Parent coach Linh Phan: Kỷ luật con kiểu TIME-OUT không thật sự "bình yên" như nhiều cha mẹ vẫn nghĩ

Linh Phan,
Chia sẻ

Sử dụng time-out có vẻ ít gây tổn thương so với đánh đòn, mắng nhiếc vì nó không liên quan tới lạm dụng thể chất hay qua lời nói. Tuy nhiên, theo nhiều nhà giáo dục và tâm lý học, time-out không hề "vô tội" như vẻ ngoài của nó, thậm chí còn là một cách kỷ luật có hại về mặt cảm xúc.

Rất nhiều phụ huynh đặt câu hỏi có nên áp dụng phương pháp "time-out", "góc bình yên" cho trẻ mầm non hay không? Nếu áp dụng thì cần lưu ý điều gì? Nếu không thì có cách nào giúp trẻ hiểu rõ giới hạn của các hành động và nhận trách nhiệm?".

Đây cũng là câu hỏi mình nhận được nhiều trong thời gian qua và xin được chia sẻ với các cha mẹ những vấn đề sau:

1. Time-out là gì và vì sao không nên lạm dụng time-out

Khi các bậc cha mẹ và thầy cô đã nhận thức được sự nguy hiểm của những hình phạt thể xác như đánh đòn con, time-out nổi lên như một công cụ kỷ luật phổ biến. Những em bé làm sai việc gì đó sẽ được yêu cầu ngồi lặng yên trên ghế hoặc trong phòng riêng để bình tĩnh và suy nghĩ về những gì chúng đã làm. Sau một khoảng thời gian nhất định, con được quay trở lại nhóm chơi hoặc các hoạt động gia đình, với điều kiện phải điều chỉnh hành động cho phù hợp hơn. 

Parent coach Linh Phan: Kỷ luật con kiểu TIME-OUT không thật sự "bình yên" như nhiều cha mẹ vẫn nghĩ - Ảnh 1.

Thời gian được chỉ định thường là số phút tương ứng với số tuổi. Một số cuốn sách đề xuất thêm quy tắc im lặng và đề nghị rằng nếu sự im lặng bị phá vỡ, thời gian sẽ tiếp tục kéo dài thêm. Cha mẹ sử dụng phương pháp này được hứa hẹn sẽ có kết quả nhanh chóng và dễ dàng.

Time-out bắt nguồn từ nghiên cứu hành vi của nhà tâm lý học B.F.Skinner. Lý thuyết về điều hoà hành vi/ hoạt động của ông khẳng định rằng trẻ sẽ cư xử theo những cách nhất định nếu chúng nhận được phần thưởng khi làm như vậy (gọi là "củng cố tích cực") và hành vi không mong muốn có thể được giảm bớt bằng cách giữ lại phần thưởng hoặc hình phạt không đòn roi. 

Bản thân nhà tâm lý học Skinner tin rằng tất cả các hình thức trừng phạt đều là những biện pháp không phù hợp để kiểm soát hành vi của trẻ em. Tuy nhiên, khi hiện tượng trẻ bị đánh đòn ngày càng tồi tệ ở Mỹ, việc tạm ngưng sự yêu thương và bắt con chú ý đã tồn tại như một biện pháp kiểm soát chấp nhận được.

2. Vấn đề tiềm ẩn của kỷ luật time-out là gì?

Sử dụng time-out có vẻ ít gây tổn thương so với đánh đòn, mắng nhiếc vì nó không liên quan tới lạm dụng thể chất hay qua lời nói. Do đó, ở góc độ nào đó, nó vẫn được coi là tiến bộ trong nỗ lực biến thế giới này thành một nơi tốt đẹp hơn cho những đứa trẻ.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà giáo dục và tâm lý học, time-out không hề "vô tội" như vẻ ngoài của nó, thậm chí còn là một cách kỷ luật có hại về mặt cảm xúc.

Hiệp hội Giáo dục trẻ em quốc gia Mỹ đã đưa time-out vào danh sách những biện pháp kỷ luật có hại, xếp cùng với các hình thức phạt về thể xác, chỉ trích, đổ lỗi, hay khiến con trẻ xấu hổ.

Parent coach Linh Phan: Kỷ luật con kiểu TIME-OUT không thật sự "bình yên" như nhiều cha mẹ vẫn nghĩ - Ảnh 3.

Time-out là một cách tiếp cận độc đoán, và dường như chỉ hoạt động ở những đứa trẻ đã được đào tạo để tuân thủ quyền lực và thẩm quyền của người lớn. Trẻ được đào tạo để tuân thủ các biện pháp và biết rằng hậu quả của việc không vâng lời còn tồi tệ hơn là tuân thủ theo mệnh lệnh. Trẻ không được nuôi dưỡng trong môi trường độc đoán như vậy có thể sẽ từ chối tới phòng riêng hay ngồi yên trên ghế.

Làm thế nào để một đứa trẻ có thể hiểu về hậu quả của sự không vâng lời? Những người theo đuổi time-out đề xuất phụ huynh nên loại bỏ tất cả các đặc quyền như TV, đồ chơi, âm nhạc... cho tới khi con nghe lời. Luôn luôn đi theo đó là mối de doạ bị tước quyền hoặc nhận thêm các hình phạt mới.

Phụ huynh ủng hộ time-out cũng cho rằng đây không phải là một hình thức trừng phạt. Họ sử dụng một số thuật ngữ nói tránh nói giảm về phương pháp này để nghe có vẻ lành tính hơn. Bản thân từ "time-out" cũng có ý nghĩa như là một sự nghỉ ngơi cần thiết giữa giờ. Đáng tiếc, thuật ngữ này lại khiến cha mẹ lầm tưởng rằng hình thức kỷ luật này là vô hại.

Ở góc độ của đứa trẻ, time-out chắc chắn mang đến trải nghiệm NHƯ MỘT HÌNH PHẠT. Ai mà lại muốn bị cô lập khỏi nhóm chơi và bỏ mặc? Rất có khả năng trẻ em xem hình thức này là một sự ruồng bỏ và không được yêu thương. Trong khi cha mẹ thường cẩn thận trấn an con kiểu như "Bố mẹ yêu con nhưng con cần vào phòng 5 phút vì những gì con làm là không chấp nhận được" - nhưng hành động của bố mẹ lấn át hơn hẳn lời nói.

Trẻ dưới 7 tuổi không có khả năng xử lý các từ ngữ giống như người lớn. Vì thế, kinh nghiệm cụ thể và nhận thức từ các tác động thực tế mạnh hơn ngôn ngữ. Bị cô lập và phớt lờ được hiểu là "không ai muốn ở bên tôi, vì vậy tôi là người xấu và không được yêu thương". Và sẽ chẳng có lời yêu thương nào, dù là chủ ý tốt, có thể choán đi cảm giác bị từ chối này.

Không có gì đáng sợ hơn với một đứa trẻ là không được yêu thương. Cùng với nỗi sợ hãi đến bất an, lo lắng, bối rối, tức giận, oán giận và giảm bớt lòng tự trọng. Time-out cũng có thể gây bối rối và cảm giác nhục nhã, đặc biệt là khi áp dụng nó trong lúc có mặt cả những đứa trẻ khác.  

Parent coach Linh Phan: Kỷ luật con kiểu TIME-OUT không thật sự "bình yên" như nhiều cha mẹ vẫn nghĩ - Ảnh 5.

Chúng ta sẽ truyền tải thông điệp nào tới con khi áp dụng time-out? Liệu đây có phải là một kỹ năng giải quyết xung đột hữu ích với con? Nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến khả năng tương tác của con với bạn bè, và sau này là người bạn đời và đồng nghiệp? Có phải sẽ tốt hơn nếu ta dạy trẻ kỹ năng giải quyết xung đột ngay từ đầu, thay vì "cắt đứt giao tiếp" dường như là cách duy nhất giải quyết xung đột khi áp dụng time-out?

Mặc dù những vấn đề với time-out phần lớn là vô hình, nhưng rõ ràng: sẽ có lúc nó không còn hiệu quả nữa. Những phụ huynh ủng hộ time-out cũng thừa nhận rằng phương pháp này chỉ có hiệu quả cho tới khoảng 9 tuổi. Bạn hãy nghĩ đi, làm sao chúng ta có thể nói chuyện với những em bé thiếu niên, có thể cao hơn cả bạn, ngồi ghế trước mặt bạn trong khi bạn phớt lờ con? Những em bé thiếu niên có ý thức về giá trị bản thân sẽ cười vào một mệnh lệnh như vậy. Và rất dễ hiểu, phương pháp này chỉ dẫn đến sự phẫn nộ, chống cự và lừa dối.

Bất kỳ phương pháp nào dựa trên quyền lực và chủ nghĩa độc đoán cuối cùng cũng phải bị loại bỏ, đơn giản vì sẽ có lúc cha mẹ hết hoặc mất đi quyền lực của mình. Cha mẹ không áp dụng những phương pháp độc đoán ngay từ đầu, mặt khác, có thể ngăn chặn các cuộc đấu tranh quyền lực, cũng như các vấn đề kỷ luật, thường xuất hiện phổ biến ở tuổi vị thành niên.

3. Hậu quả tiềm ẩn của time-out

Việc sử dụng time-out dẫn tới một loạt các vấn đề tiềm ẩn. Đối với một người, khi chúng ta thực hiện time-out với những đứa trẻ khóc hoặc giận dữ, chúng nhận được thông điệp rằng bố mẹ không muốn ở bên chúng khi buồn bã. Và sớm muộn, con sẽ ngừng bộc lộ hoặc chia sẻ những vấn đề của con với chúng ta.

Hơn nữa, những đứa trẻ như vậy có thể học cách kìm nén cảm xúc của chúng, đặc biệt nếu chúng ta khăng khăng con phải yên lặng cho tới khi hết thời gian. Đừng quên rằng những hormone căng thẳng được bài tiết qua nước mắt, nhờ đó mà stress giảm bớt và cơ thể có thể phục hồi sự cân bằng về hoá học. Khi yêu cầu con kìm nén nước mắt, chúng ta vô tình làm tăng sự nhạy cảm và khiến tình trạng mất cân bằng về cảm xúc và thể chất tệ hơn.

Nhà trị liệu tâm lý người Thuỵ Sỹ Alice Miller

Điều tàn khốc nhất mà người lớn làm đối với một đứa trẻ là từ chối chúng được tự do bày tỏ sự tức giận và đau khổ.

 Một vấn đề nữa của time-out là không giải quyết được nguyên nhân cơ bản của "hành vi sai" hay "hành vi chưa phù hợp". Trẻ hành động theo một cách cụ thể vì những lý do chính đáng, mặc dù chính chúng có thể không nhận thức được điều đó. Hầu hết những hành vi không mong muốn có thể được giải thích bằng 3 yếu tố:

- Con đang cố gắng thực hiện một nhu cầu chính đáng.

- Con bị thiếu thông tin hoặc còn quá nhỏ để hiểu.

- Con cảm thấy buồn bã, thất vọng, buồn, sợ hãi, ghen tị, bối rối hoặc không an toàn.

Khi chúng ta cố gắng thay đổi một hành vi mà không giải quyết được nhu cầu hay cảm xúc cụ thể, việc phạt không thực sự mang lại nhiều ý nghĩa. Tại sao? Vì vấn đề của trẻ sẽ vẫn còn đó. Dạy trẻ tuân thủ mong muốn của chúng ta KHÔNG giải quyết được những vấn đề sâu xa hơn.

Ví dụ: con bạn nhiều lần bị tách khỏi anh chị em và cho vào phòng riêng khi có tranh chấp có thể sẽ ngừng "tranh chấp" hoặc chiến đấu lại với bố mẹ. Tuy nhiên, sự hận thù có thể sẽ xuất hiện theo những cách tinh vi và thậm chí quỷ quyệt hơn. Sự phẫn nộ đó có thể theo con tới tận tuổi trưởng thành.

Vậy đó, GIẢM BỚT TRIỆU CHỨNG CỦA MỘT VẤN ĐỀ KHÔNG GIẢI QUYẾT ĐƯỢC VẤN ĐỀ ĐÓ.

Nhiều cha mẹ tin rằng trẻ được áp dụng time-out để suy nghĩ về những gì chúng đã làm và có thể tự kiểm soát được. Trong thực tế, khi trẻ có hành vi sai, hung hăng hoặc không phù hợp, chúng thường đang chất chứa những cảm giác bị dồn nén mạnh mẽ đến mức không thể nghĩ rõ ràng về hành động của mình.

Thay vì cô lập con, hãy lắng nghe con một cách chăm chú và khuyến khích sự thể hiện cảm xúc một cách TRUNG THỰC. Hãy nói chuyện, cho phép con khóc và không cần quát mắng hay phạt - vẫn có thể ngăn chặn sự tái diễn của hành vi không mong muốn.

Parent coach Linh Phan: Kỷ luật con kiểu TIME-OUT không thật sự "bình yên" như nhiều cha mẹ vẫn nghĩ - Ảnh 9.

Một đứa trẻ cắn đánh người khác hay chính bạn, hãy bế con lên và nó hiệu quả hơn nhiều thay vì cách ly chúng. Tạo ra cảm giác an toàn và ấm áp cho chính con trong khi bảo vệ những đứa trẻ khác khỏi bị tổn thương.

Thật là nghịch lý nhưng có một sự thật là : TRẺ EM CẦN SỰ YÊU THƯƠNG QUAN TÂM NHẤT KHI CHÚNG CÓ NHỮNG HÀNH ĐỘNG ÍT XỨNG ĐÁNG VỚI VIỆC ĐƯỢC YÊU THƯƠNG QUAN TÂM NHẤT.

Bắt một đứa trẻ hung hăng ngồi yên lặng chỉ góp phần khiến trẻ thêm tức giận và dồn nén, khiến con có cảm giác bị xa lánh, bỏ rơi. Không cần thiết phải cách ly trẻ và tỏ ra không yêu thương để dạy con "cách cư xử".

Trên thực tế, hoàn toàn có thể giúp trẻ học cách hợp tác và tử tế mà không cần đưa ra hình phạt. Không có phương pháp nào nhanh chóng và dễ dàng để giải quyết mọi xung đột. Thay vào đó, chúng ta cần coi mỗi tình huống là một thử thách mới, cố gắng linh hoạt và sáng tạo, trong khi vẫn thể hiện sự yêu thương, quan tâm và tôn trọng mà trẻ xứng đáng được nhận.

Vài nét về tác giả:

Chị Linh Phan là một Parent coach chuyên nghiệp, đồng thời là tác giả cuốn sách "Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu". Với mong muốn mang đến nhiều hơn giá trị cho cộng đồng và nền giáo dục nước nhà, chị Linh sáng lập dự án Raised Happy nhằm cung cấp kiến thức hữu ích và hoàn toàn miễn phí cho bố mẹ có con từ 0-6 tuổi. Hiện chị Linh đang sống, làm việc tại Na Uy và là mẹ của 2 em bé Ốc và Sò.

Các mẹ có thể tìm đọc những bài viết của chị Linh Phan TẠI ĐÂY.

Chia sẻ