Bà mẹ 3 con nhàn tênh vì "tôn chỉ thép" trong việc dạy con: Trai hay gái đều phải xuống bếp, bố mẹ đi vắng con biết cách tự no bụng

Thanh Hương,
Chia sẻ

"Hồi con gái lớn học lớp 10, còn cậu thứ hai học lớp 3 thì bố mẹ đi làm về đã chẳng phải làm gì. Cứ chị nấu cơm thì em rửa bát", chị Minh chia sẻ.

Với nhiều bố mẹ, giai đoạn nuôi con nhỏ quả thực mệt mỏi. Chỉ riêng việc bắt con ăn đủ bữa, nhắc con đi ngủ đúng giờ, không được nghịch điện thoại đã hết cả một ngày. Vậy nên nhiều phụ huynh rơi vào cảnh đầu bù tóc rối, mệt bở hơi tai vì trông nom con. Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng gặp cảnh này.

Nhờ phương pháp rèn con tự lập từ nhỏ, vợ chồng chị Bình Minh (TP.HCM) có cuộc sống nhàn tênh. Còn các con thì trưởng thành, rắn rỏi mỗi ngày.

Nữ giám đốc ở Hà Nội nhàn tênh vì "tôn chỉ thép" trong việc dạy con: Trai hay gái đều phải xuống bếp, bố mẹ đi vắng còn biết cách tự no bụng - Ảnh 1.

Gia đình hạnh phúc của chị Minh.

1 tuổi con đã ngủ riêng, trai hay gái cũng phải làm việc nhà tất

Chị Bình Minh hiện đang là giám đốc tài chính một công ty của Nhật. Vợ chồng chị có 3 con: một gái, hai trai. Cháu lớn đã đi     học xa nhà còn 2 cháu nhỏ 13 và 4 tuổi hiện sống cùng bố mẹ. Một nách hai con nhỏ nhưng cuộc sống của chị Minh vẫn vô cùng thoải mái, không hề bị gò bó thời gian. Chị cũng không phải chạy theo và quát con làm việc này việc kia. Bởi các nhóc tỳ nhà chị được rèn tính tự lập ngay từ khi chào đời!

"Lúc 2 bé trai nhà mình chào đời là ngủ cũi luôn rồi. Tới 1 tuổi là các con tách phòng ngủ riêng. Trước đây, mình cho mỗi bé ngủ một phòng riêng. Nhưng khi chuyển đến nhà mới thì hai anh em ngủ chung phòng.

Mình không làm hộ việc cho con đâu. Mình luyện cho con tự đánh răng, rửa mặt, làm vệ sinh cá nhân từ nhỏ. Các bé đi học cả ngày, nhà cũng có cô giúp việc nên không phải làm việc nhà nhiều nhưng phòng ngủ là phải tự dọn dẹp. Chơi xong phải tự cất đồ chơi. Tắm rửa xong phải lau dọn nhà tắm, không người sau vào trơn ngã", chị Minh chia sẻ.

Nữ giám đốc ở Hà Nội nhàn tênh vì "tôn chỉ thép" trong việc dạy con: Trai hay gái đều phải xuống bếp, bố mẹ đi vắng còn biết cách tự no bụng - Ảnh 2.

Lớn hơn một chút, các con của chị Minh được rèn cho tự ngồi ăn một mình, không phải chờ mẹ đút. Cũng vì vậy mà việc ăn uống của những đứa trẻ thoải mái hơn. Mỗi bữa ăn đều là khoảng thời gian vui vẻ thực sự, không có tiếng khóc lóc dỗ dành.

Dù là con trai nhưng bé lớn nhà chị Minh cũng phải học nấu ăn. Cậu nhóc xắn tay xuống bếp vừa nấu nướng vừa dọn dẹp. Hiện tại cậu bé có thể nấu hết các món đơn giản như chiên, luộc, hấp còn các món công phu hơn cần nêm nếm gia vị tỉ mỉ thì mẹ đang dạy dần.

Xã hội hiện đại nhưng nhiều cha mẹ vẫn còn giữ quan điểm con trai thì không nên luẩn quẩn ở quanh bếp. Công việc nhà không phù hợp với đàn ông, rồi nếu còn nhỏ thì có mẹ lo, sau này lấy vợ thì có vợ lo. Nhiều gia đình cho rằng: Con trai nên tập trung học hành để kiếm tiền nuôi gia đình hơn là để tâm đến những chuyện bếp núc. Về điều này, chị Minh không đồng ý.

Nữ giám đốc cho rằng, con trai hay con gái thì đều phải sống tự lập, học các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống một mình. "Lau dọn nhà cửa, tham gia vào công việc bếp núc đều là việc bình thường. Đó là kỹ năng sống cần có của mỗi người, không riêng gì trai gái. Không cần biết quá nhiều nhưng ít nhất con phải tự lo được cho bản thân. Ví dụ môi trường sống phải sạch sẽ, bẩn phải biết lau dọn. Bố mẹ đi vắng thì cũng biết kiếm cái gì nhét vào bụng không đói".

Chị Minh cũng cho biết, chị hướng cho các con đi du học nên càng phải tự lập để biết chăm sóc bản thân khi ở xứ người. "Hồi con gái lớn mình học lớp 10, còn cậu thứ hai học lớp 3 thì bố mẹ đi làm về đã chẳng phải làm gì. Cứ chị nấu cơm thì em rửa bát".

Bé trai nấu ăn thành thục nhờ được mẹ dạy từ nhỏ

Tuy hướng con đi du học nhưng hiện tại chị Minh không cho con học trường quốc tế mà chỉ cho học trường song ngữ. Bởi: "Các con cần phải thành thạo ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam trước. Dù có đi đâu thì các con cũng phải nhớ về bản sắc dân tộc".

Nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách cho con từ việc "say no" với công nghệ

Từ ngày công nghệ phát triển, với sự ra đời của những iPhone, iPad, trẻ nhỏ dần xa rời những trang sách hơn. Không ít đứa trẻ thậm chí bị "nghiện", cả ngày chỉ ngồi chơi game, xem Youtube. Hiểu được những mặt trái của công nghệ nên chị Minh chỉ cho con dùng điện thoại, máy tính vào việc học online. Thời gian rảnh rỗi, hai bé cũng được dùng nhưng sẽ có thời gian giới hạn.

Thay vì điện thoại, nữ giám đốc nuôi dưỡng cho con niềm đam mê đọc sách và chơi những món đồ chơi thông minh để rèn luyện trí tuệ. "Bất cứ điều gì cũng phải tập dần dần. Ví dụ bé nào cũng thích đọc truyện tranh. Nhưng mình thường chọn cho con 1 bộ truyện chữ thật hay và có ít tranh minh họa cho các con đọc. Sau đó lại chọn thêm nhiều sách về bày trong tủ. Khi không có gì chơi, các con sẽ lấy sách ra đọc. Mình cũng giao cho bé lớn thêm nhiệm vụ đọc sách cho em nghe", chị Minh cho biết.

Chị Minh rèn cho các con thói quen đọc sách từ nhỏ.

Khi nào đọc xong chán, các bé nhà chị Minh sẽ có các món đồ chơi như lego, rubic, đồ chơi ghép hình nam châm, bảng studyboard để thư giãn, vừa học vừa chơi. Ngoài ra chị Minh còn tìm hiểu, mua sắm thêm cho con nhiều món đò chơi rèn luyện kỹ năng. "Mỗi độ tuổi, mình lại mua đồ chơi gỗ, tranh xếp hình theo độ khó nâng cấp hơn cho con".

Là người phụ nữ thành đạt, có vị trí trong xã hội nhưng chị Minh không đặt kỳ vọng quá cao cho con. "Mình chỉ mong các con có một cuộc sống hạnh phúc và vui vẻ chứ không kỳ vọng con phải thành ông nọ bà kia. Sống là người tốt, có ích, hạnh phúc và vui vẻ, biết cách tận hưởng cuộc sống và khám phá những chân trời mới, kiến thức mới trong khả năng. Vậy là đủ!", nữ giám đốc tâm sự.

Nữ giám đốc ở Hà Nội nhàn tênh vì "tôn chỉ thép" trong việc dạy con: Trai hay gái đều phải xuống bếp, bố mẹ đi vắng còn biết cách tự no bụng - Ảnh 6.

Chia sẻ