Ở nhà nhiều trong thời kỳ dịch bệnh khiến nhiều người gặp vấn đề về giấc ngủ: Phương pháp khắc phục tình trạng này

MaiNhung,
Chia sẻ

Không ít người đang phải đối mặt với các vấn đề về giấc ngủ như mất ngủ, ngủ chập chờn, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh hiện nay.

Chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của giấc ngủ đối với sức khỏe. Rất nhiều bằng chứng đã chỉ ra ngủ đủ giúp giảm viêm, tránh căng thẳng, trầm cảm và cải thiện khả năng nhận thức. Thiếu ngủ ảnh hưởng tới quá trình tự phục hồi của cơ thể và có thể dẫn tới bệnh tật. Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng nhưng rất nhiều người hiện nay lại không chợp mắt được 8 tiếng một ngày.

Theo thống kê gần đây của Hãng dược phẩm Express Scripts, nhu cầu sử dụng thuốc chống mất ngủ, chống trầm cảm đã tăng đột biến, tăng 21% trong khoảng thời gian từ tháng 2-3 vào năm 2020. Một trong những nguyên nhân lý giải tình trạng này là dịch bệnh.

Dịch bệnh không chỉ làm thay đổi lối sống của con người mà còn ảnh hưởng lớn tới tâm lý. Alcactusdes Rodriguez, chuyên gia y khoa kiêm giám đốc Trung tâm nghiên cứu giấc ngủ Epilepsy cho biết, nghe nhiều tin tức tiêu cực sẽ dẫn tới cảm giác lo lắng và nếu kéo dài, tình trạng này có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ của bạn.

Theo Melinda Jackson, bác sĩ tại Viện Brain and Mental Health trực thuộc Đại học Monash, Úc: “Đại dịch tác động lớn đến nền kinh tế, xã hội và sức khỏe con người. Tất cả những yếu tố này đều có thể ảnh hưởng tới giấc ngủ và làm tăng mức độ căng thẳng”. Cụ thể như sau:

Mất ngủ

Mất ngủ liên quan mật thiết tới các rối loạn về tâm lý. Lo âu, căng thẳng vì đại dịch làm trầm trọng thêm tình trạng này ở người đang mắc bệnh mất ngủ hoặc gây mất ngủ ở những người chưa bị lần nào. Hơn nữa, việc thay đổi lối sống cũng tác động không nhỏ tới thói quen chợp mắt của bạn.

Do khuyến cáo hạn chế ra đường, mọi người có xu hướng cập nhật thông tin, giải trí và trao đổi thông qua các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại. Theo chuyên gia Rodriguez, ánh sáng xanh từ màn hình cản trở quá trình sản sinh hormone ngủ melatonin, từ đó khiến bạn khó chợp mắt hơn.

Mất ngủ trong thời kỳ dịch bệnh và phương pháp khắc phục tình trạng này - Ảnh 1.

Khi bị căng thẳng, cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều các hóa chất có thể gây mất ngủ và làm gián đoạn giấc ngủ.

Mất ngủ cũng có thể bắt nguồn từ trầm cảm. Tâm trạng xuống dốc trong thời gian dài, dành nhiều thời gian ở nhà, ít vận động góp phần làm tăng những giấc ngủ ngắn vào ban ngày và khiến bạn khó ngủ hơn vào ban đêm.

Ngủ chập chờn

Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này là lo âu. Brandon Peters-Mathews, bác sĩ kiêm chuyên gia về giấc ngủ tại Trung tâm y tế Virginia Mason, Seattle giải thích: “Bộ não xử lý thông tin khi ngủ. Dành nhiều thời gian ở nhà, không thể ra ngoài, ít vận động, tránh tiếp xúc với người khác rất dễ dẫn tới stress. Khi não phân tích và xử lý những tác nhân gây căng thẳng này, ngủ chập chờn vào ban đêm là đều khó tránh khỏi”.

Gặp ác mộng

Mất ngủ trong thời kỳ dịch bệnh và phương pháp khắc phục tình trạng này - Ảnh 2.

Thường xuyên gặp ác mộng là dấu hiệu cho thấy bạn ngủ chập chờn vào ban đêm.

Những giấc ngủ chập chờn có mối liên hệ với việc mơ thấy ác mộng. Giấc mơ xuất hiện khi bạn tiến vào giai đoạn REM, thời điểm nhịp tim và nhịp thở tăng nhanh. Bác sĩ Peters-Mathews cho biết, thức dậy trong khoảng thời gian này sẽ khiến bạn nhớ được những giấc mơ đáng sợ. Stress cũng góp phần gia tăng khả năng ghi nhớ này. Trên thực tế, càng nhớ nhiều nội dung của những giấc mơ đáng sợ thì càng cho thấy bạn ngủ chập chờn vào ban đêm.

Biện pháp cải thiện chất lượng giấc ngủ

Theo bác sĩ Peters-Mathews, một trong những việc làm quan trọng nhất là duy trì thói quen ngủ đúng giờ hàng ngày. Mọi người nên rời giường cùng một thời điểm mỗi ngày và nếu có điều kiện hãy tiếp xúc với ánh nắng mặt trời 15-30 phút sau khi thức dậy. Hơn nữa, dù thèm ngủ đến mấy, bạn cũng không nên ngủ quá 7-9 tiếng một ngày. Mỗi người có nhu cầu ngủ khác nhau nhưng nhìn chung, hầu hết người trưởng thành cần ngủ khoảng 8 tiếng.

Mọi người cũng nên lưu ý về những hoạt động hàng ngày do chúng có thể tác động tới thói quen ngủ của bạn. Bác sĩ Peters-Mathews cho biết: “Hãy cố gắng tránh những giấc ngủ ngắn và hạn chế tiêu thụ cà phê và rượu, đặc biệt vào buổi tối”.

Mất ngủ trong thời kỳ dịch bệnh và phương pháp khắc phục tình trạng này - Ảnh 3.

Ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại gây cản trở quá trình sản sinh hormone điều hòa nhịp sinh học ngủ-thức melatonin.

Mặt khác, bác sĩ Jackson cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập thể dục hàng ngày. Ngay cả việc đi bộ tại nhà cũng có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ. Hãy cố gắng vận động thường xuyên và tiến hành tập thể dục đều đặn nếu có thể. Đồng thời, hạn chế xem màn hình điện thoại, máy tính trước giờ đi ngủ cũng là điều quan trọng không kém.

Theo Health

Chia sẻ