“Phụ nữ không dưỡng gan sẽ dễ bị nám, nổi mụn trên mặt”: Ăn nhiều hơn 3 món này để bảo vệ gan, chống lão hóa
Đây là 3 loại thực phẩm tốt cho gan, phụ nữ trên 35 tuổi nên ăn 2 lần/tuần để bảo vệ gan và chống lão hóa.
Trong dân gian thường lưu truyền câu: "Phụ nữ không nuôi dưỡng gan sẽ dễ xuất hiện các vết đốm/nổi mụn trên mặt". Khám phá 3 thực phẩm tốt cho gan mà phụ nữ trên 35 tuổi nên bổ sung vào chế độ ăn uống. Trong khi đó, theo quan điểm của y học cổ truyền, nếu gan không tốt sẽ dễ ảnh hưởng đến khí huyết của mỗi người. Kết quả là nhiều người có các triệu chứng về da như da sẫm màu, nám và sạm da. Khi tuổi càng cao, tốc độ trao đổi chất của gan sẽ càng ngày càng chậm. Đặc biệt đối với một số phụ nữ, các đốm nám sẽ bắt đầu xuất hiện trên gương mặt nếu không nuôi dưỡng gan kịp thời, các nốt mụn sẽ ngày càng nhiều, khiến bạn trở thành người phụ nữ có gương mặt kém sắc, già nua... Thông thường nếu không có ngoại hình rạng rỡ, xinh đẹp, phụ nữ thường kém tự tin trong bất cứ việc gì mình làm. Theo thời gian, họ cũng sẽ xuất hiện các triệu chứng như "lo lắng, cáu kỉnh". Vì vậy, dù bận rộn trong cuộc sống hàng ngày, phụ nữ cần phải lưu tâm nuôi dưỡng gan; tăng cường ăn nhiều thực phẩm bổ gan.
Hôm nay, chúng tôi giới thiệu với bạn 3 loại thực phẩm tốt cho gan. Phụ nữ trên 35 tuổi nên chế biến thành các món, ăn 2 lần/tuần để bảo vệ gan và chống lão hóa.
1. Rau cải cúc loại thực phẩm tốt cho gan mà bạn không nên bỏ qua
Rau cải cúc là một trong những loại thực phẩm rất tốt, có mùi thơm trong trẻo. Theo y học cổ truyền loại rau xanh lá như rau cải cúc có thể nhập vào kinh gan. Ăn nhiều rau lá xanh có thể thanh nhiệt gan, giảm bớt vấn đề viêm gan quá mức, gián tiếp bảo vệ gan. Bên cạnh đó, y học hiện đại đã chứng minh rằng rau cải cúc rất giàu carotene và các axit amin có thể bảo vệ gan. Ngoài ra, nó còn chứa kali. Kali có thể giúp cơ thể sửa chữa và điều chỉnh các tế bào bị tổn thương, thúc đẩy chức năng trao đổi chất của gan và duy trì hoạt động bình thường của gan. Vào mùa thu đông, mỗi tuần bạn có thể ăn rau cải cúc 2 lần/tuần để giúp bổ gan, giải độc, dưỡng âm, dưỡng phổi. Ngoài cách xào rau cải cúc với tỏi, bạn có thể nấu canh với thịt băm hoặc cà chua... Hoặc bạn có thể làm món rau cải cúc trộn.
Món nên ăn: Rau cải cúc sốt tỏi
Chuẩn bị nguyên liệu: 400g rau cải cúc, 15g tỏi băm, một chút dầu ăn, 2 thìa canh dầu hào, 1 thìa canh nước tương.
Cách nấu món rau cải cúc sốt tỏi:
- Rau cải cúc sau khi rửa sạch thì cắt khúc, để riêng. Đặt một nồi nước lên bếp, thêm vài gọt dầu ăn vào rồi đun sôi. Sau đó cho rau cải cúc vào chần đến khi thấy chuyển màu xanh thẫm. Sau khi chần rau xong bạn cho vào âu nước đá để làm nguội. Vớt rau ra, để ráo nước rồi cho vào đĩa sâu lòng.
- Trộn dầu hào với nước tương để được phần nước sốt. Đặt chảo lên bếp, cho một chút dầu ăn vào, đun nóng. Sau đó cho tỏi băm vào xào đến khi hơi sém và dậy mùi thơm. Sau đó bạn cho nước sốt đã trộn vào, xào đến khi sôi thì tắt bếp. Rưới phần sốt tỏi lên trên đĩa rau cải cúc là bạn đã có thể thưởng thức.
2. Củ niễng
Củ niễng được mệnh danh là "nước nhân sâm" trong thế giới thực vật, đồng thời có tác dụng giải độc, thải độc rất tốt. Đặc biệt với những người có vấn đề về gan, hay bị táo bón thì ăn thường xuyên củ niễng đặc biệt tốt cho cơ thể. Trong các bệnh lý tiêu hóa, củ niễng cũng được xem là bài thuốc tốt. Y học hiện đại cho rằng, thường xuyên ăn củ niễng có thể phòng bệnh tăng huyết áp, ngăn chặn xơ vữa động mạch, đặc biệt là có hiệu quả trị liệu nhất định đối với bệnh xơ cứng gan, urê máu cao. Có rất nhiều cách làm món củ niễng ngon là làm các món xào cùng thịt bò/trứng/thịt lợn... Hoặc bạn om rồi ăn với cơm đều rất tuyệt.
Món nên ăn: Củ niễng om
Chuẩn bị nguyên liệu: 4-5 củ niễng, 2 thìa canh dầu hào, lượng muối thích hợp, 1 cây hành lá xắt nhỏ, lượng đường thích hợp, một chút dầu ăn.
Cách nấu món củ niễng om:
- Lột bỏ lớp vỏ củ niễng, cắt phần gốc già, rửa sạch. Cắt chéo đan xen để từng miếng có độ dài và dày vừa phải. Bạn lưu ý củ niễng ngon phải mềm và trắng. Nếu thấy có gân đen bên trong thì có nghĩa là đã bị nhiễm bẩn hoặc đã để quá lâu. Đặt chảo lên bếp, cho chút dầu ăn vào. Sau khi dầu nóng, đổ củ niễng vào xào. Sau khi thấy tất cả các miếng củ niễng được phủ đều dầu thì bạn đậy nắp nồi lại. Chuyển sang lửa nhỏ và đun trong khoảng 30 giây; lật lại một lượt các miếng củ niễng rồi tiếp tục đậy nắp nồi và đun nhỏ lửa thêm 30 giây. Khi thấy các miếng củ niễng sém vàng là được.
- Tiếp theo bạn cho 1/2 thìa canh đường vào xào đến khi đường tan và phân bố đều trên bề mặt củ niễng. Sau đó bạn cho thêm chút muối điều chỉnh lượng tùy theo khẩu vị, xào đều. Tiếp đó cho dầu hào vào. Đảo đều để từng miếng củ niễng thấm đều gia vị. Cuối cùng rắc thêm chút hành lá xắt nhỏ để tạo màu và thơm.
3. Rau chân vịt
Rau chân vịt (còn gọi là rau bina) - loại rau theo mùa, thời điểm thu hoạch ngon nhất vào mùa thu đông. Đây cũng là loại rau được phụ nữ thường xuyên ăn vì rau bina rất giàu chất dinh dưỡng như diệp lục và vitamin C. Hai chất này có tác dụng chống oxy hóa và có thể giúp cơ thể giảm stress oxy hóa trên gan, thúc đẩy quá trình sửa chữa và tái tạo tế bào gan. Đặc biệt khi tiết trời se lạnh/lạnh của mùa thu đông mà làm món trứng tráng rau chân vịt thì thực sự siêu tươi ngon và hao cơm vô cùng.
Món nên ăn: Trứng tráng rau chân vịt
Chuẩn bị nguyên liệu: 300-400g rau chân vịt, 2 quả trứng gà, lượng muối và dầu ăn vừa đủ.
Cách nấu món trứng tráng rau chân vịt:
- Đầu tiên rửa sạch rau chân vịt. Đặt nồi nước lên bếp, đun sôi sau đó cho rau chân vịt vào chần khoảng 2 phút rồi vớt ra thả vào tô nước lạnh. Đợi cho rau chân vịt nguội hoàn toàn thì vớt ra. Sau đó vắt kiệt nước và cắt rau chân vịt thành từng miếng nhỏ, cho vào bát tô.
- Tiếp theo bạn đập trứng vào bát đựng rau chân vịt, thêm chút muối. Sau đó dùng đũa khuấy liên tục cho đến khi chúng hòa quyện hoàn toàn.
- Cho một lượng dầu vừa đủ vào chảo, đợi dầu nóng khoảng 50% thì cho trứng trộn rau chân vịt vào, chiên đến khi chín một mặt thì lật mặt còn lại tiếp tục chiên cho đến khi chín hoàn toàn. Trứng tráng rau chân vịt tươi ngon và thơm hơn khi ăn nóng.