Nữ giảng viên đại học bị kẻ lừa đảo "thao túng tâm lý" qua điện thoại, suýt mất 200 triệu đồng
Trước những dấu hiệu bất thường, công dân cần bình tĩnh trao đổi, thông tin với người nhà hoặc Công an cơ sở. Thủ đoạn lừa đảo không mới, nhưng vẫn có người mắc bẫy, do thiếu thông tin, nhận thức, đặc biệt là sự mất cảnh giác.
Mới đây (ngày 4/3) Công an phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội nhận được trình báo của một công dân về việc người thân là L.T.T (42 tuổi, Giảng viên 1 Trường Đại học tại Hà Nội), đi ra khỏi nhà lúc 7h cùng ngày, sau đó nhắn tin về báo với người nhà chuyển gấp vào tài khoản của chị T. số tiền 200 triệu đồng để giải quyết việc.
Theo người nhà nạn nhân, sau nhiều lần gặng hỏi, chị T. mới tiết lộ với người nhà nếu không chuyển tiền thì chị sẽ bị dính líu đến cơ quan pháp luật, bị bắt tạm giam.
Gia đình tiếp tục truy hỏi có việc gì liên quan đến cơ quan pháp luật mà cần tiền nhưng chị T. vẫn không nói.
Sau đó chị T. gọi điện thoại video về nhà để mọi người thấy có dấu hiệu bất thường, qua video gia đình nhận thấy chị T. có biểu hiện như đang bị khống chế tại căn phòng vắng vẻ nào đó. Tuy vậy, chị T. vẫn cương quyết không nói mình đang ở đâu.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Công an phường Định Công đã báo cáo chỉ huy Công an quận Hoàng Mai. Lập tức, chỉ huy Công an quận yêu cầu đội CSHS vào cuộc, phối hợp cùng Phòng CSHS và Phòng An ninh mạng, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - CATP Hà Nội lập tức vào cuộc.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đến 17h30 cùng ngày, lực lượng Công an đã xác định được nơi chị T. đang ở, là một nhà nghỉ trong ngõ 18 phố Định Công.
Đột nhập vào căn phòng nơi chị T. đang ở, cảnh sát phát hiện chỉ mình chị T. vẫn đang trong tình trạng tâm lý hoảng loạn. Lúc này chị T. vẫn hai tay cầm 2 chiếc điện thoại di động; 1 chiếc để liên lạc với người nhà giục chuyển tiền; chiếc còn lại để làm theo yêu cầu của kẻ lạ mặt, trên tinh thần tuyệt đối không cắt đứt liên lạc, nếu không sẽ bị bắt!
Cán bộ nói: "Chúng tôi là Công an quận Hoàng Mai và CSHS Công an thành phố đây. Chị cứ bình tĩnh để trình bày".
Chị T. vẫn đáp lại: "Không được. Tôi đang làm theo yêu cầu của Công an Bộ kia kìa. Các anh định đưa tôi đi đâu?".
Tuy nhiên, lúc này đối tượng đầu máy bên kia lập tức tắt máy vì phát hiện có lực lượng Công an.
Chị T. được mời về Công an quận Hoàng Mai để làm việc, tuy nhiên, chị T. vẫn chưa hết hoảng loạn và vẫn trong tình trạng bị kẻ lừa đảo "thao túng tâm lý".
Sau khi bình tĩnh trở lại, chị T. trình bày nội dung: Sáng cùng ngày, chị nhận được cuộc điện thoại thông báo về việc có liên quan đến vụ án Mua bán trái phép chất ma túy xuyên quốc gia. Các đối tượng đã gây áp lực qua điện thoại và yêu cầu chị T. phải đến nơi nào đó kín đáo, không được cho người khác biết, lập tài khoản "Messenger" để liên lạc làm việc.
Các đối tượng đã gửi hình ảnh chụp "Lệnh bắt của Cơ quan CSĐT Bộ Công an", đồng thời cho chị nói chuyện qua điện thoại với cán bộ Công an tự xưng tên là Huy và Linh, cán bộ Công an TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Các đối tượng yêu cầu nữ giảng viên phải chuyển 200 triệu đồng vào tài khoản đã bị chiếm đoạt trên và không được để lộ thông tin cho ai biết, nếu không sẽ bị… bắt giữ ngay.
Đồng thời các đối tượng yêu cầu chị T. cung cấp số tài khoản ngân hàng của mình và mã giao dịch OTP theo sự hướng dẫn của các đối tượng để các đối tượng chiếm đoạt tài khoản ngân hàng này.
Mọi công dân cần phải bình tĩnh, cảnh giác
Qua sự việc này, chỉ huy đội CSHS Công an quận Hoàng Mai cho biết, cơ quan Công an cảnh báo đến mọi công dân được biết: Cơ quan Công an không làm việc qua điện thoại, mà chỉ làm việc trực tiếp bằng Giấy mời, Giấy triệu tập thông qua chính quyền địa phương. Cơ quan Công an không gửi Lệnh bắt, Lệnh tạm giam qua tin nhắn, Zalo và các ứng dụng khác…
"Trước những dấu hiệu bất thường, công dân cần bình tĩnh trao đổi, thông tin với người nhà hoặc Công an cơ sở. Thủ đoạn lừa đảo nêu trên không mới, nhưng vẫn có người mắc bẫy, do thiếu thông tin, nhận thức, đặc biệt là sự mất cảnh giác", chỉ huy đội CSHS Công an quận Hoàng Mai nhìn nhận.
Một vụ việc cũng tương tự, các đối tượng giả danh giáo viên gọi điện cho phụ huynh thông báo con họ bị tai nạn, đề nghị chuyển 200 triệu đồng nhằm chiếm đoạt.
TS. Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) đánh giá, đây là trò lừa đảo mới xuất hiện và khá tinh vi.
Để đề phòng thủ đoạn lừa đảo với chiêu thức trên, chuyên gia tội phạm học đã đưa ra những biện pháp sau:
Giữa nhà trường và gia đình học sinh tăng cường sự liên lạc, trao đổi thông tin thông qua đường dây nóng, để phụ huynh học sinh có thể cập nhật tình hình của con ở trường. Lưu ý khi lên lớp giáo viên thường không bắt máy, nên phải có những số máy thường trực luôn ở trạng thái chờ kết nối, tức là đường dây nóng với nhà trường.
Các lớp học, giáo viên và phụ huynh học sinh cần nâng cao ý thức bảo mật thông tin, đề phòng bị hack điện thoại, hoặc vô tình lộ lọt thông tin cá nhân, danh sách lớp học.
Phụ huynh học sinh cần cập nhật thường xuyên tình hình an ninh trật tự để biết các thủ đoạn phạm tội mới;
Tình huống nhận được cuộc gọi báo tin con bị tai nạn, cần hỏi rõ họ tên, chức vụ của người cung cấp thông tin. Sau đó, gọi điện cho nhà trường, hoặc giáo viên, hoặc cho con mình (nếu con có điện thoại) để kiểm tra, kiểm chứng thông tin. Tình huống không liên lạc được thì phải trực tiếp hoặc nhờ người tin cậy đến tận nhà trường kiểm tra. Tuyệt đối không dễ dàng làm theo những yêu cầu của người lạ, cho dù có xưng danh là ai.
Phải trình báo ngay với cơ quan Công an gần nhất để cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết. Đồng thời cần thông báo cho nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, hoặc chủ động đưa thông tin lên mạng xã hội về tình huống bị lừa đảo của mình để cảnh báo xã hội, giúp nhiều người cảnh giác với thủ đoạn phạm tội mới của bọn tội phạm.