Sau quyết định cho học sinh được nghỉ học: Nhiều cha mẹ đồng tình nhưng cũng không ít người lo lắng vì “không biết làm gì với con”
Vui mừng vì con được nghỉ học ở nhà tránh dịch bệnh nhưng không ít người hoang mang không biết "làm gì với con trong 1 tuần tới".
Sau khi cân nhắc, UBND 2 thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội trong đầu giờ tối nay đã gửi công văn hỏa tốc đến Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định cho học sinh nghỉ học từ ngày 3-9/2. Điều đó có nghĩa học sinh sẽ được nghỉ học thêm 1 tuần để phòng tránh dịch corona.
Cha mẹ "mừng rơi nước mắt"
Trước tình trạng diễn biến phức tạp và mức độ nghiêm trọng của dịch corona, đặc biệt là với trẻ nhỏ, hầu hết cha mẹ học sinh đều lo lắng khi con em quay trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
"Trong mấy ngày qua mình đứng ngồi không yên vì cứ lo con đi học ở trường sẽ lây bệnh. Dù đeo khẩu trang nhưng không đảm bảo được con sẽ đeo 100% thời gian ở trường. May quá Sở Giáo dục và Đào tạo đã cho học sinh nghỉ", chị Nguyễn Thu Hương, có con học lớp 1 tại một trường ở quận Thanh Xuân, Hà Nội bày tỏ.
Phụ huynh có tên D.P vui mừng cho biết: "Học sinh tạm nghỉ. Cha mẹ không phải chạy ngược xuôi để đi mua khẩu trang y tế cho các con. Đất nước cũng đỡ được 1 lượng lớn rác thải từ khẩu trang y tế".
"Đọc tin cho học sinh nghỉ học mà mình mừng rơi nước mắt. Bõ công mấy ngày lo lắng đi làm cũng không yên tâm vì con ở trường không biết thế nào".
"Mình cho con nghỉ học từ hôm thứ 6 rồi. Không dám cho con đi học sợ hối hận cả đời. Học có thể sau cũng được, bỏ vài hôm cũng không sao. May có công văn xin nghỉ, vậy là con không bị bỏ nhiều buổi học".
Quyết định nghỉ học của gần một nửa các tỉnh thành trong cả nước khiến một số phụ huynh ở các tỉnh khác thấp thỏm mong ngóng tin nghỉ học của con.
Con nghỉ 1 tuần bố mẹ phải làm sao?
Đây là câu nói thứ 2 sau ý kiến đồng tình cho con nghỉ học của các phụ huynh. Theo lịch nghỉ của một số tỉnh thành, học sinh được nghỉ từ 3-9/2, nghĩa là cha mẹ sẽ mất 1 tuần trông con ở nhà. Nhiều người méo mặt vì không biết "tống" con đi đâu trong khi cha mẹ vẫn đi làm bình thường.
"Xin một công văn hỏa tốc đến công ty đi. Bố mẹ cũng cần được nghỉ để trông con".
"Thôi thì mua gạo, đỗ, gia vị, lá dong, củi... về làm bánh chưng ăn Tết tiếp".
"Đề nghị áp dụng tăng thời gian nghỉ Tết 1 tuần do ảnh hưởng từ corona".
Dịch chưa đến mức phải nghỉ học
Bên cạnh mối lo tìm chỗ trông con trong 1 tuần thì phụ huynh Nguyễn Ngọc Diệp phản đối việc cho học sinh nghỉ học.
"Biết là nói thì dễ ăn chửi nhưng quả thực mình thuộc số rất ít phụ huynh không thích con nghỉ học vì những lý do sau:
Thứ nhất dịch chưa đến mức độ nào, chưa có ca nào lây nhiễm trong trường học mà phải nghỉ, nghỉ rồi chúng nó đâu chịu ở nhà, phải đưa chúng đi chơi, lại ra điểm công cộng thì rủi ro lây nhiễm còn cao hơn trường học.
Thứ hai, các cô giáo trường công đang làm rất tốt việc dạy các cháu phòng dịch và đảm bảo sạch sẽ trường sở cho các cháu, cho đến thời điểm hiện tại mình không có lời gì để phàn nàn cả.
Thứ ba, một tuần nghỉ học không thể nào là giải pháp dài hạn cho bệnh dịch hiện nay. Nếu một tuần nữa dịch vẫn thế này thì nghỉ tiếp một tuần nữa à? Nếu đỉnh dịch là tháng 4, tháng 5 hay định cho nghỉ luôn từ nay đến lúc đó.
Thứ tư, nhà mình có mẹ trông giúp, công việc mình giờ giấc linh hoạt nên con nghỉ học không ảnh hưởng nhiều đến mình. Nhưng còn hàng trăm nghìn gia đình khác thì sao? Họ làm gì có bố mẹ trông giúp, nghỉ mãi rồi mất việc làm thế nào? Mình dám chắc doanh nghiệp cũng không thích gì điều này đâu.
Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc đều có số ca lây nhiễm gần gấp đôi lần ta mà chưa nước nào cho học sinh nghỉ học. Dân ta làm thì ít mà đòi nghỉ thì nhanh.
Cuối cùng, bao nhiêu người kêu gào đòi cho con nghỉ quên mất một điều rằng có quá nhiều công việc làm dịch vụ, đảm bảo đời sống thiết yếu như truyền hình viễn thông... bình thường đã chật vật, không bao giờ được nghỉ, giờ thêm con ở nhà cả ngày thường nữa họ xoay xở ra sao".
VÌ SỨC KHỎE GIA ĐÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG, HÃY ĐEO KHẨU TRANG!
Trong bối cảnh đại dịch corona diễn biến phức tạp, chúng ta cần nâng cao ý thức bảo vệ gia đình và cộng đồng từ hành động vô cùng đơn giản: Đeo khẩu trang.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bên cạnh việc hạn chế tiếp xúc với người khác hay thường xuyên rửa tay với xà phòng - đeo khẩu trang là việc làm bé nhỏ nhưng mang tính chất phòng ngừa cơ bản nhất, ngăn chặn nguy cơ lây truyền virus corona qua nước bọt hoặc dịch tiết đường hô hấp.