Nhói lòng với những đứa trẻ “không muốn lấy chồng vì sợ bị đánh”
Chỉ với 4 phút, video clip có tên “Thì sông cứ chảy” do một facebooker đăng tải, đã lấy biết bao nước mắt của cư dân mạng. Câu trả lời hồn nhiên của những đứa trẻ "Con không muốn lấy chồng vì sợ bị đánh" khiến cư dân mạng nhói lòng xót xa.
Ngày hôm qua 31/5/2015, một đoạn clip được đăng tải trên Facebook thu hút sự chú ý đặc biệt của cư dân mạng.
Đoạn video được quay giản dị và mộc mạc về những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở một vùng sông nước nghèo khó. Cái nghèo cái khó buộc các em không thể tới trường, không được học chữ mà phải lăn lộn đi làm thêm giúp bố mẹ. Khi được hỏi vì sao các em không đi học, những ánh mắt hồn nhiên và câu trả lời ngây thơ của các em khiến cư dân mạng phải xót xa. Bởi lý do đưa ra là vì không có giấy khai sinh, vì còn phải đi bán vé số, vì không có tiền...
Có lẽ vì thế mà ước mơ của những đứa trẻ rất thiết thực: Chúng ước được đi học để không phải lang thang bán vé số khắp nơi. Ước có căn nhà để được ở trên bờ bởi nước sông dơ quá, trên bờ vui hơn vì có thể đi siêu thị, có thể được bán đồ. Có đứa ước sao có tiền để trả nợ cho bố mẹ, để bố mẹ đỡ khổ.
Nhưng hiện thực cuộc sống của những đứa trẻ này lại đang bị cái nghèo cái khó bó buộc. Gia đình chúng không có đất, không có tiền, không thể có căn nhà mơ ước. Và vì thế, cuộc sống của chúng vẫn lênh đênh gắn liền với sông nước, với tiếng bập bềnh của sóng vỗ mạn thuyền.
Chúng sợ hãi về một tương lai giống những người khác đang phải sống. Chúng không muốn lấy chồng vì sợ “nó” uống rượu về “nó” đánh. Chúng nhìn thấy những người phụ nữ khác bị đánh “quá trời luôn”, “đập nhà luôn” vì thế chúng sợ hãi.
Video "Thì sông cứ chảy "chứa đựng nhiều cảm xúc của cả tác giả và ước mơ của những đứa trẻ, đã lấy biết bao nước mắt của người xem.
Video vô cùng chân thực, âm thanh bên trong đôi lúc hỗn loạn bởi tiếng xuồng máy, tiếng chèo thuyền, tiếng cười nói vô tư của những đứa trẻ, tiếng người mẹ gọi con, tiếng chó sủa... Câu trả lời của những đứa trẻ cũng phải chú ý lắng nghe mới có thể hiểu điều chúng muốn nói. Và đến khi hiểu rồi, nhiều người sẽ nhói lòng.
Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi đăng tải, đoạn video đã nhận được hơn 1000 lời bình luận của cư dân mạng. Đa phần là sự thương cảm, nỗi lòng xót xa đối với những đứa trẻ nghèo khó này.
Bên cạnh những lời cảm thán “Đắng”, “Tội nghiệp”, “Xót xa quá!”, “Thương các con!” là lời bình luận chứa đựng nhiều tình cảm của cư dân mạng.
Thành viên Ngân Đình chia sẻ: “Sau này nếu có điều kiện về tài chính, mình sẽ ra sức giúp các em có cuộc sống tốt đẹp hơn, thương quá!”.
Nickname Minq Quyết xúc động bình luận: “Hình ảnh mộc mạc, giản dị và những ước mơ gắn liền với tuổi thơ”. Và bạn Hiu Gi Ruby: “Những tâm hồn trẻ thơ lênh đênh sóng nước và những ước mơ đẹp. Mong rằng ước mơ của các em sẽ được thực hiện”.
Bạn Van Nguyen cũng đồng cảm: “Thương các em!... Vì gia đình nghèo mà tuổi thơ của các em cùng chung sống trên miền sông nước. Những ước mơ của các em mộc mạc và dễ thương”.
Thành viên Tịnh Nguyễn Thanh cảm khái: “Thật xót xa khi nghe những câu trả lời hết sức ngây ngô và đầy u uẩn của các cháu bé này! Ôi những công dân tương lai của nước Việt tôi đây sao?... Xem xong video clip này mà nghe lòng nặng trĩu”.
Những lời bình luận đầy xúc cảm của cư dân mạng.
Nickname Nguyễn Phương Anh chia sẻ: “Những ước mơ giản đơn mà tưởng chừng hơi khó. Nghe câu con muốn đi học mà thấy thương”.
Đồng quan điểm, bạn Trang Bi xúc động nói: “Thương quá, cứ sống thế này bao giờ mới hết khổ”.
Thành viên Iris Queen cũng thốt lên: “... Tuy mấy em rất hồn nhiên nhưng có những câu trả lời khiến người lớn phải suy ngẫm. Tuy nhỏ tuổi nhưng suy nghĩ của các em khá già dặn và có phần người lớn. Tội mấy em thật!”.
Với khoảng độ dài chỉ hơn 4 phút, nhưng đoạn video clip đã ghi lại trọn vẹn những xúc cảm và ước mơ của các em nhỏ sống trên ghe, thuyền quanh năm chỉ biết mùi cá tanh và mùi nước đục. Nụ cười của các em vẫn nở trên môi, nhưng ai biết số phận, tương lai của các em sẽ như thế nào? Liệu có tiếp nối những người phụ nữ khắc khổ mà các em vẫn chứng kiến hàng ngày? Câu hỏi mà đa phần cư dân mạng cảm thán đưa ra “Bao giờ các em mới được đến trường?” vẫn đang là bỏ ngỏ.