Nửa tiếng phải thay băng vệ sinh 1 lần, chảy máu kinh nguyệt nhiều đến nỗi ngất xỉu: Bác sĩ chẩn đoán người phụ nữ mắc 2 bệnh nguy hiểm
Một hôm khi đang làm việc, cô Quý chảy máu kinh nguyệt nhiều đến nỗi ngất xỉu nên được đưa đến bệnh viện khám.
Cô Quý (32 tuổi) sống tại Đài Loan, là nhân viên công ty bách hóa. Mỗi lần đến chu kỳ kinh nguyệt, cô Quý đều có dấu hiệu đau bụng kinh và chảy máu nhiều. Vào ban ngày, cô Quý phải sử dụng băng vệ sinh ban đêm có kích cỡ 35cm. Thậm chí, trong vòng nửa tiếng, cô Quý phải thay băng vệ sinh một lần. Một hôm khi đang làm việc, cô Quý chảy máu kinh nguyệt nhiều đến nỗi ngất xỉu nên được đưa đến bệnh viện khám.
Bác sĩ Hàn Kiện Minh, khoa phụ sản, công tác tại Dianthus MFM Clinic cho biết, kết quả khám cho thấy cô Quý có lượng hemoglobin (huyết sắc tố) chỉ bằng 1/2 phụ nữ bình thường. Cô được chẩn đoán mắc bệnh lạc nội mạc tử cung và u xơ tử cung nên gây ra hiện tượng xuất huyết nghiêm trọng dẫn đến hội chứng thiếu máu, suýt nguy hiểm tính mạng như trên. Thông qua phương pháp phẫu thuật nội soi kết hợp với đặt vòng tránh thai, cô Quý đã giảm được tình trạng chảy máu kinh nguyệt nhiều, đau bụng kinh và cảm giác mệt mỏi.
Bác sĩ Hàn Kiện Minh chia sẻ, thông thường cách khoảng thời gian 2-4 tiếng thì phụ nữ sẽ thay băng vệ sinh một lần. Nếu thời gian thay băng ngắn hơn 2 tiếng đồng hồ hoặc vào ban ngày bạn phải sử dụng băng vệ sinh ban đêm nghĩa thì chứng tỏ bạn chảy máu kinh nguyệt rất nhiều. Nếu tình trạng chảy máu kinh nguyệt nhiều và kéo dài có thể khiến bạn thiếu máu và nguy hiểm đến tính mạng.
Chảy máu kinh nguyệt nhiều vấn đề chủ yếu là do niêm mạc tử cung, có thể liên quan đến các bệnh như polyp nội mạc tử cung, lạc nội mạc tử cung, ung thư nội mạc tử cung. Phương pháp điều trị chảy máu kinh nguyệt nhiều là sử dụng thuốc tránh thai hoặc homone progesterone, tuy nhiên điều này có thể đi kèm với tác dụng phụ là đau đầu, tăng cân.
Bác sĩ Hàn Kiện Minh cho biết, hiện nay phụ nữ chảy máu kinh nguyệt nhiều có thể sử dụng phương pháp đặt vòng tránh thai, trong thời gian dài nó sẽ chậm rãi giải phóng homone progesterone, tác dụng trực tiếp đến niêm mạc tử cung khiến nồng độ máu thấp và cải thiện tác dụng phụ liên quan.
Bác sĩ Hàn Kiện Minh bổ sung: "Đối với bệnh nhân sử dụng phương pháp đặt vòng tránh thai, chảy máu kinh nguyệt sẽ giảm thậm chí là vô kinh, điều này không phải do mãn kinh hoặc máu đình trệ trong cơ thể, mà vòng tránh thai có tác dụng làm mỏng lớp niêm mạc tử cung, giúp hồi phục hemoglobin về mức bình thường, cải thiện tình trạng thiếu máu và đau bụng kinh. Ngoài ra, đặt vòng tránh thai không ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng hoặc tiết hormone. Đối với phụ nữ có kế hoạch sinh con, chỉ cần bạn lấy vòng tránh thai trước thời gian dự trù mang thai từ 1 - 2 tháng là có thể thụ thai bình thường".
Tình trạng máu kinh ra nhiều có phổ biến không?
Kinh nguyệt ra nhiều là hiện tượng khá phổ biến. Có khoảng 1/3 nữ giới phải tìm cách xử lý tình trạng này mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt. Máu kinh ra nhiều là dấu hiệu không bình thường, cảnh báo một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Điều này khiến cho việc sinh hoạt của chị em trở nên khó khăn, bất tiện. Nếu nhận thấy chảy máu kinh nguyệt nhiều hơn bình thường, hãy đi thăm khám với bác sĩ sản phụ khoa để được chẩn đoán chính xác.
Lượng kinh nguyệt thế nào là nhiều?
Khi bạn có bất kỳ những biểu hiện nào dưới đây thì gọi là kinh nguyệt ra nhiều:
Chảy máu kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày.
Máu kinh thấm ướt băng vệ sinh, phải đổi miếng mới trong chưa đầy một giờ, liên tục trong vài giờ liên tiếp.
Phải sử dụng cùng lúc nhiều miếng băng vệ sinh mới có thể kiểm soát lượng kinh nguyệt.
Cần phải thay băng trong đêm.
Máu kinh nguyệt chứa nhiều cục máu đông lớn, chiếm hơn một phần tư thể tích.
Theo Ettoday