Sự thật phía sau lời than thở mâm cơm ở cữ có bánh chưng ôi, giò để lăn lóc cả tuần mới bỏ ra rán
Thì ra sự thật không tệ như mọi người tưởng tượng mà thậm chí còn tệ hơn.
Tâm sự của các bà mẹ bỉm sữa sau sinh bao giờ cũng chất chứa nhiều nỗi niềm vì đây là thời gian nhạy cảm dễ tổn thương nhất của họ. Nếu là những ngày bình thường, họ có thể chịu đựng nhiều sự khó nhọc hay vất vả nhưng thời điểm này thì không, dủ chỉ một hành động nhỏ của người khác, đặc biệt là người chồng khiến họ phật lòng thôi thì cũng đủ để trở thành tấn thảm kịch.
Nói như vậy không phải là quá lời, mà tâm lý phụ nữ sau sinh hoàn toàn là như vậy. Họ thực sự mong manh và cần sự đùm bọc, sẻ chia chứ không phải hành động bỏ bê. Như sản phụ tên H.C.M dưới đây chẳng hạn, cô ấy mới sinh nhưng lại không nhận được sự quan tâm của chồng nên luôn cảm thấy tủi thân. Thêm vào đó M. cũng buồn vì ngay cả mẹ chồng cũng không cho cô ăn uống cẩn thận lúc còn trong cữ.
"Khi lấy phải người chồng vô tâm!
Nhìn mâm cơm mà không biết nói gì, nghẹn đắng."
Mâm cơm do mẹ trẻ tên M. đăng trên hội nhóm của chị em để than thở về việc bị đối xử không tử tế. (Ảnh: Facebook)
Ban đầu M. đã đăng dòng trạng thái này lên kèm theo hình ảnh một mâm cơm trong một hội nhóm của chị em. Sau khi đăng tải, đã có nhiều mẹ hiểu rằng đây là mâm cơm do chồng của M. nấu cho cô ăn nên đã xảy ra tình trạng ý kiến trái chiều người khen kẻ chê.
Một phe thì cho rằng chồng nấu nướng cho ăn như vậy là tốt lắm rồi, đàn ông vụng về nhiều khi chẳng biết kiêng cữ làm sao; phe còn lại thì ý kiến rằng không nấu thì thôi chứ đã làm thì cũng phải có cái gì đó tươm tất cho vợ ăn vì phụ nữ mới sinh cơ thể yếu ớt chứ đâu có khỏe mạnh như bình thường, chưa kể, mâm cơm nhìn chán ngán chẳng món gì vừa mắt vừa miệng, làm sau mà nuốt nổi.
Mẹ Nguyễn Duyên bình luận: "Nói về chồng thì em khỏi ý kiến nhưng nói về mâm cơm em thấy như vậy là được rồi chị ạ." Hay như mẹ Lan Thanh Chu thì nói: "Tại chồng chị chưa biết làm thôi mà. Có phải người ta nấu sơn hào hải vị được mà không nấu cho vợ đâu".
Trong khi đó, một số ý kiến khác như bạn Thoa Lê thì lại hoàn toàn ngược lại: "Mình có quan điểm khác, chẳng lẽ mình cứ đi phục vụ chồng mãi mà anh ta không đáp lại được chút nào à? Ít nhất nhìn cơm vợ nấu thì đến lúc vợ không làm được cũng phải có cái gì đó ra trò chứ. Đằng này…". Hoặc mẹ Phương Minh Nguyễn thì an ủi nhẹ nhàng hơn: "Thật ra bạn nghĩ tích cực lên, có nhiều người còn đẻ xong đã phải tự nấu ý. Nói chung cố gắng không nghĩ nhiều, giành thời gian ăn, nghỉ còn có sữa cho con. Cố lên nha bạn".
Những dòng bình luận ý kiến trái chiều của cư dân mạng. (Ảnh chụp màn hình)
Sau khi thấy có nhiều ý kiến trái chiều, mẹ trẻ tên M. đã viết thêm để kể về hoàn cảnh của mình. Rằng mâm cơm đó thật ra không phải của chồng cô ấy nấu, nhưng anh chồng vô tâm thì quả là đáng chán.
"Thật ra định đăng lên xem chồng và gia đình chăm sóc sức khỏe sau sinh của các mẹ như thế nào thôi, chứ tớ cũng không muốn vạch áo cho người xem lưng. Nhưng thấy mọi người gạch đá tớ nhiều quá, nên tớ nói cho mọi người hiểu vậy.
Thật ra mâm cơm này không phải chồng tớ nấu vì chồng tớ bận lắm, không mở mắt ra được thì làm gì có thời gian nấu cho vợ. Tớ sinh bé được 20 ngày thì 21 ngày anh nhậu nhẹt hát hò còn quay clip chụp ảnh up Facebook, trong khi vợ ở nhà chăm con. Hôm nào cũng 11,12 giờ khuya mới về, sáng ra ngủ, trưa dậy không cần biết vợ con làm gì, lại đi. Ngày nào cũng vậy đấy, ăn uống thì bày bừa ra không bao giờ biết dọn.
Không phải hôm nào mình cũng ăn vậy, đây chỉ là mâm cơm điển hình mà mẹ chồng mình nấu cho ăn. Bánh chưng là đồ nếp (mình bị rạch tầng sinh môn, người vẫn chưa lành), giò để từ tuần trước bỏ ra rán thì thành chả thôi. Đăng lên đây để cho mọi người biết quan tâm đến sức khỏe của các mẹ và con thôi chứ nhà tớ cũng chẳng phải đại gia hay con nhà nọ kia mà đòi hỏi".
Mẹ trẻ M. đã lên tiếng đính chính thông tin về hoàn cảnh của mình. (Ảnh: Facebook)
Chắc khi quay lại và đọc thêm đoạn này nữa thì chắc không có mẹ nào bên anh chồng kia nữa rồi.Vì nếu đúng như lời của mẹ trẻ tên M. kia nói thì đây quả thực là anh chồng vô tâm quá khi vợ mới đẻ mà còn đi chơi thâu đêm, về nhà lại chẳng thèm nhìn mặt con lấy 1 cái đã vội đi ngay.
Như đồng cảm với M., bạn Đặng Xoan an ủi: "Cứ ăn hết sạch chỗ này cũng tốt rồi! Quan trọng là nuôi con nhỏ đừng suy nghĩ buồn rầu, vui lên cho con vui. Suy nghĩ tích cực, phải thấy mình còn may mắn hơn khối người là còn được mẹ chồng nấu nướng cho ăn... Chồng thì thôi, xử được thì xử, chả xử được thì dẹp sang 1 bên cho nhẹ đầu! Chúc mẹ nó vui khoẻ bên con!".
Hay như mẹ Time Time thì bình luận: "Mình đã trải qua mẹ chồng nấu là tốt rồi, nếu không thích nữa thì đưa tiền cho mẹ chồng để được ăn cho đúng với điều kiện sau sinh". Còn mẹ San San thì cũng đưa ý kiến của mình: "Theo mình nghĩ các mẹ cần phải chủ động từng bữa ăn của chính bản thân mình, cần có kế hoạch suy nghĩ trước đến giai đoạn khi ở cữ. Còn nhà chồng và chồng đối xử sao thì được vậy. Cứ buồn vì lòng tốt của họ đối với mình thì chỉ khổ tâm mình thôi".
Sinh nở vốn đã mệt mỏi nên việc được đối xử như thế nào sẽ luôn là vấn đề mọi sản phụ quan tâm. (Ảnh minh họa)
Phụ nữ đúng là rất nhạy cảm và đôi khi họ thắc mắc, buồn rầu cũng là có cái lý riêng của họ. Cánh đàn ông không phải chăm con, không phải chịu đau đớn lúc sinh nở có thể sẽ khó đồng cảm cho nên ít nhiều hãy hiểu một chút cho vợ để những tháng ngày ở cữ khó khăn sẽ qua nhanh trong yên bình nhé.