Những phương pháp giảm cân tai hại nhưng nhiều chị em vẫn làm
Đã đến lúc chị em cần dừng ngay những kiểu giảm cân cực kỳ gây hại sức khoẻ dưới đây.
Là phụ nữ, hẳn ai cũng mong muốn có một thân hình nuột nà với vòng eo thon gọn. Giảm cân vì thế là cụm từ ám ảnh với đa số phái đẹp dù bạn muốn ép cân, giảm số đo vòng bụng hay bắp tay, bắp chân đi chăng nữa.
Được quan tâm nhiều đến thế, không có gì khó hiểu khi ngày càng xuất hiện thêm nhiều phương pháp giảm cân ra đời cho chị em thoả sức áp dụng. Và mặc dù giới chuyên gia liên tục khuyến cáo giảm cân hay giảm mỡ đúng cách đòi hỏi sự kết hợp giữa ăn uống, tập luyện thì nhiều chị em vẫn lao vào các phương pháp giảm cân độc hại.
Mới đây, thông tin một phụ nữ đeo đai nịt bụng để giảm cân đến nỗi bị vỡ gan, xuất huyết nội chính là hồi chuông cảnh báo cho một trong những cách giảm cân độc hại này. Ngoài đeo đai nịt bụng còn có vô số những kiểu giảm cân chị em nên sớm tỉnh ngộ.
1. Uống thuốc giảm cân, ăn kẹo, thạch giảm cân... không rõ nguồn gốc
Nhiều chị em thích mua dùng hàng qua mạng. Khi nghe quảng cáo online về thuốc này hay thuốc kia giúp giảm cân nhanh là thích thú mua dùng. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia), sử dụng thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc, xuất xứ rất nguy hiểm. Sử dụng thuốc giảm cân sẽ kéo theo những tác dụng phụ không mong muốn như chán ăn, suy nhược cơ thể, tiêu chảy kéo dài. Dùng trong một khoảng thời gian khá dài, thuốc giảm cân còn gây ảnh hưởng đến thần kinh, huyết áp, đặc biệt là phải sống lệ thuộc vào thuốc.
PGS.TS Đinh Quý Lan (Nguyên Chủ tịch Hội gan mật Việt Nam) cho biết thêm: "Nếu sử dụng thuốc nhuận tràng để giảm cân là phản khoa học, có thể dẫn đến các tác dụng phụ như đau bụng quặn thắt, đầy hơi, buồn nôn, tiêu chảy mãn tính, mất nước, suy yếu và làm loãng xương, chảy máu trực tràng...".
Việc sử dụng thuốc giảm cân khiến viêm gan, suy giảm chức năng gan, khiến men gan tăng cao hay không, các chuyên gia nhận định còn tùy thuộc vào loại thuốc giảm cân sử dụng đó là thuốc gì. Nhưng tóm lại, giống như bất cứ trường hợp nào, sử dụng thuốc quá lâu đều có thể bị suy giảm hệ thống miễn dịch, nhiều trường hợp còn bị sốc phản vệ, thậm chí tử vong.
Tương tự như thuốc giảm cân, các loại kẹo, thạch, bột... được quảng cáo có chức năng giảm cân cũng cần cẩn trọng. Giới chuyên gia khuyến cáo, trong những sản phẩm này có thể có chất cấm Sibutramine và Phenolphtalein. Webmd nhận định, Sibutramine gây ra các tác dụng phụ đáng sợ như đau đầu, đau lưng, dị ứng, cảm cúm, suy nhược, đau bụng, đau ngực, đau nhức cổ vai gáy. Riêng Phenolphtalein, FDA đã thừa nhận loại thuốc này hiện nay đã bị gỡ bỏ khỏi danh mục thuốc nhuận tràng vì những lo ngại về khả năng gây ung thư. Chúng cũng gây hại cho sức khỏe tim mạch, gan, thận cũng như hệ tiêu hóa người dùng.
2. Mặc quần áo sinh nhiệt
Sợ những rủi ro không đáng có qua đường ăn uống, nhiều chị em quyết định mặc quần áo sinh nhiệt để đốt mỡ. Vậy là ngồi yên một chỗ, khoác bộ quần áo sinh nhiệt lên người, mỡ thừa sẽ được đốt cháy thật nhanh qua cơ chế đổ mồ hôi. Tuy nhiên, đó chỉ là những gì người ta quảng cáo và chị em đang ảo tưởng về những công dụng.
Tuy nhiên, HLV Bùi Thị Yến Xuân (làm việc tại TP.HCM) khẳng định, việc mặc quần áo sinh nhiệt để giảm mỡ thật nhanh không phát huy hiệu quả thực sự. Khi mặc quần áo sinh nhiệt, cơ thể bạn sẽ nóng lên, do đó sẽ đổ mồ hôi nhiều hơn, dẫn đến mất nước nhiều hơn chứ không phải sẽ giảm cân nhiều hơn hay giảm cân nhanh hơn. Việc bạn cảm thấy cân nặng giảm nhanh hơn chủ yếu là do mất nước nhiều hơn.
Việc mặc quần áo sinh nhiệt trong tập luyện sẽ không có vấn đề gì về sức khỏe nếu bạn bù đủ nước cho cơ thể. Còn nếu không bù đủ nước thì cơ thể bạn sẽ gặp rất nhiều vấn đề sức khỏe. Hội chị em lười tập luyện thì chỉ rước khó chịu vào người mà thôi.
3. Nhịn ăn
Nhiều chị em cho rằng cắt giảm ăn uống sẽ giúp giảm cân nhanh. Nhiều người có tư tưởng cực đoan hơn là nhịn ăn trong nhiều ngày để có được thân hình thon thả.
Suy nghĩ này cực kỳ sai lầm. ThS.BS Doãn Thị Tường Vi (Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198) chia sẻ, trong thực tế, bệnh viện Thanh Nhàn từng tiếp nhận một trường hợp nữ sinh 18 tuổi mất mạng sau khi nhịn ăn 10 ngày để giảm cân, detox cơ thể. Không cần nói nhiều về tác hại, bà cho rằng, đây chính là minh chứng đáng sợ cho việc nhịn ăn để giảm cân, chị em tuyệt đối không được áp dụng theo.
Không nhịn ăn hoàn toàn, nhiều người chọn cắt bỏ riêng tinh bột. Điều này cũng không được giới chuyên gia ủng hộ. BS đa khoa Nguyễn Xuân Quang (Học viện Quân y) cho biết, theo các nghiên cứu thì tỷ lệ dinh dưỡng để cơ thể phát triển tốt nhất là tỷ lệ tinh bột : protid : lipid = 5:3:2. Nếu cắt giảm tinh bột và lipid sẽ mất cân bằng dinh dưỡng. "Vậy thay vì cắt tinh bột, chúng ta nên chuyển việc dùng tinh bột chuyển hóa nhanh (cơm trắng, bánh mì trắng) sang tinh bột chuyển hóa chậm (gạo lứt, khoai lang luộc...)", BS Quang cho hay.
4. Tập luyện quá sức
Tập luyện giúp bạn nâng cao sức khoẻ. Tuy nhiên, tập luyện hùng hục cả ngày lẫn đêm để mong giảm cân nhanh thì hoàn toàn phản tác dụng. Rất có thể, trước khi đạt được mục tiêu giảm cân, bạn sẽ phải từ bỏ hành trình vì không có sức để tập luyện nữa.
Thay vì áp dụng những cách giảm cân tiêu cực, bạn nên làm gì?
Giới chuyên gia dinh dưỡng cùng các huấn luyện viên đều cho rằng, tốt nhất là những người muốn giảm cân nên đến khám bác sĩ hoặc gặp chuyên gia dinh dưỡng để được thăm khám, tư vấn và đưa ra phương pháp điều trị đúng đắn nhất. Không nên giục tốc bất đạt, có thể kéo theo nhiều hệ lụy sức khỏe không mong muốn.
Bạn cũng có thể tìm đến các huấn luyện viên, PT để có được chế độ ăn và tập phù hợp với tình hình sức khoẻ và thể trạng của chính mình. Đó mới là con đường giảm cân lành mạnh, an toàn và không lo tăng cân trở lại.