Parent coach Linh Phan chỉ ra những bất ngờ đằng sau các cơn nổi giận của trẻ, cha mẹ đọc xong sẽ "á, ố" vì ngạc nhiên

Linh Phan,
Chia sẻ

Trước hết, cha mẹ làm quen với khái niệm Hội chứng Tantrum là gì?

Trước hết, cha mẹ làm quen với khái niệm Hội chứng Tantrum là gì?

Tantrum là sự bùng nổ cảm xúc khi trẻ muốn, cần hoặc đang cố gắng làm một điều gì đó, biểu hiện bằng các cơn ăn vạ, giận dữ, chống đối và các hành vi không kiểm soát. Những hành động này khá quen thuộc với các trẻ từ 1 đến 5 tuổi, đặc biệt là các trẻ từ 1 đến 3 tuổi. Tuy nhiên, đôi lúc trẻ trở nên "thái quá" bằng cách thể hiện các hành động như lăn lộn dưới đất, la hét, bứt tóc, phá vỡ đồ đạc, gồng cứng người, thậm chí là nín thở, nôn mửa, và đánh cả cha mẹ.

3 LÝ DO GIẬN DỮ PHỔ BIẾN Ở TRẺ

Hầu hết trong các trường hợp về khủng hoảng mà mình từng tư vấn cho phụ huynh, đa phần phụ huynh gặp vấn đề ở việc không nhận ra nhu cầu thực sự của con mình trong các hoàn cảnh cụ thể để nhận diện và phòng ngừa. Trong khi đó, điều quan trọng khi đối phó với các cơn khủng hoảng của các độ tuổi 2-3-4 thậm chí bé lớn hơn đó là TÌM ĐƯỢC RA những gì con muốn và ĐẢM BẢO rằng về lâu dài, con sẽ hiểu rằng những cơn giận dữ không phải là công cụ đàm phán hiệu quả.

Các nhà khoa học hành vi nhận ra có 3 loại hình giận dữ của trẻ trong tantrum đó là:

- Nhu cầu được chú ý (hãy để mắt đến con).

- Nhu cầu được hoạt động, ăn uống (thức ăn, chơi trò chơi, hoạt động).

- Thoát ra khỏi một nhu cầu/ hoạt động nào đó (không muốn mặc quần áo…)

2 loại hình đầu tiên CÓ THỂ được giải quyết bằng cách "làm ngơ", tức là có thể đánh lạc hướng hoặc chờ đợi nó qua đi. Nhưng loại hình thứ 3 thì đòi hỏi sự tinh tế. Bởi vì trong tình huống với kịch bản này, trẻ có thể sẽ kỳ vọng cha mẹ phớt lờ chúng và không bắt chúng làm những thứ chúng không muốn làm.

Parent coach Linh Phan chỉ ra những bất ngờ đằng sau các cơn nổi giận của trẻ, cha mẹ đọc xong sẽ "á, ố" vì ngạc nhiên - Ảnh 1.

Đa phần phụ huynh gặp vấn đề ở việc không nhận ra nhu cầu thực sự của con đằng sau những cơn giận dữ. (Ảnh minh họa)

Khi một đứa trẻ nổi cơn thịnh nộ để tránh phải làm gì đó, cách tiếp cận chính xác mà phụ huynh nên làm đó là giúp đỡ chúng làm điều đó. Đặt bàn tay của bạn lên tay con, giúp con mặc quần áo hoặc là giúp con ăn nốt phần thức ăn bữa tối… đừng la mắng hoặc trêu chọc con cho tới khi con mất tự chủ. 

Những đứa trẻ học hỏi rất nhanh và hiểu rằng bố mẹ đang rất nghiêm túc để can thiệp và chúng sẽ tuân thủ (dù có thể vẫn càu nhàu và quấy khóc).

TANTRUMS KHÔNG CHỈ Ở TUỔI LÊN 2

Sự thật là những cơn giận dữ và tình trạng lộn xộn mất kiểm soát có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi của trẻ, vì nhiều lý do. Hầu hết trẻ đều bắt đầu thử nghiệm các "giới hạn" ngay sau sinh nhật đầu tiên và tiếp tục cho tới khoảng 4-5 tuổi, thậm chí có một số trường hợp ngoại lệ kéo dài tới khi học tiểu học.

Mỗi đứa trẻ là khác nhau và mỗi năm chúng sẽ có những niềm vui cũng như thách thức khác nhau. Quan trọng là bố mẹ chúng ta nắm được những sự thay đổi theo từng giai đoạn đó.

Với trẻ 1 tuổi:

- Con rất thích được âu yếm. Và vì nhiều trẻ 1 tuổi chưa nhận ra sức mạnh của từ "KHÔNG" để phản kháng bố mẹ và người lớn nên có vẻ như "bọn chúng" sẽ tuân thủ nhiều hơn so với các anh chị em 2-4 tuổi. Bản chất ở độ tuổi này là DỄ PHÂN TÂM, có nghĩa là bạn có thể khiến con ngừng nghịch ngợm các nút bấm trên máy giặt bằng cách đưa cho chúng một cái nồi và một cái muỗng để đập.

- Khó khăn trong độ tuổi này đó là việc thiết lập thói quen ngủ tốt và lành mạnh. Việc thiếu ngủ hoặc ngủ không ngon là nguyên nhân lớn gây ra sự cáu kỉnh, giận dữ của các con. Ngoài ra, với vốn từ vựng hạn chế, việc cố gắng làm người lớn hiểu mình cũng là một khó khăn và dễ gây bùng nổ cơn giận giữ (Ví dụ con muốn cầm chiếc điện thoại đồ chơi nhưng mẹ lại đưa cho quả chuối nhựa, vậy là cơn giận bắt đầu).

- Cách xử lý/ đối phó: Các bạn nhỏ ở tuổi này cần khoảng 13 tiếng ngủ mỗi ngày (11 tiếng đêm và 2 tiếng ban ngày), vì vậy hãy cố gắng duy trì và đảm bảo việc này. Đây cũng là lời khuyên của Tiến sĩ Bronwyn Charlton (Chuyên gia về phát triển trẻ em tại New York). Một đứa trẻ mệt mỏi là một đứa trẻ quấy khóc, đơn giản vậy thôi.

Parent coach Linh Phan chỉ ra những bất ngờ đằng sau các cơn nổi giận của trẻ, cha mẹ đọc xong sẽ "á, ố" vì ngạc nhiên - Ảnh 2.

Sự thật là những cơn giận dữ và tình trạng lộn xộn mất kiểm soát có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi của trẻ, vì nhiều lý do.

Với trẻ 2 tuổi:

- Những đứa trẻ 2 tuổi rất dễ thương và SỰ TÒ MÒ là đặc điểm lớn nhất của độ tuổi này. Vì thế, trong quá trình khám phá nếu có gặp rắc rối, rủi ro hay đổ vỡ… con cũng khá "vô tư", coi đó là điều bình thường và tự tha thứ cho bản thân dễ dàng hơn.

- Khó khăn nảy sinh khi bố mẹ phải đặt ra các giới hạn cho con ở tuổi này - nhất là khi chúng hoạt động không ngừng. Không trèo lên kệ sách, không chạy ra đường, không nhặt rác trên vỉa hè... Và chưa bao giờ, tụi trẻ con này phải nghe nhiều từ KHÔNG đến như vậy. Tất nhiên, chẳng đứa trẻ nào thích điều này. Và vì chúng là những đứa trẻ 2 tuổi chưa có khả năng ngôn ngữ để biểu thị cảm xúc, chúng sẽ tận dụng NHỮNG CÚ NÉM, ĐẬP PHÁ thẳng tay. Bộ não non nớt không đủ khả năng xử lý các cảm xúc cực đoan.

- Cách xử lý/đối phó: hãy thường xuyên KHEN NGỢI "Hôm nay con không hề ném đồ chơi nào, tuyệt thế nhỉ!". Nếu cơn khủng hoảng đến và con ném tung đồ đạc lên, hãy mặc kệ con miễn là con không làm tổn thương ai và tổn thương chính mình. La hét, mắng mỏ hay cố gắng để khuất phục "con ngựa hoang" 2 tuổi kể cả với sự nịnh nọt cũng sẽ làm cơn giận kéo dài lâu hơn và tệ hơn. Bố mẹ hãy nhớ, kỷ luật là vô ích trong cơn giận dữ. Hãy đợi cho tới khi con có thể tiếp thu những gì chúng ta nói.

Với trẻ 3 tuổi:

- Trẻ 3 tuổi bắt đầu có kỹ năng lý luận và con bắt đầu hiểu được những nguyên tắc cơ bản - ví dụ như vì sao phải mặc áo mưa khi trời mưa. Vốn từ vựng vừa đủ khiến con không bị hiểu nhầm nữa. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể có những cuộc chuyện trò khá sâu sắc với con rồi.

- Nhưng 3 tuổi cũng là ĐỈNH ĐIỂM CỦA HÀNH VI THÁCH THỨC. Bố mẹ có xu hướng kiểm soát nhiều hơn nhưng con lại muốn tự chủ và mâu thuẫn này khiến con tuyệt vọng, biến cuộc sống trở thành trận chiến. Con sẽ chấp nhận nếu bạn đưa ra lựa chọn kiểu như "Con sẽ mặc đồ ngủ ngay bây giờ sau đó mẹ sẽ cho con ăn một miếng socola và đi đánh răng".

- Cách xử lý/ đối phó: nếu những gì con làm, con nói mà không làm tổn thương tới bất cứ ai (ví dụ lôi hết quần áo ra sàn nhà) - cứ để con làm. Khi không nhận được sự chú ý của bố mẹ nữa, hành vi giận dữ hoặc nổi cơn tam bành sẽ biến mất. Trong những trường hợp khó tha thứ hơn, hãy cẩn thận trong việc kiềm chế con và cho con vào một không gian khác hoặc áp dụng time-out nhưng vẫn phải có sự có mặt của bố mẹ trong không gian đó.

Parent coach Linh Phan chỉ ra những bất ngờ đằng sau các cơn nổi giận của trẻ, cha mẹ đọc xong sẽ "á, ố" vì ngạc nhiên - Ảnh 4.

Với trẻ 4 tuổi:

- Tính cách của 1 đứa trẻ sẽ biểu hiện rõ nét hơn khi lên 4 - và như vậy bố mẹ sẽ hiểu các yếu tố giúp kích thích, khuyến khích con và cần làm gì để động viên nếu con bỏ cuộc. Con cũng đã đi nhà trẻ, vì vậy khả năng con sẽ ít chơi với bố mẹ đi. Điều này cũng mang tới sự khác biệt lớn trong năng lượng và sự kiên nhẫn của bạn (chiều hướng tích cực hơn).

- Trẻ ở độ tuổi này tiếp xúc nhiều hơn với thế giới bên ngoài, và bạn sẽ nhận ra con bắt đầu mang những thứ học được từ bên ngoài về nhà.

- Khi con bắt đầu tức giận, bố mẹ hãy bình tĩnh và nhẹ nhàng hỏi con "Con có nghĩ ra cách nào khác để làm việc này không?" hoặc "Con có muốn bố mẹ giúp hoặc cùng làm với con không?". Hãy chia sẻ với con cách mà bạn làm ví dụ như "Nếu mẹ không làm được, mẹ sẽ hít 1 hơi thật sâu hoặc là chơi trò thổi nến bằng ngón tay đấy" v.v.

Vài nét về tác giả:

Chị Linh Phan là một chuyên gia tâm lý học/phát triển của trẻ nhỏ và nhà tư vấn phụ huynh chuyên nghiệp theo chứng chỉ PCI Certified, đồng thời cũng là tác giả các cuốn sách về làm cha mẹ như "Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu" và "Gỡ lỗi cha mẹ trong giao tiếp với con".

Theo Linh Phan, làm cha mẹ là quá trình bố mẹ trưởng thành và thay đổi để hoàn thiện hơn. Với mong muốn mang đến nhiều hơn giá trị cho cộng đồng và nền giáo dục nước nhà, chị Linh sáng lập dự án Raised Happy nhằm cung cấp kiến thức hữu ích, giúp đỡ các bố mẹ có cuộc sống ôn hoà, bình tĩnh trên hành trình nuôi dưỡng những em bé hạnh phúc, biết lắng nghe, hợp tác và tích cực.

Hiện chị Linh đang sống, làm việc tại Na Uy và là mẹ của 2 em bé Ốc và Sò.

Bạn có thể tìm đọc những bài viết của chị Linh Phan TẠI ĐÂY.

Parent coach Linh Phan chỉ ra những bất ngờ đằng sau các cơn nổi giận của trẻ, cha mẹ đọc xong sẽ "á, ố" vì ngạc nhiên - Ảnh 6.

Chia sẻ