt rất cao (38-39oC, thậm chí là 40-41oC) và sốt từng cơn, nổi hạch, viêm mắt, đỏ mắt. Hiện nay, xét nghiệm máu là phương pháp duy nhất có thể xác định chính xác đó là bệnh do vi-rút Zika hay sốt xuất huyết.
- Độ nguy hiểm: Nếu sốt xuất huyết thường khá nguy hiểm, có thể gây nên biến chứng nặng dẫn đến tử vong thì sốt siêu vi và sốt do vi-rút Zika ít lo ngại hơn. Thông thường, sốt siêu vi sẽ tự khỏi trong vòng 3-7 ngày và người mắc bệnh do vi-rút Zika cũng có khả năng hồi phục hoàn toàn. Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào, vi-rút Zika lại được cho là ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai và có liên quan đến hội chứng não nhỏ ở thai nhi.
Ngoài ra, ThS. Nguyễn Kiên Cường, Viện Y học Dự phòng Quân đội còn cho biết thêm cách phân biệt sốt Zika với sốt rét. Theo đó, sốt rét là bệnh do ký sinh trùng sốt rét gây nên, lây truyền qua muỗi Anophen. Các triệu chứng lâm sàng có đặc trưng riêng là sốt thành cơn, có chu kỳ: sốt rét run, sốt nóng và vã mồ hôi, kèm theo các biểu hiện khác là thiếu máu, gan to… Còn người nhiễm vi rút Zika có các triệu chứng như sốt, đau đầu, xung huyết da, niêm mạc mắt… các biểu hiện thường nhẹ, thường kéo dài khoảng 4-7 ngày. Nhìn chung khó phân biệt với sốt xuất huyết nếu chỉ dựa vào lâm sàng. Phân biệt sốt xuất huyết với sốt do vi rút Zika cần dựa vào xét nghiệm.
Phòng ngừa
Tiến sĩ Vũ Đức Chính, Trưởng khoa Côn trùng, Việt Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho biết: Tại Việt Nam, các tỉnh phía Nam là nơi dễ bùng phát dịch bởi thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện cho sự sinh sôi, phát triển của muỗi Aedes. Ở miền Bắc, từ tháng 7 đến tháng 11 là mùa cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết.
Cách tốt nhất để phòng bệnh do muỗi là không để bị muỗi đốt
Bệnh do vi-rút Zika cũng như bệnh sốt xuất huyết, sốt siêu vi, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hay vắc-xin phòng bệnh. Do đó, biện pháp ngăn ngừa hiệu quả nhất vẫn là tiêu diệt vật trung gian truyền bệnh bằng cách: giảm thiểu các khu vực có nước đọng, đậy kín các dụng cụ chứa nước, thường xuyên phát quang bụi rậm, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, sử dụng lưới chắn muỗi. Đối với vùng đang có dịch, phải phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng.
Ngoài ra, những người đang ở trong vùng có dịch bệnh, cũng như người hay di chuyển giữa các vùng, phụ nữ mang thai cần lưu ý để tránh bị muỗi đốt: mặc quần áo dài, sử dụng thuốc chống muỗi đốt, mắc màn khi ngủ.
Ảnh minh họa: Internet