Stress vì nhà đã biến thành văn phòng? Dân công sở hãy tìm sự cân bằng qua các lời khuyên của chuyên gia

Pia,
Chia sẻ

Vốn dĩ từ lâu, không ít người vẫn khó khăn trong việc tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Và khi đại dịch Covid-19 bùng nổ khiến hàng triệu người phải chuyển đổi hình thức làm việc, nhà trở thành văn phòng, sự cân bằng ấy càng trở nên nhập nhằng hơn.

Đối với nhiều người, đây có thể là lần đầu tiên phải học cách làm việc tại nhà trong một thời gian dài. Ngay cả những người lao động tự do đã vốn quen với làm việc từ xa, họ cũng thích lựa chọn một nơi khác ngoài nhà riêng hơn, như quán cà phê chẳng hạn.

Vậy với tình trạng văn phòng và nhà lại thành một như hiện nay, từ những nhà lãnh đạo của các công ty có số lượng nhân viên làm việc từ xa đông đảo nhất, trang thông tin CNBC đã tổng hợp lại một số “bí kíp” cho nhân viên văn phòng.

Khi văn phòng và nhà cùng một chỗ, dân công sở hãy thử tìm sự cân bằng qua các lời khuyên của chuyên gia - Ảnh 1.

“Họp” gia đình hàng ngày rất hữu ích

Với chia sẻ của bà Catie Brand, phó chủ tịch nhân sự của một công ty giáo dục, bà ví việc “họp gia đình” giống “họp giao ban” hàng ngày trên công ty vậy. Chỉ mất khoảng 10 phút mỗi sáng chẳng hạn, các thành viên trong nhà có thể chia sẻ tin tức và nhu cầu cho nhau.

Ai sẽ có các cuộc họp quan trọng cần không gian yên tĩnh vào một thời điểm nhất định? Người nào có việc cá nhân phải ở riêng trong phòng suốt cả ngày? Có việc lặt vặt, sự cố hư hỏng nào hay sẽ có đơn hàng gì được giao tới hôm nay không?

Ngoài ra, với các gia đình đông người, “cuộc họp” này còn là thời điểm lý tưởng để phân công nhiệm vụ nấu ăn các bữa và chăm sóc con cái trong ngày, tránh đùn đẩy qua lại làm mất tập trung vào giữa giờ làm việc.

Khi văn phòng và nhà cùng một chỗ, dân công sở hãy thử tìm sự cân bằng qua các lời khuyên của chuyên gia - Ảnh 2.

Tìm hoạt động thay thế cho việc “đi” làm

Vô cùng dễ hiểu nếu thay cho việc mất nửa tiếng lèo lái qua trận kẹt xe để đến văn phòng, đa số mọi người giờ đây sẽ cố níu kéo ngủ bù qua thời gian này. Cái giường vốn có sức hút khó cưỡng lại mà. Tuy nhiên, ông Darren Murph, lãnh đạo của GitLab về công nghệ thông tin, khuyên chúng ta nên cố gắng duy trì thói quen thức dậy hàng ngày như trước đây và thay thế việc “đi” làm bằng một hoạt động khác.

Việc ngủ bù có thể làm ảnh hưởng đến năng suất làm việc hàng ngày của bạn. Nó dễ khiến bạn thèm ngủ hơn và bị cảm giác “ngái ngủ” dai dẳng cả ngày. Ngoài ra, tiếng chuông reo vào đúng 8g giờ đánh thức bản thân bật dậy và vội vàng lao vào đăng nhập tài khoản để “điểm danh trực tuyến” thì rõ ràng cũng chẳng lợi ích với sức khỏe của mình.

Thay vào đó, bạn có thể bắt đầu buổi sáng bằng việc tập thể dục trên ban công, đọc sách và uống tách trà, nấu bữa sáng hoặc làm những thứ lặt vặt khác. Và ngồi ngay ngắn vào bàn để bắt tay vào làm việc khi đồng hồ reo báo hiệu 8 giờ.

Khi văn phòng và nhà cùng một chỗ, dân công sở hãy thử tìm sự cân bằng qua các lời khuyên của chuyên gia - Ảnh 3.

Quy định một không gian làm việc nếu không có phòng riêng

Các chuyên gia đều đồng ý rằng tạo một không gian làm việc riêng tại nhà là cực kỳ quan trọng.

Tất nhiên, điều này có thể là thách thức với những người đang ở phòng trọ (mọi sinh hoạt diễn ra trong một không gian nhỏ) hoặc những nhà chỉ có 1-2 phòng ngủ và không có phòng làm việc riêng.

Nếu cái ghế sofa phòng khách hoặc bàn ăn trong bếp buộc trở thành “văn phòng” tạm thời của bạn, hãy sắp xếp mọi thứ ngăn nắp hơn và cố gắng cho nó trông giống “bàn làm việc” nhất có thể.

Tuy nhiên, khi mượn tạm không gian như vậy, bản thân cần quy định “ranh giới” rõ ràng như ông Pam Cohen, một nhà khoa học nghiên cứu. Vẫn đều đặn hàng ngày bày ra laptop và các vật dụng làm việc vào buổi sáng; và trước khi bữa tối sắp đến, ông sẽ cất mọi thứ liên quan đến công việc “ra khỏi tầm nhìn” và dành trọn thời gian còn lại cho gia đình. Hãy làm như thể chúng ta đã làm việc “bên ngoài” nhà thực sự vậy.

Khi văn phòng và nhà cùng một chỗ, dân công sở hãy thử tìm sự cân bằng qua các lời khuyên của chuyên gia - Ảnh 4.

Đừng chỉ ngồi làm một chỗ, đứng dậy và vận động nhiều lên

Cuộc sống công sở hàng ngày chắc chắn là nhộn nhịp với nhiều hoạt động liên tục: qua lại giữa các phòng ban, đi ăn trưa, kéo nhau vào cuộc họp, v.v... Thì nay khi chỉ còn một mình làm việc ở nhà, cũng đừng “dán mắt” suốt vào màn hình máy tính và điện thoại nhé, cần nhớ vận động đôi chút giữa mỗi tiếng làm việc.

Nếu bạn “chết dí” ở bàn làm việc suốt 8 tiếng, thậm chí có đứng làm thay vì ngồi làm cả ngày, cơ thể sẽ trở nên đau nhức và tâm trạng thì rơi vào căng thẳng. Làm việc, đi ngủ, rồi thức dậy và cứ thế lặp đi lặp lại làm mọi thứ tồi tệ hơn.

Một nhà trị liệu vật lý và cũng là phát ngôn viên của hiệp hội vật lý trị liệu Hoa Kỳ, ông Eric Robertson khuyên các nhân viên văn phòng nên cố gắng thay đổi tư thế làm việc mỗi tiếng một lần. Ví dụ từ chỗ ngồi tại bàn bếp, ta có thể chuyển sang tư thế đứng đôi chút hoặc thay qua một chiếc ghế bành mềm mại hơn chẳng hạn.

Khi văn phòng và nhà cùng một chỗ, dân công sở hãy thử tìm sự cân bằng qua các lời khuyên của chuyên gia - Ảnh 5.

Ngoài ra, hãy ngừng đôi lát giữa giờ đùa giỡn với em thú cưng của bạn, vào bếp pha một ly trà nóng, xách nước tưới vài chậu cây, … Khoảng nghỉ sẽ làm dịu trí não của mình và giúp bản thân tập trung trở lại tốt hơn.

Nếu có điều kiện hơn, không gì bằng tự tạo không gian thể dục tại nhà đơn giản với một tấm thảm yoga cùng ít cục tạ nhỏ. Hoạt động thể chất luôn là phương pháp tốt nhất giúp trí tuệ hoạt động tốt nhất.

“Buông tha” công việc khi đã hết giờ làm

Sẽ rất dễ bị cuốn vào công việc nhiều hơn 8 tiếng/ngày nếu làm việc tại nhà. Để thiết lập ranh giới tốt hơn, cách tốt nhất là hẹn giờ reo lời nhắc mỗi ngày để báo hiệu đến giờ “tan làm”.

Sau đó, hãy cố gắng tắt hết thông báo liên quan đến công việc trên điện thoại của bạn. Có như vậy khi chúng ta đóng màn hình laptop lại, điện thoại không vô hình trở thành “kẻ thù” với các tiếng ting ting thông báo email hoặc tin nhắn mới.

Khi văn phòng và nhà cùng một chỗ, dân công sở hãy thử tìm sự cân bằng qua các lời khuyên của chuyên gia - Ảnh 6.

Tốt nhất đừng làm điều này một mình. Hãy vận động các đồng nghiệp khác trong nhóm cùng thống nhất thực hiện thời gian “tan làm” này. Bởi ngoài công việc, ai cũng cần có cuộc sống riêng cho bản thân và những người thân gia đình cả phải không.

Mạnh dạn kêu gọi sự hỗ trợ từ công ty khi cần

Các chuyên gia khuyến khích nhân viên đừng ngần ngại lên tiếng khi có khó khăn hoặc cần thêm các phương tiện gì cho việc chuyển đổi phương thức làm việc.

Nếu ở nhà không có sẵn chiếc máy tính bàn hay đơn giản là cần một bộ tai nghe tốt để thực hiện các cuộc gọi bán hàng, hãy nêu vấn đề đó với các nhà quản lý và lãnh đạo nhân sự để được cung cấp và hỗ trợ kịp thời nhằm hoàn thành tốt công việc từ xa của bạn.

Khi văn phòng và nhà cùng một chỗ, dân công sở hãy thử tìm sự cân bằng qua các lời khuyên của chuyên gia - Ảnh 7.

Thậm chí, một số công ty hiện nay đã có những chính sách tích cực để giúp đỡ nhân viên thích nghi và vượt qua khủng hoảng này. Như là hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ để hỗ trợ tư vấn sức khỏe trực tuyến hoặc cung cấp các bữa ăn dinh dưỡng tới nhà cho nhân viên.

Chưa bao giờ chúng ta có số lượng nhân viên làm việc từ xa đông đảo đến vậy. Đây thực sự là một cơ hội tốt để các công ty lắng nghe những điểm còn hạn chế và khó khăn của phương thức làm việc này, từ đó cải thiện được tốt hơn và có thể áp dụng nó lâu dài trong tương lai sắp tới, biết đâu được nhỉ.

Hãy bao dung hơn với chính mình

Hiện tại thực sự là một thời gian khó khăn và căng thẳng đối với bất kỳ ai. Nhiều người vẫn đang cố gồng mình duy trì công việc như trước đây, mặc dù trong thực tế, rất nhiều yếu tố bên ngoài tác động làm việc kinh doanh giảm sút đi. Vì vậy, trước nhất hãy bao dung và thông cảm cho chính bản thân mình.

Khi văn phòng và nhà cùng một chỗ, dân công sở hãy thử tìm sự cân bằng qua các lời khuyên của chuyên gia - Ảnh 8.

Jason Fried, CEO của Basecamp, nhận định khủng hoảng này đã giúp mọi người sống “chậm” lại một chút và đồng cảm nhiều hơn. Với những nhân viên có con nhỏ, lần đầu tiên đối mặt với việc vừa phải chăm sóc lũ trẻ vừa phải làm việc, chắc chắn gặp vô vàn khó khăn. Do vậy nếu có thể, hãy chia sẻ với người quản lý về những thay đổi đang gặp phải và biết đâu có thể lắng nghe các lời khuyên từ họ.

Nên luôn tâm niệm rằng, chắc chắn không có gì quý giá hơn sức khỏe bản thân, đặc biệt là giữa tình hình dịch bệnh thế này. Do đó, hãy ưu tiên cuộc sống cá nhân và cân bằng bản thân là quan trọng nhất.

Khi văn phòng và nhà cùng một chỗ, dân công sở hãy thử tìm sự cân bằng qua các lời khuyên của chuyên gia - Ảnh 9.

Chia sẻ