Những kiêng kỵ trong ngày đầu năm mới

Trần Trang,
Chia sẻ

Những ngày đầu năm, người Việt thường có những tục kiêng kỵ để tránh những điều xui xẻo, không hay đến với gia đình, người thân của mình.

Tết Nguyên đán là những ngày đặc biệt linh thiêng và ý nghĩa đối với mỗi người Việt. Những ngày đầu năm, người Việt thường có những tục kiêng kỵ để tránh những điều xui xẻo, không hay đến với gia đình, người thân của mình.

Kiêng đi chúc Tết vào sáng mùng 1

Xuất phát từ phong tục xông nhà, xông đất đầu năm, người đầu tiên bước vào nhà ai trong sáng mùng 1 tết chính là người quyết định đem lại sự may mắn hoặc xui xẻo cho gia đình ấy trong cả năm. Người xông đất là người được lựa chọn các tiêu chí sức khỏe tốt, tình tình hiếu thuận, đang phát tài và hợp tuổi, hợp mạng với gia chủ. Vì thế, nếu không được gia chủ mời, người Việt thường tránh đi chúc tết vào sáng mùng 1 Tết.

Những kiêng kỵ trong ngày đầu năm mới 1
Sáng mùng 1 Tết, người ta thường ở nhà đón người xông đất, ít khi đi chúc Tết nhà người khác. (Ảnh minh họa)

Kiêng chúc Tết người đang ngủ

Trong những ngày Tết, nhất là ngày mùng 1, nên tránh chúc Tết với người đang ngủ mà phải đợi đến khi họ ngủ dậy, tỉnh táo rồi mới được chúc, vì nếu không, người được chúc Tết sẽ bị “trù” là cả năm phải nằm trên giường bệnh. Nếu bạn đến chúc Tết mà gặp ai đó đang ngủ, tốt nhất là nên… chờ dịp khác chứ không được đánh thức họ.

Những kiêng kỵ trong ngày đầu năm mới 2
Không nên chúc Tết người đang ngủ. (Ảnh minh họa)

Ngay cả người nhà cũng kiêng không đánh thức ai dậy trong những ngày Tết mà phải để người ta tự dậy vì quan niệm người nằm ngủ sẽ phải chịu sự thúc giục của người khác trong công việc quanh năm.

Kiêng xin/cho lửa và nước

Vì quan niệm lửa là đỏ, là may mắn nên cho người khác cái đỏ trong những ngày Tết thì cả năm đó gia đình sẽ không giữ được tiền bạc, gặp nhiều điều xui rủi, các thành viên ra đường hay gặp tai vạ.

Cũng như lửa, nước được ví như “nguồn tài lộc”. Người Việt tin rằng năm mới đến sẽ đem theo của cải nhiều như nước nên nếu cho nước thì coi như… mất lộc. Trước khi bước sang năm mới, các gia đình ở nông thôn thường đổ đầy nước vào bể, vào chum hoặc vại.

Những kiêng kỵ trong ngày đầu năm mới 3
Các gia đình Việt có thói quen tích trữ nước cho năm mới may mắn. (Ảnh minh họa)

Sáng mùng 1 Tết, nhiều nhà thời xưa còn thuê người gánh nước đến và mừng tuổi cho họ đôi ba hào, thế là cả chủ nhà lẫn người gánh thuê đều hả hê vì sẽ có một năm mới may mắn, tốt lành.

Kiêng mở tủ vào ngày mùng 1

Ngưởi Việt cũng kiêng không mở tủ vào ngày mùng 1 Tết vì tin rằng nếu mở tủ thì tiền tài sẽ thoát ra trong năm mới. Các thành viên trong gia đình nếu muốn lấy quần áo diện ngày đầu năm hay các đồ đạc khác trong tủ thì phải lấy trước thời điểm giao thừa.

Những kiêng kỵ trong ngày đầu năm mới 4
Người Việt kiêng mở cửa tủ trong ngày mùng 1 Tết vì sợ hao tài.(Ảnh minh họa)

Kiêng cho vay, trả nợ

Xuất phát từ quan niệm ngày đầu xuân là để mở cửa, đón lộc vào nhà, Việc vay muợn hoặc trả nợ trong những ngày này cũng bị coi là cấm kỵ. Nếu cho vay tiền hay trả tiền, ta giống như “dâng” tài lộc vào tay người khác, cả năm sẽ rơi vào cảnh túng thiếu. Vì vậy, trước chiều 30 Tết, các chủ nợ thường đi đòi hết các khoản nợ nần; con nợ cũng phải thu xếp tiền trả nợ trước giao thừa.

Những kiêng kỵ trong ngày đầu năm mới 5
Cho vay, trả nợ trong những ngày Tết cũng là một điều kiêng kỵ. (Ảnh minh họa)

Kiêng để thùng gạo, hũ muối vơi

Những ngày Tết, người Việt cũng không để thùng gạo, hũ muối trong nhà vơi đi. Họ thường đổ đầy gạo vào thùng hoặc cối xay gạo, ngụ ý cầu mong năm mới lúa gạo đầy tràn. Sáng mùng 1 Tết, nhiều người cũng có thói quen mua muối để đổ đầy hũ. “Đầu năm mua muối, cuối năm mua gạo” là vậy.

Những kiêng kỵ trong ngày đầu năm mới 6
Tết đến, nhà nào cũng muốn gạo đầy bồ, muối đầy hũ. (Ảnh minh họa)


Kiêng quét nhà, đổ rác

Quan niệm dân gian cho rằng, nếu quét nhà, đổ rác trong 3 ngày đầu năm là quét hết tiền bạc, vận đỏ ra khỏi nhà, cả năm đó sẽ nghèo túng, khánh kiệt, thần tài sẽ đi mất nên những ngày này, việc dọn dẹp nhà cửa thường được “miễn”.

Ngày 30 Tết, dù bận rộn đến đâu, các gia đình đều dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, bàn thờ sạch sẽ. Những ngày Tết thì mọi người phải hết sức giữ gìn nhà cửa không vứt rác bừa bãi; nếu có quét nhà, rác cũng được gom gọn để ở các góc nhà hoặc ở sân.

Những kiêng kỵ trong ngày đầu năm mới 7
Việc quét dọn đón Tết thường kết thúc vào ngày 30 tháng Chạp. (Ảnh minh họa)

Ở Nam bộ, sau khi quét dọn, người ta còn cất hết chổi vì tin rằng ngày Tết bị mất chổi có nghĩa là năm đó nhà sẽ bị trộm vào vét sạch của cải.

Kiêng về nhà ngoại vào ngày mùng 1, 4, 5 Tết

Ở nhiều vùng, phụ nữ có chồng còn kiêng về nhà ngoại vào các ngày mùng 1, 4, 5 Tết và chỉ về vào ngày mùng 2, 3 Tết vì tin rằng, như vậy mới tránh cho nhà ngoại thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Kiêng một số món ăn

Các món ăn như thịt chó, cá mè, thịt vịt, mực, cua… thường bị kiêng trong những ngày đầu năm vì người ta tin rằng chúng sẽ mang lại vận “đen”. Một số vùng còn không ăn tôm vì sợ công việc cả năm sẽ… giật lùi như tôm chứ không thể thăng tiến.

Những kiêng kỵ trong ngày đầu năm mới 8
Một số vùng kiêng ăn tôm trong những ngày Tết. (Ảnh minh họa)

Ở miền Trung và miền Nam, một số loại hoa quả cũng bị kiêng trong năm mới như cam (cam chịu), lê (lê lết), sapôchê – hồng xiêm (chê bai), chuối (chúi). Trong mâm trái cây, người miền Nam cũng chỉ bày quýt mà không bày cam vì sợ rằng “quýt làm cam chịu”.

Kiêng đổ vỡ, vấp ngã

Ông bà ta quan niệm, những từ “vỡ”, “bể” là những từ tạo nên sự chia cắt, đứt lìa, không may mắn trong năm mới. Những ngày đầu năm, người già thường khuyên con cháu phải cẩn thận, không được đánh vỡ bát đĩa, ấm chén, gãy đũa… vì điều đó khiến gia đình chia rẽ, bất hòa cũng như là điềm gở, báo hiệu sự không suôn sẻ trong các mối quan hệ xã hội.

Đầu năm, người ta cũng chú ý đi đứng cẩn thận, ngay ngắn, tránh trượt chân, vấp ngã vì sợ “dông” cả năm. Trượt chân hay vấp ngã tượng trưng cho sự xui xẻo, trục trặc trong công việc.

Kiêng nói “dông”

Ngày đầu năm, người Việt cũng tránh không nói tới điều rủi ro, những chuyện tai nạn, chết chóc. Những câu cửa miệng như: “Chết rồi!”, “Tiêu rồi!” cũng bị kiêng vì sợ xúi quẩy cả năm.

Kiêng khóc lóc, cãi vã

Những ngày đầu năm là thời gian của sum vầy, thư giãn vui vẻ, mọi người trò chuyện trong không gian thân mật, hòa nhã, cùng chia sẻ niềm vui và chúc nhau một năm mới an khang, thịnh vượng, may mắn. Những chuyện khóc, buồn bã và bực tức phải hạn chế, nếu không, cả năm sẽ gặp nhiều chuyện buồn, lo nghĩ. Nếu ai bất đắc dĩ phải rơi vào hoàn cảnh không vui cũng phải cố gắng kìm chế, không được khóc hoặc cau có.
Chuyện cãi cọ, tạo ra sự ồn ào, hỗn loạn với hàng xóm láng giềng, bạn bè và người thân trong gia đình cũng phải tránh.

Kiêng ngồi hoặc đứng trước cửa

Việc đứng hay ngồi án ngữ trước cửa chính trong dịp năm mới, nhất là với phụ nữ, không chỉ vô duyên mà còn được coi là hành động gây phương hại đến vượng khí của gia đình. Những ngày Tết, hầu hết các nhà đều mở cửa rộng để đón lộc, nên nếu có ai ngồi, đứng trước cửa, luồng khí tốt lành của năm mới trên đường vào nhà sẽ bị chặn lại, hao tán đi, khiến gia đình đó không được may mắn, thành công, hạnh phúc.

Kiêng vỗ vai, quàng vai người khác

Nhiều người rất ghét bị vỗ vai, quàng vai, níu tay trong những ngày đầu năm mới, dù đó chỉ là một hành động thân mật. Nhiều người quan niệm, bị vỗ vai, quàng vai hay níu tay trong dịp tết nghĩa là họ sẽ bị xui xẻo, gặp chuyện buồn về tình duyên hay hạnh phúc gia đình.

Kiêng mai táng

Những ngày Tết Nguyên đán là ngày vui, mở đầu cho vận hội hanh thông của cả một năm và có ý nghĩa rất thiêng liêng, nên người Việt kiêng mai táng vào dịp Tết, đặc biệt là các ngày mùng 1, 2, 3.  Trường hợp gia đình ai có người “đi” vào ngày 30 tháng Chạp, họ sẽ nhanh chóng chôn cất cho kịp trước Tết hoặc đợi sau 3 ngày Tết mới phát tang.

Với những nhà có tang, trong 3 năm liên tiếp sẽ kiêng kiêng đi chúc Tết, mừng tuổi họ hàng, làng xóm và sẽ mang vận rủi, nỗi buồn đến cho người được chúc Tết. Hàng xóm, họ hàng cũng kiêng đến chúc Tết những gia đình có tang trong 3 ngày đầu năm và có thể đến vào những ngày sau đó.

Kiêng mặc quần áo màu trắng, đen

Theo quan niệm của người xưa, mùa xuân phải là mùa của sinh sôi nảy nở, của vận may nên đầu năm, mọi người thường phải mặc trang phục màu sắc sặc sỡ (hồng, đỏ, vàng, xanh...), tạo nên sự  hứng khởi tươi vui. Các màu tẻ nhạt, u trầm thường được kiêng, đặc biệt hai màu trắng và đen - màu của tang lễ, chết chóc. Nếu ai đến nhà người khác chúc Tết mà mặc trang phục với màu chủ đạo là trắng hoặc đen sẽ bị coi là xúi quẩy, không tôn trọng gia chủ.

Những kiêng kỵ trong ngày đầu năm mới 9
Trang phục của ngày Tết thường có màu sắc sặc sỡ, họa tiết tươi vui. (Ảnh minh họa)

Kiêng xõa tóc

Ở một số gia đình, nhất là ở miền Bắc, người ta rất kiêng việc phụ nữ để tóc xõa, lòa xòa trong những ngày Tết. Họ cho rằng phụ nữ xõa tóc gợi lên liên tưởng những hình ảnh của cõi âm nên thường nhắc những phụ nữ trong nhà buộc, tết, cặp lại tóc gọn gàng khi tiếp khách cũng như ra đường du xuân. Nhiều gia đình còn kiêng cả chuyện chải đầu trong nhà vì cho rằng tóc rơi xuống sàn sẽ là việc xui xẻo.

Những kiêng kỵ trong ngày đầu năm mới 10
Trong những ngày Tết, chị em phụ nữ nên buộc, kẹp tóc gọn ghẽ thay vì xõa tóc. (Ảnh minh họa)

Một số tục kiêng kỵ từ ngày xưa vẫn còn được lưu truyền đến hôm nay đã tạo nên những nét riêng cho ngày Tết nguyên đán, tất cả đều mong một năm mới an lành, hạnh phúc và thịnh vượng.
Chia sẻ