Phụ nữ sở hữu khả năng thụ thai cao thường có 3 đặc điểm
Làm mẹ là thiên chức của người phụ nữ, tuy nhiên khả năng thụ thai ở mỗi người lại khác nhau.
Thụ thai là quá trình từ lúc tinh trùng di chuyển qua âm đạo đi vào tử cung gặp trứng để bắt đầu quá trình thụ tinh cùng với trứng trong ống dẫn trứng. Kết quả của quá trình thụ thai thành công là người phụ nữ đã mang thai.
Về mặt quá trình là như nhau, nhưng không phải khả năng thụ thai ở tất cả mọi người đều giống nhau. Ngay cả khi đã loại trừ các yếu tố như tuổi tác, di truyền, thời điểm quan hệ tình dục, tình trạng sức khỏe tổng thể… thì vẫn có những khác biệt đáng kể. Bên cạnh những người phụ nữ kém may mắn trong đường sinh nở thì cũng có những chị em dễ thụ thai với 3 đặc điểm thường gặp sau đây:
1. Chu kỳ kinh nguyệt đều đặn
Chu kỳ kinh nguyệt phản ánh rất nhiều về sức khỏe sinh sản của chị em phụ nữ. Khi chu kỳ kinh nguyệt đều đặn, không có một bất thường nào xảy ra cho thấy sự cân bằng hormone và có tình hình sức khỏe tốt. Từ đó, khả năng thụ thai cũng cao hơn.
Các tính chất của kinh nguyệt bao gồm chu kỳ kinh (bao nhiêu ngày có kinh một lần), số ngày có kinh và lượng kinh sẽ phản ánh 2 yếu tố quan trọng để có thai.
Một là rụng trứng, một người có rối loạn trong rụng trứng hay không rụng trứng thường có biểu hiện là vòng kinh không đều, nhiều tháng có kinh một lần (kinh thưa) hoặc vô kinh. Hai là một người sau khi nạo phá thai bị tổn thương tử cung (dính buồng tử cung) sẽ có biểu hiện mất kinh, đau bụng kinh, có kinh nhưng ra lượng rất ít…
Người có kinh nguyệt đều đặn, ít hoặc không đau bụng kinh sẽ có khả năng thụ thai cao hơn. Cụ thể, chu kỳ kinh bình thường trong khoảng 25 - 32 ngày, thời gian hành kinh từ 3 - 5 ngày. Máu hành kinh thường có màu đỏ sậm, không đông gồm máu và các mảnh vụn của niêm mạc tử cung, chất nhầy cổ tử cung, lượng máu mất khoảng 80ml.
Kinh nguyệt đều đặn, không có gì bất thường cũng là tấm gương phản chiếu tình trạng sức khỏe tử cung. Trong khi đó, tử cung là nơi mà trứng thụ tinh làm tổ, do đó, sức khỏe của tử cung ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản của các chị em. Không bị rối loạn kinh nguyệt còn giúp chị em chủ động tính được ngày rụng trứng để từ đó có thể xác định thời điểm dễ thụ thai, nắm bắt ngày quan hệ tình dục an toàn, giảm được nguy cơ có thai ngoài ý muốn, đồng thời hạn chế được tình trạng viêm nhiễm phụ khoa.
2. Cân nặng vừa phải và ổn định
Nhiều người cho rằng cân nặng không liên quan gì đến việc mang thai nhưng khoa học đã chứng minh phụ nữ thừa cân hay thiếu cân đều ảnh hưởng đến khả năng thụ thai. Theo Tiến sĩ Emily Osman, chuyên gia về sản phụ khoa tại bang New Jersey (Mỹ), cho biết khi một người có chỉ số thể trọng (BMI) quá cao (>25) hoặc quá thấp (<18) thì bị giảm khả năng thụ thai và làm tăng các biến chứng trong thai kỳ.
Lý do cân nặng có liên quan mật thiết đến khả năng sinh sản ở cả nam và nữ là thông qua việc tác động đến nội tiết tố (hormone). Cụ thể, đối với phụ nữ nhẹ cân, họ có thể bị thiếu hụt hormone gonadotropin (GnRH) tại vùng dưới đồi, từ đó dẫn đến tình trạng “vô kinh”, tức mất kinh nguyệt, không có trứng rụng và không thể thụ tinh.
Còn đối với những phụ nữ thừa cân, họ sẽ có mức estrogen cao hơn bình thường, có thể dẫn đến ngừng chu kỳ kinh nguyệt. Trong khi ở nam, thừa cân cũng khiến nồng độ estrogen tăng cao, từ đó ảnh hưởng đến chức năng tinh hoàn, làm giảm số lượng tinh trùng khiến tỷ lệ thụ thai thành công thấp đi.
Chưa kể tới, béo phì còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa, tiểu đường, giảm ham muốn… không tốt cho cả việc thụ thai và sinh nở. Đặc biệt là làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, dị tật thai nhi. Quá gầy cũng mang lại nhiều nguy hiểm tương tự, khiến mẹ và thai nhi đều ốm yếu, thiếu chất dinh dưỡng, tăng nguy cơ sảy thai hoặc/và dị tật bẩm sinh.
Do đó, việc duy trì cân nặng ở mức vừa phải, tức là mức trung bình theo chỉ số BMI và kiểm soát cân nặng đó luôn ổn định, không biến động quá nhiều sẽ tăng khả năng thụ thai, sinh nở cho phụ nữ.
3. Lối sống lành mạnh
Có rất nhiều yếu tố trong lối sống có ảnh hưởng tới khả năng sinh sản, nhất là khả năng thụ thai ở nữ giới.
Ví dụ như những người hay phải thức đêm làm việc, tăng ca... có thời gian ngủ không đều, rối loạn giấc ngủ hoặc bị tâm lý căng thẳng và hay lo lắng sẽ có khả năng thụ thai thấp hơn. Do những yếu tố này ảnh hưởng đến nhịp đồng hồ sinh học của cơ thể, gây rối loạn nội tiết sinh sản hay kinh nguyệt không đều. Hay lối sống ít vận động, không tập thể dục thường xuyên cũng có thể là nguyên nhân gây béo phì, được coi là nguyên nhân dẫn tới khó thụ thai, vô sinh ở cả hai giới.
Vệ sinh vùng kín quá qua loa hoặc quá kỹ đều có thể tác động xấu tới hệ thống sinh sản, gây ra bệnh phụ khoa và làm giảm khả năng thụ thai. Bên cạnh đó, chất lượng của trứng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thói quen ăn uống. Ăn nhiều thực phẩm đông lạnh, đóng gói chứa chất bảo quản, nhiều đường đồng thời ít chất xơ, trái cây và rau củ có thể gây hại cho sức khỏe sinh sản. Chúng có thể làm mất sự cân bằng hệ vi khuẩn trong âm đạo, điều rất cần thiết trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng âm đạo, cổ tử cung và tử cung.
Đặc biệt, phụ nữ hút thuốc hay uống nhiều rượu bia có thể gây suy giảm dự trữ buồng trứng nhanh hơn, tình trạng số lượng nang trứng giảm, rối loạn nội tiết. Từ đó gây ra khó thụ thai, hiếm muộn, mãn kinh sớm, vô sinh.
Ngược lại, những người phụ nữ có khả năng sinh sản mạnh mẽ, dễ thụ thai thường sẽ có những thói quen lành mạnh. Họ thường ngủ sớm, ngủ đủ giấc, vận động thể dục thể thao đều đặn, biết cách giải tỏa căng thẳng một cách lành mạnh, tâm trạng ổn định và suy nghĩ theo hướng tích cực. Chế độ ăn uống của họ cũng cân bằng, đầy đủ dinh dưỡng, tránh xa hoặc hạn chế những thực phẩm, lối sống có hại cho sức khỏe sinh sản vừa kể trên.
Tuy nhiên, không phải tất cả những người có các đặc điểm này đều sẽ dễ dàng thụ thai hay suôn sẻ trong sinh nở. Vẫn còn nhiều yếu tố tiềm ẩn khác từ bản thân người phụ nữ hoặc đối tượng bạn tình của họ. Nên tốt nhất là nên nhờ tới sự hỗ trợ của chuyên gia y tế, thăm khám khi cần thiết.
Nguồn: Sohu, Woman.tvbs, Family Doctor