Những điều bạn nên biết về probiotic
Nếu dùng đúng liều thì probiotic sẽ đem lại những lợi ích nhất định nhưng nếu dùng sai cách thì kết quả mang lại có thể khiến bạn thất vọng.
1. Các chất bổ sung probiotic không phải đều như nhau
Về mặt lý thuyết, tất cả các loại thực phẩm có trên thị trường tuy bổ sung cùng một loại probiotic duy nhất nhưng lại rất khác nhau. Thực tế, chỉ có một số chế phẩm sinh học có một dòng sinh vật duy nhất, có những loại probiotic có nhiều chủng khác nhau. Tuy đều có thể mang đến những lợi ích nhất định nhưng những chủng khác nhau của cùng một loại probiotic có thể có tác dụng khác nhau đối với sức khỏe.
Nồng độ vi khuẩn cũng có thể rất khác nhau giữa các sản phẩm được bổ sung probiotic. Bởi các sinh vật này có thể có hiệu ứng khác nhau trên cơ thể và việc nêu ra lợi ích sức khỏe chính xác cũng như cơ thế tác động chi tiết của từng loại probiotic là khó khăn cho các nhà khoa học.
2. Probiotics không thể thay thế thuốc
Mặc dù một số người có thể thích phương pháp điều trị tự nhiên, nhưng các chế phẩm sinh học được nghiên cứu và bổ sung vào các loại thực phẩm thường được khuyên dùng kết hợp với các loại thuốc chứ không phải là một biện pháp thay thế thuốc.
Các nhà khoa học nhấn mạnh việc dùng probiotics kết hợp với thuốc giúp tăng hiệu quả điều trị. Mọi người nên sử dụng chế phẩm sinh học như một chất bổ sung vào phương pháp điều trị hoặc phòng ngừa bệnh.
Nếu dùng đúng liều thì probiotic sẽ đem lại những lợi ích nhất định nhưng nếu dùng sai cách thì kết quả mang lại có thể khiến bạn thất vọng. Ảnh minh họa
3. Số lượng lợi probiotic ghi trên nhãn thực phẩm không phải luôn chính xác
Nhãn thực phẩm thường không nói cho người tiêu dùng biết chính xác có bao nhiêu vi khuẩn có lợi thực sự có trong thực phẩm, thay vào đó, các nhà sản xuất thường ghi dòng chữ “có bổ sung lợi khuẩn sống". Việc niêm yết chính xác số lượng lợi khuẩn là điều rất khó, nhưng ít nhất các nhà sản xuất có uy tín cũng sẽ ghi rõ loại chế phẩm sinh học mà họ bổ sung vào thực phẩm. Thông thường, thông tin về con số chỉ ra số lượng tương đối các vi khuẩn có trong thực phẩm cũng như niêm yết rõ chi, loài của các lợi khuẩn.
Bạn cũng cần lưu ý rằng, số lợi khuẩn được niêm yết căn cứ vào tình trạng thực phẩm"tại thời điểm sản xuất". Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng không thể đảm bảo số lượng vi khuẩn này sẽ còn sống vào thời điểm bạn sử dụng. Bên cạnh đó, một số sản phẩm có thể thậm chí không chứa các sinh vật sống, hoặc chứa ít hơn số lượng tuyên bố trên nhãn nhiều lần. Một nghiên cứu thực hiện vào năm 2013 bởi ConsumerLab.com, một dịch vụ thử nghiệm độc lập, thấy rằng có khá nhiều thực phẩm chứa ít vi khuẩn hơn so với quảng cáo, các sản phẩm này chỉ chứa 16-56% số lợi khuẩn được niêm yết trên nhãn.
4. Không phải loại sữa chua nào cũng chứa nhiều probiotic
Tất cả sữa chua đều chứa các vi khuẩn sống có chứa Lactobacillus bulgaricus và Streptococcus thermophilus. Ngoài hai loại lợi khuẩn nêu trên,những lợi khuẩn khác tồn tại trong sữa chua là do các nhà sản xuất thêm vi khuẩn probiotic khác sau khi thanh trùng, chẳng hạn như L. acidophilus, L. bulgaricus, L. rhamnosus và L. casei.
5. Probiotic không giúp ngăn ngừa cảm lạnh
Chúng ta thường tìm kiếm các sản phẩm có chứa probiotics để hỗ trợ hệ thống miễn dịch và đẩy lùi các bệnh cảm cúm thông thường. Thế nhưng nhiều nhà nghiên cứu đã lên tiếng cảnh báo không nên quá tin tưởng cũng như lạm dụng các thực phẩm bổ sung probiotics. Mặc dù có một số ít dữ liệu sơ bộ đặt ra giả thiết chế phẩm sinh học có thể giúp tránh cảm lạnh, nhưng trên thực tế tới nay chưa hề có cuộc thử nghiệm đáng tin cậy nào đưa ra kết quả khẳng định điều này.