Ôsin bệnh viện: "Nghề lương cao nhưng không phải ai cũng chịu làm"
Nghề chăm sóc người bệnh hay còn gọi là ôsin bệnh viện là một nghề khá vất vả, bù lại nghề mang lại cho họ lương cao và "chẳng bao giờ sợ thiếu việc".
"Cũng đã từng thấy sợ khi phải dọn chất thải, bãi nôn từ bệnh nhân"
Rời quê nghèo lên thành phố kiếm việc, chăm sóc nuôi bệnh là nghề mà nhiều người lựa chọn bởi dù rất vất vả nhưng bù lại họ được trả công cao.
Chị Lò Thị Hằng (Quảng Ninh) – một người chuyên chăm sóc bệnh nhân (ôsin bệnh viện) ở các bệnh viện có thâm niên 9 năm trong nghề. Có mặt tại khoa Cấp cứu bệnh viện Việt Đức, người làm nghề như chị Hằng không ít. Chị Hằng chia sẻ, vào hè và gần Tết là thời điểm những người làm nghề như chị bận nhất.
Chị nói, với những bệnh nhân nặng như cấp cứu, phục hồi chức năng thì người nhà bệnh nhân sẽ phải thuê đến hai người giúp việc để thay nhau chăm sóc người nhà của mình. Chị tâm sự, hiện chị đang chăm sóc một bệnh nhân lớn tuổi bị gãy chân, tai nạn khiến bệnh nhân đó bị hôn mê đang nằm trong phòng cấp cứu và chuẩn bị chuyển sang phòng phục hồi chức năng. Người bệnh này hiện đang không làm được gì và mọi sinh hoạt đều nhờ chị Hằng quán xuyến. Với thâm niên làm việc này lâu năm, quen với việc chăm sóc người bệnh, lại sạch sẽ, chỉn chu, nên chị rất được lòng gia chủ.
Chị Hằng tâm sự, “Công việc này vất vả vô cùng, việc 1 – 2 ngày liên tiếp không được ngủ là chuyện bình thường, luôn phải tiếp xúc với nguồn lây bệnh nhưng bù lại chị có khoản thu nhập đều và không hề thấp”. Đối với một người lao động ở tỉnh lẻ, quanh năm cày thuê cuốc mướn, bây giờ mỗi ngày chị kiếm được 450.000 đồng/ngày, có đợt cao điểm là 1 triệu đồng/ngày, đối với chị số tiền đó quá lớn và giải quyết cho gia đình chị rất nhiều vấn đề.
Kể về cuộc sống của mình, chị cho biết, chị có 3 đứa con, con cả vừa học hết cấp 3, bé út mới vào lớp 1. Chồng chị nghỉ mất sức, sức khỏe yếu, từ trước tới nay chị là lao động chính trong nhà mình, ngoài 3 đưa con, người chồng bệnh tật, chị phải nuôi bố mẹ chồng già yếu. "Nhiều khi cũng buồn lắm, ngày nghỉ, tết nhất chả được về mà chơi với con, biết bao năm con lớn lên thiếu vòng tay mẹ. Mà nếu tôi về quê, xin nghỉ vài ngày là ‘mất chỗ’ ngay”.
Gần đây nhất, dịp 30/4 chị cũng phải ở lại Hà Nội trông một bệnh nhân cao tuổi bị bệnh nặng trong bệnh viện Lão Khoa. “5 ngày tôi đã có 5 triệu gửi về cho con ăn học, dù thiệt thòi vì không được gần gũi con nhưng thôi đỡ được gia đình đồng nào hay đồng nấy”, chị nói.
Sau hơn 2 năm đặt chân lên Hà Nội làm ăn, kinh qua nhiều công việc như thợ xây dựng, rửa bát, bốc vác ở chợ Long Biên, chị M.H (Thanh Hóa) quyết định dừng lại với nghiệp “ô sin bệnh viện chăm bệnh nhân” ở bệnh viện Lão khoa. Bước chân vào nghề, chị bảo bỡ ngỡ lắm, “Ban đầu tôi cảm thấy sợ hãi trước những mùi thuốc khử trùng, mùi từ những người bệnh mà mình tiếp xúc. Thấy ái ngại khi phải dọn những chất thải, bãi nôn của họ. Thế nhưng mỗi nghề mỗi khác, dù vất nhưng bù lại thu nhập cao, không sợ đói việc”.
Chị khoe tháng nào chị cũng gửi về quê cho gia đình được 15 triệu đồng. Hiện chị đang chăm sóc 1 cụ bà bị bệnh xuất huyết não, tai biến liệt nửa người bên phải mấy năm nay. Mỗi ngày chị dậy từ rất sớm để lau mình, bóp tay chân, cho ăn, vệ sinh cá nhân rồi đưa bệnh nhân đi hóng gió. Đêm đến chị thường xuyên thức giấc liên tục để cho bệnh nhân ăn và uống sữa, mỗi đêm chị chỉ chợp mắt được 3-4 giờ. “Nhiều lúc mình phải dỗ dành bệnh nhân như một đứa con nít, nhìn rất thương. Làm nghề này phải thật sự có cái tâm, xem bệnh nhân như gia đình của mình thì mới làm tốt được”, chị tâm sự.
Được biết, ở các bệnh viện luôn có mức giá chung. Chăm sóc người bệnh từ 300.000 đồng/ngày thường – 450.000 đồng/ngày tùy vào tình trạng của người bệnh. Sau 5 ngày thanh toán 1 lần. Với những bệnh hiểm nghèo có thể lây nhiễm như Lao, HIV thì tiền công sẽ cao gấp 2 - 3 lần so với bình thường.
"Nghề lương cao nhưng không phải ai cũng chịu làm"
Đó là chia sẻ rất thật từ chính những con người này. Những người làm nghề nuôi người bệnh phải thường xuyên di chuyển theo bệnh nhân từ bệnh viện này sang bệnh viện khác, hàng ngày chăm sóc bệnh nhân đến đêm khuya. Đôi khi họ còn thấy bất hạnh, buồn bã khi bị nhiều người xa lánh do sợ họ nhiễm bệnh từ bệnh nhân nhưng họ vẫn gắn bó, mưu sinh với nghề.
Tuy đã 57 tuổi nhưng chị Phạm Thị Lan (quê Cà Mau) đã gắn bó với nghề chăm sóc người ốm hơn 10 năm nay. Tuy nghề nuôi người bệnh mang lại thu nhập cao nhưng rất vất vả. Nghề này không khó làm nhưng không phải ai cũng làm được, nó đòi hỏi người làm phải có tâm với bệnh nhân mới gắn bó lâu dài với nghề.
Hiện tại chị Lan đang chăm sóc cho anh Trần Đăng Học nằm ở phòng số 4 bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (đường Âu Dương Lân, quận 8). Nhiệm vụ của chị Lan mỗi ngày là túc trực tại phòng bệnh, tắm rửa, giặt quần áo, đưa bệnh nhân đi dạo,… tất cả những việc chăm sóc cho người bệnh phục hồi chị đều làm được. Anh Học không may bị tai nạn giao thông trên đường đi làm nên bị liệt, vợ anh là giáo viên hiện tại đang mang bầu sắp đến kì sinh nở, ba mẹ của hai vợi chồng đều đã già yếu nên chị Lan nhận chăm sóc cho anh Học hơn 2 tháng nay.
Chị Lan kể: “Ngày trước ở quê ai mướn gì thì làm nấy, từ ngày mọi người dưới quê rủ lên làm nghề nuôi bệnh nhân, ban đầu thấy công việc này vất vả nhưng có lẽ do cái duyên nên cũng gắn bó với nghề này từng ấy năm. Khi nhận nuôi người bệnh thì phải di chuyển theo bệnh nhân nếu chuyển viện, làm lâu tôi coi bệnh viện như nhà mình luôn vậy, tuy rất nhớ quê nhưng để kiếm tiền nuôi gia đình nên mình phải ở lại làm quanh năm”.
Được biết, chị Lan thường nhận chăm sóc bệnh nhân ở các bệnh viện Thống Nhất, BV Tim, BV Gia Định,… ở đâu có người kêu là chị lại thu xếp đồ đạc đến. Mỗi tháng chị Lan được gia đình bệnh nhân trả lương 8 triệu đồng/ tháng, nhiều gia đình khá giả họ trả từ 10- 15 triệu/ tháng.
Cũng gắn bó với nghề này được 20 năm, chị Nguyễn Kim Hiền (59 tuổi, quê Sóc Trăng) hiện tại đang nhận chăm sóc cho người bệnh tại bệnh viện 115. Tuy đã có nhiều năm kinh nghiệm với nghề này nhưng chị Hiền nhiều lúc cũng bị sốc do nhiều người xa lánh vì sợ chị bị lây bệnh từ bệnh nhân, đôi lúc thấy buồn tủi chị lại lang thang ra hành lang rồi khóc một mình.
Chị Hiền chia sẻ: “Dù làm lâu rồi nhưng nhiều lúc người ta bảo tôi bị lây bệnh truyền nhiễm nên thấy buồn lắm. Cuộc sống khó khăn tôi phải cố gắng làm để lo cho con cái học hành. Làm cái nghề này rất dễ bị lây bệnh nhưng chăm sóc được cho người bệnh, giúp họ sớm phục hồi là vui lắm rồi”.