Sống chung với mẹ chồng đã là gì khi mà bố chồng lên tiếng thì con dâu "cứng" đến mấy cũng phải “tắt điện”
Tưởng nói thế thì các cụ sẽ hiểu nhưng bố chồng Ngân khảng khái đáp lại: “Tôi muốn chị cầm cái chổi ra ngoài sân cho hàng xóm láng giềng người ta biết nhà này có con dâu...".
Hồi còn độc thân, Ngân thường được nghe những câu chuyện về cuộc sống sau khi kết hôn, đặc biệt là chuyện mẹ chồng nàng dâu. Cô tự hỏi, chẳng lẽ hôn nhân và quan hệ với nhà chồng thực sự phức tạp như thế?
Đến khi biết yêu rồi lấy chồng, không biết có phải do may mắn không mà Ngân có mẹ chồng không hề ghê gớm như trong phim hay trong truyện. Mẹ chồng Ngân là người phụ nữ cam chịu, cả đời chỉ biết lầm lũi nép sau lưng chồng. Chỉ có điều cũng chính vì cái lành của bà mà trật tự vốn có trong một gia đình bị đảo ngược.
Bố chồng Ngân là người nắm kinh tế chính trong nhà. Mọi công to việc lớn từ đối nội, đối ngoại, từ mua cái nồi mới hay cỗ làm bao nhiêu món cũng do ông quyết định. Đúng là mẫu đàn ông như bố chồng cô hiếm thật, may mà chồng cô khác hoàn toàn bố. Nhưng mọi mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh khi nếp sinh hoạt của vợ chồng Ngân trái ngược hẳn với bố mẹ.
10 giờ đêm hôm ấy, mẹ chồng cô gõ cửa dặn dò con dâu mới: “Bố hơi kĩ tính, từ mai con chịu khó dậy từ 5 giờ, quét nhà quét sân, đun nước cho bố pha trà. Mẹ làm cho con cũng được nhưng con cố gắng để bố vui lòng”. Thực hiện được 2 ngày thì đến ngày thứ 3 Ngân dậy muộn do đêm hôm trước phải viết báo cáo khuya, xuống nhà đã thấy mẹ chồng làm xong hết rồi.
Mặc dù miễn cưỡng chấp nhận nhưng Ngân vẫn ấm ức trong lòng. Có phải quá vô lý không, khi 2 ông bà ở nhà cả ngày không làm gì trong khi công việc của vợ chồng cô thì bận rộn. Ông bà không tạo điều kiện cho con cái thì thôi còn bẻ hành, bẻ tỏi. Với tính cách khá "cứng", Ngân nhất định chống đối.
Ảnh minh họa
Đã mấy ngày rồi không thấy con dâu dậy sớm quét dọn nhà cửa, bố chồng Ngân hậm hực ra mặt. Ngân hiểu ý nhưng cũng chẳng ngại ngùng mà nói thẳng: “Bố mẹ thông cảm giúp con, việc ở cơ quan con nhiều nhưng con sẽ cố gắng đảm bảo việc nhà, chỉ là con xin phép để chiều về con làm”.
Tưởng nói thế thì các cụ sẽ hiểu nhưng bố chồng Ngân khảng khái đáp lại: “Tôi làm cố cho anh chị cũng được nhưng quan trọng là tôi muốn chị cầm cái chổi ra ngoài sân cho hàng xóm láng riềng người ta biết nhà này có con dâu. Ngày nào chị cũng đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về, người ta biết chị là ai?”. Choáng váng với câu trả lời của bố chồng, Ngân chưa kịp phản bác thì đã bị chồng cô kéo luôn lên phòng.
1 tháng sau, bố mẹ chồng Ngân đề nghị vợ chồng cô ăn riêng. Ngỡ tưởng như thế sẽ được thoải mái thời gian nhưng hóa ra mọi sóng gió lúc này mới bắt đầu. Vợ chồng Ngân hay đi làm về muộn, gặp đâu ăn đấy nhưng bố chồng cô không đồng ý. Ông bảo đồ ăn ngoài không đảm bảo, ảnh hưởng sức khỏe. Rồi một loạt các quy định vô lý khác liên tiếp được đề ra như ngày nghỉ phải ở nhà dọn dẹp, quạt bếp than để nấu cơm, bát đũa dùng xong không được rửa luôn, chờ cả nhà ăn xong rồi rửa một thể cho đỡ tốn xà phòng, tốn nước. Bố mẹ có khách đến chơi thì phải pha trà, căn giờ khách về mà rửa cốc chén, việc ở cơ quan không được mang về nhà làm vì nhà không phải là nơi làm việc… Nếu ngồi kể được những cái oái oăm mà bố chồng Ngân nghĩ ra thì phải vài ngày. Ngân không ngờ thời buổi bây giờ lại có người đàn ông cổ hủ, độc đoán, gia trưởng như vậy! Nhưng cô sẽ không bao giờ cam chịu, nhu nhược như mẹ chồng đâu.
Rồi cái ngày tức nước vỡ bờ cũng đến. Nhà có giỗ, mẹ chồng bảo Ngân xin nghỉ để phụ mẹ làm cơm để bố mời khách. 2 mẹ con đi chợ về bố chồng Ngân tuyên bố: “Con là con dâu trong nhà, chăm lo công việc nhà chồng là trách nhiệm của con. Bố đã khen con rất nhiều với họ hàng, bạn bè mà bố mời hôm nay. Đừng làm bố mất mặt”. Nói xong ông chỉ đạo bà đi cùng ông để con dâu một mình ở nhà “thể hiện”.
Mẹ chồng Ngân vừa mấp mé định lên tiếng thì bị chặn đứng rồi ngậm ngùi nghe theo như bị bỏ bùa. Quá đáng không chịu nổi, như thế này là làm khó Ngân rồi. Không thể làm 6 mâm cỗ trong thời gian quá ngắn, tuy không phải siêu nhân nhưng Ngân cũng không thể bỏ cuộc, cô bắt đầu tính toán.
Ngân bắt tay vào làm 3 món nhanh nhất, còn lại cô gọi nhà hàng mang đến. 2 tiếng sau, bố mẹ chồng Ngân về, nhìn mấy mâm cơm bầy ra hấp dẫn, thơm nức bố chồng cô gật gù hài lòng lắm. Chưa kịp hỏi han cô con dâu đảm đang thì bà đã bị ông giục bê cơm lên cúng.
Mải rượu chè mà bố chồng Ngân không kịp nhận ra sự vắng mặt của con dâu. Cô bỏ đi và để lại lời nhắn: “Con xin lỗi nhưng con không phải là mẹ, người phụ nữ dành cả cuộc đời cung phụng bố để nhận được toàn nước mắt và tổn thương. Chồng con không được thừa hưởng những tính cách của bố nên anh ấy rất biết trân trọng những giá trị hiện có. Chúng con sẽ về thưa chuyện ra ở riêng với bố mẹ sau”.
Cũng may mà Ngân được sự ủng hộ ngấm ngầm từ chồng và mẹ chồng cô. Chồng Ngân cũng đã thuyết phục được mẹ đến ở cùng hai vợ chồng ít ngày để mình ông thử 1 lần "gặm nhấm nỗi cô đơn". Ngân rất mong bố chồng cô sẽ thay đổi và thông cảm, bao dung với con cái hơn.