Phát chán vì chồng vô tâm

Lý Thu,
Chia sẻ

“Anh ơi! Con sốt cao quá! Anh xem dạy đưa con đi viện với em”. Mặc cho chị Hằng nửa đêm lo lắng, anh Hải - chồng chị vẫn lăn ra ngủ như không có sự gì.

Con ốm mặc con

Trước khi lấy chồng, chị Hằng (Cửa Nam, Hà Nội) đã biết tính anh Hải trẻ con, vô lo vô nghĩa. Nhưng lúc yêu nhau, chị chưa lường hết được những khó khăn trong cuộc sống gia đình chỉ vì thói vô tâm của anh. Chỉ đến khi lấy nhau rồi sinh con, thói vô tâm của chồng càng ngày càng khiến chị lao đao, chán ngán. Góp ý đủ đường nhưng anh vẫn chứng nào tật ấy, vợ con làm gì, ăn ở ra sao, sống chết thế nào anh cứ bàng quan như người ngoài.

Mỗi lần con gái đầu lòng ốm, một thân một mình chị chạy ngược chạy xuôi tất tưởi còn anh cứ thong dong như trai chưa vợ. Cứ nhìn thấy cái dáng vẻ dửng dưng của chồng đối với con, chị phát bực cũng có lúc cạnh khóe nói này nọ nhưng cũng không giúp ích được gì. Nói nhiều cũng chán, nên chị đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.



Có lần con gái ốm nặng, sốt cao, chị thúc giục gọi anh mang con vào viện cỡ nào anh vẫn lăn ra ngủ. “Đêm hôm ấy, con gái sốt cao, lại nôn ọe, tôi rất lo lắng, gọi chồng dậy để đưa con đi viện nhưng gọi mãi anh vẫn ì ra, không nhúc nhích cũng chẳng mảy may lo lắng cứ như con là của một mình tôi vậy”, chị Hằng than thở. Cuối cùng, xót con chị đành một mình gọi xe ôm đưa con vào viện. Sáng hôm sau, anh mới đến thăm nhưng chỉ hỏi vài câu qua loa, rồi lấy cớ bận đi làm để chị một mình ở lại với con sau một đêm thức trắng. Sau chuyện đó, chị Hằng giận chồng gần một tháng.

Vợ chờ kệ vợ

Chị Nguyệt (Định Công, Hà Nội) thì bất mãn với chồng bởi không chỉ một lần mà rất nhiều lần anh Phương - chồng chị mải mê bạn bè, tiệc tùng tiếp khách mà bỏ rơi chị đứng đợi hàng tiếng đồng hồ sau giờ tan sở.

Còn nhớ dạo chị mới lấy chồng được nửa năm nhưng ít khi hai vợ chồng cùng ăn cơm tối ở nhà bởi công việc của anh Phương thường xuyên phải tiếp khách. Sáng hôm đó, khi anh bảo chị sẽ tan làm sớm và qua cơ quan đón chị cùng về sớm làm cơm để hai vợ chồng ăn với nhau. Nghe thấy thế chị đã rất vui mừng. Vội vội vàng vàng sau khi tan sở, chị đứng đợi anh trước cổng cơ quan nhưng càng đợi càng không thấy đâu. Nghĩ chồng chưa xong việc chị nhắn tin bảo anh về thẳng nhà còn mình bắt xe ôm đi chợ.

Về tới nhà, nấu nướng xong xuôi, ung dung dọn bàn, bày biện thật lãng mạn những chờ mãi 7h30, rồi 8h… vẫn chưa thấy bóng dáng anh đâu, lo lắng chị gọi cho chồng thì đầu dây bên kia vang lên giọng ngà ngà say của anh bảo chị cứ ăn cơm trước, anh có việc đột xuất không về sớm được. Lúc ấy, chị Nguyệt vừa giận chồng, vừa tủi thân, nhìn mâm cơm chưa ăn mà bụng đã đầy.

“Mất điểm” với nhà vợ vì sự vô tâm

Còn Chị Thanh (Hoàng Mai, Hà Nội) rất ngại những buổi tụ tập đại gia đình bởi không biết dấu mặt vào đâu do sự vô tâm của chồng. Mỗi lần gia đình tụ họp ăn uống, trong lúc em trai, em dâu, em rể… mọi người bận rộn, tíu tít chuẩn bị nấu nướng, hỏi han công việc của nhau, thì anh Hoan cứ ngồi ì trên phòng khách, tay lăm lăm tờ báo, đọc xong lại chuyển sang xem tivi. Ai hỏi gì cũng trả lời ậm ừ, đại khái.

Nhìn dáng vẻ của anh, mọi người trong nhà cười đùa anh Hoan đúng là “rể -khách”. Hết lần nọ đến lần kia, mọi việc cứ tái diễn như thế không thay đổi sau gần 10 năm anh về làm rể. “Cứ như anh ấy không thể hòa nhập được với gia đình nhà vợ vậy, còn hơn cả khách lạ lần đầu đến chơi nhà vậy”, chị Thanh buồn rầu nói. Chị cho biết anh Hoan như vậy không phải do anh chậm đường ăn nói mà bởi sự vô tâm, hờ hững của anh đã có từ khi hai người còn yêu nhau.

Người phụ nữ nào khi lấy chồng, cũng mong muốn chồng mình luôn quan tâm, chia sẻ với vợ. Đó là một mong ước chính đáng, song phần lớn họ đều thất vọng khi chồng mình quá thờ ơ, vô cảm. Vì thế, để không khí gia đình thật sự vui vẻ, những người chồng nên chú ý lắng nghe, quan sát để sẻ chia cùng vợ, còn những người vợ cũng cần chủ động trò chuyện, trao đổi và cùng chồng khắc phục dần dần thói vô tâm đó. Bởi lẽ đúng như ông bà ta đã đúc kết “thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”.

Chia sẻ