Vợ chồng cô giáo mầm non bán hết nhà cửa, cho 2 con nhỏ đi phượt bằng xe đạp: Cuộc đời này, đừng bó buộc tụi trẻ trên ghế nhà trường
Hai người lớn, 2 trẻ em và 1 chú chó nhỏ thong dong khắp các nẻo đường trên những chiếc xe đạp. Họ cứ đi đến khi mỏi mệt, vừa đi vừa học hỏi bao điều.
Với nhiều gia đình, con cái được định sẵn lộ trình học tập ngay từ khi ra đời. Mầm non con học trường gần nhà, cấp 1 đến cấp 3 thì học trường chuyên lớp chọn. Đến bậc đại học, con phải thi vào trường top đầu. Hoặc cha mẹ nào có điều kiện thì để con đi du học. Lộ trình đó là kim chỉ nam cho rất nhiều gia đình.
Bởi họ tin, việc học tuần tự từng cấp trên ghế nhà trường sẽ giúp con có được hạnh phúc. Hạnh phúc đến từ tương lai ổn định sau này. Tuy nhiên, có những cha mẹ lại không đồng tình với điều này. Họ đi ngược lại với số đông, tự tìm sự hạnh phúc riêng cho đám trẻ.
Sẽ chẳng có lộ trình, chẳng có định hướng. Họ để trẻ tự chọn lựa cuộc đời mình, được "mở rộng tầm mắt và khám phá những chân trời mới toanh". Đó chính là câu chuyện của vợ chồng anh Phạm Quốc Tuấn (36 tuổi) và chị Bùi Thúy (30 tuổi) ở Vũng Tàu.
Cả hai đã làm 1 điều khó ai dám thực hiện: Bán hết tài sản mình có như nhà cửa, xe cộ, các thiết bị công nghệ hiện đại để đổi lấy chuyến đi phượt khắp mọi miền cho 2 con nhỏ. Trên yên xe đạp, 2 người lớn, 2 trẻ em và 1 chú chó nhỏ thong dong khắp nẻo đường.
"Mình đi vì không muốn "giam" con trong những "chiếc hộp"
Trước khi bắt đầu chuyến phượt thứ 2 sau dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, vợ chồng anh Tuấn từng có một chuyến đi khá dài khác. Kể về hành trình của mình, anh Tuấn hồi tưởng: "Mình làm về youtube, còn vợ là giáo viên mầm non. Nghề nghiệp khác nhau nhưng cả 2 lại có chung quan điểm về việc nuôi dạy con.
Chúng mình không muốn "nhốt" con trong những "chiếc hộp" khác nhau cả ngày. "Chiếc hộp" thứ nhất là nhà, "chiếc hộp" thứ 2 là trường. Con cứ di chuyển qua lại giữa hai chiếc hộp đó. Rồi chúng ta nuôi chúng như những con gà công nghiệp: cho ăn, cho uống, nhưng lại không theo sở thích của con.
Vợ chồng mình muốn con có những trải nghiệm mới mẻ, được "dang cánh". Vậy nên khi mình đề xuất cho con nghỉ học, vợ đã đồng ý luôn. Có một thời gian, mình từng đặt câu hỏi cho bản thân: "Mục đích sống của mình là gì?", "Tại sao con lại dễ học thói quen xấu giống bố như xem TV, điện thoại cả ngày nhưng cũng rất dễ tiếp thu thói quen tốt?".
Rồi một ngày cặp vợ chồng tìm hiểu Unschooling - phương pháp ưu tiên việc học tập do trẻ tự định hướng bằng cách không học các môn định sẵn trong sách giáo khoa ở trường (Toán, Văn, Lý, Hóa, Sử…). Hiểu một cách đơn giản, Unschooling là trẻ được quyền chọn mọi thứ muốn học. Lúc này một chân trời mới mở ra với đôi vợ chồng 8x.
Cả hai quyết định bán hết tài sản, buông bỏ mọi thứ và đưa con đi phượt. Cuộc sống vô cùng tối giản với hành trang chỉ là 2 chiếc xe đạp và một xe kéo nhỏ chở đồ, tấm pin năng lượng mặt trời để lấy điện, dụng cụ cắm trại, đèn pin dã ngoại, thiết bị quay phim, chụp hình và một số sách vở. Đến tối, gia đình sẽ dựng lều để nghỉ ngơi. Rồi sớm mai lại bắt đầu một cuộc hành trình mới.
"Trước khi đi, chúng mình hỏi ý kiến con. Bất kể việc gì cũng vậy, phải được cả 4 phiếu đồng ý thì cả nhà mới làm. Thông qua chuyến đi này, vợ chồng muốn con học được nhiều điều mới, thay vì chỉ "giam" bản thân trong bốn bức tường. Bản thân các con cũng rất thích đi, vì được trèo đèo tắm suối, xem nuôi dâu tằm, tìm hiểu cách ong làm mật, gặp gỡ những người bạn ở nông thôn,... Các con dạn dĩ hơn nhiều, rất tự tin khi tiếp xúc với người lạ và ít ốm vặt hơn".
Nói về chi phí, anh Tuấn phì cười: "Kinh phí đi đường không đắt đỏ đâu, còn rẻ là đằng khác. Vì cả nhà tuân theo lối sống tối giản mà. Đi như này còn tiêu ít hơn ở nhà. Nhiều khi gia đình tự kiếm đồ ăn dọc đường nữa".
"Mình thích tạo ra khó khăn, vì khó khăn giúp con có thêm nghị lực"
Nếu xem các clip Youtube cùa gia đình anh Tuấn, ai cũng ngỡ ngàng trước độ tự lập của hai nhóc tỳ 2 tuổi rưỡi và gần 5 tuổi. Bé út nhà anh có thể tự làm vệ sinh cá nhân nhoay nhoáy, biết nấu cơm bằng bếp củi, nạo mướp rồi thái khúc để chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà,... Hay có khi cậu bé phăm phăm lội suối bắt cá.
Tất cả những điều này đều được hình thành từ cách dạy con tự lập, tự định hướng ngay từ nhỏ của đôi vợ chồng 8x. "Giai đoạn con thông minh nhất là từ 0-6 tuổi. Vậy nên trong khoảng thời gian này, chúng mình hướng tới việc dạy con thật nhiều điều trên đời. Con muốn học gì thì học, làm gì thì làm, tự chọn đồ ăn, trang phục,... Cả hai không từ chối con bất kỳ điều gì, cũng như trả lời mọi câu hỏi của con. Đôi khi, mình không trả lời luôn mà sẽ hỏi ngược lại, khơi gợi sự tò mò rồi cùng con đi tìm hiểu.
Nếu cha mẹ khác sợ, không dám cho con lại gần nhũng đồ vật nguy hiểm như dao thì gia đình mình trái ngược hoàn toàn. Mình cứ để mặc nhiên, cho con tự làm những điều trong khả năng. Rồi nấu nướng, giặt đồ,... Tất nhiên là mình ở bên quan sát, chỉ bảo. Rồi khi con té ngã, vợ chồng cũng thấy rất bình thường, không vội vã chạy lại đỡ hay xuýt xoa dỗ dành.
Hai nhóc cũng được bố mẹ dạy cách đầu tư tài chính, kiếm tiền trên Youtube. Nhà mình cũng phát tiền tiêu vặt cho con mỗi tuần, rồi có khách đến nhà chơi cho con tiền, khoản đó các con tự tiết kiệm, gửi cho bố mẹ lấy lời như ngân hàng. Trước 2 bé gửi mình 1 triệu rưỡi, mỗi tháng mình gửi lại cho con 50.000 đồng tiền lãi,...".
Ông bố 8x cũng dạy con nghị lực từ bé. Từng có những lời khuyên vợ chồng anh nên đi xe ô tô để con đỡ mệt mỏi nhưng anh Tuấn "say no"! Vì thực chất, đây là một cách để hai vợ chồng rèn cho con tinh thần vượt khổ, vượt khó và có thêm sức khỏe.
"Mình thích tạo ra khó khăn. Vì khó khăn khiến con người ta có thêm nghị lực", anh Tuấn bật cười...
"Mình hướng con đến hạnh phúc trước, học cứ để sau"
Bé lớn đã gần 5 tuổi và sang năm sẽ vào lớp 1. Nhưng vợ chồng anh Tuấn - chị Thúy chưa vội. Vốn theo phương pháp Unschooling nên cả hai để con tự quyết xem có muốn đến trường hay không. Nếu con không thích, bố mẹ không ép. "Điều quan trọng nhất mình hướng con tới là hạnh phúc, nhân cách,... Mà tuổi thơ của trẻ cần nhất là hạnh phúc. Thế nên mình cho con hạnh phúc trước, học hành cứ từ. Không cần vội", anh Tuấn chia sẻ.
Theo ông bố 8x, việc nhiều cha mẹ nhồi nhét cho con đủ khóa học là đang gây ra tội lỗi và có thể khiến trẻ sợ hãi việc học. "Nhiều người thích vẽ, thích đàn rồi cũng bắt con học cho bằng người. Nhưng con đâu thích. Đó là cha mẹ "nhào nặn" con như đất sét để tạo thành hình mình muốn. Với Thộn và Nấm, thích cái gì thì bố mẹ khuyến khích cái đó.
Còn học sâu, học cao thời buổi này đâu khó. Internet phát triển, quan trọng là khả năng tự học của con. Như mình đây, thời gian đi làm, tự mày mò sách vở còn hơn người ta bằng cấp mấy năm. Nói thật, mình không đặt nhiều kỳ vọng vào con. Làm kỹ sư cũng được, mà nông dân cũng tốt. Miễn phải thật hạnh phúc".
Nói vậy không có nghĩa cặp vợ chồng 8x bỏ bê việc học của con. Đám trẻ không đến trường nhưng luôn được nuôi dưỡng niềm đam mê học tập. "Cả hai dạy con những kiến thức cơ bản thông qua các hoạt động hàng ngày. Bé út nhà mình biết làm toán và viết chữ rồi. Con hỏi gì, bố mẹ trả lời ngay, rồi mê sách lắm. Cứ đưa con đến tiệm sách là con đọc cả ngày không dứt ra được".
"Trước mắt cả nhà cứ đi, nhưng rồi sẽ dừng chân thôi"
- (PV) Anh có sợ đi suốt như thế thì các con bị yếu khả năng giao tiếp không?
"Không đâu", anh Tuấn khẳng định. "Nấm nhà mình nói chuyện liến thoắng từ nhỏ. Mình nghĩ giao tiếp tốt hay không là do bố mẹ. Bố mẹ chăm chỉ giao tiếp với con thì con thì con mới mau mồm, mau miệng được. Ngoài ra những nơi mình đến đều có trẻ con mà. Hai nhóc chơi đùa, chạy nhảy với các bạn ở nông thông suốt".
Nói vậy nhưng vẫn có một điều khiến ông bố 8x sợ, đó là việc đi lại suốt có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ, bạn bè ổn định của con. Tuy nhiên anh Tuấn xác định không đi phượt cả đời. "Trước mắt cả nhà cứ đi nhưng rồi sẽ dừng chân thôi. Đâu có ai đi mãi được. Gia đình mình cũng có nhiều mối quan hệ, và đến thăm nhau suốt. Hiện tại mình thấy các con chưa có vấn đề gì. Nhưng nếu phát hiện có điều không ổn, gia đình sẽ dừng chuyến đi lại....".