Để Tết Canh Tý không bị "muối mặt" vì con khi nhận lì xì của khách, cha mẹ hãy dạy con ngay 5 điều quan trọng này
Lì xì vốn mang ý nghĩa trao tặng may mắn, bình an cho người được nhận. Tuy nhiên, nhiều trẻ nhỏ không hiểu được nên có hành động không đúng mực khiến cha mẹ... muối mặt.
Ngày Tết, bên cạnh niềm vui khi được đoàn tụ cùng gia đình, nhận những lời chúc ý nghĩa, ăn ngon, mặc đẹp... có lẽ rất nhiều đứa trẻ còn thích thú vì được nhận phong bao lì xì. Đây vốn dĩ là một nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Tuy nhiên, càng ngày chuyện lì xì đầu năm lại càng nặng về vấn đề vật chất. Ví dụ, trẻ sẽ vô tư ngửa tay đòi lì xì từ người lớn hoặc mở phong bao xem được bao nhiêu rồi tỏ thái độ. Cảnh tượng này chắc chắn từng diễn ra ở nhiều gia đình và khiến bố mẹ "muối mặt".
Để tránh những hành động không đúng mực, khiến ngày Tết kém vui này, cha mẹ nên nhắc nhở con một số chú ý khi nhận lì xì.
1. Hãy để con hiểu được ý nghĩa của tục lệ trao - nhận lì xì
Muốn con hiểu đúng được về lì xì, cha mẹ cần dạy cho con ý nghĩa của hành động này. Theo tích xưa kể lại, mỗi dịp Tết đến xuân về, Táo Quân lên chầu trời, ở dưới trần gian không ai cai quản, bọn quỷ dữ thừa cơ gây nhiều tai họa. Đặc biệt, trẻ nhỏ thường bị quấy rối khiến mất ngủ, bệnh tật...
Thấy vậy, Phật đã xuống trần trong hình dáng của ông Bụt để giúp đỡ mọi người. Ông bày cho người dân treo cây cột cao ở ngoài sân rồi ông vắt chiếc áo của ông trên đó. Bóng chiếc áo đổ che khuất cả nhà, tránh được sự nhòm ngó của quỷ dữ. Đây chính là nguồn gốc của cây nêu.
Còn với trẻ nhỏ, ông phát mỗi đứa trẻ một đồng xu nhỏ, được gói trong giấy đỏ và dặn gia đình đặt ở dưới gối khi các cháu ngủ. Quỷ dữ xuống phá trẻ con sẽ bị ánh sáng của đồng tiền Phật làm cho chói mắt. Vì thế, chúng sợ mà bỏ chạy.
Từ đó về sau, mỗi ngày Tết đến người lớn thường trao cho trẻ nhỏ những phong bao xì lì với ý nghĩa lấy may, xui tan đi điều rủi ro, bệnh tật. Vậy nên, cha mẹ phải khiến trẻ hiểu rằng dù phong bao lì xì con nhận được có mệnh giá lớn hay không, giá trị ít hay nhiều vẫn rất đáng trân trọng.
2. Dạy con chào hỏi, chúc Tết người lớn - tuyệt đối tránh đòi tiền lì xì
Việc chào hỏi người lớn là điều cha mẹ vẫn dạy trẻ hàng ngày. Tuy nhiên, vào dịp đầu xuân năm mới, cha mẹ có thể dạy trẻ một số câu chúc hay, bài thơ ngắn và ý nghĩa để dành tặng khách tới nhà hoặc khi đi chúc Tết nhà người khác.
Đặc biệt, cha mẹ cần dặn con tuyệt đối tránh đòi tiền lì xì từ người khác. Hành động này là bất lịch sự và cần tuyệt đối tránh trong ngày đầu năm. Phong bao lì xì chỉ có ý nghĩa khi người lớn chủ động trao đi với tấm lòng quý mến trẻ nhỏ.
3. Dạy con nói cảm ơn khi nhận lì xì
Trẻ nhỏ vẫn chưa định hình được đâu là hành động nên và không nên, quan trọng nhất vẫn là bố mẹ phải chỉ dạy con kỹ càng. Khi ở nhà, bố mẹ cần nhắc nhở con phải đưa 2 tay ra để nhận phong bao lì xì, nói cảm ơn khi được nhận quà/lì xì từ người lớn. Trong trường hợp con quên, cha mẹ phải chủ động nhắc: "Con cảm ơn cô/dì/chú/bác đi nào!".
Cha mẹ có thể làm mẫu để trẻ tập theo những động tác đơn giản như đưa hai tay nhận lấy, khoanh tay nói lời cám ơn, gửi lời chúc sức khỏe, may mắn… Một đứa trẻ ngoan, biết cảm ơn chắc chắn sẽ khiến người lớn cảm thấy vui vẻ trong những ngày đầu xuân năm mới.
4. Dạy trẻ không xé phong bao lì xì trước mặt khách
Hãy giúp con hiểu rằng, mỗi một phong bao lì xì là một lời chúc năm mới chứ không phải chỉ chăm chăm mệnh giá đồng tiền bên trong, rồi đánh giá ít, nhiều. Đồng tiền chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, cái chính là mang đến niềm vui cho con trẻ, làm cho trẻ cảm nhận được những nét đẹp truyền thống trong phong tục lì xì.
Do đó, con không nên xé phong bao lì xì trước mặt khách. Hành động chắc chắn sẽ làm cho khách cảm thấy không thoải mái. Hãy đợi khi người mừng ra về rồi con có thể mở.
5. Dạy con sử dụng những đồng tiền lì xì hợp lý sau Tết
Dạy trẻ cách tiêu tiền không bao giờ là quá sớm. Theo các nhà giáo dục học, cha mẹ nên dạy trẻ tiêu tiền cũng như hiểu được giá trị của tiền sẽ khiến các bé trân trọng hơn.
Sau khi trẻ nhận được tiền lì xì, cha mẹ tuyệt đối không nên "tịch thu". Bởi trẻ đang có suy nghĩ "lì xì của con" mà bỗng bị lấy đi sẽ tạo cảm giác ấm ức, bất mãn. Thay vào đó, cha mẹ nên hướng dẫn con tiết kiệm/chi tiêu một cách ý nghĩa. Con có thể dùng để mua quần áo, đồ chơi, đồ dùng học tập hoặc giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn...
Cha mẹ nên đưa ra hướng dẫn, giám sát việc sử dụng tiền của trẻ, tránh để con dùng vào những việc vô bổ như chơi điện tử, mua đồ chơi, tiêu phung phí...