Câu chuyện về người ăn xin làm cư dân mạng dậy sóng tranh luận
Câu chuyện về người ăn xin chưa rõ thực hư lừa đảo hay không, đã khiến cư dân mạng bùng nổ và sôi sục với những luồng ý kiến trái chiều.
Mới đây, một diễn đàn mạng đã đăng tải video kèm lời giải thích về một người đàn ông có gương mặt khắc khổ, nói mình bị u gan, vợ mất vì ung thư, con cái còn nhỏ không thể lên đón bố. Hiện bệnh tình không có tiền chữa trị nên phải lang thang khắp Hà Nội xin tiền.
Clip sau khi đăng tải đã thu hút rất nhiều bình luận. Có bạn cảm thấy mủi lòng xót thương, như bạn Trần Minh Hoàng chia sẻ: “Chả biết thật hay như nào nhưng mà cứ vào hoàn cảnh như này kiểu gì mình cũng mủi lòng”.
Nhưng bên cạnh đó, cũng có người cho rằng “ông chú” này lừa đảo, lợi dụng lòng tốt của mọi người. Chuyện này được các thành viên đưa ra nhiều dẫn chứng, phản hồi rằng từ năm ngoái đến nay đã gặp người đàn ông này ở nhiều địa điểm khác nhau và đều nghe được câu chuyện về hoàn cảnh khốn khó như vậy. Nhiều bạn đã cho tiền giúp đỡ người đàn ông, mức tiền từ vài chục ngàn tới cả triệu đồng.
Như thành viên có nickname Tiến Anh Nguyễn khẳng định: “100% ông này lừa đảo, em gặp ông này ở ngay sát nhà em luôn. Đang đi tự dưng khựng lại xong mặt mày nhăn nhăn y hệt. Mình thì không có nhiều tiền nên cũng ki bo, nửa ngờ nửa tin, song có cho chú ấy 50k... Hỏi thì chú ấy bảo bị ung thư gan gủng cái gì ấy, rồi khi có tiền lại đứng lên đi khập khiễng ra nơi khác kiếm ăn”.
Bạn Ly Xuân Ly cũng chỉ rõ: “Năm ngoái, chú này vật vã trước cửa hàng nhà mình. Mình và khách hàng cho tổng mất triệu. Nhưng mình tưởng chú về quê rồi sao giờ lại ở đây? Chú lừa mình cũng được đừng bị bệnh là oke. Mong chú đừng đi lừa người ta nữa”.
Video người đàn ông ăn xin có khuôn mặt khắc khổ nhăn nhó.
Câu chuyện về người ăn xin này hiện chưa rõ thực hư như thế nào, nhưng xung quanh đó đã có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc có nên giúp đỡ người ăn xin hay không.
Nổi bật lên là 3 luồng ý kiến. Có bạn cho rằng những người lợi dụng lòng tốt để kiếm ăn là xấu xa, đáng bị phê phán. Có thành viên lại không đồng tình, họ cho rằng đã giúp đỡ người khác thì không nên bới móc, bởi sự giúp đỡ này không ai ép buộc bạn phải làm vậy. Còn có những bạn tốt đến mức cho rằng bị ông ta lừa càng tốt, vì như vậy tức là không có người đàn ông nào mắc bệnh hiểm nghèo, không có gia đình nào khó khăn khổ sở.
Về ý kiến cho rằng những trường hợp như thế này đều là lừa đảo, không nên cho tiền khiến lòng tốt bị lợi dụng, thành viên Viet Lasuco nhận định: “Sợ nhất gặp siêng ăn nhác làm, đi lợi dụng, sống trên lòng tốt của mọi người”.
Thành viên Vũ Thương Thương cảnh báo: “Giờ toàn lừa đảo ăn xin, làm không làm toàn nghĩ tới ba cái chuyện giả khổ xin ăn. Mọi người nên tìm hiểu kỹ trước khi cho tiền nhé!”.
Hay bạn Nguyễn Minh Hằng bình luận: “Chia buồn với các anh em đã mất tiền”. Bạn Hằng Phương Hằng: “Kiểu này lại lợi dụng nguyên kiểu lấy tiền xong đi mất hút”.
Thành viên Anh Tuấn cảm thán: “Xã hội như này bảo sao con người ta ngày càng vô cảm”.
Đồng quan điểm với Anh Tuấn, thành viên Thảo Hương cũng xót xa: “Vì một số người lợi dụng lòng tốt của người khác để mưu lợi mà những người khổ thật cần giúp thì bị mọi người đề phòng”.
Đã có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh câu chuyện về người ăn xin này.
Về ý kiến cho rằng, việc giúp đỡ người khác là việc ở tâm, không ai ép buộc, đã giúp rồi thì không nên quay lại mắng mỏ, trách móc lừa đảo, lợi dụng gì. Còn chưa giúp thì không thể chỉ trích người khác được. Facebook mang tên Hà Kiều Anh rất bức xúc: “Nói chung là ai thấy muốn giúp, không thì thôi. Người ta cũng không ép mình mà. Tại tâm hết thôi. Còn như một số bạn đã giúp đã cho tiền rồi thì thôi. Người ta lớn tuổi rồi, đừng chửi là thằng này thằng nọ. Mình giúp người ta rồi sau sẽ có người giúp mình thôi”.
Bạn Dương Anh bình luận: “Thấy khổ thì cứ giúp, nếu người ta đem lòng tốt của mình phục vụ cho lợi ích riêng thì người ta cũng phải trả nghiệp, giúp nhầm còn hơn bỏ sót”.
Thành viên Cong Cớn cũng đồng tình: “Thật ra làm phúc thì mình cứ làm thôi. Tích đức cho bản thân cho gia đình. Còn người ta làm gì, thật hay giả đi nữa thì là số phận của người ta. Nhìn cũng khổ thật. Nghe nói mà thấy nghẹn cả người”.
Luồng ý kiến thứ ba với quan điểm những người rơi vào bước đường cùng mới phải nói dối đi xin ăn. Bản thân họ không ai muốn làm như vậy và các bạn này cho rằng thà bị lừa, mất tiền còn hơn là người ta đàn ông này thật sự mắc bệnh và có hoàn cảnh éo le như thế, cũng được rất nhiều bạn đồng tình.
Nổi bật là bình luận của bạn Trà My: “Dù sao thì không có tiền họ mới làm như thế. Nhìn chú cũng già rồi, đáng lẽ ở tuổi này chú phải được con cái phụng dưỡng”.
Thành viên Bảo Linh chung ý kiến: “Người ta không khó khăn thì người ta cũng không làm vậy”.
Đến bây giờ, cuộc tranh luận vẫn chưa ngã ngũ nhưng từ câu chuyện của người đàn ông ăn xin này đã cho thấy một vấn đề đang nảy sinh trong xã hội. Việc dựng chuyện ăn tiền, lợi dụng lòng tốt của người khác đang nhen nhúm và ngày càng lan rộng. Tuy nhiên, khi gặp một người ăn xin ngoài đường, để xác minh được thật giả không phải là dễ, nếu vì nghi ngờ mà không giúp đỡ thì đó sẽ là thiệt thòi lớn cho những người thực sự khó khăn.