Qua miệng lưỡi của đồng nghiệp, tôi trở thành kẻ không từ thủ đoạn để được thăng tiến: 4 nguyên tắc để "tằng tằng" lên chức
Tôi từng bị đồng nghiệp trong công ty cô lập đến mức suýt nữa thì mắc chứng trầm cảm.
Bị đồng nghiệp ghét bỏ, cô lập vì quá xuất sắc
Có ai đi làm từng bị đồng nghiệp bắt nạt chỉ vì nỗ lực làm việc và được thăng chức chưa?
Có tôi. Tôi từng bị đồng nghiệp trong công ty cô lập chỉ vì chức vụ tổ trưởng, đến nỗi tâm trạng tôi suy sụp tồi tệ trong một thời gian dài, suýt nữa thì mắc chứng trầm cảm, sợ hãi việc phải đối mặt với đồng nghiệp và công ty.
Người cầm đầu vụ cô lập này là một đồng nghiệp nữ. Cô ấy vào làm ở công ty trước tôi. Ban đầu, cô ấy là người hướng dẫn của tôi, chúng tôi cùng làm chung một hạng mục, cùng nhau thức đêm, cùng nhau xử lý tài liệu, mối quan hệ nhờ đó cũng tốt hơn, có thể xem nhau là bạn tốt. Lúc đó, chúng tôi chỉ là những nhân viên nhỏ, toàn bộ công việc đều do tổ trưởng phân công sắp xếp. Sau này, khối lượng dự án tăng lên, công ty phải phân ra thành hai trung tâm dự án, mà tôi và cô ấy lại được xếp vào cùng một trung tâm. Vì cô ấy đã làm việc lâu ở đây, mà trung tâm mới cũng chưa có tổ trưởng nên công ty sắp xếp cô ấy làm những công việc của tổ trưởng luôn. Lúc đó tất cả chúng tôi đều thầm thừa nhận cô ấy là tổ trưởng tương lai của trung tâm này.
Nhưng không ngờ được rằng, 2 tháng sau khi thành lập, tôi được nâng lên giữ vị trí tổ trưởng. Ngày nhận được thông báo thăng chức cũng là ngày tôi bị cô lập.
Người đồng nghiệp từng thân thiết với tôi giờ quay sang lôi kéo tất cả mọi người trong tổ cùng cô lập, bắt nạt tôi. Ví dụ như, buổi trưa đi ăn cơm thì không gọi tôi đi cùng, hay nói xấu sau lưng tôi với cấp trên, lúc họp thì tất cả cùng hẹn nhau đến muộn. Công việc mà tôi giao cho, tất cả cũng như hẹn trước với nhau không nộp đúng thời hạn quy định. Tất cả những tâm tư chơi xấu đó tôi đều thấy rất rõ: Mọi người không ưa tôi, nói trắng ra là ghét bỏ.
Cấp trên cũng từng tìm tôi nói chuyện, bảo tôi phải tìm cách hoà nhập với mọi người, ví dụ như mời họ đi ăn chẳng hạn. Tôi nghe vậy cũng làm theo rồi, nhưng chẳng có tác dụng gì, lại còn làm cho tất cả cảm thấy tôi là người cực kì giả tạo, càng ghét tôi hơn trước.
Đạp trên dư luận, thăng tiến cao hơn nữa
Sau này bọn họ còn truyền ra đủ loại lời đồn đại, cho rằng tôi vì để thăng quan tiến chức mà không ngại giở thủ đoạn xấu xa, thích ở trước mặt cấp trên ra vẻ yêu công việc, không ngại tăng ca. Tôi thực sự cạn lời luôn rồi. Càng quá đáng hơn là những lời đồn vô lý như thế mà vẫn có người tin là thật. Rõ ràng tôi chẳng làm gì sai cả, thế nhưng qua miệng lưỡi của bọn họ, tôi trở thành kẻ không từ thủ đoạn để cướp đồ của người khác.
Lúc đó tôi nghĩ, hay là do bản thân tôi chưa đủ năng lực để khiến đồng nghiệp công nhận chăng? Vậy là từ lúc đó, ngày nào tôi cũng đến công ty sớm 1 tiếng đồng hồ, hôm nào cũng tăng ca đến tối muộn, tôi đâm đầu vào làm việc đến mức đồng nghiệp gọi tôi là “Nữ hoàng công việc”.
Tôi cũng tích cực cải thiện kĩ năng làm việc, đọc sách tài liệu, nâng cao khả năng tư duy của bản thân. Tôi cố gắng xử lý công việc một cách hoàn hảo nhất có thể, tăng cường khả năng quản lý của bản thân, chủ động giải quyết khi xuất hiện vấn đề. Cứ như vậy, nửa năm sau, tôi lại được thăng chức lên làm trưởng phòng. Còn những người đồng nghiệp làm cùng tôi ở trung tâm dự án ngày đó thì vẫn giậm chân tại chỗ, cuối cùng phải nghỉ việc.
Còn tôi, tôi đã nỗ lực dùng sự cô lập, bắt nạt của đồng nghiệp để làm bàn đạp cho bản thân tiến xa hơn, biến sự cô đơn thành động lực để cải thiện bản thân. Tôi từng đọc trong sách một câu như thế này: “Ví dụ, ở nơi làm việc, nếu bạn cảm thấy có rất nhiều người ghét bạn, bàn tán về bạn hay đồn đại những chuyện không đúng sự thật, vậy thì chỉ có một cách duy nhất để giải quyết vấn đề, đó là bạn phải nâng sự tự tin của mình lên mức cao nhất. Bạn phải có niềm tin mãnh liệt rằng bản thân bạn là người như thế nào, bởi khi chúng ta trưởng thành, bị người khác không ưa là chuyện cực kì bình thường”.
Nếu ở công ty bạn cũng gặp phải đồng nghiệp như trong câu chuyện của tôi, vậy tôi muốn khuyên bạn như sau:
1. Đừng rụt rè!
Nếu như bạn thật sự không làm sai chuyện gì, vậy thì đừng cảm thấy sợ hãi hay khó chịu về chuyện đó, cứ làm những gì bạn cho là đúng là được.
2. Làm những chuyện đúng đắn, xử lý vấn đề cũng phải đúng đắn
Hãy giành lấy quyền lợi hợp lý cho bản thân trong phạm vi vừa phải, đừng tin người khác dụ dỗ vất vả chút mới là sướng. Làm những việc đúng đắn mới là quan trọng, bạn nhé.
3. Cải thiện kỹ năng làm việc
Phân tích rõ ràng công việc mà vị trí của bạn đảm nhận, đánh giá năng lực hiện tại của bạn cũng như ưu, khuyết điểm của mình. Hãy dành nhiều thời gian nhất có thể để cải thiện kỹ năng của mình và biến điểm yếu thành điểm mạnh.
4. Học cách “khoe” tài với lãnh đạo
Đạt được thành tích tốt trong công việc, nhất định phải bày tỏ với cấp trên để được biểu dương. Hãy cho sếp của bạn biết trong thời gian ngắn mà bạn có thể xử lý công việc một cách hoàn hảo, để sếp tin tưởng tiếp tục giao việc cho bạn.
Thương trường như chiến trường, chỉ có tự thân mạnh mẽ mới có thể đánh bại tất cả sự khinh thường cô lập mà thôi. Quan trọng nhất là, công việc cũng chỉ là công việc, đừng quá hao tổn tinh thần vì nó, bất kể là khối lượng công việc hay mối quan hệ với đồng nghiệp đều không được phép ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Con người chỉ sống có một lần, vui vẻ mới là số một!