Khốn khổ: vợ cùng cơ quan

Thu Nguyễn,
Chia sẻ

Nhìn nét mặt ngượng ngập khi nói: “Tôi biết rồi thưa sếp, tôi xin rút kinh nghiệm” của Mạnh khiến Liên thấy có lỗi với chồng. Cô hiểu cảm giác của một người đàn ông, một người chồng khi phải nói câu đó với vợ. Nhưng biết làm sao được, bởi vì ở cơ quan, Liên là sếp còn Mạnh là nhân viên.

Có nhiều thời gian bên người bạn đời của mình để được chăm sóc và yêu thương là mong muốn của nhiều người. Tuy nhiên, cũng có những cặp vợ chồng khổ vì cả ngày phải bên nhau. Ngoài việc được sống trong cùng một mái nhà, những đôi vợ chồng làm cùng một chỗ đã gặp phải rất nhiều tình huống oái oăm.

Khi vợ là sếp

Ngày đầu tiên khi Mạnh chuyển đơn vị công tác về phòng Liên làm, anh đã ấn tượng với người con gái trẻ đã giữ chức trưởng phòng. Mạnh là nhân viên dưới quyền của Liên. Sự khâm phục về trí tuệ và năng lực đã khiến sếp nữ nhanh chóng cảm mến và đem lòng yêu Mạnh. Tình yêu của hai người đơm hoa kết trái, đi đến được kết thúc đầy hạnh phúc bằng một đám cưới. Chính môi trường làm việc đã đưa họ đến với nhau nhưng khi là vợ chồng phải làm việc ở cùng một chỗ mà vợ luôn là sếp khiến Mạnh và Liên nhiều khi thấy thật khó xử.

Liên là một người vợ tốt. Khi ở nhà, cô luôn khiêm nhường và tôn trọng chồng. Liên cũng tỏ ra mình là một người phụ nữ yếu đuối, cần sự bao dung và che chở từ chồng vì thế Mạnh cảm thấy mình cũng được xem trọng và là người trụ cột gia đình. Nhưng ở cơ quan, trong vai trò là người lãnh đạo, Liên tuyệt nhiên phải thể hiện một diện mạo cứng cỏi và có thái độ công minh trong công việc. Chính điều này đã đôi lúc làm Mạnh “mất mặt” dù cô không hề muốn thế.

Những buổi họp tổng kết công việc trong phòng, cách xưng hô với chồng cũng là điều khó khăn với Liên. Mặc dù mọi người ở công ty đều biết hai người là vợ chồng nhưng không thể vì thế mà lại xưng hô “em, anh” được. Liên đành chọn cách giữ đúng xưng hô trong môi trường công sở. Nhìn nét mặt có phần ngượng ngập nkhi nói: “Tôi biết rồi thưa sếp, tôi xin rút kinh nghiệm” của Mạnh khiến Liên thấy có lỗi với chồng vô cùng. Cô hiểu cảm giác của một người đàn ông, một người chồng khi phải nói câu đó với vợ. Nhưng biết làm sao được, bởi vì ở cơ quan, Liên là sếp còn Mạnh là nhân viên. Lần đầu tiên khi anh nói thế, mọi người trong phòng ai cũng lấy tay che miệng tủm tỉm cười. Có người còn nói: “Thôi ở nhà xưng hô thế nào thì giờ cứ nói như thế, mọi người đều hiểu mà” nhưng cả Mạnh và Liên đều biết khó lòng mà làm như vậy được.
 

Đã đành công việc xuôi chèo mát mái, sếp khen thưởng động viên nhân viên là điều tất yếu nhưng riêng với Mạnh, có xuất sắc đến đâu Liên cũng chỉ dám: “Công việc như vậy là ổn” còn khi Mạnh gặp sai sót, đáng ra chỉ cần phê bình một thì Liên phải khiển trách gấp đôi, ba so với người khác. Biết chồng sau mỗi lần họp tổng kết về là buồn đến độ nghệt mặt và mất ngủ nhưng Liên cũng chỉ biết nén tiếng thở dài.

Không chỉ có vậy, nhiều người trong công ty không biết là vô tình hay cố ý, thi thoảng gặp nhau ở ngoài đường, ngoài chợ họ lại tếu táo hỏi: “Sếp vợ đâu sao không đi cùng?”. Thậm chí có người còn ác ý: “Vợ là sếp ở cơ quan thế về nhà ai là sếp thế?”. Dường như cái việc vợ là sếp không chỉ tồn tại ở chỗ làm mà theo về tận tổ ấm của hai người.

Lục đục vì vợ ghen với đồng nghiệp nữ

Không giống như trường hợp của vợ chồng Liên – Mạnh,  Hùng và Nhung may mắn hơn khi hai người không có cảnh ai “to” hơn ai. Hùng và Nhung làm cùng một công ty, cùng là nhân viên trong một phòng và điều đó cũng làm nảy sinh không ít những phiền toái xảy ra với đôi vợ chồng trẻ.

Nhung là người có máu ghen. Cô cũng không phải là người ghen tuông mọi lúc, mọi nơi  nhưng nếu hai người làm ở khác chỗ thì hẳn Nhung và chồng đã không có nhiều cuộc cãi lộn chỉ vì ban chiều một cô đồng nghiệp nữ nào đó “dám đánh mắt đưa tình với Hùng”. Môi trường làm việc nảy sinh nhiều mối quan hệ và là một cá nhân trong môi trường đó không thể nào tự tách mình ra được. Cùng là cánh đàn ông với nhau, Hùng cùng mấy anh bạn đồng nghiệp thi thoảng ngồi nói chuyện bông đùa, tán phét trong giờ nghỉ trưa. Nhưng mỗi khi câu chuyện của cả một tập thể ấy có đả động đến một cô nhân viên nào đó hoặc về đề tài phụ nữ thôi là y như rằng Nhung đánh mắt, nghe ngóng. Và nếu Hùng có lỡ khen hay đánh giá tốt một câu về cô ấy là thế nào tối đó Nhung cũng hằm hè: “Vợ ở kè kè bên cạnh mà còn khen cô khác, nếu không có em ở đó anh chắc có khi buông lời tán tỉnh rồi cũng nên”.
 

Ở công ty của hai người có một cô nhân viên mới, vui tính và hay tếu táo với mấy anh cùng phòng. Có anh bông đùa: “Phòng này ngoại trừ anh Hùng có vợ rồi, bọn anh toàn trai chưa vợ mà sao em không chấm được anh nào à?”. Cô ấy lại hồn nhiên đáp lại: “Đánh đồn có địch chứ đánh đồn không địch thắng cũng không thích. Em lại chỉ thích tán anh Hùng thôi”. Vậy là trong khi cả phòng phá lên cười thích thú thì mặt Hùng biến sắc đi khi thấy vợ đang nhìn chằm chằm vào máy tính tỏ vẻ như không để ý đến câu chuyện nhưng gương mặt thì đỏ phừng phừng vì cay cú. Lẽ đời, càng biết là vợ chồng, càng biết vợ hay ghen người ta càng bông đùa nhiều. Mỗi lần như thế Hùng phải mất ngủ mấy đêm liền vì hôm nào vợ cũng khóc lóc, giận dỗi: “Anh phải liếc mắt đưa tình hay làm gì thì người ta mới mạnh mồm mà nói đòi tán anh như thế chứ anh đứng đắn ngay thẳng thì là phụ nữ ai người ta dám”.

Có rất nhiều những tình huống dở khóc dở cười khi vợ chồng làm cùng một chỗ. Phần lớn trong số đó tạo ra cảm giác ngượng ngùng, khó xử cho cả hai người. Nhiều cặp vợ chồng vì không giải quyết được vấn đề đã đẩy tình trạng hôn nhân đến sự đổ vỡ mà nguyên nhân chỉ vì làm cùng một nơi khiến họ phải chứng kiến những điều “ngang tai trái mắt”. Để khắc phục được tình trạng ấy, từ phía hai bên vợ chồng nên giữ những khoảng cách đúng mực trong các quan hệ nơi làm việc để tránh cho người bạn đời cảm giác khó chịu. Đồng thời cũng cần mở rộng lòng mình, nhìn nhận mọi việc thoáng hơn để không bắt bẻ chồng hoặc vợ vì những việc bình thường diễn ra nơi công sở. Hãy nhìn nhận vai trò làm chồng, làm vợ trong trách nhiệm mà họ đối xử với mình và gia đình để thêm yêu, cảm thông với người bạn đời của mình hơn.

Chia sẻ