Phú Quang vĩnh biệt Hà Nội phố
8h45 phút sáng 8/12, nhạc sĩ của “Em ơi Hà Nội phố” và những tình khúc nổi tiếng đã giã biệt cuộc đời ở tuổi 72 sau thời gian chống chọi với bệnh tật.
Phú Quang tên đầy đủ là Nguyễn Phú Quang, người Hà Nội nhưng sinh tại Cẩm Khê, Phú Thọ năm 1949 do theo gia đình tản cư kháng Pháp, lên 5 tuổi thì trở về Thủ đô đã được giải phóng.
Năm 1967 tròn 18 tuổi, anh tốt nghiệp hệ Trung cấp Kèn Cor tại Trường Âm nhạc Việt Nam (sau đổi thành Nhạc viện Hà Nội và cuối cùng là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), làm nhạc công tại Nhà hát Giao hưởng- Hợp xướng- Nhạc vũ kịch Việt Nam đến năm 1978. Từ 1978- 1982 trở lại Nhạc viện Hà Nội học chuyên ngành Chỉ huy Giao hưởng, tốt nghiệp thì đầu quân cho Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.
Năm 1985 đánh dấu bước ngoặt lớn của cuộc đời khi Phú Quang quyết định Nam tiến. Anh trải qua chặng công tác ở Phòng Ca Múa Nhạc Sở Văn hóa Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh, cộng tác với Nhà hát Giao hưởng Thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian này Phú Quang viết ca khúc, nhạc phim, nhạc cho sân khấu, làm chương trình, lập phòng thu riêng- tại gia và bên ngoài, tên là Tigon Studio để sản xuất phát hành không chỉ tác phẩm của mình mà thôi.
Học hòa âm phối khí từ một số nhạc sĩ nổi tiếng, 17 tuổi đã có tác phẩm khí nhạc đầu tay nhưng Phú Quang chỉ thực sự nổi tiếng khi Em ơi Hà Nội phố ra đời năm 1986. Ca khúc đáp ứng mọi yêu cầu về nghệ thuật lẫn đại chúng, đáp ứng mọi lứa tuổi này đã đưa Phú Quang lên đài danh vọng để rồi bền bỉ trụ hạng từ đó đến nay với lượng tác phẩm đồ sộ, tăng dần theo thời gian.
Thập kỉ 90 thế kỉ trước, giữa Sài Gòn, Phú Quang từng làm những đêm nhạc lấy tên "Ký ức Hà Nội phố", "Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long"... (khảo dị của câu thơ Huỳnh Văn Nghệ: Từ thuở mang gươm đi mở nước/Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long. Chữ mở nước có bản ghi mở cõi). Chính sự xa cách đã khơi nguồn cảm xúc vô tận để Phú Quang viết rất nhiều bài hát liên quan đến thành phố quê hương mà anh bộc lộ là nhớ và yêu đến “quay quắt”, “cháy lòng”.
Những năm cuối 70 và đầu 80 thế kỉ trước, Phú Quang là nhà sáng lập và nhạc trưởng của dàn nhạc nhẹ thính phòng (kiểu Paul Mauriat) mang tên Mùa Thu, chuyên trình tấu các bản nhạc không lời chuyển soạn từ các ca khúc nổi tiếng, đồng thời tổ chức phối khí để thu thanh rất nhiều ca khúc cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Dàn nhạc Mùa Thu chính là ký ức đẹp, kỷ niệm đẹp của nhiều khán giả, nhớ đến tận bây giờ.
Một nhạc sĩ học hành bài bản, một tấm gương lao động miệt mài. Nếu có điều còn thiếu, cũng chính là điều Phú Quang tiếc nuối thì có lẽ là: Được đào tạo thêm ở nước ngoài, như nhiều người làm nghề may mắn khác. (Riêng về sáng tác, Phú Quang quan niệm: Không ai dạy được ai mà là chuyện trời cho, một công việc đơn độc lặng thầm).
Bức ảnh quý trong album gia đình Bùi Xuân Phái: Bùi Xuân Phái (phải) và Phan Vũ đi chơi chợ Tết 1974, với di bút của danh họa. Phan Vũ- Phú Quang làm thành cặp tác giả được yêu mến với Em ơi Hà Nội phố. Còn Bùi Xuân Phái liên quan Phú Quang ở khía cạnh: Anh từng ngồi ghế giám khảo Giải thưởng Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội, và cuối cùng nhận Giải thường Lớn - hạng mục quan trọng nhất của giải này trước khi ra đi.Căn cứ vào độ phổ biến, có thể thấy anh có khoảng trên dưới 100 bài hát vang lên thường xuyên tại các đêm nhạc riêng chung và phủ sóng phát thanh, truyền hình, các nơi chốn khác.
Tác phẩm tiêu biểu của Phú Quang ngoài Em ơi Hà Nội phố có: Khúc mùa thu, Đâu phải bởi mùa thu, Biển của thời đã mất, Nỗi nhớ mùa đông, Trong miền ký ức, Mùa hạ còn đâu, Dạ khúc, Biển nỗi nhớ và em, Nỗi nhớ, Im lặng đêm Hà Nội, Chiều hoang, Tình khúc 24…
Tác phẩm khí nhạc tiêu biểu có: Niềm tin, Khát vọng, Chuyện kể về tình yêu, Câu chuyện truyền thuyết, Cõi người… Trong video, thuần khiết đồng thời cũng đầy xung động nội tâm, một số trích đoạn hòa tấu của Phú Quang được dùng làm nhạc hiệu, nhạc nền cho chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam suốt mấy chục năm.
Nhà soạn nhạc phim Việt Nam được Phú Quang nể phục nhất là Đàm Linh. Bản thân anh làm nhạc cho nhiều bộ phim nghệ thuật hoặc ăn khách: Tình khúc 68, Bao giờ cho đến tháng Mười, Vị đắng tình yêu, Ai xuôi vạn lý, Hải Nguyệt, Có một tình yêu như thế, Băng qua bóng tối, Huyền thoại về người mẹ…
Nhạc cho phim truyền hình dài tập ví dụ Ông cố vấn, Dốc tình... Nhạc cho sân khấu kịch của Hà Nội ví dụ Bài ca Điện Biên, Vòng tay anh vòng tay em, Trần Thủ Độ... Nhạc cho ballet ví dụ vở Sự ân hận muộn màng.
Ca khúc của Phú Quang chủ yếu là tình khúc- gồm tình ca và cả tự tình về Hà Nội- thành phố quê hương, trái tim yêu của cả nước. Cho nên Phú Quang được gọi là nhạc sĩ của Hà Nội, của tình yêu. Nhạc sĩ bộc bạch: "Mỗi bài hát của tôi đều liên quan đến sự thật". Tình khúc Phú Quang được khơi gợi từ những tình yêu có thật trong đời cộng hưởng với những khát vọng, mơ mộng, ám ảnh, nhất là ám ảnh về sự mong manh mất mát, không có gì mãi mãi - của tình yêu.
Phú Quang từng nói âm nhạc của anh đến muộn, và làm 10 thì may ra được ghi nhận 3,4. Thực ra âm nhạc Phú Quang đẹp lãng mạn, êm dịu, dễ nghe dễ nhớ, pha trộn giữa cái cũ và cái mới, hợp với thị dân. Một số ca khúc không đến được khán giả lập tức, là bởi nó gây cảm giác hơi lặp những sáng tác trước. Kể cả Hà Nội ngày trở về, Mơ về nơi xa lắm, Tôi muốn mang Hồ Gươm đi, Về lại phố xưa… cũng nằm trong số này. Nhưng rồi theo thời gian, những ca khúc này cũng tìm được chỗ đứng bởi dù gì nó vẫn là phong cách Phú Quang không thể trộn lẫn, nghe vài nốt là nhận ra; cũng vì anh đã chọn phổ những bài thơ đau đáu một tình yêu và nỗi nhớ Hà Nội bằng một phong vị Hà thành tự nhiên, khiến lung lạc được những người nặng lòng với Hà Nội. Còn mảng tình khúc? Thế giới này ai chả yêu thích những câu chuyện tình mùi mẫn và những bản tình ca, nhất là nó lại được viết một cách day dứt song không sa vào bi lụy não nề mà là nỗi buồn ngọt ngào.
Thường thì mỗi đêm nhạc Phú Quang chỉ có vài ca khúc mới, còn lại đều quen thuộc với khán giả. Anh giải thích: “Nếu chỉ cái mới là giá trị thì Beethoven, Mozart không có cơ hội vì họ chết cả rồi. Mới mà không hay thì chẳng để làm gì. Cũ mà bán được thì cứ bán”. Tuy vậy rất nhiều ca khúc khá thành công viết đã lâu cũng không có cơ hội vang lên nhiều trong các đêm nhạc Phú Quang: Biển của thời đã mất, Phía tối tâm hồn tôi, Lang thang, Đà Lạt ngày tôi về, Sinh nhật đen, Nỗi khát khao mặt trời, Tình khúc mong manh…
Là một trong những nhạc sĩ phổ thơ thành công nhất Việt Nam, Phú Quang thỉnh thoảng tự viết lời theo một tông giọng quen thuộc. Với thơ của người khác, có bài lấy trọn vẹn nhưng rất nhiều trường hợp anh chỉ lấy ý, lấy tứ, lấy tít, lấy cảm hứng gợi từ bài thơ, còn thì tự mình viết lời, thêm bớt rất nhiều. Những lúc đó Phú Quang hoàn toàn có thể ghi tên mình là người viết lời bên cạnh tên của nhà thơ nhưng không phải bao giờ anh cũng làm như vậy.
Khác với phần đông nhạc sĩ danh tiếng chỉ lặng lẽ sáng tác còn thì phó thác tác phẩm cho công chúng, Phú Quang tiên phong trong việc đưa tác phẩm của mình đến với khán giả bằng con đường ngắn nhất. Anh làm việc này vừa vì nhu cầu mưu sinh vừa vì nhu cầu đánh động, lay động khán giả, để họ "không có quyền” quên mình. Hơn nữa anh cũng không tin tưởng ai ngoài bản thân mà phải tự tay chọn ca sĩ mà anh cho là phù hợp nhất để hát nhạc mình, chọn dàn nhạc chất lượng để bài hát vang lên tối ưu, thậm chí anh tiến ra sân khấu đệm đàn và đứng vào vị trí chỉ huy dàn nhạc trong đêm diễn riêng. Tự tổ chức bán vé, tự PR… Nghĩa là trọn gói.
Người dẫn chương trình được Phú Quang ưa thích nhất là Hồ Quang Bình- một quý ông với mái đầu bạc và chất giọng “không thể Hà Nội hơn”. Hồ Quang Bình qua đời, vai trò MC được nhiều người đảm trách nhưng có vẻ NSND Lê Khanh là người kế tục được Phú Quang hài lòng hơn cả. Nhạc sĩ còn chịu khó ra sân khấu giao lưu với khán giả để nhắc nhở họ về một Phú Quang luôn hiện diện chứ không phải là chợt nhòa chợt hiện, được chăng hay chớ như nhiều nhạc sĩ khác chỉ âm thầm hữu xạ tự nhiên hương và ưa đứng ở cánh gà.
Phú Quang thuộc típ người thích tỏ bày, thích trải lòng. Về sự nghiệp và các mối quan hệ. Về thế giới quan nhân sinh quan giá trị quan. Cả về bệnh tật. Thậm chí lên báo và ti vi quảng cáo thuốc chữa căn bệnh mà mình đang mắc, chẳng sá gì.
Vào năm 59 tuổi, 2008, Phú Quang “về lại phố xưa” sau 23 năm ngụ cư Sài Gòn. Ngay cả khi chưa về hẳn thì người này cũng bay đi bay về thường xuyên chặng Sài Gòn - Hà Nội. Từ tuổi 46 Phú Quang thỏa ước nguyện ra nước ngoài biểu diễn hoặc du lịch để làm giàu thêm vốn sống và cảm xúc. Nhưng bằng vào những lời tự bạch thì có vẻ Hà Nội vẫn là tình yêu lớn nhất của người đàn ông này.
Những ngày cuối đời, tin vui đến với Phú Quang, đó là anh kịp nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội hạng mục Giải thưởng Lớn- hạng mục quan trọng nhất của giải này. Đây gọi là "có gieo có gặt" vì trong danh mục đề cử nhiều năm qua, Phú Quang vẫn là cái tên nổi trội.
Phú Quang chăm tập luyện, chịu khó theo các bài thuốc đông tây y kết hợp và còn bày vẽ cho người khác. Nhưng rồi trời chẳng chiều người. Đầu tháng 4/2020, Phú Quang nhập viện trong tình trạng nặng. Những người quen thông tin cho nhau về bệnh tình của anh, theo bác sĩ kết luận thì: Tiểu đường biến chứng dẫn đến suy đa tạng, phổi và thận đều yếu, lại cả nhiễm trùng, cuối cùng là ung thư đại tràng. Một số nhà báo kể vài ba năm trước đã thấy Phú Quang suy giảm sức khỏe, không còn sinh động minh mẫn như mọi khi.
Giờ này thì, không có phép màu nào, nhạc sĩ của những tình khúc (bao gồm cả tình yêu Hà Nội) đã giã biệt “Hà Nội phố” thật rồi! Một cuộc ra đi có phần vội vã, ngoài dự liệu của anh và người hâm mộ. Xin chia buồn với Hà Nội và khán giả ái mộ Phú Quang.