Qua đời ở tuổi 31, họa sĩ Nhật để lại 180 tác phẩm siêu thực đầy ám ảnh về góc khuất của thế giới hiện đại
Tetsuya Ishida là một cố họa sĩ nổi tiếng ở Nhật Bản, các tác phẩm của anh đi theo trường phái siêu thực , phản ánh rõ nét nhất những mặt tối, nỗi buồn, góc khuất và sự tàn khốc của xã hội đương đại gây ám ảnh cho không ít người xem.
Tetsuya Ishida sinh ngày 16/6/1973, tại thành phố Yaizu, tỉnh Shizuoka, Nhật Bản trong một gia đình có 3 anh em. Từ nhỏ, Ishida đã bộc lộ khả năng thiên bẩm của mình khi vẽ ra hàng loạt các tác phẩm ở tuổi 11.
Dạo ấy dù biết Ishida có năng khiếu vẽ nhưng bố mẹ anh lại cho rằng, nghề vẽ vời hoàn toàn không mang lại tương lai tốt đẹp cho con trai mình và vì thế họ đã tìm cách ngăn cản Ishida đi theo con đường hội họa.
Nhưng cũng như bao người trẻ Nhật Bản đầy nhiệt huyết và tự chủ đương thời, Tetsuya Ishida vẫn âm thầm theo đuổi đam mê của mình. Ngày trúng tuyển vào một trường Đại học Mỹ Thuật ở thành phố Tokyo, Ishida chính thức bước ra khỏi nhà và từ chối các khoản trợ cấp của bố mẹ.
Ở Tokyo, Tetsuya Ishida phải vừa học, vừa đi làm thêm kiếm tiền trang trải sinh hoạt phí. Cuộc sống của anh phải nói là vô cùng vất vả. Nhưng các nhà phê bình mỹ thuật cho rằng, nhờ khoảng thời gian đó, anh mới có cảm hứng cho ra đời nhiều tác phẩm đẹp.
Tetsuya Ishida cứ thế vừa làm việc, vừa vẽ trong suốt hơn 10 năm mãi cho đến khi anh qua đời ở tuổi 31 vì bị tàu hỏa đâm. Nhiều nghi vấn đây là một vụ tự tử.
Trước khi mất, các tác phẩm của Ishida vốn không gây được nhiều tiếng vang, vậy mà khi anh không còn, tranh của anh bỗng chốc nổi tiếng được rất nhiều người biết đến. Thậm chí, các cuộc triển lãm về tranh của cố họa sĩ Ishida còn được tổ chức ở nhiều nơi trên khắp nước Nhật.
Trong số 180 tác phẩm để lại, có một bức đã được bán với giá hơn 100.000 USD trong buổi đấu giá Nghệ thuật Đương đại Châu Á, do nhà đấu giá Christie tổ chức.
Tại sao tranh của Tetsuya Ishida lại nổi tiếng? Vì tất cả đều đi theo trường phái hội họa siêu thực phản ánh rõ nét nhất những mặt tối, nỗi buồn, góc khuất và sự tàn khốc của xã hội đương đại.
Dù không có chú thích gì nhiều, nhưng nhờ điều đó mà người xem tranh của Tetsuya Ishida có thể tự do trong việc đánh giá, nhìn nhận và hiểu về tác phẩm của anh theo cách của riêng mình, đặc biệt là những người trẻ, những dân công sở đang lao mình vào vòng xoáy cơm-áo-gạo-tiền với nhiều cám dỗ, sự ngột ngạt, nỗi buồn tuần hoàn ngày qua ngày,...
Có người thấy mình trong bức tranh vẽ những con người được chất đống như hàng hóa trên xe; có người lại nhìn ra bản thân họ là trong tác phẩm những cái móc áo đóng trên tường ở tư thế cúi người 90 độ, lúc nào cũng sẵn sàng một tư thế vì sự nghiệp chăng? Vì sự thăng tiến chăng? Hay là vì tác phong của dân công sở thời hiện đại cũng là một ngành công nghiệp, phải cúi thấp người mới là điều đúng đắn?
Củng xem thêm vài bức tranh của Ishida: