Nỗi đau xé lòng người thầy có học sinh chết đuối

Huyền Trang - Văn Bảo,
Chia sẻ

Hiệu trưởng trường THCS An Mỹ - thầy Nguyễn Đăng Khang – cùng tập thể thầy cô giáo vẫn chưa hết ngỡ ngàng trước 8 cái chết thương tâm của học trò mình.

Không khí mấy ngày sau vụ việc cũng chùng xuống, nhất là ở các lớp có học sinh tử nạn. Trong lòng thầy và trò trường An Mỹ, những học sinh xấu số kia như vẫn hiện diện. “Tất cả 8 em đều là những học sinh ngoan, có hạnh kiểm tốt, đoàn kết với bạn bè và đều là học sinh khá, giỏi của trường. Có những em hoàn cảnh gia đình rất khó khăn như em Nguyễn Thị Chinh, bố mẹ đi làm kinh tế mới ở xa, Chinh và em trai ở cùng với bà nội; em Trần Thị Lan Phương, bố mẹ đã ly hôn, em ở cùng ông bà ngoại…” – thầy Nguyễn Đăng Khang, hiệu trưởng trường THCS An Mỹ cho biết.

Nỗi đau xé lòng người thầy có học sinh chết đuối
Thầy hiệu trưởng ngậm ngùi chia sẻ trong niềm xót xa

Thầy ngậm ngùi: “Hồ Tuy Lai năm nào cũng có vài người chết đuối, nhưng tôi không thể ngờ, lần này những người gặp nạn lại là học sinh của trường mình. Trường chúng tôi chỉ tổ chức học chính khóa vào buổi sáng, buổi chiều các em thường được nghỉ. Nhà trường cũng không tổ chức học thêm tập trung tại trường. Thông tin ngày xảy ra tai nạn, học sinh có lịch học thêm buổi chiều, được nghỉ đột xuất nên rủ nhau đi chơi như một số báo đưa là không chính xác.

Nỗi đau xé lòng người thầy có học sinh chết đuối
Trường Trung học cơ sở An Mỹ - nơi 8 em nhỏ đã từng vun đắp những ước mơ đầu đời

Nỗi đau xé lòng người thầy có học sinh chết đuối
Lịch học của trường

Nỗi đau xé lòng người thầy có học sinh chết đuối
Danh sách những học sinh xấu số trong tai nạn

Thầy Lê Văn Thăng, một trong những giáo viên đầu tiên có mặt tại hiện trường vụ tai nạn dường như cũng chưa hoàn hồn. Năm học mới 2012 - 2013 này, thầy được phân công làm chủ nhiệm lớp 8B. “Tôi mới chủ nhiệm lớp được 4 ngày, chưa kịp nắm hết tính cách, học lực, gia cảnh của từng học trò thì 5 đứa đã bỏ tôi mà đi.” - thầy Thăng nghẹn ngào.

Nỗi đau xé lòng người thầy có học sinh chết đuối
Thầy Thăng nghẹn ngào: “Tôi mới chủ nhiệm lớp được 4 ngày, chưa kịp nắm hết tính cách, học lực, gia cảnh của từng học trò thì 5 đứa đã bỏ tôi mà đi.”

Nhận được thông tin, tôi vội vàng chạy ra đập tràn, chỉ mong tất cả người bị nạn được cứu sống. Không hiểu sao, tôi linh tính trong đó có học sinh lớp mình. Ra tới nơi, tôi thấy tất cả 8 học sinh đã được vớt lên, 2 trong số đó là em họ của tôi. Tôi thực sự hốt hoảng, không dám tin vào mắt mình nữa. Sự việc xảy ra quá đột ngột, đầu óc tôi như quay cuồng, không biết trời đất gì nữa”.

11 giờ đêm hôm ấy tôi mới về đến nhà. Không khí tang thương bao trùm cả xóm. Sáng hôm sau, tôi vẫn đến trường, nhưng thú thực, không còn tâm trí nào để dạy nữa. Các học sinh của tôi cũng bàng hoàng, cứ nhìn chong chong vào mấy chiếc ghế trống. Tôi dẫn mấy em đi đưa tang mà cũng không kìm được nước mắt.” - thầy Thăng kể lại.

Nỗi đau xé lòng người thầy có học sinh chết đuối
Người lớn xót xa ngậm ngùi đến viếng những đứa trẻ còn chưa tận hưởng hết những đẹp đẽ cuộc đời

Nỗi đau xé lòng người thầy có học sinh chết đuối

Nỗi đau xé lòng người thầy có học sinh chết đuối
Bạn bè cùng lớp chưa hết ngơ ngác, bàng hoàng trước nỗi đau quá lớn

Thầy hiệu trưởng Nguyễn Đăng Khang chia sẻ thêm, do đặc thù của xã là vùng sông nước, nhà trường rất quan tâm đến việc hướng dẫn, tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích học đường, đặc biệt là tai nạn sông nước. Những buổi sinh hoạt dưới cờ của trường đều được lồng ghép các nội dung trên. Trong năm học vừa qua, nhà trường đạt giải 3 trong công tác tuyên truyền phòng chống tai nạn học đường của toàn huyện. Tuy nhiên, do hạn chế về cơ sở vật chất, trường chưa thể tổ chức dạy bơi cho học sinh.

Nhiều học sinh ở đây cho biết, các em hoàn toàn không biết bơi, nhưng thường xuyên ra hồ Tuy Lai chơi. Theo quan sát của chúng tôi, tại xã An Mỹ và các xã lân cận, không có bể bơi nhân tạo mà chỉ có ao, hồ chứa nước tự nhiên. Xã An Mỹ, tuy gần Sông Đáy nhưng nước sông cũng đang bị ô nhiễm, lớp đất cát ở đáy sông không ổn định nên không thể tổ chức dạy bơi cho học sinh tại đây được.

Theo số liệu thống kê, tai nạn do đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở thanh thiếu niên. Trẻ em luôn ưa khám phá và thích nước, vì thế không nên cấm trẻ, mà tốt hơn, nên dạy trẻ bơi và tạo cơ hội cho chúng khám phá. Thiết nghĩ, việc gia đình, nhà trường và xã hội chuẩn bị trước cho con em mình các kỹ năng về bơi lội, sơ cấp cứu người bị nạn là thực sự cần thiết để giúp hạn chế các vụ chết đuối thương tâm như trên.
Chia sẻ