"Sống chung với mẹ chồng" nhưng lại đau đầu vì người khác
Thấy anh trai chăm sóc chị dâu, Nga mát mẻ hờn dỗi: “Chị Ngọc lấy được anh đúng là có số hưởng. Lúc trước em bầu bí về đây, chẳng được anh trai pha cho cốc nước cam nào”...
Vừa đi làm về đến cổng, Ngọc đã nghe tiếng Nga đang khóc lóc, rồi gào lên thật lớn: “Bố mẹ lúc nào cũng thiên vị cháu nội hơn cháu ngoại, thương con dâu hơn con gái. Chẳng biết con có phải là con của bố mẹ không nữa!”. Ngọc vội chạy vào, kịp ngăn một cái bạt tai của bố chồng dành cho cô con gái ruột của ông. Mẹ chồng Ngọc xuất hiện, nước mắt lưng tròng, giải thích chuyện vừa xảy ra.
Hôm ấy là cuối tuần. Nga – em chồng Ngọc đưa con là bé Tít về chơi với ông bà ngoại. Nga tranh thủ ra salon gần nhà làm tóc, còn bé Tít chơi cùng ông ngoại và bé Bon – con trai của vợ chồng Ngọc. Tít chỉ hơn Bon gần một tuổi nên bọn trẻ chơi với nhau rất vui vẻ nhưng cũng nhiều lúc chí chóe, bố chồng Ngọc trông hai đứa cả buổi sáng mệt bở hơi tai.
Bữa trưa, mẹ chồng Ngọc chuẩn bị khá nhiều món, trong đó có một con vịt luộc. Khi bà đang chặt thịt vịt thì Tít lên sân thượng xem ông tỉa cây, còn Bon chạy vào bếp kêu đói. Bon đòi ăn quả tim vịt, bà bèn lấy đưa cho. Khi cu cậu vừa cho vào miệng ăn ngon lành thì Tít xuống, cũng đòi ăn quả tim. Khổ nỗi con vịt chỉ có mỗi một quả tim, bà đưa miếng khác nào đùi, nào ức nhưng Tít nhất định không nghe rồi lăn ra sàn ăn vạ. Đúng lúc ấy thì Nga bước vào, thấy con mình mặt mũi tèm lem, mếu máo khóc: “Bà ngoại không cho Tít ăn tim vịt như anh Bon”, Nga xót con và lớn tiếng với mẹ. Ngọc cũng chẳng biết nói thế nào, vì đây không phải là lần đầu tiên em chồng cô so bì, tị nạnh chuyện cháu nội – cháu ngoại, con dâu – con gái.
Ảnh minh họa
Từ trước khi lấy chồng, Ngọc vốn đã được nghe các chị em trong cơ quan tâm sự nhiều về những câu chuyện phức tập trong mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu. Vậy nên khi về làm dâu nhà Huy, Ngọc có phần đề phòng đối với mẹ chồng dù vẫn hết sức cố gắng làm một cô con dâu ngoan ngoãn. Thế nhưng, dù Ngọc may mắn gặp được một bà mẹ chồng “vàng mười” thương con dâu hết mực, những rắc rối trong cuộc sống của Ngọc vẫn xảy ra, chỉ có điều là từ một người cô không ngờ đến – đó là Nga, em gái của chồng cô.
Tuy biết rằng “giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” nhưng Ngọc chưa bao giờ nghĩ rằng mình lại có những xích mích với Nga vì “bà cô” ấy cũng đã đi làm dâu nhà người ta. Nga bằng tuổi Ngọc, lấy chồng cách nhà hơn 20 cây số nên cuối tuần mới về chơi. Ngọc cứ tưởng cùng là phụ nữ, cùng cảnh làm dâu, Nga sẽ có những sự đồng cảm với mình, song Nga lại hay soi mói, ghen tị khiến Ngọc “sống chung với mẹ chồng” nhưng lại mệt mỏi vì em chồng.
Cưới Huy được mấy tháng thì Ngọc có bầu. Mẹ chồng Ngọc vui lắm. Bà chăm sóc, bồi bổ kĩ lưỡng cho con dâu. Tuy nhiên, Ngọc lại bị ốm nghén nặng, không muốn ăn uống và còn bị nôn ói liên tục. Cô gần như không ăn được bất kỳ thứ gì, kể cả cháo trắng, thậm chí chỉ cần ngửi thấy mùi thức ăn hay mùi gì lạ là lại chạy vào nhà vệ sinh. Người không còn chút sức lực nào, Ngọc phải xin nghỉ việc không lương, suốt ngày nằm trong phòng không dám bước chân ra ngoài.
Thấy vậy, mẹ chồng cô lại càng lo lắng, gặp hết người nọ người kia để hỏi kinh nghiệm, lên kế hoạch cho Ngọc nghỉ ngơi, rồi thay đổi chế độ ăn. Khi Nga về chơi, thấy chị dâu cứ nằm suốt trong phòng, mẹ thì vừa lo hết việc nhà vừa chăm con dâu, cô tỏ thái độ khó chịu ra mặt. Nga nói với mẹ nhưng cố ý nói thật to để Ngọc cũng nghe thấy: “Làm gì mà mẹ phải quan trọng hóa mọi việc đến vậy? Có phải mình chị ấy mang bầu bị nghén đâu. Lúc con bầu cũng nghén mà mẹ chẳng quan tâm như thế!”.
Rồi lại chuyện Huy thấy Ngọc nghén nặng thì cũng xót xa, đi làm về là chăm vợ từng li từng tí. Nào là sữa bầu, nước cam mang lên tận phòng, cháo cũng phải ngồi nhìn Ngọc ăn hết mới yên tâm. Thấy thế, Nga cũng mát mẻ hờn dỗi: “Chị Ngọc lấy được anh đúng là có số hưởng. Lúc trước em bầu bí về đây, chẳng được anh trai pha cho cốc nước cam nào”. Huy thì vô tư cười đáp: “Gớm, lúc cô bầu nghén có tí tẹo. Nước cam tôi không pha nhưng đã có mẹ tần gà, hầm chim bồ câu, nấu cháo cá chép cho cô còn gì!”. Nga lườm anh trai rồi không nói gì nữa.
Ngọc sinh được hơn ba tháng thì nhà có giỗ. Ngọc cũng xuống bếp phụ cùng với mẹ chồng, em chồng và hai thím làm cỗ. Thế nhưng cô lại bị mẹ chồng đuổi lên phòng trông con vì thằng bé đang hâm hấp sốt, lại thêm thấy nhà có người lạ nên cứ khóc suốt, bố và ông nội không dỗ được. Bé Tít con trai Nga lúc ấy được hơn một tuổi thì chơi rất ngoan.
Thấy Ngọc ôm con trong phòng, Nga lại mặt nặng mày nhẹ, đụng mâm đụng bát loảng xoảng. Khi thím út bảo dạo này trông Nga có vẻ hơi gầy, Ngọc nghe tiếng Nga lanh lảnh: “Thì cháu có được sướng như chị Ngọc đâu. Đêm con khóc đã có chồng rồi mẹ chồng bế cho. Lúc cháu sinh mẹ cháu đến chăm được có một tháng. Giờ thì kiêng cho con dâu ba tháng ở cữ không phải động tay vào việc gì”.
Cứ thế, mấy năm qua, dường như mối quan hệ chị dâu – em chồng giữa Ngọc và Nga chẳng có mấy khi thực sự vui vẻ. Dù Ngọc có cố gần gũi chuyện trò với Nga hay mua quà bánh cho bé Tít, Nga vẫn tỏ ra “bằng mặt mà chẳng bằng lòng”. Ngọc không biết phải làm thế nào để mối quan hệ này có thể tốt đẹp hơn dù chỉ một chút...
Workshop "Ngày thứ 8 của mẹ" là một hoạt động đặc biệt của chiến dịch We Are Family được tổ chức hoàn toàn miễn phí dành cho 100 người phụ nữ được sống với những sở thích, đam mê của bản thân tại Hà Nội ngày 29/07 và Hồ Chí Minh ngày 05/08.
Tại đây, bạn không chỉ có cơ hội được trao đổi, chia sẻ với rất nhiều người phụ nữ đồng điệu và sở hữu những tấm hình cực kì xinh đẹp bên niềm đam mê của bản thân. Cùng với đó là những trải nghiệm thỏa thích và làm những điều mình yêu, học hỏi và gặp gỡ nhiều phụ nữ cùng chung đam mê ở các lĩnh vực: ẩm thực, handmade, homemade, mỹ phẩm organic… với sự hướng dẫn của các chuyên gia nổi tiếng.
Hãy chia sẻ ngay đam mê của bạn tại http://waf.afamily.vn để có cơ hội tham dự workshop "Ngày thứ 8 của mẹ" và mang về nhiều phần quà giá trị.