Phái nữ nghĩ về những vụ xâm hại trong thang máy: Phải phạt tù, mức phạt hành chính hoàn toàn không có tác dụng!

Yền Gem,
Chia sẻ

Dù thái độ không gay gắt như phái nam nhưng những người phụ nữ khi được vẫn tỏ ra quyết đoán theo cách của mình…

Tháng 3 vừa qua, dư luận cả nước được dịp dậy sóng trước vụ việc một người đàn ông cưỡng hôn thiếu nữ trong thang máy một chung cư ở Hà Nội. Sau động thái xử phạt hành chính người đàn ông này từ CA quận Thanh Xuân, thái độ dư luận lập tức từ bức xúc chuyển thành phẫn nộ cùng cực khi tất cả những gì ĐMH - tên người đàn ông - phải trả chỉ là... 200.000 đồng!

Làn sóng phản đối hình phạt trên còn chưa kịp lắng xuống thì đầu tháng 4, một vụ tương tự trong thang máy  lại xuất hiện. Nạn nhân lần này là một bé gái và kẻ có hành vi sai trái là một người đàn ông đã 61 tuổi, từng giữ vị trí cao trong Viện kiểm sát nhân dân TP. Đà Nẵng. Vụ việc này, sau 10 ngày vẫn chưa ngã ngũ là có đủ chứng lý để khởi tố hình sự hay không.

2 vụ tấn công trắng trợn trong thang máy công cộng chỉ trong chưa đầy 1 tháng - thực trạng này khiến dư luận vừa phẫn nộ vừa hoang mang. Không phẫn nộ sao được khi phụ nữ và trẻ em - những đối tượng cần được chăm sóc, bảo vệ nhất - lại phải chịu nhiều tổn thương như vậy? Không hoang mang sao được khi đến lúc này đây, một nơi tưởng chừng an toàn như thang máy công cộng lại thành địa điểm đầy rẫy hiểm nguy?

Nhóm PV của Quyền an toàn, aFamily đã thực hiện một cuộc phỏng vấn tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM để lắng nghe tiếng nói của người dân về hai vụ việc này.

Nữ giới nghĩ gì về những vụ xâm hại trong thang máy

Kết quả phỏng vấn cho thấy phái nam khi được hỏi tỏ ra vô cùng bức xúc. Họ cho biết rằng ngoài trình báo công an, họ cũng sẵn sàng giải quyết bằng "nắm đấm" nếu con em, bạn gái hay vợ mình bị xâm hại như vậy. Vậy phụ nữ và trẻ em - đối tượng mà những kẻ biến thái thường nhắm tới - nói gì?

"Rất lo lắng, sợ hãi sau khi đọc được tin tức về 2 vụ xâm hại liên tiếp trong khoảng thời gian ngắn như vậy!" - đó là câu trả lời của 100% chị em phụ nữ tiếp nhận phỏng vấn. Họ lo cho bản thân, cho những chị em gái, bạn bè cũng như con em mình.

Phái nữ nghĩ về những vụ xâm hại trong thang máy: Phải phạt tù, mức phạt hành chính hoàn toàn không có tác dụng! - Ảnh 2.

Trong số những người được hỏi, chỉ một số ít cho biết bản thân đã được trang bị đầy đủ kỹ năng ứng phó nếu bị quấy rối. Còn lại đều chỉ tìm hiểu qua về những cách thức tự vệ, thậm chí chỉ mới tìm hiểu sau khi hai vụ xâm hại vừa rồi bị đưa lên báo chí, mạng xã hội. Kêu cứu, bỏ chạy, mang theo những vật tự vệ như bình xịt hơi cay, trình báo cơ quan chức năng khi bị xâm hại... là những phương an được chị em liệt kê nhiều nhất.

Đa số phụ nữ được hỏi khẳng định đều đã từng chia sẻ, cảnh báo con em mình về hiện tượng kẻ xấu xâm hại cũng như cách xử lý nếu gặp phải. Tuy nhiên việc chia sẻ những vấn đề này ở Việt Nam vẫn chưa thực sự cởi mở nên giữa hai bên còn nhiều e dè. Các em học sinh tiếp nhận phỏng vấn cũng cho biết đã được dạy những kiến thức, cách phòng tránh, cách xử lý khi bị xâm hại nhưng thời lượng những buổi học kỹ năng này khá ít. Các em cũng được bố mẹ dặn dò, và 100% đều khẳng định sẽ báo với bố mẹ, người lớn nếu bị kẻ xấu làm hại.

Phái nữ nghĩ về những vụ xâm hại trong thang máy: Phải phạt tù, mức phạt hành chính hoàn toàn không có tác dụng! - Ảnh 3.

Về biện pháp lâu dài giúp ngăn ngừa nạn xâm hại tình dục, hầu hết mọi người đều cho rằng giáo dục, tuyên truyền phải đi đầu.

Bên cạnh đó, cũng có đề xuất như của chị Hương (Hà Nội) cho rằng: "Những hiệp hội như Hội Bảo vệ Quyền Phụ nữ và Trẻ em cần hoạt động tích cực hơn, thể hiện rõ vai trò của mình hơn!".

Đồng thời cũng cần có các hình phạt nghiêm khắc, thỏa đáng hơn với các đối tượng xấu để thực sự răn đe được những người có ý đồ không tốt khác. Ví dụ như "đưa hình ảnh những kẻ vi phạm ra trước ánh sáng, lên tivi, mạng xã hội" (chị Hương, Hà Nội), hay "phải phạt tù những kẻ này tùy theo mức độ nặng nhẹ, mức phạt 200.000 đến 300.000 đồng hoàn toàn không có tác dụng" (bác A, TP.HCM).

Phái nữ nghĩ về những vụ xâm hại trong thang máy: Phải phạt tù, mức phạt hành chính hoàn toàn không có tác dụng! - Ảnh 4.

Cuộc phỏng vấn cũng cho kết quả có chút khác biệt khi so sánh thái độ của người được hỏi tại hai thành phố Hà Nội và TP.HCM. Trong khi người dân tại TP.HCM khá cởi mở, sôi nổi thì tại đầu cầu Hà Nội, phụ nữ có xu hướng e dè hơn. Có rất ít người sẵn sàng nói lên ý kiến về vấn đề này.

Bên cạnh đó, hình phạt 200.000 đồng dành cho gã yêu râu xanh ĐMH cũng được nhắc đến khá nhiều. Mức phạt này thực sự không thỏa đáng theo ý kiến những người được hỏi. Nếu những vụ xâm hại trả giá bằng 200.000 đồng tiếp tục tái diễn, biết đâu sẽ xuất hiện thêm những kẻ biến thái mới? 

Phụ nữ, trẻ em phải được an toàn dù ở bất cứ nơi đâu. Hãy lên tiếng cùng aFamily trong chiến dịch "Quyền an toàn" để chặn đứng xâm hại, sàm sỡ, bảo vệ phụ nữ, trẻ em, vì một cộng đồng tốt đẹp hơn!

Đã đến lúc lên tiếng. Im lặng là thỏa hiệp với tội ác.

Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với chúng tôi tại ĐÂY hoặc qua email doisong@afamily.vn và Fanpage chính thức của aFamily để góp tiếng nói của mình vào chiến dịch này. Chúng tôi sẽ đảm bảo bí mật danh tính của bạn.

Chia sẻ