Sợ chôn và hỏa táng gây ô nhiễm môi trường, một bang của Mỹ cho phép ủ xác người chết thành phân bón cây trồng
Ngày 21/5 mới đây, Thống đốc bang Jay Inslee đã ký một dự luật hợp pháp hóa việc xử lý hài cốt của con người theo phương pháp ủ. Dự luật sẽ có hiệu lực vào tháng 5/2020.
Hiện tại ở Washington, người chết được hỏa táng hoặc chôn cất. Việc xử lý xác người theo phương pháp ủ để tái chế như một lựa chọn thứ ba. Lựa chọn này được cho là giúp quá trình xác chết phân hủy thành đất diễn ra nhanh hơn.
Thượng nghị sĩ Jamie Pedersen – người mạnh mẽ ủng hộ dự luật, cho rằng đây là cách xử lý hài cốt thân thiện với môi trường. So với chôn cất, quá trình ủ chiếm ít không gian hơn. Phương pháp này cũng có thể làm giảm lượng khí thải carbon phát ra từ hoạt động hỏa táng. Nông dân thường dùng cách này để xử lý xác thú vật chết trong trang trại của họ.
"Đã đến lúc chúng ta áp dụng một số công nghệ cho trải nghiệm này của con người vì chúng tôi nghĩ rằng, mọi người nên có quyền tự do quyết định thi thể họ sẽ được xử lý thế nào", ông nói.
Katrina Spade, Giám đốc điều hành Recompose - Công ty xử lý xác người thành phân bón.
Katrina Spade, Giám đốc điều hành Recompose - Công ty xử lý xác người thành phân bón, giải thích: "Thi thể sẽ được đặt trong thùng thép hình lục giác phủ trong các vật liệu tự nhiên như rơm, mạt gỗ, cỏ linh lăng, và có thể phân hủy thành đất trong khoảng 3-7 tuần, nhờ hoạt động của vi sinh vật". Mỗi thi thể phân hủy có thể tạo ra trung bình 0,7 m3 đất, đủ để lấp đầy khoảng hai xe cút kít lớn. Loại đất này được mô tả là giàu chất dinh dưỡng, khô, mịn giống như đất ở vườn ươm và thích hợp cho việc trồng rau.
Trong quá trình thi thể phân hủy, gia đình người chết có thể đến thăm và cuối cùng sẽ nhận được phần đất mà thi thể hòa trộn vào. Việc sử dụng chỗ đất đó do gia đình tùy ý quyết định. Họ có thể giữ đất trong bình, mang đi rải hoặc trồng cây trên đất nhà mình.
Thống đốc bang Washington Jay Inslee ký dự luật cho phép xử lý xác người theo phương pháp ủ.
Quy trình này là trọng tâm của một nghiên cứu tại Đại học bang Washington với 6 người tình nguyện hiến tặng thi thể. "Chúng tôi đã chứng minh việc tái chế thực sự an toàn và hiệu quả đối với thi thể người", Spade nói.
"Ý tưởng về việc trở về với cát bụi rồi quay trở lại vòng luân hồi thực sự rất đẹp", Spade nói.
Cô chia sẻ mình bắt đầu có ý tưởng táo bạo này từ khoảng 10 năm trước sau khi bước sang tuổi 30 và suy nghĩ nhiều hơn về cái chết của mình. Spade sau đó bắt đầu nghiên cứu kỹ thuật để tạo ra một lựa chọn thứ ba thân thiện với môi trường, có thể cạnh tranh với ngành công nghiệp tang lễ trị giá 20 tỷ USD ở Mỹ, nơi cung cấp dịch vụ mai táng và hỏa táng thông thường.
Chi phí chôn cất trung bình dao động từ 8.000 - 25.000 USD, còn chi phí hỏa táng cao nhất lên tới 6.000 USD. Spade cho biết công ty của mình sẽ thu phí khoảng 5.500 USD cho việc ủ xác người.
Leslie Christian, người ủng hộ cách xử lý thi thể mới, cho rằng đây là một lựa chọn hấp dẫn nếu nhìn từ góc độ môi trường. Cô cho biết, rất nhiều người tán thành phương pháp này, bao gồm cả anh trai cô, người muốn phần đất của mình được sử dụng để trồng cà chua.
(Nguồn: CNN)