Nỗi đau của mẹ

Tuyền Sê-pha,
Chia sẻ

Mẹ nó vất vả lắm. Ngày ngày buôn bán cá ở bến sông. Nhiều hôm hai giờ sáng, lúc mà nó vẫn say giấc trong chăn ấm, đệm êm thì Mẹ nó đã phải đi xuống bến đón tàu cá trong cái lạnh cắt da, cắt thịt của miền duyên hải.

- Anh chị vui lòng cho nhà xe xin tiền vé!

Nó bừng tỉnh giấc, ngẩng đầu lên hỏi người phụ xe:

- Hai người đi Cẩm Phả bao nhiêu vậy anh?

- Dạ hai trăm bốn mươi nghìn.


Nó lật đật lấy tiền trong Ví đưa cho phụ xe cùng câu hỏi với theo:

- Đến đâu rồi anh nhỉ?

- Mới đến Uông Bí anh ạ.

- Cám ơn anh!


Nỗi đau của mẹ 1

Sau lời cám ơn xã giao, nó lại ngả đầu ra sau ghế. Quay qua nhìn vợ vẫn đang ngả đầu trên vai nó ngủ ngon lành. Chắc không quen đi đường xa, lại say xe nên mệt. Vậy là còn khoảng hai tiếng đồng hồ nữa là về đến nhà. Hôm nay Nn đưa vợ về thăm Bố Mẹ. Từ khi cưới cũng đã gần một năm, hai đứa thuê nhà trên Hà Nội để tiện công việc, giờ mới về được thăm gia đình. Chợt có tiếng điện thoại vang lên:

- A lô! Vâng. Mẹ à?

- Hai đứa đi đến đâu rồi?

- Đến Uông Bí rồi Mẹ ạ. Nếu muộn Mẹ cứ ăn cơm trước đi ạ.

- Vợ con có bị say xe không?

- Có Mẹ ạ. Nhưng cô ấy ngủ rồi.

- Hai đứa cứ về đi Mẹ đợi cơm. Về đông đủ rồi cả nhà mình cùng ăn.

- Vâng. Con chào Mẹ.


Tắt điện thoại, Nó nhắm mắt lim rim nhưng chẳng thể nào ngủ được. Chợt bao nhiêu ký ức tràn về trong đầu nó. Hình ảnh khắc khổ của Mẹ nó hiện ra như trước mắt, cùng theo sau đó là biết bao nhiêu hoài niệm.

Mẹ nó vất vả lắm. Ngày ngày buôn bán cá ở bến sông. Nhiều hôm hai giờ sáng, lúc mà nó vẫn say giấc trong chăn ấm, đệm êm thì Mẹ nó đã phải đi xuống bến đón tàu cá trong cái lạnh cắt da, cắt thịt của miền duyên hải. Tuy vất vả thế nhưng Mẹ nó vẫn vui khi nhìn thấy nó lớn khôn từng ngày. Bao nhiêu kỳ vọng, bao nhiêu niềm ước mong Mẹ nó đều đặt cả vào đứa con trai yêu quý của mình.
 
 Nỗi đau của mẹ 2
- Bữa ăn sáng vội vàng của Mẹ -

Thế nhưng, đến năm mười bảy tuổi, cái tuổi đẹp nhất của một đời người, cái tuổi khởi đầu của những ước mơ với biết bao hoài bão thì nó đã đua đòi theo bạn bè xấu tụ tập, chơi bời và kết cục trở thành một kẻ nghiện xì ke, ma tuý.

Chắc Mẹ nó buồn lắm! Mà không buồn sao được, bao nhiêu niềm hi vọng đặt vào nó giờ bị cướp mất đi. Một tương lai tươi sáng giờ toàn thấy bóng đêm. Cuối nẻo con đường đời nó đang đi giờ chỉ còn là sự chết. Mà đâu đã dừng ở đó, bao nhiêu đồ đạc trong nhà cứ lần lượt đội nón ra đi. Người đời thì dèm chê, xấu hổ với bà con hàng xóm, chẳng dám ngước mặt nhìn ai. Buồn hơn khi nghe Bố nó trách móc:

- Con hư thì tại Mẹ. Bà cứ nuông chiều nó cho lắm vào rồi bây giờ mới ra như thế đấy!

Mẹ nó chỉ biết nuốt nước mắt mà than Trời rằng:

- Ông Trời ơi! Sao đời con khổ thế này.

Mẹ nó khổ tâm lắm! Nhiều lúc mắng nó:

- Yêu thương mày hết mực mà giờ mày báo hiếu Mẹ như thế này đây!

Nhiều khi nó mè nheo xin tiền, cầm hết cái này đến cái kia. Đến cái xe đạp cũ để đi chợ đi búa nó cũng mang đi. Giận quá thì cũng mắng nó mà rằng:

- Mày nghiện thì đằng nào cũng chết. Mày chết sớm đi tao chỉ đau một lúc. Chứ cứ như thế này mày làm khổ tao quá!

Giận thì mắng thế thôi chứ trong thâm tâm Mẹ nó đau đớn lắm. Con mình dứt ruột đẻ ra, nuôi lớn từng này, nó mà chết chắc Mẹ nó cũng chẳng thể nào mà sống nổi.

Nỗi đau của mẹ 3

Bằng tất cả tình yêu thương của một người Mẹ với suy nghĩ “còn nước, còn tát”. Mẹ nó gạt nước mắt quyết tâm đưa nó đi cai nghiện ma tuý tại các trung tâm. Lần đầu cắt cơn về được khoảng một tháng, do sự cám dỗ của ma tuý quá lớn nên nó đã tái sử dụng và nghiện trở lại. Tiếp tục lần thứ hai, rồi lần thứ ba và cứ thế… trong suốt hơn mười năm mà không còn nhớ là nó đã đi cai bao nhiêu lần nữa. Mẹ nó vẫn không bỏ cuộc, vẫn tiếp tục đeo bám nó và tìm cách giúp nó thoát khỏi quyền lực của cái chết trắng. Mẹ nó đã đưa nó đi các trung tâm tư nhân, các nơi như Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng… rồi mua cả thuốc cai về nhà tự cai. Miễn chỗ nào nghe thấy có thuốc tốt, thuốc hay là Mẹ nó tìm mua cho bằng được. Mỗi lần như vậy Mẹ nó phải hao tốn rất nhiều tiền. Thức khuya dậy sớm làm việc để nhặt nhạnh từng đồng, nhiều khi không có tiền song thấy con muốn đi cai thì lại chạy vạy ngược xuôi, chỗ nọ chỗ kia lấy tiền đưa con đi. Rồi bỏ cả công việc đi trông con trong những ngày nó vật vã. Nhưng rồi lần nào nó đi cai về giữ được lâu lắm là ba tháng, sau rồi thì lại ngựa quen đường cũ.

 - Mẹ à! Con biết Mẹ khổ vì con nhiều lắm. Con cũng chẳng muốn như thế chút nào, cũng nhục nhã và khổ tâm lắm. Những lúc tỉnh táo nghĩ được cũng muốn bỏ hẳn đi cho đỡ khổ, nhưng đến cơn vật vã dù lòng chẳng muốn thì chân nó cũng bước đi. Mẹ mua cho con cái xích và xích con lại trong phòng mấy ngày cho qua cơn thèm thuốc.

­Mẹ nó mừng lắm! Vẻ mặt của Mẹ nó tươi tỉnh hẳn lên. Lật đật chạy lên chợ mua một cái xích chắc chắn, ngoài ra còn mua đủ thứ nào là hoa quả, bánh kẹo để trong phòng cho nó ăn cho đỡ buồn.

Ngày thứ nhất trôi qua. Sang ngày thứ hai, Mẹ nó nghỉ làm để đi chợ thật sớm. Tính mua quả tim nấu bát cháo cho con ăn tẩm bổ trong những ngày mệt mỏi. Vào đến cửa, Mẹ nó nói vọng vào bên trong với giọng phấn chấn:

- Con thấy trong người hôm nay thế nào?

Không thấy trả lời, Mẹ nó đẩy cửa bước vào. Mẹ nó đứng lặng một hồi lâu trước cửa, túi cam trên tay rơi bịch xuống đất, lăn lóc khắp phòng. Trên song cửa sổ, nửa đoạn xích còn lại nằm trỏng trơ. Cơn thèm ma tuý tăng lên, nó đã giựt đứt xích và chạy đi từ lúc nào. Mẹ nó rưng rưng đôi dòng nước mắt.

Hai tháng sau:

- Con à! Nếu con cứ như thế này sớm muộn gì cũng bị công an bắt đi cai nghiện bắt buộc. Mà với thân thể con càng ngày càng gầy yếu thế này, vào trong trại không biết có còn sống mà trở về không. Nghe lời mẹ đi sang Hồng Kông một thời gian cho khoẻ lại rồi đi làm với chị ở bên đó, cách ly hoàn toàn với bạn bè xấu của con may ra còn bỏ được.

Nó khăn gói lên đường sang Hồng Kông theo lời của Mẹ nó, và ít ra nó cũng nhận thức được sự bất lực của nó trước sự cám dỗ ghê gớm của ma tuý.

Nhưng rồi được một tháng ngắn ngủi sau đó, cuộc đời đã đưa đẩy nó gặp được ngay bạn nghiện người Việt trên đất lạ. Đúng là “bạn nghiện thì khó mấy cũng nhận ra nhau!”. Nó lại trượt dài trong ma tuý trên đất khách, quê người. Rồi từ chỗ làm ăn lương thiện, để cung cấp đủ cho nhu cầu sử dụng ma tuý hàng ngày, nó đã chuyển sang cướp giật, trộm cắp, bán thuốc là lậu… Cuộc đời nó lao dần xuống dốc không phanh mà nó chẳng hề hay biết. Kết cục, nó bị cảnh sát Hồng Kông bắt và kết án hai năm tù về tội nhập cảnh trái phép và chống người thi hành công vụ.

Hai năm đó Mẹ nó không có Tết. Mà thật ra Mẹ nó làm gì có Tết kể từ khi nó sa vào con đường ma tuý. Đêm ba mươi Tết, Mẹ nó ngồi bệ cửa mà khóc. Thương cho thân nó Tết nhất mà lang bạt nơi đất khách quê người, lại phải sống trong cảnh áo trại, cơm tù. Không biết ăn có đủ no, mặc có đủ ấm không? Không biết có bị người ta đánh đập không? Hai dòng lệ lại trực trào tuôn trên đôi mắt mỏi mòn của Mẹ nó.

Hai năm trong tù cũng là thời gian tạm đủ để giúp nó nghĩ về nhiều điều, về những việc nó đã làm trong quá khứ. Nó thấy hối hận và tự hứa với lòng mình rằng lần này về Việt Nam sẽ không như thế nữa. Nó bắt đầu thấy thương người những người thân yêu của mình, nhất là Mẹ của nó. Nó viết gửi về cho Mẹ nó cả một bức thư được xếp thành vần dài bốn trang giấy với đầy vẻ hối lỗi, ăn năn. Trong thư nó viết:

“Giờ đây trong những đêm trường.
Khi con sống Kiếp Tha Hương quê người.
Lòng con bỗng thấy ngậm ngùi.
Con mơ được thấy nụ cười Mẹ yêu.

……………

Con xin Mẹ bớt đau lòng.
Kẻo thân héo hắt, mắt đong lệ nhoà.
Giờ đây tuổi Mẹ đã già.
Lỡ khi đau yếu ai mà trông mong.
.....................

Mẹ ơi ! Tha thứ cho con.

Con đi để Mẹ mỏi mòn, khổ đau.
Tim con thắt quặn, u sầu.
Mỗi khi nhớ Mẹ lệ sầu tuôn rơi.”

……………

Nhưng rồi cuộc sống cũng thật trớ trêu. Đôi khi muốn làm điều lành song điều dữ nó cứ dính dấp theo. Nó trách cuộc đời hay trách chính bản thân nó không có lập trường và bản lĩnh. Chả thế mà người ta vẫn có câu: “…Đừng nghe nghiện trình bày!” Hay “Đừng tin vào lời của mấy ông nghiện!”

Mãn hạn tù, nó được đưa ra sân bay để làm thủ tục trục xuất về Việt Nam. Cùng chuyến với nó là bảy người khác có cùng hoàn cảnh như nó. Vừa đáp xuống sân bay Nội Bài, ôi thôi những điều mà nó đã hứa hẹn bỗng nhiên tan biến hết. Giờ đây trong đầu nó và bảy người cùng đi chỉ còn vỏn vẹn ba từ Hê-rô-in. Cả bọn cùng nhau về thẳng Hải Phòng để tìm mua ma tuý. Nó đã nghiện trở lại ngay khi chưa về đến nhà.

Mẹ nó như chết lặng. Nó vừa nhen nhóm trong lòng Mẹ nó một tia hi vọng nhỏ nhoi vậy mà chính nó lại là người dập tắt.

Sức khoẻ của nó ngày càng yếu đi. Bố Mẹ nó thực sự tuyệt vọng khi đứng nhìn đứa con hoang đàng của mình ngày càng tiến gần đến cái chết.

- Bố nó ạ. Thỉnh thoảng tôi trộm nghĩ rồi không biết bàn thờ của nó đặt ở đâu khi nó chết. Mà đám tang của nó chắc tôi chẳng còn tâm trí nào để mà lo liệu nữa. Ông phải nhờ ai đó mà giúp tôi nha. Nó muốn ăn cái gì thì cứ cho nó ăn, cứ cái đà này chẳng biết có còn được nổi một năm nữa không đây.

Nhưng rồi dường như ông trời đã thấu được nỗi đau của Mẹ nó. Đang lúc tưởng chừng như mọi cánh cửa hi vọng đóng chặt trước mặt nó, chỉ còn chờ viết nốt đạn kết của cuộc đời thì có một người đã đến giới thiệu cho nó một trung tâm cai nghiện mà tại đó đã có nhiều người được thay đổi và làm lại cuộc đời. Như một tia sáng loé lên ở cuối con đường tăm tối. Như sắp chết đuối mà vớ được chiếc cọc khô, nó đã bước lên trung tâm mà không cần suy nghĩ. Mẹ nó đã khổ vì nó nhiều quá rồi!

Sau hai năm theo học và rèn luyện tại trung tâm, nó đã được lãnh đạo trung tâm chứng nhận cho đã đắc thắng ma tuý và làm lễ tốt nghiệp. Không những nó đã bỏ được ma tuý, nó bỏ luôn cả rượu chè, cờ bạc, thuốc lá, thậm chí một lời nói tục cũng chẳng còn ra khỏi miệng nó. Thật là một phép lạ diệu kỳ.

Năm năm đã trôi qua trong niềm vui và hạnh phúc. Gia đình nó đầy ắp tiếng cười. Mẹ nó cũng rất tự hào về đứa con trai của mình. Mẹ nó béo lên rất nhiều và cũng đã được ngẩng cao đầu với mọi người. Nó cũng đã có được một người vợ rất xinh và ngoan ngoãn. Đồng cảm với sự khốn khổ của mình trước kia trong cảnh nghiện ngập, nó tiếp tục công việc giúp đỡ những người trong tệ nạn xã hội và đã có nhiều người được biến đổi, nhiều gia đình thoát khỏi cảnh đau thương.

 
 Nỗi đau của mẹ 4
Mẹ không dấu được cảm xúc của mình. Chỉ mình Mẹ mới biết. Không ngờ có ngày hôm nay.

Việt Nam có hai thời kỳ mà thanh niên chết nhiều nhất, đó là thời kỳ các anh bộ đội đã hy sinh trong chiến tranh để bảo vệ Tổ quốc và thời kỳ thứ hai là thanh niên chết vì tệ nạn ma tuý. Nếu đem ra so sánh thì nghe có vẻ khập khiễng song xét về những nỗi đau và sự hy sinh của những người Mẹ dành cho con mình thì chẳng ngoa chút nào. Nhiều khi vẫn nói vui với Mẹ rằng: “Mẹ quả là một người Mẹ Việt Nam anh hùng!”.

Hôm nay sao mà xe chạy lâu quá vậy?! Nó chỉ muốn về thật nhanh để chạy đến ôm choàng lấy cổ Mẹ nó mà nói rằng:

- “Con yêu Mẹ! Cám ơn ông trời đã cho con có Mẹ trong cuộc đời này!”
Chia sẻ