Parent coach Linh Phan chỉ ra các cấp độ, hình thái khác nhau của việc xúc phạm trẻ, nhiều cha mẹ phạm phải mà không hề hay biết

Linh Phan,
Chia sẻ

Đôi khi người lớn chúng ta có những hành động xúc phạm và gây khó chịu với trẻ nhưng chúng ta lại không hề hay biết hoặc tệ hơn là nghĩ rằng “Làm thế có gì sai đâu?”. Bố mẹ hãy thử kiểm tra lại bản thân mình bằng cách đối chiếu xem mình có phạm phải những sai lầm sau đây không nhé!

Một đứa trẻ sẽ không quá sợ hãi trước khó khăn khi chúng tìm được sự bảo vệ, an tâm từ gia đình, khi được thoả mãn nhu cầu về tình cảm, tình yêu và sự chăm sóc của cha mẹ, người thân. Điều đáng sợ và gây khó khăn với một đứa trẻ là khi chính những người thân cận nhất, người con tin tưởng và dựa dẫm nhiều nhất lại hành động với chúng, coi chúng như một kẻ "tội đồ" hoặc không tôn trọng trẻ. Bởi vì khi rơi vào hoàn cảnh đó, không có nơi nào là chỗ để con cảm thấy được giúp đỡ, và cũng không có ai để dựa vào. Con tự trải qua tất cả những nỗi đau bên trong và sự oán giận này có xu hướng huỷ hoại nghiêm trọng tương lai con khi trưởng thành.

Đôi khi người lớn chúng ta có những hành động xúc phạm và gây khó chịu với trẻ nhưng chúng ta lại không hề hay biết hoặc tệ hơn là nghĩ rằng "Làm thế có gì sai đâu?" và không chịu thay đổi. Bố mẹ hãy thử kiểm tra lại bản thân mình bằng cách đối chiếu xem mình có phạm phải những sai lầm sau đây không nhé!

Parent coach Linh Phan chỉ ra các cấp độ, hình thái khác nhau của việc xúc phạm trẻ, nhiều cha mẹ phạm phải mà không hề hay biết - Ảnh 1.

1. Khi một đứa trẻ bị xúc phạm ở nơi công cộng

Đây không hẳn là một trận đòn công khai. Nhưng la mắng con trước mặt người lạ, trên đường phố, trong sân chơi cũng là một hình thái của sự sỉ nhục. Hình phạt về tinh thần là một cách làm tổn thương tâm hồn non nớt của em bé, và thậm chí còn khiến con cảm thấy xấu hổ, nhục nhã ở nơi công cộng - và dần giết chết sự tự tin nơi con hoặc khơi gợi sự đối đầu, phản kháng.

Lời khuyên cho cha mẹ: Bố mẹ có biết các quy tắc của những nhà lãnh đạo thành công là gì không? Là khen ngợi tất cả, nhưng sẽ góp ý hay thậm chí chỉ trích một cách riêng tư. Hãy áp dụng nó cho những đứa trẻ của mình. Mình không bao giờ ngồi mắng con giữa nơi công cộng hay khi có đông người. Mình thường gọi con vào một góc riêng và bắt đầu nói chuyện một cách nghiêm khắc nếu những việc làm có thể gây ra hậu quả xấu. Con cũng không bao giờ sợ phải đối mặt với mình, hay là sợ sệt không dám đi vào một góc khuất nào đó để trò chuyện cùng mẹ.

2. Khi con không được lắng nghe

Con khóc vì một đồ chơi vỡ, hay vì một thứ gì đó không hoạt động theo ý muốn của mình. Nhiều cha mẹ mặc định rằng đó là vì con nghịch ngợm. Và con khóc nhiều hơn, sợ hãi nhiều hơi khi cha mẹ không hiểu mình. Thậm chí, nhiều cha mẹ khi con mình rơi vào tình huống này còn nạt nộ, tức giận và la mắng to hơn nữa.

Chỉ có người lớn chúng ta mới có thể phá vỡ cái vòng luẩn quẩn này - nếu chúng ta cố gắng nghe và hiểu con nhiều hơn. Chúng ta sẽ thấy rằng con cần được giúp đỡ, chăm sóc và yêu thương an ủi.

Lời khuyên cho cha mẹ: Nếu lần sau con còn tiếp tục "tra tấn" bạn bằng những câu hỏi, rên rỉ, hãy tự hỏi "Hồi bằng tuổi con bây giờ mình thực sự muốn gì". Nghĩ đi, và có thể kết quả sẽ khiến bạn ngạc nhiên. Bản thân mình cũng có nhiều lúc chẳng giữ được bình tĩnh, ví dụ như cách đây vài hôm con trai tập trượt patin và bắt đầu khóc lóc rên rỉ rất khó chịu sau khoảng 30 phút tập luyện. Mình đã to tiếng, nhưng sau đó mình hiểu rằng mọi thứ đều có nguyên nhân - con mệt vì thiếu ngủ và quá căng thẳng khi mới bắt đầu tập luyện nên bắt đầu bị đau bụng. Nếu càng mắng mỏ bực bội, con cũng càng cáu kỉnh và khóc lóc nhiều hơn. Cách tốt hơn là bản thân mình phải bình tĩnh, xoa dịu con trước rồi mọi việc lại đâu vào đấy. Mọi thứ trên đời này đều có lý do của nó.

3. Khi một đứa trẻ bị so sánh

Các ông bà thường có thói quen này, khi so sánh cháu nhà mình với cháu nhà người khác - hoặc so sánh chính những đứa cháu của mình với nhau. So sánh trong suy nghĩ, hay chỉ trong câu chuyện vu vơ của người lớn thì chấp nhận được. Đừng có thể hiện nó ra ngoài, nhất là trước mặt những đứa trẻ.

Trẻ bị so sánh không có thiện cảm với những đứa trẻ khác, bởi vì trong mỗi hành động dường như chúng đều thấy đứa trẻ khác làm tốt hơn mình và con sẽ nhận ra rằng dù sao đi nữa con cũng không thể làm được.

Parent coach Linh Phan chỉ ra các cấp độ, hình thái khác nhau của việc xúc phạm trẻ, nhiều cha mẹ phạm phải mà không hề hay biết - Ảnh 3.

Lời khuyên cho cha mẹ: Hãy đánh giá cao và tôn trọng những gì một đứa trẻ có thể làm tương xứng với nỗ lực và khả năng phù hợp trong độ tuổi của con. NGỪNG SO SÁNH. Khi 2 đứa trẻ có mâu thuẫn mà bạn can thiệp, đừng la mắng - nếu có thể hãy khen ngợi trước. Hãy nhớ rằng, trong mọi tình huống con có thể làm tốt hơn như thế nào - PHỤ THUỘC vào cách bạn nói chuyện, cách bạn thể hiện với con tử tế, khôn ngoan và khéo léo ra sao.

4. Khi một đứa trẻ bị phạt gì đó vì phạm sai lầm

Tất nhiên chúng ta ai cũng muốn bảo vệ con khỏi những nguy hiểm hay thương tích. Nhưng sự an toàn của một đứa trẻ và bảo vệ sức khoẻ của con hoàn toàn không có tí liên kết nào với việc trẻ phải chịu những hình phạt vì các hành vi sai trái, quần áo bẩn rách, làm hỏng đồ dùng hay là thậm chí… do điểm kém. Mắng hay phạt con để con cảm thấy hay hiểu về sự an toàn là một cách làm vô ích và tệ hại. Câu nói yêu thích nhất của các ông bố bà mẹ có lẽ là "Bố/mẹ nói với con bao nhiêu lần rồi" cũng là câu mà mọi đứa trẻ đều ghét nhất.

Lời khuyên cho cha mẹ: Khi một em bé bị xước đầu gối, hay làm vỡ chiếc điện thoại của con (Ốc vừa làm vỡ màn hình điện thoại cách đây vài hôm), hãy ôm con và an ủi. Hãy cảm thấy vui vì khi con gặp rắc rối hay khó khăn, con vẫn tin tưởng và sẵn sàng chia sẻ với bạn.

Parent coach Linh Phan chỉ ra các cấp độ, hình thái khác nhau của việc xúc phạm trẻ, nhiều cha mẹ phạm phải mà không hề hay biết - Ảnh 4.

5. Khi bố mẹ không tôn trọng việc con làm

Con thỏ chỉ có một tai và hai mắt đều được dán ở bên phải. Vậy thì đã sao? Đó là cách mà con nhìn thế giới và tưởng tượng trong khả năng của bản thân. Nó được thực hiện bởi con đã dồn hết kỹ năng, sức mạnh và cả tâm huyết của mình trong đó. Thậm chí con chỉ nhặt một hòn đá ở vệ đường rồi nâng niu nó và tặng cho bố mẹ - nó chẳng đáng giá gì về vật chất - nhưng nó thể hiện tình yêu của con với bạn. Đó mới là điều vô giá!

Khi mình cho Ốc về Việt Nam chơi và tiếp xúc với nhiều đứa trẻ khác, mình thấy lũ trẻ chơi cùng nhau và Ốc bị "sửa" rất nhiều, thậm chí sửa bởi những đứa trẻ còn ít hơn tuổi Ốc. Nào là "Ốc làm cái gì thế, sai rồi, phải làm thế này" khi chơi đồ chơi. Nào là "Màu hồng là của con gái, Ốc là con trai mà lại thích màu hồng (hoặc màu đỏ) à". Những tư tưởng mặc định đó ai đã gieo giắc vào đầu con trẻ? Tại sao chúng không được tự do nghĩ, tự do tưởng tượng và được tôn trọng vì những tưởng tượng của riêng mình. Tất nhiên sẽ có những thứ phải uốn nắn, nhưng thay vì tập trung uốn nắn hành vi, nếp sống, cách giao tiếp thì nhiều bố mẹ lại áp đặt cho con rất nhiều những nhận định không cần thiết làm hạn chế sự tưởng tượng và tư duy cầu tiến của trẻ.

Lời khuyên cho cha mẹ: Hãy trân trọng những thứ con làm, con tặng hoặc những điều con suy nghĩ và thể hiện thế giới quan của con. Hãy cho con biết rằng bạn rất thích hay coi những gì con tặng, con làm như là báu vật.

6. Khi người lớn vô tư đặt biệt danh gây khó chịu cho con

Thường người lớn nghĩ rằng những biệt danh mình tạo ra cho con trong các tình huống vụng về, chậm chạp… của con là cho vui hay hài hước. Nhưng thực ra đôi khi nó tạo cảm giác trẻ bị kì thị theo nghĩa đen. Nó có thể tạo ra sự xấu hổ và con không thể hiểu được vì sao con lại bị gọi như vậy. Nhiều đứa trẻ bị tổn thương và đau khổ trong những tình huống như vậy, đặc biệt nếu những gì người lớn nói hay nhận xét lại là bẩm sinh và phụ thuộc vào tính khí và tính cách của trẻ. Ví dụ như một đứa trẻ ít nói, người lớn vô tư nhận xét "Ơ con bé này nhát thế" hoặc "Con bé này hư thế, mất mồm rồi à?".

Lời khuyên cho cha mẹ: Bố mẹ hãy nhớ là nếu muốn chọc cười người khác, chúng ta có thể phải trả giá giống như câu "cười người hôm trước hôm sau người cười". Với trẻ nhỏ, hãy con như một người lớn có nhận thức và trưởng thành cần được tôn trọng.

Parent coach Linh Phan chỉ ra các cấp độ, hình thái khác nhau của việc xúc phạm trẻ, nhiều cha mẹ phạm phải mà không hề hay biết - Ảnh 5.

7. Khi bố mẹ không giữ lời và không thực hiện lời hứa

Bố mẹ hứa cho đi công viên hoặc mua sách mới, đồ chơi mới. Rồi bố mẹ không thực hiện. Nghe có vẻ chẳng có gì nghiêm trọng. Nhưng thực tế nó ảnh hưởng nghiêm trọng tới lòng tin của trẻ vào bố mẹ. Thực hiện lời mình nói tới cùng là một trong những nguyên tắc cơ bản khi nuôi dạy trẻ và quyết định chất lượng mối quan hệ giữa bố mẹ và con.

Lời khuyên cho cha mẹ: Nếu đã hứa gì với con, hãy giữ lời hứa. Nếu không thực hiện được, cũng cần một sự giải thích hợp lý và nghiêm túc. Còn không, đừng hứa gì cả!

Hãy luôn cố gắng và kiên nhẫn để những năm tháng đầu đời con càng có ít nước mắt bởi những sự xúc phạm và tổn thương bằng lời nói, hành vi do chính chúng ta gây ra càng tốt. Hãy để con có càng nhiều cơ hội tin yêu vào những gì chúng ta làm, chúng ta nói và cảm giác an toàn vào gia đình.

Vài nét về tác giả:

Chị Linh Phan là một chuyên gia tư vấn phụ huynh theo chứng chỉ PCI Certified, đồng thời là tác giả cuốn sách "Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu". Theo Linh Phan, làm cha mẹ tốt nhất đối với con và đối với chính mình là khi tin vào bản năng của mình.

Với mong muốn mang đến nhiều hơn giá trị cho cộng đồng và nền giáo dục nước nhà, chị Linh sáng lập dự án Raised Happy nhằm cung cấp kiến thức hữu ích, giúp đỡ các bố mẹ có cuộc sống ôn hoà, bình tĩnh trên hành trình nuôi dưỡng những em bé hạnh phúc, biết lắng nghe, hợp tác và tích cực.

Hiện chị Linh đang sống, làm việc tại Na Uy và là mẹ của 2 em bé Ốc và Sò.

Các mẹ có thể tìm đọc những bài viết của chị Linh Phan TẠI ĐÂY.

Chia sẻ