Ở Nhật cũng “trắng đêm" nộp hồ sơ cho con vào trường mầm non
Trong 23 quận của Tokyo có 65.000 trẻ đăng ký trong khi chỉ tiêu các trường mầm non chỉ có 43.000 trẻ và tỉ lệ “chọi” trung bình là 1,52%.
Tháng vừa rồi, một blogger ẩn danh đã làm thế giới mạng ở Nhật chao đảo. Trong một bài viết ngắn không có gì trau chuốt, người này dùng những từ ngữ gay gắt và cay đắng nhất để diễn tả cảm xúc của bản thân khi biết tin con mình không được nhận vào nhà trẻ.
Lập tức, nhiều nhân vật nổi tiếng trong thế giới giải trí của Nhật qua các trang mạng xã hội và blog cá nhân bày tỏ sự đồng tình và chia sẻ câu chuyện cá nhân của họ. Đề tài này nóng và lan truyền nhanh đến nỗi Đảng dân chủ mang ra chất vấn Thủ tướng Shinzo Abe tại quốc hội.
Nhiều tờ báo của Nhật liền vào cuộc.
Họ tiến hành điều tra xem hiện trạng thiếu trường mầm non của nước Nhật trầm trọng đến mức nào. Chẳng hạn báo Yomiuri vào tháng 3/2016 đã tiến hành điều tra thông qua bảng hỏi về tình hình đăng ký vào trường mầm non ở 74 địa phương trên toàn quốc.
Hiện trạng thiếu trường mầm non ở Nhật cũng trầm trọng như ở Việt Nam.
Kết quả cuộc điều tra cho thấy tỷ lệ các địa phương có số trẻ đăng ký vượt quá số trẻ có khả năng được tiếp nhận là 60%.
Tình trạng này không chỉ xảy ra ở các đô thị lớn mà còn diễn ra ở các địa phương khác.
Vẫn theo kết quả của báo Yomiuri, quận Meguro của Tokyo đứng đầu toàn quốc với tỉ lệ “chọi” là 2,04. Tiếp theo là quận Suginami, Setagaya với tỉ lệ chọi 1,9%.
Trong 23 quận của Tokyo có 65.000 trẻ đăng ký trong khi chỉ tiêu các trường mầm non chỉ có 43.000 trẻ và tỉ lệ “chọi” trung bình là 1,52%.
Tỉ lệ “chọi” thấp nhất là quận Katsushika: 1,1%.
Trên thực tế, vấn đề này đã xuất hiện và trở nên trầm trọng từ những năm 90 của thế kỷ trước, đặc biệt ở các đô thị lớn.
Theo số liệu của Bộ lao động, sức khỏe và phúc lợi xã hội Nhật Bản vào 1/4/2014, trên nước Nhật có hơn 21.000 trẻ phải “xếp hàng” đợi vào trường mầm non.
Nguyên nhân do đâu?
Nước Nhật trong những thập kỉ qua liên tục phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số và suy giảm tỉ lệ sinh. Vậy thiếu trường mẫu giáo là một mâu thuẫn khó hiểu. Vậy thì lý do thực sự nằm ở đâu?
Những lý do chủ yếu nhất thường được đưa ra là dân số tập trung với mật độ quá cao ở các đô thị cùng với sự tăng lên của các các gia đình có hai vợ chồng cùng làm việc.
Xã hội truyền thống Nhật Bản vốn dựa trên mô hình chồng làm việc - vợ nội trợ, chăm sóc con ở nhà. Vì vậy, khi số lượng phụ nữ vừa nuôi con vừa làm việc tăng cao đột ngột, hệ thống trường mẫu giáo đã không đáp ứng nổi.
Tuy nhiên, cũng tồn tại nhiều kiến giải khác.
Báo Mainichi, tờ nhật báo lớn hàng đầu Nhật Bản trong bài xã luận ngày 4/4/2016 cho rằng nguyên nhân chủ yếu là tiền lương của giáo viên quá thấp.
Báo Mainichi, tờ nhật báo lớn hàng đầu Nhật Bản trong bài xã luận ngày 4/4/2016 cho rằng nguyên nhân của việc thiếu trường mầm non chủ yếu là tiền lương của giáo viên quá thấp.
Theo bài báo, nước Nhật hiện tại có 700.000 người có chứng chỉ hành nghề giáo viên mầm non nhưng hiện tại không làm công việc này. Những lý do bỏ việc hàng đầu ra là “lương thấp”, “luôn lo lắng vì sợ xảy ra tai nạn”, “khó xin nghỉ phép”.
Số liệu thống kê về tiền lương cũng thể hiện rõ thực tế nói trên. Theo Bộ lao động, sức khỏe và phúc lợi xã hội Nhật Bản thì ở thời điểm năm 2013, thu nhập bình quân hàng tháng của giáo viên mầm non là 20,7 vạn yên, thấp hơn gần 9 vạn yên so với các ngành sản xuất. Thấp hơn cả lương của những người làm nghề phúc lợi phục vụ những người cao tuổi, người khuyết tật.
Chính phủ Nhật tại đang xúc tiến nhiều biện pháp nhằm giải quyết vấn đề như mềm dẻo hóa quy chế để có thể tăng thêm chỉ tiêu cho các trường mầm non quy mô nhỏ, cộng với gia tăng đãi ngộ giáo viên.
Tuy nhiên dư luận nước Nhật vẫn kỳ vọng vào một hệ thống chính sách đồng bộ để giải quyết cả tình trạng này cũng như già hóa dân số và suy giảm tỉ lệ sinh.