Nỗi khổ của những cô dâu lấy chồng giàu

Theo VNE,
Chia sẻ

"Chị có phước lắm mới lấy được anh Sang nhà này đấy. Bao nhiêu con gái xếp hàng mà ảnh không để mắt tới, nên chị liệu mà sống cho đàng hoàng", những lời dè bỉu của cô em chồng khiến chị Hiên nhiều đêm khóc thầm vì tủi thân.

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Tây Ninh, 8 năm về trước chị Hiên từng hãnh diện vì lấy được chồng là con duy nhất trong một gia đình khá giả, cha là công chức tỉnh, mẹ làm giám đốc một công ty tư nhân. Chị Hiên cho biết, hồi ấy chị gặp anh Sang trong một buổi liên hoan văn nghệ ở huyện, rồi hai người đem lòng yêu nhau, từ ngày gặp mặt đến ngày cưới chỉ vỏn vẹn gần 2 tháng.

Chị lên xe hoa rạng ngời trong váy cưới đắt tiền, vàng vòng đeo nặng cổ khiến bao chàng trai trong làng tặc lưỡi nuối tiếc. Hạnh phúc của chị cũng là mơ ước của nhiều cô bạn đồng trang lứa. "Có ai biết từ ngày về làm dâu đến giờ chưa một ngày nào mình được vui vẻ. Hàng ngày mình phải làm lụng cật lực như ôsin, nào là nấu ăn, giặt giũ, lau nhà. Vậy mà bố mẹ chồng, em chồng vẫn chưa vừa lòng", chị bộc bạch.

Nhiều lần đem chuyện trăn trở ra tâm sự với anh Sang thì chị Hiên càng tủi hơn vì gặp một người chồng lúc nào cũng sợ làm phật lòng gia đình. "Em đừng có chuyện bé xé ra to. Anh suốt ngày đi làm vất vả còn em chỉ ở nhà làm mấy việc lặt vặt mà cũng không nên hồn", những lời chồng nói khiến chị Hiên càng xót xa. Tay chống cằm, chị bảo: "Nhiều lúc tôi muốn khăn gói bỏ về nhà mẹ cho rồi, nhưng nghĩ lại sợ mang tiếng, sợ người làng chê cười".

Từng ly dị chồng vì không chịu nổi cảnh làm dâu nhà giàu, mỗi lần nghe ai nhắc đến chuyện lập gia đình là chị Thương lại lắc đầu ngán ngẩm. "Mình đã quá mệt mỏi vì những đòi hỏi của họ. Chịu không nổi mới phải ly dị chứ ai muốn sống một mình đâu. Cũng tại chồng mình quá hèn nhát, đàn ông gì mà chỉ biết ăn bám gia đình, sợ mất lòng cha mẹ sẽ không được chia gia tài". Từ khi chia tay chồng, chị Thương dọn hẳn về tá túc ở nhà mẹ ruột tại quận 12.
 

Nhìn nhận thực trạng này, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng tâm lý và truyền thông cộng đồng cho rằng, bình thường phụ nữ làm dâu đã phải chịu những khó khăn nhất định. Việc lấy một người chồng xuất thân giàu có, bề thế, chị em càng gặp nhiều áp lực hơn.

Trên thực tế, điều kiện kinh tế ảnh hưởng khá nhiều đến cách đối nhân xử thế của mỗi người. Những "đại gia" khi có được gia sản lớn thì thường họ cũng có địa vị cao trong xã hội hoặc làm kinh tế giỏi, vì thế mà lối sống của họ đôi khi thiên về thực dụng, tính toán chi ly và đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn khắt khe.

"Người phụ nữ về làm dâu trong những gia đình như thế thường bị chê bai và cảm thấy sốc. Nếu không chuẩn bị trước về tâm lý và không biết chịu đựng thì nguy cơ tan vỡ gia đình rất cao", bà Linh nói.

Những câu chuyện hôn nhân rạn nứt được nhiều chị em thổ lộ trên các diễn đàn tâm sự online. Thành viên Anle Thuy kể, chị lấy được chồng theo đúng chuẩn "đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi". Hai người quen nhau từ thời còn là sinh viên và quyết định cưới khi vừa tốt nghiệp ra trường.

"Từ ngày lấy nhau về, chồng thì đi công tác suốt ngày. Mỗi lần thấy buồn, mình đem nỗi trống trải tâm sự với mẹ chồng, vậy mà bà không những không cảm thông lại còn quay sang trách móc mình đủ thứ mới khổ. Nhiều đêm mình nằm khóc vì phận người dưng trong nhà người ta. Mình không biết có tiếp tục giữ được cái gia đình này không nữa", Anle Thúy thổ lộ.

Cũng chung tâm trạng, một cô dâu khác bộc bạch: "Hồi còn sinh viên mình thấy cuộc sống thiếu thốn vật chất đã khổ rồi, nhưng nào ngờ cuộc đời làm dâu thời hiện đại nỗi khổ tinh thần còn hơn nỗi khổ thiếu thốn vật chất nhiều. Các mẹ ơi, biết là khổ như thế sao cứ vẫn lấy chồng nhỉ?".
 

Thậm chí một chị cho biết, cha mẹ chồng còn tỏ ra khó chịu mỗi khi thấy vợ chồng chị vui vẻ với nhau. "Dù chồng rất yêu thương tôi nhưng anh bảo là con trai trưởng không thể ra ở riêng được. Tôi mệt mỏi lắm rồi, chả lẽ họ ghét mình thế mà mình phải sống với họ cả đời sao? Từ lâu tôi và bố mẹ chồng đã hạn chế nói chuyện, thậm chí tránh giáp mặt nhau, cứ đi làm về là tôi lao thẳng vào phòng riêng nằm".

Theo bà Linh, không phải ai lấy chồng giàu cũng gặp phải những khó khăn trắc trở như thế, bởi trên thực tế nhiều người vẫn có được hạnh phúc mỹ mãn và được gia đình chồng yêu mến hết mực. Bà khuyên rằng, trước khi tiến đến hôn nhân, chị em không nên quá chú trọng về kinh tế mà cần có thời gian tìm hiểu kỹ về người chồng tương lai cũng như gia đình chồng, từ đó có những chuẩn bị tốt về mặt tâm lý cho cuộc sống chung về sau.

"Ngay từ đầu, vợ chồng cũng cần thiết lập một số nguyên tắc ứng xử. Chẳng hạn trong trường hợp có xung đột xảy ra, người chồng phải đứng ra làm 'trọng tài' phân xử và vun đắp tình cảm giữa nàng dâu với gia đình chồng", bà Linh khuyên.

Trên thực tế trong một số trường hợp người chồng không có bản lĩnh hoặc nhu nhược không dám bảo vệ lẽ phải, thì giải pháp ly hôn là "cứu cánh" cuối cùng để người phụ nữ tự giải thoát mình. Tuy nhiên theo bà Linh, khi một gia đình tan vỡ, hậu quả mất mát to lớn nhất vẫn là những đứa con phải gánh chịu.

"Vì thế người phụ nữ lúc này cần phải cân nhắc thật kỹ giữa được và mất. Đôi khi chị em nghĩ đến hạnh phúc gia đình và hạnh phúc của con cái mà khéo léo hơn, nhường nhịn hơn một chút cũng là điều nên làm. Có thể về lâu dài, thiện chí ấy sẽ được gia đình nhà chồng hiểu ra và nhìn nhận", bà đúc kết.

Chia sẻ