Những lầm tưởng trong quá trình làm đẹp da các chuyên gia da liễu khuyên mọi người đừng nên tin tưởng
Các chuyên gia sẽ làm sáng tỏ những sai lầm rất nhiều chị em mắc phải trong quá trình chăm sóc da.
Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sắc đẹp của các chị em, rất nhiều công ty mỹ phẩm đã tung ra thị trường không ít sản phẩm chăm sóc da đi kèm với quảng cáo như “có công hiệu thần kỳ” và “được các chuyên gia khuyên dùng”. Điều này khiến nhiều người cảm thấy băn khoăn khi không biết nên lựa chọn sản phẩm nào. Mua tại hiệu thuốc cũng là thách thức không kém vì bạn cần đọc qua nhãn mác, thành phần và chỉ dẫn trước khi sử dụng.
Quá nhiều sản phẩm chăm sóc da đi kèm với thông tin sai lệch đã khiến nhiều chị em mất thời gian lẫn tiền bạc vào việc cải thiện sắc đẹp. Nếu bạn cũng đang gặp phải tình trạng này, hãy tham khảo những chia sẻ của các chuyên gia dưới đây về lầm tưởng rất nhiều người mắc phải trong quá trình làm đẹp da:
Không cần kem dưỡng ẩm nếu sở hữu da dầu
Annie Chiu, chuyên gia y khoa kiêm bác sĩ da liễu ở Viện Derm tại California giải thích, các bã nhờn trên da phải hoạt động mạnh để chống lại ảnh hưởng của tình trạng mất nước. Điều này càng trở nên tồi tệ hơn với những người sở hữu làn da dầu.
Paul Friedman, chuyên gia y khoa kiêm giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Da liễu & Laser ở Houston cho biết, mọi người hãy tìm tới những loại kem dưỡng ẩm ghi “noncomedogenic”, ít có khả năng làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng serum hoặc gel để dưỡng ẩm nhằm tránh gây cảm giác nhờn cho da.
Yên tâm với sản phẩm “đã được thử nghiệm”
Một sản phẩm “đã được thử nghiệm” chỉ có nghĩa chúng đã được kiểm nghiệm để tránh gây kích ứng da và không nói lên đây là thứ các chuyên gia da liễu tin dùng. Tina Alster, chuyên gia y khoa kiêm giám đốc Viện Phẫu thuật Laser Da liễu tại Washington cho biết, thuật ngữ này không thể giúp bạn phân biệt sản phẩm được thử nghiệm tại nhà với thử nghiệm nghiêm ngặt về mặt khoa học.
Trên thực tế, thị trường hiện nay có không ít sản phẩm chăm sóc da ghi “đã được thử nghiệm” dù chỉ có một bác sĩ da liễu kiểm nghiệm. Thay vì dựa vào nhãn mác, mọi người nên nói chuyện với bác sĩ để lựa chọn sản phẩm chăm sóc da phù hợp nhất.
Phát ban báo hiệu dị ứng
Ngoài dị ứng, hàng loạt các vấn đề về da khác như bệnh vảy nến, chàm, tăng tiết bã nhờn có thể gây ra tình trạng phát ban. Bệnh vẩy nến ảnh hưởng đến hơn 7,5 triệu người Mỹ trưởng thành. Tuy gây ra các triệu chứng giống với bệnh chàm, đây lại là bệnh tự miễn và thường liên quan đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác như viêm khớp. Người mắc có thể phải dùng thuốc để kiểm soát triệu chứng do bệnh gây ra. Nhìn chung, “tiến sĩ Google” không thể khẳng định mẩn ngứa trên da là dấu hiệu của dị ứng. Do đó, bạn hãy đi khám càng sớm càng tốt nếu nhận thấy những thay đổi bất thường trên da.
Vitamin E giúp làm mờ sẹo và rạn da
Không những không làm mờ sẹo và vết rạn da, vitamin E còn có thể gây kích ứng da của bạn. Một nghiên cứu đã chỉ ra, 1/3 số người bôi vitamin E lên vết sẹo gặp phải tình trạng phát ban, ngứa và mẩn đỏ.
Theo chuyên gia Annie, thời gian là thứ giúp làm mờ sẹo và vết rạn da tốt nhất. Bạn có thể dùng thêm các loại kem dưỡng da chứa axit hyaluronic, retinol và thuốc tretinoin để đẩy nhanh quá trình này. Tránh ánh nắng mặt trời cũng là điều cần thiết vì các vết sẹo có xu hướng chuyển màu sẫm, trở nên nổi bật trên da. Nếu bạn muốn loại bỏ sẹo hoặc vết rạn da thật nhanh, hãy nói chuyện với bác sĩ da liễu để thực hiện liệu pháp laser hoặc lăn kim, dùng kim nhỏ chích vào da để kích thích cơ thể sản xuất collagen và elastin.
(Nguồn: Pre)