Nước rất tốt nhưng uống quá nhiều lại gặp họa: 8 dấu hiệu chứng tỏ cơ thể bạn đang uống quá nhiều nước cần thay đổi gấp
Uống đủ nước là việc làm quan trọng để duy trì hoạt động bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, dư thừa chất lỏng này lại có thể gây ra những tác hại không tưởng.
Hầu hết mọi người thường lưu ý đến các dấu hiệu cảnh báo mất nước và cho rằng việc bổ sung chất lỏng này lúc nào cũng có lợi cho cơ thể. Trên thực tế, uống quá nhiều nước cũng sẽ gây nguy hiểm lớn tới sức khỏe.
Dư thừa nước là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng ngộ độc nước, còn được gọi là hạ natri máu. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, chúng còn gây ra các vấn đề sức khỏe nguy hiểm như co giật, hôn mê và thậm chí là tử vong. May thay, bạn có thể nhanh chóng phát hiện những dấu hiệu cho thấy cơ thể đang dư thừa nước dưới đây để điều chỉnh kịp thời:
Luôn phải mang theo chai nước bên mình vì lúc nào cũng khát
Nếu lúc nào cũng mang theo một chai nước và đổ đầy chúng ngay khi hết, bạn rất có thể đang uống quá nhiều nước. Viện Mayo đã chỉ ra, liên tục bổ sung chất lỏng vào cơ thể có thể làm hạ natri trong máu, từ đó khiến các tế bào trong cơ thể sưng lên.
Tamara Hew-Butler, chuyên gia về y học thể thao kiêm phó giáo sư tại khoa khoa học thể dục và thể thao trực thuộc Đại học Oakland, Michigan cho biết, điều này có thể trở nên vô cùng nguy hiểm khi não bắt đầu sưng lên do dư thừa nước. Nếu bộ não sưng vượt quá 8-10% kích thước, chúng sẽ chạm tới hộp sọ và đẩy thân não ra ngoài, vùng trung tâm kết nối với đại não và tủy sống.
Đau nhói đầu suốt cả ngày
Nhức đầu là dấu hiệu cảnh báo tình trạng mất nước và dư thừa nước. Như đã đề cập, khi bạn bổ sung quá nhiều chất lỏng, kích thước của não bộ sẽ tăng lên và gây chèn ép tới hộp sọ.
Áp lực càng lớn thì càng dẫn tới đau đầu và có thể gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn như suy giảm trí não, khó thở.
Uống nước ngay cả khi không khát
Cách tốt nhất để biết liệu cơ thể có thực sự cần tăng cường nước hay không là theo dõi cảm giác khát. Chuyên gia Tamara giải thích, cơ thể chúng ta được thiết lập để chống lại tình trạng mất nước do thiếu chất lỏng này sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các cơ quan quan trọng.
Vì vậy, theo dõi cảm giác khát này là cách đơn giản để biết cơ thể cần nước hay không. Nói cách khác, càng thiếu nước thì bạn càng cảm muốn uống nước nhiều hơn.
Uống nước liên tục đến mức nước tiểu trong
Hầu hết mọi người tin rằng nước tiểu có màu trong suốt là dấu hiệu cho thấy cơ đang hấp thụ đủ nước. Tuy nhiên, dấu hiệu này cũng liên quan tới tình trạng dư thừa chất lỏng.
Theo Viện Mayo, một người trưởng thành nên uống khoảng 8-10 ly nước mỗi ngày. Con số này có thể thay đổi tùy thuộc vào chiều cao, cân nặng và hoạt động thể chất của từng cá nhân.
Đi tiểu thường xuyên
Bạn có thể dễ dàng nhận thấy việc bổ sung nhiều nước cho cơ thể sẽ khiến bản thân muốn vào nhà vệ sinh thường xuyên hơn, kể cả vào ban đêm. Theo Viện Cleveland, hầu hết mọi người đi tiểu từ 6-8 lần một ngày.
Do đó, nếu đi tiểu nhiều hơn con số này, 10 lần trở lên, cơ thể bạn rất có thể đang gặp vấn đề. Một số nguyên nhân khác dẫn tới hiện tượng này là bàng quang hoạt động quá mức và caffeine.
Để ngăn ngừa tình trạng đi tiểu đêm, mọi người nên có thói quen uống nước trước khi đi ngủ vài giờ. Việc làm này không chỉ giúp thận có đủ thời gian lọc nước mà còn ngăn ngừa mắc bệnh đái tháo nhạt.
Buồn nôn
Chuyên gia Tamara giải thích, các triệu chứng cảnh báo dư thừa nước rất giống với tình trạng mất nước. Khi bạn bổ sung quá nhiều nước, thận sẽ không thể làm việc kịp để loại bỏ chất lỏng dư thừa.
Từ đó gây tích tụ nước trong cơ thể và kéo theo những triệu chứng khó chịu. Trên thực tế, không ít người cảm thấy buồn nôn, nôn và tiêu chảy khi gặp phải tình trạng này.
Sưng hoặc đổi màu ở bàn tay, môi và bàn chân
Khi bị hạ natri máu, mọi người có thể gặp phải các triệu chứng như sưng tấy hoặc vùng da ở môi, bàn tay và bàn chân đổi màu.
Trong một số trường hợp, người uống quá nhiều nước còn nhận thấy tăng cân đột ngột do sưng phù và thừa nước trong máu. Vì vậy, nếu bạn đang uống nhiều hơn 10 ly nước mỗi ngày và nhận thấy bàn tay, môi và chân bị sưng tấy, đổi màu, hãy cân nhắc cắt giảm lượng nước uống mỗi ngày.
Yếu cơ và dễ bị chuột rút
Cân bằng là yếu tố quan trọng để sở hữu một cơ thể khỏe mạnh. Lượng nước cơ thể hấp thụ phải bằng lượng nước mất đi. Nếu có điều gì đó làm xáo trộn sự cân bằng này như bổ sung quá nhiều nước, bạn có thể gặp phải một số triệu chứng khó chịu như co thắt cơ và chuột rút.
Ngoài ra, tác dụng phụ của thuốc, tiêu chảy, đổ mồ hôi và vấn đề về gan, thận là những yếu tố khác góp phần làm đảo lộn khả năng cân bằng nước trong cơ thể.
Cảm thấy mệt mỏi
Thận chịu trách nhiệm lọc nước và đảm bảo lượng chất lỏng trong máu luôn cân bằng. Dư thừa nước sẽ khiến bộ phận quan trọng này phải làm việc nhiều hơn, gây áp lực và dẫn tới căng thẳng, mệt mỏi.
Do đó, nếu thường xuyên uống nước và cảm thấy khó thể rời khỏi giường, bạn nên điều chỉnh lượng nước uống mỗi ngày càng sớm càng tốt.
(Nguồn: Thehealthy)