Nối chân đứt rời cho bệnh nhi nhỏ tuổi nhất ở VN

Theo Sức Khỏe Đời Sống,
Chia sẻ

Bệnh viện Việt Đức vừa thực hiện thành công kỹ thuật vi phẫu nối lại bàn chân cho bệnh nhi nhỏ tuổi nhất từ trước đến nay. Tai nạn trong chớp mắt.

Tai nạn trong chớp mắt

Do sơ ý của gia đình, cháu bé 18 tháng tuổi đã bị máy thái thuốc lào cắt đứt rời nửa bàn chân trái. Chị Vũ Thị H., mẹ cháu Lê Quang Đ. 18 tháng tuổi (Vinh Quang, Tiên Lãng, Hải Phòng) vẫn trào nước mắt khi nhớ lại chuyện xảy ra với con trai mình.

Ngày 4/5, khi chồng đang làm công việc hàng ngày bên máy thái thuốc lào, còn mình bận mải với việc đồng, việc nhà, chị H. sai con lớn 16 tuổi trông em. Nhớ lời mẹ dặn đến giờ đi đặt cháo cho em, cô chị liền lấy đệm mút để xuống bậc thềm gần chỗ bố làm rồi cho em ngồi ở đó.

Bé Đ. dò dẫm đứng dậy, chống tay xuống đệm, chân loạng quạng văng ra đúng tầm lưỡi máy đang hạ xuống cắt, xén ngọt luôn nửa bàn chân trái của bé Đ.

Nối chân đứt rời cho bệnh nhi nhỏ tuổi nhất ở VN 1
ThS.BS. Vũ Trung Trực thăm khám lại cho bé Đ. 1 tháng sau khi phẫu thuật.

Sau phút giây kinh hoàng, tiếng khóc lặng của bé Đ. cùng tiếng kêu cứu của bố mẹ, những người hàng xóm chạy sang giúp gia đình buộc chặt chỗ chân vừa bị đứt để cầm máu đang chảy đầm đìa, người khác nhanh chóng bỏ luôn nửa bàn chân đứt rời vào túi đá rồi cùng đưa cháu bé lên trạm y tế xã cấp cứu.

Cháu Đ. được cán bộ y tế xã sơ cứu lại vết thương rồi đưa xe cấp cứu chuyển đến bệnh viện Việt Tiệp - Hải Phòng. Các bác sĩ đã kiểm tra vết thương, băng bó lại và chuyển lên bệnh viện Việt Đức, Hà Nội.

Ca vi phẫu nhỏ tuổi nhất với nửa bàn chân bỏng lạnh

Theo TS.BS. Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình – hàm mặt bệnh viện Việt Đức, tính từ lúc bé Đ. bị nạn đến khi chuyển đến bệnh viện đã hơn 10 tiếng đồng hồ (quá thời gian phẫu thuật tốt nhất để nối liền chi đứt rời, thời gian vàng trong vòng 6 tiếng). Thêm vào đó, cháu bé mới 18 tháng tuổi, các động mạch và tĩnh mạch nhỏ dưới 1mm, do đó, kỹ thuật nối gặp rất nhiều khó khăn. Đây là trường hợp nối vi phẫu nhỏ tuổi nhất từ trước đến nay tại bệnh viện Việt Đức.

ThS.BS. Vũ Trung Trực cho biết thêm: Vì mạch máu của cháu bé quá nhỏ nên phẫu thuật viên phải sử dụng kính hiển vi có độ phóng đại lớn nhất. Độ phóng đại càng cao, trường phẫu thuật (phạm vi làm việc của phẫu thuật viên) càng hẹp, độ rung lớn đòi hỏi thao tác phải vô cùng tỉ mỉ và chính xác.

Các bác sĩ đã phải sử dụng loại chỉ vi phẫu nhỏ nhất 10/0 (bé hơn cả sợi tóc) để khâu nối. Hơn nữa, do phần đứt rời là nửa bàn chân nên tư thế làm việc và thao tác của phẫu thuật viên rất khó khăn, không thể xoay các mạch máu như ý muốn để việc khâu nối được dễ dàng.

Kíp mổ đã tiến hành dùng kính hiển vi phẫu thuật tìm và khâu nối các mạch máu nhỏ và thần kinh nhằm cố gắng phục hồi dòng máu nuôi dưỡng đến nửa bàn chân đứt rời. Ca mổ diễn ra trong 7 giờ đồng hồ. Sau khi nối, mạch máu đã lưu thông tốt, đầu ngón chân hồng ấm trở lại. Tuy nhiên, vì bàn chân bé Đ. bị bảo quản trực tiếp vào đá nên đã bị bỏng lạnh. Sau khi được nối, phần bàn chân đó bị loét, phải tiếp tục điều trị các vết thương loét trong 1 tháng. Đến nay, bàn chân đã sống tốt, các vết thương gần như đã lành hoàn toàn. Hai tuần nữa cháu Đ. sẽ được tháo bột để tập phục hồi chức năng cho bàn chân.

Các biện pháp sơ cứu phần chi thể đứt lìa:

Từ trước đến nay, hầu hết các ca khâu nối bộ phận cơ thể bị đứt rời đều trong tình trạng bảo quản và sơ cứu không đúng cách. Các bác sĩ đưa ra khuyến cáo cụ thể như sau:

- Cầm máu mỏm cụt bằng băng ép, tránh sử dụng garo ở mức tối đa, không được dùng panh kẹp để kẹp mạch máu vì sẽ gây thiếu máu không hồi phục dẫn đến hoại tử vùng không có mạch máu nuôi dưỡng.

- Người nhà cần nhặt ngay bộ phận đứt rời, bọc vào một miếng gạc hoặc vải sạch, rồi cho vào túi nilon sạch, buộc kín lại, sau đó lại cho vào một túi nilon (hoặc hộp nhựa) khác đựng nước, buộc hoặc đậy kín rồi mới cho vào hộp hoặc thùng đựng đá. Việc làm này nhằm tránh cho bộ phận đứt tiếp xúc trực tiếp với đá gây bỏng lạnh và cũng làm tăng thời gian sống cho bộ phận bị đứt rời.

- Sau khi thực hiện việc bảo quản chi đứt rời, phải vận chuyển bệnh nhân và phần chi đứt rời tới các bệnh viện có khả năng triển khai mổ vi phẫu thuật cấp cứu càng nhanh càng tốt. Nếu bệnh nhân được nối sau 6 - 10 tiếng bị đứt rời các bộ phận, tỷ lệ thành công là rất lớn, trên 80%.


Chia sẻ