Những nghề từng một thời phát triển đang dần bị lãng quên ở Sài Gòn
Có những nghề từng một thời rất thịnh vượng ở Sài Gòn. Nhưng theo nhịp thời gian, những nghề như viết thư thuê, mài dao kéo, vẽ tranh truyền thần, lò rèn... dần mai một và "không ai nhớ mặt đặt tên".
Nghề làm lồng đèn
Nghề làm lồng đèn truyền thống kiểu Việt Nam từng một thời nhộn nhịp ở Sài Gòn. Mới nửa thế kỷ trước thôi, làng lồng đèn Phú Bình còn rất nhộn nhịp nhưng nay chỉ còn vài hộ bám nghề. Những người thợ Nam Định mang vào Nam nghề truyền thống của cha ông và được cư dân xóm đạo Phú Bình gìn giữ đến ngày nay.
Lớn nhất trong xóm là cơ sở sản xuất của gia đình vợ chồng ông Trần Mạnh Uyên và bà Bùi Thị Xuân. Những chiếc lồng đèn hình tàu, thuyền, ngôi sao, bướm... loại lớn là sản phẩm chính của gia đình. "Làm lồng đèn cực lắm, cả ngày cứ ngồi mỏi lưng, mỏi tay vót, cắt, dán. Giờ trong xóm còn ít nhà làm lắm, tôi làm cốt cũng giữ lấy nghề. Lồng đèn này giờ út người mua lắm, trẻ con chúng nó khoái hàng điện tử của Trung Quốc, Hàn Quốc nhiều hơn rồi", ông Uyên chia sẻ.
Lồng đèn được bán cho nhiều mối từ TP.Đà Lạt, khu vực Đông Nam bộ cho đến các tỉnh miền Tây. Nghề này ở xóm đạo Phú Bình giờ chỉ còn người già làm. Với họ, một thời nhà nhà người người sống nhờ nghề này đã trở thành ký ức.
Nghề ép giấy tờ bằng bàn ủi
Chiếc bàn ủi đầu tiên bà dùng là loại làm nóng bằng than bên trong nhưng được vài năm thì bị mất. Hiện nay, bà sử dụng chiếc bàn ủi bằng hai tấm sắt nguyên khối nặng gần 5 kg, luôn nóng rực trên lò than từ sáng đến chiều. Bà làm nghề này được ngót 31 năm.
Bàn ủi sau khi được hơ nóng bằng than thì mới ép được giấy tờ. "Ép các loại giấy tờ chỉ mất 5 phút, thao tác đơn giản nhưng chúng tôi thừa hiểu đó đều là giấy tờ quan trọng, quý giá người ta mới mang đi ép nên phải làm thật cẩn thận, nhất là khi gặp những loại văn tự, giấy tờ quá cũ, bị nếp gấp lâu năm", bà Nhung nói. Chi phí là 5.000 đồng/ chiếc, riêng các loại có cỡ to hơn như sổ đỏ, hộ khẩu, sách vở… hai bà lấy khách giá từ 7.000 đến 10.000 đồng.
Còn ai nhớ tiếng rao "mài kéo mài dao"
Ngày xưa, hình ảnh những người đạp xe rong ruổi rao "mài dao kéo đi" trở nên quen thuộc với nhiều người. Ngày nay, nghề đó vẫn còn nhưng chỉ còn những thế hệ già làm. Trong ảnh là ông Võ Văn Thanh (68 tuổi, quê Bình Định) đã làm nghề mài dao kéo hơn 5 năm nay ở Sài Gòn. Hàng ngày, ông đi đến các khu chợ, khu dân cư ở khu vực quận 1,4,8… để mài dao kéo cho những tiểu thương buôn bán, hộ dân cư.
Vốn là một người thợ làm rèn, nhưng vì ở quê khó kiếm sống nên ông phải bôn ba vào Sài Gòn. Đây được xem như nghề gia truyền của gia đình, người con trai của ông Thanh cũng theo cha đi khắp Sài Gòn để làm nghề. Đồ nghề của một thợ mài dao kéo cũng khá đơn giản. Ngoài chiếc xe máy cà tàng để di chuyển chỉ cần thêm bộ máy mài, mấy hòn đá là có thể làm tốt.
Hai vợ chồng ông Lê Văn Châu (63 tuổi, Q.10) là một trong những thợ rèn hiếm hoi còn sót lại ở Sài Gòn. Ngày ngày, lò rèn nhỏ của ông ở bên hông chợ Nhật Tảo vẫn đỏ lửa, đều đặn tiếng quai búa như hơn 30 năm nay ông vẫn làm. Đến nay, dù nghề này không con phổ biến nhưng ông Châu vẫn bám nghề để mưu sinh.
Phụ ông Châu trong công việc là người vợ Minh Nguyệt (53 tuổi). Lấy chồng theo chồng, vì muốn giúp chồng nên bà Nguyệt không ngại nặng nhọc, bụi bặm để gắn bó với búa, đục, bếp lửa... Hơn 25 năm theo nghề, bà Nguyệt cũng tay rèn tay búa giỏi không thua gì chồng.
Nghề này không còn phổ biến vì máy móc đã làm thay con người nhưng hai ông bà vẫn yêu tiếng quai búa mỗi ngày. Họ vẫn có khách dù không nhiều. Đến bây giờ, nghề thợ rèn vẫn là nguồn thu nhập chính của gia đình. "Tôi và ông xã cứ làm được ngày nào hay ngày ấy, lai rai kiếm sống qua ngày", bà Nguyệt chia sẻ.
Nghề cắt tóc vỉa hè
Đâu đó trên những tuyến đường khu trung tâm Sài Gòn, người ta vẫn bắt gặp một hình ảnh bình dị là cắt tóc vỉa hè. Cũng như Hà Nội, nghề hớt tóc kiểu này một thời phổ biến. Trong ảnh, một tiệm cắt tóc trên đường Tôn Đức Thắng (Q.1).
Nghề viết thư tay thuê
Ông lão viết thư thuê Dương Văn Ngộ (84 tuổi) ở bưu điện thành phố là người duy nhất còn lại của Sài Gòn còn theo công việc này. Trong thời đại thế giới phẳng, nghề viết thư thuê của ông như sợi dây mỏng níu kéo quá khứ. Ông là người gốc Triều Châu, từng học trường Petrus Ký, lấy bằng trung học Pháp năm 22 tuổi và gia nhập đội ngũ nhân viên bưu điện. Đến nay ông đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề.
Về hưu nhưng vẫn nhớ nghề nên ngày nào ông cũng ra bưu điện viết, dịch thư tiếng Pháp, tiếng Anh cho khách. Gia tài của ông là cái kính lúp, những bức thư, bưu thiếp... cảm ơn của khách. Trước kia, khi chưa có nhiều trung tâm dịch thuật, rất nhiều người đã tìm đến nhờ ông viết thư hộ để gửi cho người thân bên Pháp, Mỹ. Chỉ có viết thư là ông lấy tiền, còn nhờ dịch thuật thì ông không nhận một đồng nào.
Ông Ngộ được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận là người viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam. Ngoài ra, nhiều người mến mộ gọi ông bằng những mỹ từ như “người viết thư tình xuyên thế kỷ”, “người nối thế giới bằng những lá thư tay”… Ngày qua ngày, ông vẫn ngồi ở một góc bưu điện này từ 8g sáng đến 16g chiều. Giờ ông già đi nhiều, mái tóc bạc trắng không sợi đen, đôi tay run run vì những năm tháng cầm bút viết thư hộ. Nhưng ẩn sâu trong đôi mắt sâu hoắm, u buồn ấy là tương lai tươi sáng cho một nghề sắp mai một...
Nghề vẽ tranh truyền thần
Một trong những nghề hiếm hoi còn sót lại ở Sài Gòn là vẽ tranh truyền thần. Trên góc nhỏ vỉa hè đường Điện Biên Phủ, ông Từ Hoa Lợi (77 tuổi, quê Quảng Ninh) vẫn miệt mài vẽ tranh cho khách. Ông Lợi được xem là người vẽ tranh truyền thần cuối cùng ở Sài Gòn.
Ông Lợi gắn bó với nghề hơn 50 năm, trong đó có 23 năm vẽ tranh truyền thần ở Sài Gòn. Con cái ông từng theo nghề nhưng không trụ nổi. Học trò ngày xưa cũng quẩy sang nghề khác. Ngày xưa loại hình này còn có nhiều người làm, nhưng hiện nay chỉ còn duy nhất ông Lợi vẫn bám nghề vì quá yêu. Ông kể, có những vị khách đi nước ngoài hàng chục năm trời, khi về nước họ vẫn thấy ông ngồi vẽ nên rất bất ngờ.
Ông chưa từng từ chối bức tranh nào của khách cũng như chưa từng nghĩ đến công việc khác. "Những bức ảnh nào tôi còn nhìn ra đường nét thì có thể vẽ được kể cả những bức hình đã quá cũ, khó khôi phục. Có người không còn lưu giữ được ảnh thì nhờ tôi vẽ bằng trí nhớ qua cách miêu tả. Ngày nay công nghệ ảnh hiện đại nhưng đều do máy móc làm, không có được cái hồn như chính bàn tay, con mắt người vẽ", ông Lợi chia sẻ.