Phụng dưỡng cha mẹ khi về già và những nỗi lòng về chữ “Hiếu” của con cái thời hiện đại

JJJ,
Chia sẻ

Giữa những quan niệm chồng chéo, cũ mới, Á - Âu lẫn lộn, phận làm con cũng đau đầu khi "hiếu thảo" thường gắn liền với việc chu cấp, phụng dưỡng lúc cha mẹ về già.

Từ lâu, chữ "Hiếu" của thời hiện đại đã trở thành chủ đề gây tranh cãi ở khắp nơi trên thế giới. Về cơ bản, ai cũng hiểu rằng cái gốc của mỗi con người đều nằm ở gia đình, ở mối quan hệ giữa con cái và bố mẹ.

Nếu như gia đình là bệ phóng, là chốn an yên của mỗi con người, sự khác biệt giữa các nền văn hóa lại tạo ra quan niệm khác nhau về chữ "Hiếu". Đơn giản thế này: Ở các nước châu Á nói chung, người ta quan niệm rằng, cha mẹ đã hy sinh cả cuộc đời để chăm lo, dìu dắt con cái. Đến lúc bậc sinh thành già yếu, con cái có trách nhiệm trông nom, phụng dưỡng đến khi họ nhắm mắt xuôi tay thì cả nghĩa lẫn tình mới trọn vẹn.

quote 1 copy 2

Còn trong văn hóa Âu - Mỹ và các nước phát triển, cha mẹ có trách nhiệm nuôi nấng, dạy dỗ và tạo mọi điều kiện cho con phát triển đến năm 18 tuổi. Cảnh tượng các cô cậu mười tám đôi mươi bị cha mẹ "đuổi khỏi nhà" thậm chí đã trở thành một phần trong văn hóa đại chúng Âu - Mỹ. Vì, nếu đến tuổi trưởng thành mà vẫn sống chung nhà, được cha mẹ lo lắng từ A - Z, đó là điều rất đáng xấu hổ, bị coi là kẻ thất bại.

Nhưng để đổi lấy tư duy độc lập sớm như vậy, bậc sinh thành trong xã hội Âu - Mỹ lại phải chấp nhận sự thật đôi khi rất phũ phàng: Khi già cả, về hưu và không còn khả năng chăm sóc bản thân - họ sẽ phải đến viện dưỡng lão và sống ở đó đến cuối đời. Con cái không buồn chu cấp hay ngó ngàng cũng là chuyện gì đó rất bình thường.

Trong xã hội hiện đại, nhiều luồng văn hóa đan xen lẫn lộn khiến chuyện đạo Hiếu trở nên phức tạp hơn - phận làm con cũng đau đầu hơn khi không biết nên cư xử thế nào với cha mẹ.

Hãy đến với những dòng tâm sự của Doris Lam, nhà văn chuyên nghiệp đang làm việc cho tờ Huffington Post, về những trăn trở và đấu tranh nội tâm khi cô không biết sống sao để giữ trọn chữ Hiếu.

Trong xã hội Á Đông, việc nuôi dạy con cái theo hướng đòn roi nghiêm khắc được coi là chuyện bình thường. Từ tấm bé, những đứa trẻ thường bị cha mẹ thúc ép để trở thành những cá nhân "ưu tú của ưu tú". Ví dụ, lũ trẻ sẽ phải tham gia các chương trình giảng dạy bổ sung đặc biệt trước khi vào lớp 1 để biết đọc, biết viết sớm - không tụt hậu, thua kém so với các bạn đồng trang lứa.

Và thường thì, khi đến tuổi trưởng thành, con cái sẽ báo hiếu cha mẹ bằng cách cung cấp các khoản trợ cấp hàng tháng. Đây là giá trị cốt lõi đã ăn sâu vào văn hóa Trung Quốc và các nước châu Á.

Khi lớn lên ở Hồng Kông, cha mẹ của tôi cũng như vậy - họ thường xuyên kêu lên: "Tôi không thể đợi chị lớn lên, mua nhà lầu xe hơi, nuôi chúng tôi được!" hoặc "Khi ba mẹ về hưu, hãy nhớ những gì ba mẹ đã làm cho con."

Lúc ấy, tôi thường đáp lại bằng nụ cười có chút hốt hoảng, tránh giao tiếp bằng mắt và thầm tính toán xem, liệu tôi có đủ sức mua những thứ cha mẹ đã bóng gió hay không. Sau đó, tôi lẳng lặng chờ cuộc nói chuyện kết thúc hoặc cầu nguyện họ sẽ đổi chủ đề.

Từ khi còn nhỏ, cha mẹ đã đăng kí cho tôi học múa ba-lê, piano, ngoại ngữ và toán học theo phương pháp Kumon. Họ giám sát mọi khía cạnh trong cuộc sống của tôi, họ làm mọi cách để đảm bảo rằng, những gì mà tôi làm sẽ có ích cho tương lai - cấm đoán mọi thứ có thể khiến tôi không thành công, hoặc "phải biết chịu khổ, nhẫn nhục" thì mới nên người.

Tôi trân trọng nỗ lực của cha mẹ trong việc đầu tư thời gian, tiền bạc vào sự phát triển của con cái. Nhưng phải thú thực rằng, tôi của những năm tháng thiếu niên ngập tràn căng thẳng, tủi hờn và phẫn uất vì những kỳ vọng lớn lao mà cha mẹ áp đặt. Khi đó, tôi luôn cảm thấy cuộc đời thật tù túng, chẳng khác gì bị giam cầm.

Cha mẹ cấm tiệt việc tôi sang nhà bạn ngủ; gạt phăng nguyện vọng vào trường nghệ thuật mà tôi mơ ước; ép tôi chia tay bạn trai để tập trung học hành. Cha mẹ - với hàng tá giáo điều ngày một khiến tôi thất vọng, chỉ còn lại cảm giác ngột ngạt-và-ngột ngạt.

quote 1

Những cụm từ kiểu như "tất cả là vì con" và "mai này con sẽ biết ơn bố mẹ" được lặp đi lặp lại một cách nhàm chán, vô nghĩa. Từ khi cấm tôi học nghệ thuật, cha mẹ đẩy tôi vào chuyên ngành quản trị kinh doanh với suy nghĩ: Thứ này sẽ giúp con có mức lương cao, xin việc đâu cũng được.

TÔI GHÉT ĐIỀU ĐÓ! Năm đầu tiên học ở trường kinh doanh, tôi chết chìm trong sự thảm hại và mất đi toàn bộ động lực học hành. Và khi cầm trên tay bảng điểm của học kỳ đầu tiên, một nửa trong số bị bút đỏ gạch xối xả - tôi phải học lại.

Ở cái tuổi mười tám đôi mươi, tôi đã trở thành điều mà cha mẹ sợ hãi nhất: Một cô con gái khó bảo và thất bại trong việc học. Thật may mắn, năm nhất cuối cùng đã kết thúc trong sự "yên tâm tạm thời" của cha mẹ.

Trong khi vẫn chưa thể học nghệ thuật, tôi đã phớt lờ các môn chuyên ngành và chuyển hướng sang văn học và tiếng Anh. Dù bố mẹ không đồng ý, tôi vẫn tham gia một cuộc thi viết và nhận được học bổng sáng tạo mùa hè ở Anh. Đó không chỉ là khởi đầu của hành trình trở thành nhà văn, mà còn là lần đầu tiên tôi được làm chính mình và khiến cha mẹ tự hào.

Thế nhưng, nó nhanh chóng trở thành khoảnh khắc buồn bã khi cha mẹ cùng nhau nhìn tôi bỡn cợt và kêu lên: "Cuối cùng ba mẹ cũng có gì đó để khoe khoang rồi!"

Tôi vẫn đáp lại bằng một nụ cười, bất chấp tất cả sự oán giận tích tụ bấy lâu nay, tôi vẫn khao khát được họ chấp nhận.

Hiện tại, khi đã trưởng thành và rắn rỏi hơn, cuối cùng tôi cũng có được sự độc lập trong cuộc sống nhưng vẫn biết ơn tất cả những đòn roi và cơ hội mà cha mẹ dành cho tôi. Quả thực, không có sự thúc ép khi còn nhỏ, tôi sẽ không có kỷ luật hoặc động lực để hướng tới mục tiêu cá nhân là trở thành nhà văn.

Vấn đề của bây giờ là, một kỳ vọng mới liên quan đến tiền, có tên là "báo hiếu" đã len lỏi vào những cuộc trò chuyện của gia đình tôi: Liệu tôi có đủ khả năng để phụng dưỡng cha mẹ khi về hưu?

quote 1 copy 3

Bạn không biết điều đó kinh hoàng đến nhường nào đâu! Là một sinh viên Đại học 22 tuổi sống ở Hồng Kông, một trong những đô thị đắt đỏ nhất thế giới, điều đó làm tôi sợ hãi.

Các công việc bán thời gian và thực tập chỉ đem lại mức lương tối thiểu 4,8 USD/h (110.000 đồng), tôi chỉ kiếm đủ để tự nuôi mình. Cảm giác không thỏa đáng và áp lực kiếm thêm tiền cứ lởn vởn trong đầu mỗi khi cha mẹ nửa đùa nửa thật rằng: Tôi chính là kẻ phải lên kế hoạch nghỉ hưu cho họ. Khiến cha mẹ thất vọng là nỗi sợ hãi đè nặng lên con tim nhỏ bé của tôi.

Điều này thậm chí khiến tôi xấu hổ khi muốn mua sắm gì đó cho bản thân, để rồi mẹ sẽ phát hiện ra và nhìn tôi với đôi mắt đầy nghi hoặc "Con đã chi bao tiền cho thứ này?"

Trong suy nghĩ của cha mẹ thì, 10 hoặc 20 USD kia nên được sử dụng vào phí sinh hoạt chung của gia đình - chứ không phải cái áo đang sale 50% của Zara. Một phần trong tôi luôn ước ao có thể trả hết các loại hóa đơn, đưa cha mẹ đi ăn tối sang chảnh hoặc xây cho họ một căn nhà đẹp long lanh - phần còn lại vẫn là những tủi hờn từ thời niên thiếu.

Đối với cha mẹ, họ cảm thấy đã thành công trong việc dẫn dắt tôi đến với con đường sự nghiệp đúng đắn. Đối với tôi, thành công của tôi thuộc về bản thân - vì tôi không bao giờ cảm thấy được họ khích lệ một cách đúng đắn từ khi sinh ra trên đời.

Ồ, và có vẻ như tôi không phải kẻ duy nhất rơi vào những cơn khủng hoảng nói trên. Là một người luôn tìm kiếm bạn bè châu Á khắp bốn phương, tôi bắt gặp nhiều bài viết thảo luận về chủ đề "báo hiếu cha mẹ". Tại đó, hầu hết những đứa con gốc Á cắt lương đưa cho cha mẹ vì tình yêu và trách nhiệm, những người còn lại thì suy nghĩ giống tôi.

Tôi đã chứng kiến những người bạn trai cũ dành hơn một nửa tiền lương hàng tháng gửi cho cha mẹ họ; còn bố tôi bí mật nhét tiền vào túi ông bà nội mỗi khi chúng tôi ra hàng ăn sủi cảo. Truyền thống này đã ăn sâu vào văn hóa Á Đông, đến nỗi trở thành điều hiển nhiên, không cần bàn cãi làm gì cho mệt.

Rõ ràng, nhu cầu giao tiếp cởi mở thay vì mặc cảm trầm uất là những gì bạn muốn có trong mọi mối quan hệ, chỉ trừ gia đình.

Báo đáp cha mẹ nên là điều gì đó xuất phát từ trái tim và lòng biết ơn, thay vì đánh đồng tình cảm với tiền bạc hoặc nghĩa vụ hiếu thảo trước bậc sinh thành. Tôi ước mình có thể bày tỏ những suy nghĩ này thành lời trước bố mẹ nhưng lại sợ hãi phản ứng tiêu cực của họ.

Dù mối quan hệ giữa tôi và cha mẹ không hoàn hảo, tôi vẫn dành một phần trong tháng lương làm việc toàn thời gian đầu tiên cho họ - vì đó là điều tôi muốn. Ít nhất, tôi hi vọng mình có thể làm điều này vì tình yêu thay vì những mặc cảm tội lỗi.

Chia sẻ