Phụ nữ - những người không bao giờ hút thuốc, chiếm 20% các ca bệnh ung thư phổi

HH,
Chia sẻ

Ở phụ nữ, ung thư phổi ở nhóm đối tượng này chỉ xếp sau ung thư vú và ung thư cổ tử cung, đặc biệt số lượng chị em mắc bệnh này ngày càng tăng.

1. Kinh hoàng những số liệu thống kê về ung thư phổi

Ung thư phổi chiếm khoảng 12% những loại ung thư nói chung trên thế giới. Số liệu thống kê cho thấy, vào năm 2012, trên toàn thế giới có khoảng 1,83 triệu người mắc ung thư phổi mới được chẩn đoán. Các nhà nghiên cứu ước tính có khoảng 1,59 triệu người tử vong vì căn bệnh hiểm nghèo này, trong đó ở châu Âu là 354.000 người, riêng ở Anh là 35.400 người.

Vào năm 2016, ở Mỹ có đến 1/3 số bệnh nhân tử vong vì ung thư là do căn bệnh ung thư phổi (khoảng 158.000 người). Riêng khu vực Bắc Mỹ có đến 45% số bệnh nhân ung thư phổi là nữ giới và số bệnh nhân tử vong do mắc bệnh này vượt quá số người tử vong vì bệnh ung thư vú. Số bệnh nhân tử vong do ung thư phổi trên thế giới bằng với số tử vong do ung thư đại tràng, ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt cộng lại. Căn bệnh này chỉ chiếm 13% tổng các loại ung thư nhưng tỷ lệ tử vong là 28% trong số tất cả các loại bệnh ung thư và đặc biệt ung thư phổi thuộc loại có tỷ lệ tử vong cao nhất.

ung thư phổi

Ngày nay, tỉ lệ bệnh nhân ung thư phổi đang gia tăng ở những người trẻ, kể cả người chưa bao giờ hút thuốc. Trong thực tế, ung thư phổi trong không bao giờ hút thuốc hiện đang được xem là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất thứ 6 tại Hoa Kỳ.

Tại Việt Nam, ung thư phổi được xếp hàng thứ nhất trong tổng số 10 loại ung thư thường gặp ở cả hai giới và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Theo thống kê của ngành y tế, năm 2000 mới chỉ có 6.905 ca mới phát hiện mắc bệnh ung thư phổi, đến năm 2013, con số này đã lên trên 20.000 người. Chỉ trong vòng 13 năm, tỷ lệ người mắc bệnh đã gia tăng gấp 4 lần – một con số đáng báo động về sự gia tăng nhanh chóng của căn bệnh nguy hiểm chết người này. Cho đến nay, số bệnh nhân nam giới mắc bệnh này cao hơn so với nữ giới. Hiện tại, cứ 4-10 phụ nữ mắc ung thư phổi thì lại có 12 nam giới cũng mắc phải căn bệnh này. 

Theo TS.BS Hoàng Đình Chân, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, khoảng 20.000 người được phát hiện mắc ung thư phổi mới mỗi năm trong phạm vi cả nước, trong đó có tới 17.000 người tử vong.

ung thư phổi

2. Phụ nữ - những người không bao giờ hút thuốc, chiếm 20% các ca bệnh ung thư phổi 

Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu của bệnh ung thư phổi, chiếm 80-90% các trường hợp. Mặc dù vậy, trong những năm gần đây, tỉ lệ mắc bệnh ung thư phổi ở người không hút thuốc ngày càng tăng. Người ta ước tính và thấy rằng 12 bệnh nhân nam mắc ung thư phổi thì có 1 người không hút thuốc dù chỉ là một điếu. Riêng với phụ nữ, ung thư phổi ở nhóm đối tượng này chỉ xếp sau ung thư vú và ung thư cổ tử cung, đặc biệt số lượng chị em mắc bệnh này ngày càng tăng. Trung tâm Ung thư Harvard đã đưa lời cảnh báo kể từ năm 2009 khi đưa ra khái niệm hút thuốc thụ động. Trung tâm Ung thư này đề cập đến những người không hút thuốc nhưng bị hít khói kèm chất độc hại, nicotine, kim loại nặng, chất gây ung thư, các chất phóng xạ... 

Theo BS Tạ Chi Phương (nguyên Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Phổi trung ương), nếu như trước đây chỉ khoảng 13 người/100.000 dân mắc, thì hiện nay con số này ở nữ đã lên 16-17 người/100.000 người dân mắc ung thư phổi. Trong khi hút thuốc lá là nguyên nhân số một gây bệnh, ung thư phổi vẫn xảy ra ở phụ nữ – những phụ nữ chưa bao giờ đụng tới một điếu thuốc, chiếm 20% các ca bệnh.

Theo ước tính điều tra của Chương trình Phòng chống Thuốc lá Việt Nam thì nước ta đã lọt top 15 nước có số người hút thuốc cao nhất thế giới, với khoảng 47,5%, tức là cứ hai người đàn ông của gia đình Việt thì lại có một người đang hút thuốc và vô tình hại chính những người thân yêu nhất của mình. 

Tỷ lệ phụ nữ ung thư phổi tại Việt Nam: Chiếm 7,3/100.000 đứng thứ 5 sau ung thư tử cung, vú, dạ dày, trực tràng. Tỷ lệ tử vong là 6,7/100.000 dân ở nữ

Trong khi chẩn đoán ung thư phổi đã giảm ở nam giới, tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới lại đang tăng 0,5% mỗi năm. Bệnh cũng xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn, và gần một nửa số bệnh nhân nữ mắc ung thư phổi ở độ tuổi dưới 50.

Mặc dù hút thuốc lá là nguyên nhân số một của ung thư phổi, tuy nhiên phụ nữ vẫn có thể mắc bệnh mặc dù không hút thuốc, đó là do tiếp xúc với radon trong nhà, nơi làm việc; tiếp xúc với khói thuốc lá, môi trường làm việc và nghề nghiệp, hoặc yếu tố di truyền. Các nghiên cứu gần đây cho thấy nhiễm virus u nhú ở người (HPV) cũng là nguyên nhân gây ung thư phổi ở phụ nữ. Trong các yếu tố gây nên bệnh ung thư phổi ở phụ nữ, yếu tố đáng sợ nhất chính là ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường. Theo thành viên Hiệp hội Phòng chống ung thư, GSTS. Song Diệu Vinh, Trưởng khoa Ung thư BV Giang Tô (TQ), chị em phụ nữ thường xuyên phải vào bếp, tiếp xúc với quá nhiều khói dầu mỡ cũng là một trong những lý do gây ra ung thư phổi. 

ung thư phổi
Ô nhiễm môi trường, thường xuyên hít phải khói bụi... cũng là lý do khiến phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư phổi (Ảnh minh họa)

Hơn nữa, các nghiên cứu cho thấy rằng phụ nữ có thể nhạy cảm hơn với các chất gây ung thư trong thuốc lá, và phụ nữ có xu hướng phát triển bệnh ung thư phổi sau ít năm hút thuốc hơn ở nam giới.

Tỷ lệ sống cho bệnh ung thư phổi ở phụ nữ cao hơn ở nam giới đối với tất cả các giai đoạn của bệnh. Tuy nhiên, nhìn chung tỷ lệ sống nói chung của ung thư phổi đều thấp. Tỷ lệ sống 5 năm ở phụ nữ là 16%, và ở nam là 12%.

Triệu chứng ung thư phổi ở nữ giới và nam giới có sự khác nhau. Ung thư phổi ở nữ giới thường phát triển ở gần đường hô hấp nên thường có những biểu hiện đặc trưng như  ho và ho ra máu. Ngoài ra còn có các triệu chứng của sự mệt mỏi, sự khởi phát từ thở hụt hơi, hay khi ung thư phổi lây lan đến xương chúng sẽ khiến bạn bị đau lưng và ngực.

Đối với loại ung thư tuyến gặp nhiều hơn ở phụ nữ thường phát triển ở các khu vực bên ngoài của phổi. Những khối u này có thể phát triển khá lớn, lây lan trước khi có triệu chứng. Các triệu chứng ở phụ nữ bao gồm mệt mỏi, khó thở tăng dần, hoặc đau ngực và đau lưng (ung thư phổi lây lan đến xương).

3. Phụ nữ: Nếu không thể thay đổi môi trường sống, hãy thay đổi thói quen sống để phòng chống ung thư phổi

Theo nguyên tắc khám chữa bệnh, không chỉ bệnh ung thư, bất kỳ bệnh nào nếu phát hiện sớm thì cơ hội điều trị sẽ thuận lợi hơn. Vì thế, các chuyên gia cho rằng để phát hiện kịp thời và phòng tránh ung thư phổi, mỗi cá nhân nên đi khám sức khỏe tổng quát mỗi năm một lần. Bên cạnh đó cần để ý đến những dấu hiệu nhỏ nhất của cơ thể để giảm thiểu tình trạng mắc bệnh hiểm nghèo.

Về lời khuyên cho chị em phụ nữ để tránh bệnh ung thư phổi, GSTS. Song Diệu Vinh lưu ý: Cần duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, hạn chế những thực phẩm gây độc hại cho cơ thể. Lưu ý khi tiếp xúc và sử dụng các sản phẩm hóa học, mỹ phẩm, dược phẩm… Hãy hạn chế để cơ thể bị tăng cân, béo phì. Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, tập thể dục đều đặn, tránh xa rượu và thuốc lá. Những điều cơ bản và đơn giản này có thể giúp loại bỏ được từ 30% đến 40% nguy cơ gây ung thư.

Nếu cá nhân chị em vẫn phải sống trong môi trường có khói thuốc, việc phòng tránh bệnh ung thư phổi sẽ trở nên vô cùng khó khăn. Hãy dừng việc hút thuốc, và khuyến khích những người sống xung quanh bạn nên bỏ thuốc.
Chia sẻ