Rớt nước mắt người vợ bị bắt sống cùng nhân tình của chồng
“Lấy chồng, theo chồng rồi sinh con đẻ cái, mọi người nghĩ tôi sẽ có cuộc sống vẹn tròn, hạnh phúc lắm. Thế nhưng họ đâu biết cuộc sống của tôi trong cái gia đình đó ê chề đến mức nào...”, chị Đào Thị Hồng Kh, xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ, (Bắc Ninh) chia sẻ.
Chồng công khai nhân tình bắt vợ sống chung
Chị Đào Thị Hồng Kh. chia sẻ, chị sinh ra và lớn lên một gia đình thuần nông, vì thế, cuộc sống gia đình của chị không mấy khá giả.
Vợ chồng chị có 2 con. Vì chồng chị làm nghề lái xe nên cuộc sống gia đình cũng khấm khá và ít khi có va chạm. Nhìn về bên ngoài nhiều người nghĩ gia đình chị sẽ có cuộc sống vẹn tròn, hạnh phúc. Thế nhưng họ đâu biết cuộc sống của chị trong cái gia đình đó ê chề đến mức nào.
Chị Kh. cho hay: “Phải nói rằng lúc đầu hai vợ chồng tôi sống rất hạnh phúc, cuộc sống rất ít khi va vấp và có những bất đồng. Sau khi tôi có cháu thứ 2 thì chồng tôi trái tính trái nết tuyên bố thẳng thừng với tôi rằng sẽ lấy vợ 2. Lúc đầu tôi thấy anh nói vậy cho vui thôi nhưng rồi tôi không ngờ đó lại là sự thật. Khi con thứ 2 của tôi được 8 tháng thì chồng tôi dẫn cô gái ấy về ra mắt gia đình.
Đó là lúc tôi vừa đi làm về, tôi thấy vậy liền đuổi cô ta ra khỏi nhà và nói rằng: “Chồng chị đã có vợ có con rồi em nên bỏ đi vì em là con gái, em thiếu gì người mà cứ theo chồng chị để phá nát hạnh phúc gia đình làm gì". Thế nhưng cô ta không nghe, cô ta “đốp” lại: “Em, trót yêu chồng chị rồi, chị có chồng thì chị giữ, chị nên bỏ ra khỏi nhà đi thì hơn”. Tôi nói với cô ta không được nên quay ra cầu cứu bố mẹ chồng tôi hãy thương con, thương cháu mà can ngăn chồng. Thế rồi ông bà cũng mủi lòng mắng chửi đuổi cô ấy về.
“Được một thời gian, chồng tôi lại chứng nào tật ấy, tiếp tục dẫn cô ta về đánh tôi, ép bằng được tôi phải chấp nhận sống cùng cô ta. Tôi không chịu và tiếp tục nhờ bố mẹ chồng khuyên nhủ. Lúc đó bố chồng không khuyên con trai thay đổi mà nói lại với tôi rằng “Con hơn cha là nhà có phúc” rồi ông ấy đánh, đuổi tôi ra khỏi nhà. Tôi thấy tuyệt vọng, đau đớn”, chị Kh nói.
Nhiều lần tìm đến cái chết
“Tôi đau đớn lắm, tôi không biết làm thế nào khi có nhà, có cửa, có gia đình, có con cái mà không thể về, không thể ở. Những lúc tôi đau khổ, buồn bã rồi ngất lên ngất xuống tôi chỉ mong mình chết đi. Tôi đã từng tìm đến cái chết rất nhiều lần. Đi đường tôi tôi đâm đầu vào ô tô nhưng không chết. Giờ đây tôi không biết mình nên làm gì nữa khi gia đình tan nát, khi bị nhà chồng đánh đuổi như thế này”, chị Kh. chia sẻ.
"Tôi rất mong muốn những chị em có hoàn cảnh như tôi hãy vững chắc vượt qua mọi sóng gió", chị Kh. nói. Ảnh minh họa
Chị Kh. kể: “Khi bị đuổi đi, tôi đau đớn mang hai con đi cùng nhưng họ giằng lại. Tôi phải nhờ đến công an xã, nhờ hội liên hiệp phụ nữ can thiệp thì mới mang được một cháu đi. Thế nhưng được vài ngày chồng tôi lại đến tìm con và đưa nó đi nốt”.
Hiện tại chị Kh. rất cần sự chia sẻ, động viên để có thể giành quyền nuôi con. “Tôi rất mong muốn những chị em có hoàn cảnh như tôi hãy vững chắc vượt qua mọi sóng gió. Để giải thoát cho mình không nên sống khổ sở, đày ải, hành hạ bản thân như tôi. Tôi mong những chị em còn lại sống hạnh phúc hơn tôi. Khi gặp phải hoàn cảnh như tôi hãy nhờ đến cơ quan có thẩm quyền để được trợ giúp, nhất thiết là phải cố gắng kiếm tiền thật nhiều để đảm bảo kinh tế từ đó có thể giành phần nuôi con về mình”.
Theo bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA, phụ nữ là đối tượng thường xuyên chịu sự lấn át về tình cảm, tinh thần và thể chất. Trong cuộc sống hôn nhân, bạo lực trên cơ sở giới trong quan hệ gia đình rất hiếm khi được nhận biết do bị che phủ bởi những mong đợi truyền thống mang tính văn hóa, những quy tắc chuẩn mực, những tiêu chuẩn đạo đức liên quan đến giới cũng như hệ tư tưởng gia trưởng trong xã hội. "Hội thảo xây dựng mô hình dịch vụ cho người bị bạo lực giới là diễn đàn để các nghiên cứu viên, những người thực hiện chương trình, những người trực tiếp triển khai luật ở cấp cơ sở ngồi lại và thảo luận các phát hiện nghiên cứu, các bài học kinh nghiệm từ các mô hình thử nghiệm hiệu quả trong phòng, chống bạo lực gia đình, và đối thoại với các lãnh đạo trong các bộ, ngành có liên quan, nhằm đưa ra khuyến nghị chung về cải tiến các chính sách liên quan tới phòng, chống bạo lực gia đình, cũng như cơ chế giám sát việc thực thi luật”, bà Vân Anh cho biết thêm. |