Phát hiện ung thư ở tuổi 39, nữ bác sĩ hối hận vì đã xem nhẹ 5 triệu chứng
Mới đây, một bác sĩ cho biết cô rất hối hận vì đã xem nhẹ các triệu chứng cảnh báo ung thư, đồng thời kêu gọi những người khác nhận biết các dấu hiệu cần chú ý.
Hối hận vì xem nhẹ 5 triệu chứng ung thư
Một bác sĩ làm việc tại Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) Anh đã được chẩn đoán ung thư đại trực tràng giai đoạn ba ở tuổi 39.
Trong một bài đăng trên blog của NHS, bác sĩ Anisha Patel thú nhận cô đã xem nhẹ các triệu chứng của mình.
"Là một bác sĩ, có lẽ tôi đã xem nhẹ các triệu chứng của mình", bác sĩ Patel viết. "Ban đầu, tôi bị đầy hơi, đau bụng và đôi khi cảm thấy muốn đi vệ sinh gấp, những triệu chứng mà tôi cho là hội chứng ruột kích thích (IBS). Thỉnh thoảng tôi nhìn thấy máu trên giấy vệ sinh, tôi nghĩ có thể là do bệnh trĩ vì tôi sinh con vài năm trước. Tôi cảm thấy rất mệt mỏi, nhưng tôi không thấy bất thường vì tôi có lối sống bận rộn".
"Khi các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn, cuối cùng tôi đã đến gặp bác sĩ. Phân của tôi trở nên dẹt giống như dải ruy băng vì có một khối u cản trở phân đi qua. Sau một số lần chụp chiếu và xét nghiệm, tôi được chuyển đến điều trị chuyên khoa và được chẩn đoán mắc ung thư đại trực tràng".
Bác sĩ Patel cho biết trải nghiệm này khiến cô cảm thấy vừa "mất mát, quẫn trí và mất phương hướng một cách vô vọng, và đôi khi buồn bã, tức giận và cáu kỉnh không thể nguôi ngoai".
Khi nhìn lại thời điểm sắp phải phẫu thuật, cô thú nhận là mình đã thấy rất bất an và sợ hãi.
Ca phẫu thuật may mắn đã loại bỏ hoàn toàn khối u. Bác sĩ Patel sau đó đã trải qua ba tháng hóa trị để cố gắng ngăn chặn bất kỳ nguy cơ tái phát nào của bệnh ung thư.
Triệu chứng ung thư đại trực tràng
Bác sĩ Patel bày tỏ mối lo ngại về 42.900 ca mắc mới ung thư đại trực tràng hằng năm ở Anh, trong đó có 2.600 bệnh nhân đặc biệt đáng lo ngại là dưới 50 tuổi.
Cô nhấn mạnh: "Mặc dù 90% trường hợp là những người trên 50 tuổi, nhưng tôi biết rõ rằng bệnh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, ở mọi lứa tuổi. Nếu biết thói quen đại tiện bình thường của mình là gì, chúng ta có thể phát hiện ra điều gì đó không bình thường. Chúng ta nên lắng nghe cơ thể mình và theo dõi tần suất đại tiện, kiểm tra hình dạng và độ đặc của phân".
"Ngoài ra, hãy để ý xem có máu trong bồn cầu hoặc giấy toilet hay không. Các triệu chứng khác có thể bao gồm đau bụng, đầy hơi, sụt cân không rõ nguyên nhân và cảm thấy rất mệt mỏi mà không rõ lý do. Ngay cả với tư cách là chuyên gia y tế, một số người trong chúng tôi cảm thấy không thoải mái khi thảo luận về thói quen đi vệ sinh của mình và chúng tôi có thể coi các triệu chứng là không đáng ngại".
"Trên thực tế, có một số chủ đề mà nhiều người trong chúng ta chưa bao giờ thảo luận cởi mở, ung thư là một trong số đó. Vì vậy, tôi càng muốn chia sẻ câu chuyện của mình để nâng cao nhận thức và giúp giảm bớt sự kỳ thị xung quanh căn bệnh ung thư này".
"Các bác sĩ đã quen với việc kiểm tra tất cả các bộ phận của cơ thể và luôn nghe về những điều như thế này. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy có điều gì đó không ổn, đừng cảm thấy xấu hổ và hãy liên hệ với bác sĩ của mình, đặc biệt nếu bạn có các triệu chứng kéo dài ba tuần trở lên, bất kể bạn bao nhiêu tuổi. Đó có thể không phải là ung thư, nhưng bạn cần biết chuyện gì đang xảy ra".
(Theo Mirror)