Phận đời bi kịch của nàng Công chúa Đại Hàn cuối cùng: 38 năm sống trong điên dại, bị chồng chối bỏ, con gái duy nhất tự tử
Phận đời của nàng đắng cay, lắm nước mắt hơn bất kỳ thứ gì mà người ta có thể tưởng tượng ra được khi nghĩ về vận mệnh của một nàng Công chúa.
Trong suốt chiều dài lịch sử thế giới, có không ít những phận nữ nhân hoàng hoa, sinh ra trong một gia đình quyền quý nhưng chỉ vì bị xoáy vào thời cuộc rối ren, những âm mưu chính trị, những cuộc hôn phối sắp bày định sẵn… mà có một cuộc đời đầy bão giông. Và cuộc đời của vị công chúa cuối cùng của đế chế Đại Hàn (lúc này Hàn Quốc và Triều Tiên ngày nay vẫn chưa tách ra làm hai quốc gia) là một cuộc đời như thế. Thậm chí phận đời của nàng còn đắng cay lắm nước mắt hơn bất kỳ thứ gì mà người ta có thể tưởng tượng ra được khi nghĩ về vận mệnh của một nàng Công chúa.
Công chúa Đức Huệ ngày còn bé. (Ảnh tư liệu)
Công chúa sinh nhầm thời: 7 tuổi được chuẩn bị hôn sự, 13 tuổi bắt đầu sống lưu vong
Vị Công chúa này không ai khác chính là nàng Đức Huệ (Deokhye). Thật ra, chính xác mà nói, nếu xét về danh phận của nàng Đức Huệ này trong Hoàng tộc Đại Hàn khi đó, thì nàng phải được gọi là Ông chúa (Ongju) thay vì là Công chúa, bởi luật lệ của triều đình lúc này phân chia rất rõ ràng, chỉ có con gái của Vua và Hoàng hậu mới được gọi là Công chúa (Kongju), còn tất cả con gái giữa Vua và phi tần khác như Đức Huệ thì được gọi là Ông chúa. Nhưng có lẽ, danh phận hay tên gọi của nàng Đức Huệ là gì cũng không quan trọng, bởi phận đời của nàng từ khi sinh ra cho đến khi ra đời có chút nào hợp lý với hai từ "Hoàng tộc" cả đâu.
(Ảnh minh họa)
Công chúa Đức Huệ sinh ngày 25/5/1912, đúng vào trong thời kỳ nước Đại Hàn bị cai trị bởi Nhật Bản. Sự chào đời của nàng có thể coi là niềm vui sướng to lớn của Hoàng tộc khi đó, và Vua Cao Tông Lý Hy lúc này đã ngoài 60 tuổi cũng coi nàng như một báu vật của trời bởi cuộc đời của ông đã quá nhiều đắng cay khi lần lượt chứng kiến từng đứa con của mình hoặc yểu mệnh, hoặc bị quân Nhật bắt đi để đào tạo trở thành chiêu bài chính trị sau này.
Không loại trừ nguy cơ lúc lớn lên, Công chúa Đức Huệ cũng lại phải đi theo con đường do nước Nhật sắp bày giống như anh chị mình. Thế là, khi nàng còn rất nhỏ, mới được 7 tuổi, Vua cha đã nhanh chóng tìm cách thay đổi vận mệnh của nàng bằng việc sắp đặt hôn sự. Vua Cao Tông Lý Hy đã thông qua các cận thần trong triều, âm thầm tổ chức một buổi tuyển chọn do chính ông làm đứng ra làm chủ để hy vọng tìm được một chàng phò mã có đủ tài đức cho cô con gái nhỏ Đức Huệ mà mình hết mực yêu thương. Và mọi việc diễn ra khá tốt đẹp, hoàn toàn yên ắng mà không bị quân Nhật phát hiện ra.
(Ảnh minh họa)
Cứ tưởng cuộc đời của cô Công chúa nhỏ sẽ yên ả từ đây khi đã được cha mình tạo ra cho một tương lai màu hồng phía trước, nhưng biến cố vô tình ập đến khi vua Cao Tông đột ngột qua đời. Cuối cùng, chỗ dựa vững chắc nhất, bảo an cho tương lai Công chúa Đức Huệ không còn, nàng Công chúa vừa tròn 8 tuổi khi ấy rơi vào cảnh mất cha, đã vô cùng buồn bã, u uất. Rồi chỉ 5 năm sau đó, Tùy sứ viên của Nhật tại Đại Hàn đã đến thông báo cho mẹ cô - phi tần Lương Xing rằng: "Công chúa Đức Huệ sẽ được đưa sang Nhật để du học".
(Ảnh minh họa)
Cú sốc tâm lý đầu đời: Sống trong cô độc tại xứ lạ, mồ côi cả cha lẫn mẹ
Lúc đó tất cả những người trong hoàng tộc đều không đồng ý, nhưng với thân phận của những người bị đô hộ, còn có thể làm gì hơn là nghe lời. Ngày 30/3/1925, Công chúa Đức Huệ bị buộc phải sang Tokyo, cảnh chia tay ướt đẫm đẫm nước mắt. Sau khi sang Tokyo, vợ chồng hoàng tử Lý Cang (anh của Đức Huệ, người cũng đã bị quân Nhật bắt sang Tokyo khi còn nhỏ tuổi) muốn Đức Huệ cùng sinh sống với họ để tiện bề chăm sóc, nhưng phía Nhật đã từ chối.
Thế là Công chúa Đức Huệ phải một mình sinh sống trong một căn hộ khi mới tròn 13 tuổi. Cô Công chúa nhỏ suốt ngày sống trong cung đình với người hầu bao quanh, từ việc nhỏ đến việc lớn nàng cũng không phải động tay nay phải cuộc sống tự thân tự mình, cô đơn trong một căn hộ lúc nào cũng bị kiểm soát nghiêm ngặt không khác gì nhà tù. Điều này đã khiến Công chúa Đức Huệ rơi vào cảnh chấn thương tâm lý. Nàng trở nên trầm lặng hơn, cả ngày không nói lấy một lời, không chơi với ai, chỉ âm thầm sống trong thế giới riêng của chính mình.
(Ảnh minh họa)
Biến cố nối tiếp biến cố, ngày 30/5/1929, Công chúa Đức Huệ hay tin mẹ mình lâm bệnh nặng qua đời. Nàng trở nên đau khổ hơn bao giờ hết. Thân hình của nàng gầy gò hẳn đi, sắc mặt nhợt nhạt, đôi mắt vô hồn, phong thái đài các của một nàng Công chúa Hoàng tộc cũng không còn, thậm chí cả ngày nàng cũng chẳng buồn cất lời nói chuyện. Nhận thấy Công chúa Đức Huệ dường như bất ổn về tâm lý, người Nhật đã đưa nàng đến một bệnh viện lớn tại Tokyo để kiểm tra. Các bác sỹ ở đây chuẩn đoán nàng đã mắc chứng "đần độn sớm".
Sau đó, bệnh tình của nàng ngày một nặng hơn, nàng cũng không còn đủ nhận thức hay trí lực để đi học. Cuối cùng quân Nhật cũng đành phải để cho nàng về nhà Hoàng tử Lý Cang ở cho có người thân chăm sóc. Nhưng mặc cho có sự quan tâm chăm lo của người thân, bệnh tình của Công chúa Đức Huệ cũng chẳng hề thuyên giảm, cả ngày nàng không ăn cũng không uống, chỉ nằm trên giường nhìn lên trần nhà như một người đã chết. Nhiều đêm, bỗng dưng người nhà còn thấy Đức Huệ chồm dậy khỏi giường và đi lại vô định trong nhà như một hồn ma.
(Ảnh minh họa)
Những năm tháng cay nghiệt: Cưới người không yêu, 20 năm sống trong trại tâm thần, con gái tự tử qua đời sớm
May mắn là tháng 5/1931, sức khỏe của Đức Huệ Công chúa đã khởi sắc phần nào, nàng đã có thể nhận ra người thân trong gia đình và lên tiếng yêu cầu khi cần một cái gì đó. Hay tin này, quân Nhật đã nhanh chóng sắp bày một cuộc hôn phối cho nàng với một công tử quý tộc Nhật Bản, ngày cưới nhanh chóng định liệu ngay sau đó. Tất nhiên cuộc hôn nhân này cũng là một chiêu bài mà quân Nhật dùng để gắn kết Hoàng thân quốc thích lưu vong của Đại Hàn với người Nhật, tránh hậu họa trả thù nước về sau.
Thế nhưng khi hay tin mình sắp kết hôn với một người không quen biết, bệnh tình của Đức Huệ đã trở nặng trở lại. Trong cơn vô thức của mình,nàng đã nói với anh trai là muốn trở về quê hương để trở thành một cô giáo tiểu học, sống một cuộc đời bình thường như bao người bình thường khác. Trái tim của nàng không phải ở Nhật nên cưới một người Nhật thì làm sao nàng có thể thực hiện ước mơ.
Công chúa Đức Huệ trong ngày cưới. (Ảnh tư liệu)
Vậy mà, mặc cho nàng phản đối, mặc cho gia đình thân thích của nàng phản đối, hôn sự của nàng vẫn không thể nào thay đổi. 18/5/1931, nàng buộc phải lên xe hoa với một công tử quý tộc người Nhật. Cuộc sống hôn nhân của nàng cứ thế mà trôi trong nỗi niềm buồn bã khôn xiết. 2 năm sau đó, nàng hạ sinh một cô con gái. Thời gian sau sinh, tâm lý của Đức Huệ rối loạn hơn bao giờ hết. Nàng đã phải vào sống trong viện tâm thần.
20 năm sống cảnh nửa mê nửa tỉnh, đến năm 1953, một nỗi buồn nữa ập đến khi hậu quả của cuộc nội chiến tại quê nhà đã chia cắt Đại Hàn thành hai miền, một là Hàn Quốc ngày nay, một là Triều Tiên. Sau đó, người chồng người Nhật của Đức Huệ cũng đệ đơn ép nàng ly hôn, rồi đi lấy vợ mới. Đứa con gái độc nhất của Công chúa Đức Huệ cũng buồn chán trước cảnh mẹ thì u mê điên dại, cha thì có gia đình mới nên cũng nhanh chóng tự tử qua đời.
Công chúa Đức Huệ ngày trở về quê hương. (Ảnh tư liệu)
Đến năm 1962, sau khi đã sống cảnh lưu vong gần 38 năm, nàng Công chúa cuối cùng của triều đại Joseon Đại Hàn cũng được cho phép trở về quê hương trong niềm vui sướng khôn xiết của những người thân còn lại. Ngày nàng đáp máy bay tại Hàn Quốc, rất nhiều người đã đến chào đón cô Công chúa bé nhỏ ngày nào bằng những bó hoa tươi thắm và những giọt nước mắt xúc động. Cuối cùng thảm kịch cuộc đời của Công chúa Đức Huệ cũng đi đến hồi kết.
Sau khi về Hàn Quốc, Công chúa Đức Huệ đã được chăm sóc và điều trị bệnh tình tại bệnh viện thuộc đại học Seoul. Sau đó, bệnh tình của bà thuyên giảm thì bà được phép quay về sống tại căn phòng Lạc Thiên Trại, thuộc Hoàng cung xưa kia nơi gia đình bà từng sinh sống cho đến khi qua đời ngày 21/4/1989, hưởng thọ 77 tuổi.
(Nguồn: Chosun, KBS)