Parent coach Linh Phan: 3 quy tắc bố mẹ nên nhớ khi nói "không" với con

Linh Phan,
Chia sẻ

Lời khuyên cho bố mẹ khi muốn nói Không với con theo từng độ tuổi (0-5).

Trong những năm đầu đời, một đứa trẻ bắt đầu học về những khả năng của mình, hiểu về cơ thể mình cũng như thế giới xung quanh nguy hiểm như thế nào. Nhưng con vẫn chỉ là một đứa trẻ, bởi vậy con vẫn hạn chế trong việc hiểu về những kết quả của hành động hay thiếu khả năng kiểm soát chúng.

Khi một em bé cho tay vào ổ cắm, đó không phải là để thể hiện sự can đảm, cũng không phải vì con cố tình không vâng lời… mà đơn giản là vì chưa thể biết được kết quả tiếp theo của nó là gì. Đó là lí do vì sao chúng ta cần liên tục để ý tới trẻ. Và cũng thật vô lý nếu như có những ông bố bà mẹ đánh phạt trẻ vì trẻ có những hành động có thể gây hậu quả nguy hiểm với lí do "Đánh cho chừa/cho nhớ". Ai dám chắc sau khi bị đánh đòn, trẻ không tiếp tục làm những việc nguy hiểm?

Việc con không vâng lời ở độ tuổi mầm non, trong hầu hết các trường hợp, là một biểu hiện của việc muốn trở nên độc lập hơn. Trong giai đoạn 1 tuổi, trẻ sẽ cố gắng tìm hiểu những giới hạn trong khả năng của mình "Mình có thể giữ cốc hay sẽ làm rơi nó?", hiểu sự kiên nhẫn của cha mẹ "Mình có thể làm rơi cốc xuống sàn, và mẹ có nổi giận không?" hoặc sự kiên nhẫn của những người khác "Bạn ấy có khóc nếu mình phá lâu đài cát của bạn ấy không?".

Chính là nhờ những "trận chiến" tantrum có phần kinh khủng hàng ngày với cha mẹ, em bé dần tự khẳng định mình và phát triển ý thức về giá trị bản thân, sự tự tin, quyết tâm, kiên trì… mà ĐA PHẦN NHẦM LẪN HOẶC QUY CHỤP VỚI SỰ-BƯỚNG-BỈNH.

Làm cha mẹ, bạn cần hiểu được sự phát triển của con và có những phương pháp hay thiết lập các giới hạn phù hợp với độ tuổi của con.

Ví dụ ở tháng thứ 7 - 8, em bé có thể hiểu một số quy tắc ứng xử mà bố mẹ đặt ra. Ví dụ như từ "KHÔNG". Mặc dù một em bé ở độ tuổi này có thể hiểu rằng bố/mẹ mình không hài lòng hoặc hoảng hốt, nhưng không có nghĩa con hiểu được việc mình cần-phải-làm-theo-mệnh-lệnh của bố mẹ. Khả năng làm theo chỉ dẫn hoặc kiểm soát hành vi của con còn QUÁ HẠN CHẾ.

Mình chia sẻ với các bố mẹ một số quy tắc để đối phó với con trong độ tuổi này cũng như đối phó với câu trả lời "KHÔNG" của con.

Quy tắc số 1 (áp dụng cho em bé dưới 1 tuổi): Bạn không thể nuôi dưỡng một đứa trẻ khi chỉ ngồi trên ghế và chỉ trỏ

Đừng bao giờ mong đợi một em bé 1 tuổi biết tuân theo mệnh lệnh một cách răm rắp. Trong hầu hết các tình huống, bạn phải đánh lạc hướng sự chú ý của con, hoặc đơn giản là ngăn chặn và kéo con ra khỏi nơi nguy hiểm. Ví dụ trong tình huống thực sự nguy hiểm như con đang chuẩn bị cho tay vào ổ điện, hãy kéo con ra ngay lập tức và biểu hiện khuôn mặt sợ hãi. Giúp con phân tâm bằng màu sắc, đồ chơi hoặc là âm thanh lớn.

Parent coach Linh Phan: 3 quy tắc bố mẹ nên nhớ khi nói "không" khi với con - Ảnh 2.

Đối với vài em bé thì "rủi ro" đôi khi lại là trò chơi. Ví dụ khi con đi về phía cửa ban công, bạn lao đến vào kéo con lại, đồng thời hét lên "Không". Con bạn thoát được khỏi tay bạn và lại tiếp tục lao ra ban công. Trò chơi gì mà vui thế nhỉ? Em bé có thể sẽ thích trò này. Em bé không hiểu vì sao mẹ lại chỉ chơi trò này với mình khi mình ở cạnh những đồ vật nguy hiểm.

Quy tắc số 2 (áp dụng cho em bé 1-3 tuổi): Thể hiện rõ cảm xúc trong các tình huống

Ví dụ như thể hiện sự sợ hãi, nhưng không phải là tức giận. Rất sớm thôi, em bé sẽ hiểu được sự khác biệt và nắm bắt được những sắc thái biểu cảm trên khuôn mặt bố mẹ.

Khi trẻ ở khoảng 1,5 đến 2,5 tuổi, con bắt đầu biết đi và nói chuyện. 2 kỹ năng này sẽ mãi mãi thay đổi thế giới của bạn. Đây là độ tuổi mà bé "trèo lên" mọi thứ. Có nghĩa là tại thời điểm này, con kiểm tra "sức mạnh" của bản thân mình càng nhiều càng tốt. Và điều này cũng có nghĩa là cha mẹ buộc phải thiết lập ranh giới cho phép/không cho phép.

Parent coach Linh Phan: 3 quy tắc bố mẹ nên nhớ khi nói "không" khi với con - Ảnh 3.

Hãy nhớ rằng hầu hết các hành động của con ở độ tuổi này được thúc đẩy bởi sự tò mò, không phải bởi mong muốn bố mẹ phát điên, cũng không phải vì sự bướng bỉnh hay là ý thích bất chợt. Kể cả khi con dùng son môi của bạn để vẽ bậy hết lên tường.

Thái độ đối với hành vi của trẻ phần lớn được quyết định bởi tâm trạng của bố mẹ tại thời điểm nhất định. Hành vi ở trên có thể được coi là táo bạo và độc lập khi chúng ta có tâm trạng tốt "Hãy lại đây nào, mình cùng trèo xuống khỏi bàn nhé" hoặc được coi là bướng bỉnh và hung hăng khi chúng ta có tâm trạng tiêu cực "Con có thích bị ngã không?".

Nếu được, hãy cố gắng phản ứng trong các tình huống với em bé 3 tuổi bằng sự kiên nhẫn, hài hước, bất kể tâm trạng của chúng ta là gì. Đừng lớn tiếng. Lại càng không nên dùng các hình phạt thể xác.

Quy tắc số 3 (áp dụng cho em bé từ 3-5 tuổi): Mọi quy tắc ứng xử hay giới hạn áp dụng cho con không đi kèm với sự tức giận, áp đặt mà nên đưa ra giải pháp thay thế cho các hành động bị cấm

Ví dụ: Con có thể vẽ lên giấy, mình không nên vẽ lên tường.

Ở độ tuổi từ 3-5, em bé bắt đầu nhận ra sự nguy hiểm của một số thứ và tình huống, đồng thời cũng có thể kiểm soát một phần sự tò mò của mình. Từ độ tuổi này trở đi, con thử thách sự kiên nhẫn của cha mẹ không quá nhiều nhưng lại khá bất ngờ ví dụ như đòi mua một thứ gì đó ở siêu thị. Phải làm gì khi con trở thành trung tâm chú ý của những người mua hàng hoặc với ánh mắt thương hại? Làm thế nào để đối phó với tiếng la hét, lăn ra sàn hay giãy giụa?

Nhanh chóng và bình tĩnh tìm ra lí do. Tại sao con đột nhiên trở nên bất thường? Tiềm ẩn phía dưới hành động có thể là vì con quá nóng, quá khát, quá mệt cả về thể chất lẫn cảm xúc. Những nguyên nhân này có thể gây khó khăn với một đứa trẻ, không phải trong chốc lát mà thậm chí là trong một thời gian dài.

Cố gắng thay đổi tình hình nếu con khó bình tĩnh lại, như là đưa con đến một nơi yên tĩnh hơn, thay đổi không gian, làm con bị phân tâm. Nếu bạn phải hoãn việc mua sắm lại cũng không sao, con quan trọng hơn.

Parent coach Linh Phan: 3 quy tắc bố mẹ nên nhớ khi nói "không" khi với con - Ảnh 5.

Hãy để con biết rằng bố mẹ yêu mình, nhưng hành vi của con là không chấp nhận được. Đứa trẻ phải hiểu được hậu quả của những hành vi xấu đó. Ví dụ "Con sẽ phải rời khỏi khu vui chơi hoặc tiệc sinh nhật của bạn Xoài". Nếu đứa trẻ nhận ra rằng hành vi xấu có thể phải nhận sự trừng phạt, nó sẽ dần biết cố gắng giữ mình trong giới hạn nhất định. Tất nhiên, trừng phạt không phải là về thể chất, cũng như cả về tinh thần.

Chấp nhận và cùng con vượt qua những cơn tức giận, khủng hoảng là một trong những điều quan trọng của cha mẹ những năm đầu đời. Muốn chấp nhận và vượt qua dễ dàng hơn, rất cần sự kiên nhẫn, lắng nghe và cả những hiểu biết cơ bản về tâm sinh lý của bố mẹ.

Vài nét về tác giả:

Chị Linh Phan là một Parent coach chuyên nghiệp, đồng thời là tác giả cuốn sách "Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu". Với mong muốn mang đến nhiều hơn giá trị cho cộng đồng và nền giáo dục nước nhà, chị Linh sáng lập dự án Raised Happy nhằm cung cấp kiến thức hữu ích và hoàn toàn miễn phí cho bố mẹ có con từ 0-6 tuổi. Hiện chị Linh đang sống, làm việc tại Na Uy và là mẹ của 2 em bé Ốc và Sò.

Các mẹ có thể tìm đọc những bài viết của chị Linh Phan TẠI ĐÂY.

Chia sẻ