Thủ đoạn lừa đảo ngày càng đa dạng như "ma trận", làm sao để tránh?

HẠ VŨ,
Chia sẻ

Chỉ trong thời gian ngắn, các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên tục diễn ra khiến nhiều người không khỏi lo lắng.

Lừa đảo công nghệ cao

Những ngày vừa qua dư luận trong nước vẫn chưa hết xôn xao trước vụ việc nhiều phụ huynh học sinh bị lừa đảo thông qua cuộc gọi giả mạo thì mới đây thêm một hình thức lừa đảo công nghệ cao nữa tiếp tục xảy ra khiến nhiều người không khỏi lo lắng.

Thông tin VTV News cho biết, chị V.T.M, (26 tuổi, đang sinh sống tại Long Biên - Hà Nội) nhận được tin nhắn mượn tiền từ tài khoản Facebook của một người thân bên nước ngoài nhắn đến Facebook với nội dung nhờ chuyển tiền vào một số tài khoản 75 triệu đồng. Lúc này, chị M. nghĩ đây là người thân trong nhà nên không chần chừ chuyển tiền.

Đầy rẫy lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thời gian ngắn: Từ sử dụng công nghệ cao đến thủ đoạn quen thuộc, làm gì tránh bị lừa đảo? - Ảnh 1.

Chị M cho biết, khi nhận được tin nhắn hỏi vay tiền của người thân, bản thân cũng đã cẩn thận gọi video lại để kiểm tra xác thì thấy hình ảnh đúng là bạn mình. Chị M đã tin tưởng chuyển khoản luôn cho bạn vay. Nhưng đến tối, thấy trên trang cá nhân của người thân đăng bài thông báo việc bị kẻ gian hack nick facebook để hỏi vay tiền một số bạn bè và người thân. Chị M. gọi điện lại cho bạn thì bạn mình xác nhận đấy chính là kẻ xấu lừa đảo.

Deepfake là sự kết hợp giữa deep learning (học sâu) và fake (giả). Công nghệ này sử dụng AI để phân tích cử chỉ, nét mặt và giọng nói của một người, từ đó tái tạo và chỉnh sửa để cho ra đời hình ảnh hoặc video như thật. Dù mới xuất hiện vài năm, deepfake đã được cải tiến và khiến người xem khó nhận biết video nào là giả, trong khi người dùng cũng có thể tạo hình ảnh deepfake chỉ với một ứng dụng trên smartphone.

Ngay từ khi ra đời, các chuyên gia an ninh mạng đã bày tỏ lo ngại và cảnh báo về tác động xấu của công nghệ này đến các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Theo đó, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo trong trường hợp của chị M. là lấy những video cũ của người dùng, cắt ghép hoặc dùng công nghệ Deepfake để khi thực hiện hành vi lừa đảo sẽ phát lại video dưới hình thức mờ ảo, chập chờn như đang ở nơi sóng yếu.

Đặc biệt, các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi hơn khi nắm bắt được tâm lý người dùng mạng xã hội hiện nay đã cảnh giác với chiêu trò lừa đảo bằng tin nhắn nhờ chuyển tiền. Từ đó, các đối tượng đã chuyển qua hình thức giả cuộc gọi video để tăng sự tin tưởng, từ đó thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo. 

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn nhắm đến những trường hợp khó xác minh thông tin như đang học tập, sinh sống tại nước ngoài...

Trước đó, dù đã được cảnh báo bởi các thông tin lừa đảo qua mạng xã hội, nhưng nạn nhân không ngờ đến việc gọi video xác thực người nhà là cách an toàn nhất, cũng bị làm giả.

Phương thức lừa đảo cũ nhưng vẫn sập bẫy

Vụ việc, nhiều phụ huynh bị các đối tượng giả mạo giáo viên của con em gọi điện lừa đảo đang gây xôn xao dư luận những ngày qua. Điều đáng nói, dù đã được cảnh báo, nhưng vẫn có một số phụ huynh sập bẫy. Nhiều người băn khoăn vì sao phụ huynh lại dễ dàng bị kẻ gian lừa chuyển tiền đến như vậy? Nhưng thực tế, bằng thủ đoạn hết sức tinh vi là đánh vào tâm lý lo lắng của các bậc phụ huynh, từ đó các đối tượng vẫn thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo.

Mới đây, thêm một trường hợp tại Nghệ An suýt trở thành nạn nhân của hình thức lừa đảo này với số tiền lên đến 1 tỷ đồng. 

Theo đó, chị Lê Thị H. (SN 1970, trú tại xóm 4, xã Diễn Yên, Diễn Châu) có nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là Đội trưởng Đội điều tra phòng chống tội phạm kinh tế. Người này thông báo chị H. có số tiền lớn gửi tại Ngân hàng Agribank bị rò rỉ thông tin, nếu không kịp thời bảo mật sẽ mất số tiền lớn trên. Lo lắng về khoản tiền này, chị H. đã không nghi ngờ gì mà lập tức đến ngân hàng làm thủ tục rút sổ tiết kiệm đang gửi tại ngân hàng này. Chị H. sau đó đã làm thủ tục chuyển số tiền 1 tỷ đồng cho đối tượng theo số tài khoản được cung cấp.

Đầy rẫy lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thời gian ngắn: Từ sử dụng công nghệ cao đến thủ đoạn quen thuộc, làm gì tránh bị lừa đảo? - Ảnh 3.

Mạo danh để lừa đảo. Nguồn: ICTNews

Sau khi chuyển tiền xong, chị H. liên lạc lại với người đã xưng cán bộ công an nhưng không liên lạc lại được. Lúc này, chị H. mới nghi ngờ mình đã bị lừa nên lập tức đến trình báo với cơ quan chức năng.

Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an huyện, Đội Cảnh sát hình sự phối hợp Công an xã Diễn Yên ngay lập tức làm thủ tục yêu cầu Ngân hàng xác minh, đình chỉ ngay giao dịch chuyển tiền do chị H. thực hiện.

Nhờ kịp thời xử lý, việc chuyển tiền sau đó đã được đình chỉ. Qua đó, đã kịp thời ngăn chặn được hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của đối tượng lừa đảo.

Làm gì tránh bị lừa đảo

Theo các chuyên gia về công nghệ, các đối tượng sử dụng phương thức lừa đảo công nghệ cao để lừa đảo thường tìm kiếm thu thập thông tin cá nhân được đăng tải công khai trên các tài khoản mạng xã hội… Chính vì vậy, mỗi cá nhân nên cẩn thận và tuyệt đối không để lộ các thông tin cá nhân quan trọng như ảnh chụp chứng minh thư, căn cước công dân, mật khẩu tài khoản trực tuyến/ngân hàng.

Trường hợp nghi vấn đối tượng giả mạo người thân trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, người sử dụng có thể tự tra cứu thông tin về các trang web được gửi trong đường link đính kèm theo tin nhắn trên các mạng xã hội, hoặc tin nhắn sms, để tránh bị gặp phải những trang web mạo danh, lừa đảo.  

Cụ thể, người sử dụng có thể kiểm chứng thông tin thông qua trang web tinnhiemmang.vn. Người sử dụng có thể tham khảo các thông tin hướng dẫn trên trang web này, để nhận biết chi tiết về các dấu hiệu lừa đảo trên môi trường mạng hoặc gửi phản ánh về những nghi ngờ khi gặp phải các trang web có dấu hiệu lừa đảo.

Đối với những phương thức lừa đảo dưới dạng giả mạo thông qua cuộc gọi, tin nhắn, cơ quan công an khuyến cáo, khi làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an xã, thị trấn, tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng hay làm thủ tục nào khác qua mạng.

Chia sẻ